​GIỮ LẠI VÀ THAY ĐỔI

KTS LƯU TRỌNG HẢI 23/01/2015 20:01 GMT+7

Cuộc sống là một sự phát triển và biến đổi không ngừng, mỗi thời đại đều có những yêu cầu riêng của nó. Ngày xưa ta đã quen nghe những bản nhạc lãng mạn, trữ tình thời tiền chiến, rồi đến những ca khúc hào hùng thời kháng chiến và như đã ngấm sâu vào máu thịt của ta khiến bây giờ ta không sao nghe nổi những bài hát mới của lớp trẻ. Tôi đã cố lắng nghe thì ra không phải thế. Ngoài những bài hát quá dễ dãi, vẫn có rất nhiều bài khi nghe ta cảm thấy có gì đó mới mẻ hơn, bừng bừng sức trẻ hơn, vẫn còn chút gì đó sắc màu của Việt Nam dù đó là dân ca đương đại hay là rock.

Luôn có xung đột giữa cũ và mới trong kiến trúc đô thị. Vấn đề là làm cho chúng hài hòa với nhau - Thuận Thắng

Tản mạn “cái sự” hoài niệm

Ngày trước phụ nữ chỉ áo sơmi hoặc áo bà ba với quần lụa đen, còn bây giờ thì sao? Các cô gái ăn mặc đủ kiểu đủ mốt, có một số hơi quá lố, hở hang hơi bị nhiều nhưng đẹp và dáng dấp hơn xưa, chưa kể bây giờ chiếc áo dài vẫn còn đó dù đã có ít nhiều đổi thay. Có một thời thanh niên để tóc dài và mặc quần ống loe đã bị cắt đi. Thời ấy là thời ấy, còn bây giờ là bây giờ.

Tàu điện Hà Nội là một cái gì đó không thể phai mờ trong ký ức những người từng sống ở Hà Nội. Anh thanh niên vít vào thành tàu, ông mù hát xẩm trên tàu, những chiếc quang gánh vắt vẻo phía đuôi tàu, và những tiếng leng keng leng keng lúc 3g sáng. Sao ta quên, sao ta quên!

Nhưng rồi đến lúc nào đó cái tàu điện cũ kỹ ấy phải bỏ đi và thay vào đó là những tuyến đường sắt đô thị hiện đại.

Xây và giữ

Vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, đất nước đổi mới mở cửa, nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào tới tấp. Nhu cầu là những khách sạn, văn phòng, căn hộ cao cấp và tất cả đều xây cao tầng, hơn nữa họ đều muốn xây ở những vị trí đẹp nhất.

Thành phố bấy giờ chỉ quen với ngôi nhà thấp tầng, một lô kiến trúc cao ngồn ngộn mọc lên sẽ như thế nào đây. Ngôi nhà ở đường Pasteur, phía sau UBND TP.HCM, một khối nhà xám xịt, từ phía đường Nguyễn Huệ nhìn lại thật khó coi. Thế là dấy lên một làn sóng dư luận gay gắt phê phán nhà cao tầng. Và cái lý chính để người ta phản đối là “Đừng để mất đi cái Sài Gòn xưa”.

Vâng, Sài Gòn xưa của một thời, đầy những ký ức, đầy những kỷ niệm thân thương, làm sao có thể để mất đi được.

Nhưng cuộc sống không thể chỉ dừng lại ở những ký ức, những kỷ niệm, cuộc sống phải đi lên cùng những cái mới mẻ của thời đại. Hiện đại hóa trung tâm thành phố dường như là điều không thể cưỡng lại được, đất chật người đông, nhu cầu ngày càng lớn và dĩ nhiên chỉ có nhà cao tầng mới có thể đáp ứng được.

Còn nhớ hồi ấy có hai công trình xin xây ở vị trí đắc địa phía trước và phía sau nhà thờ Đức Bà. Sao có thể để cho những công trình mới lấn át hay đè bẹp những kiến trúc quá đẹp, quá ấn tượng và đầy kỷ niệm một thời của Sài Gòn như thế. Vấn đề bảo tồn đã được đặt ra.

Bây giờ tổ hợp Diamond Plaza và cao ốc Metropolitan đã mọc lên, khá hài hòa với khung cảnh xung quanh, có gì đó mới mẻ hơn mà vẫn gần gũi, thân thiết với người Sài Gòn. Vấn đề là phải biết cách làm như thế nào để thành phố vẫn phát triển theo kịp thời đại nhưng vẫn giữ lại được cái gì thân thuộc, gắn bó.

Gần đây thành phố quyết định phá bỏ thương xá Tax để xây dựng công trình mới đã làm cho nhiều người phải suy nghĩ. Thương xá Tax là một công trình đã có tuổi thế kỷ, là kiến trúc xây dựng theo phong cách Art Deco của phương Tây, đã là chốn đi lại quen thuộc của nhiều người. Mất nó đi cũng tiếc lắm chứ.

Nhưng Tax không phải là một công trình có giá trị đặc sắc về kiến trúc hay văn hóa và đã bị sửa đi sửa lại mấy lần. Xây ga tàu điện ngầm, dĩ nhiên công trình mới có thể hài hòa với những cái vốn có âu cũng là chuyện có thể chấp nhận được.

Tất nhiên Sài Gòn rồi cũng sẽ như những thành phố lớn trong khu vực, nhà cao tầng sẽ là chủ yếu. Nhưng có một điều xin đừng quên phố phường là một nét rất đặc trưng của những đô thị Việt Nam, nhất là những phố chuyên doanh.

Thành phố ở Việt Nam vui hơn, nhộn nhịp hơn, sống động hơn chính là nhờ những dãy phố. Xin đừng làm mất đi những dãy phố đầy tính chất truyền thống đó. Ai chẳng nuối tiếc một thời mình đã sống, ai có thể quên đi những kỷ niệm xưa, nhưng không ai không muốn có những cái mới hơn, hợp thời hơn.

Phải có cái xưa thì mới có cái nay và cái của ngày mai, có hoài niệm để được sống êm ấm, có ý nghĩa hơn trong hiện tại và để có những hoài bão lớn hơn. Đó là quy luật của muôn đời vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận