Gọt muôn chân cho vừa một cỡ giày

LÊ VẤN (ĐẮK LẮK) 04/08/2013 23:08 GMT+7

TTCT - Lê Vấn Trong bài viết “Bao nhiêu nước chảy đã qua cầu” (xem TTCT số ngày 28-7-2013), sau khi nhìn nhận việc tuyển sinh mỹ thuật qua bao nhiêu năm không thay đổi ở nước ta hiện nay, tác giả Võ Xuân Huy đã đặt vấn đề: “Đến bao giờ tuyển sinh năng khiếu vào các trường mỹ thuật có những cách thức, tiêu chí thi tuyển đầu vào theo những chuẩn tắc khác trước, mới mẻ?”.

Phóng to
Một trang sách mỹ thuật cho trẻ em, NXB Dân Trí, 2010 - Ảnh: Gia Huy

Sự “trường thọ” của cách thức tuyển sinh đại học mỹ thuật là có lý do trước đây của nó, nhưng nay mọi việc đã thay đổi. Thử xem lại mục tiêu và quá trình đào tạo mỹ thuật.

1. Những năm 1990 trở về trước, một người được đào tạo mỹ thuật bài bản thường phải học 8 năm: 3 năm trung cấp, 5 năm đại học. Các trường đại học mỹ thuật thường quy định đầu vào tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật hoặc trình độ tương đương.

Nguồn sĩ tử là từ các trường trung cấp văn hóa nghệ thuật trong cả nước, cộng với “gà nhà” là bậc trung cấp mỹ thuật của chính các trường đại học Hà Nội, Huế, TP.HCM. Vì vậy, tuyển sinh đại học mỹ thuật thực chất là kiểm tra trình độ chuyên môn đã qua đào tạo hơn là tìm kiếm tài năng thiên bẩm. Nhiều thí sinh “tự do” (không học trung cấp) rất có năng khiếu nhưng vẫn bị đánh rớt, phải qua các lớp dự bị, dự thính một vài năm, thậm chí rớt xuống trung cấp năm đầu, phải dùi mài màu, giấy ba bốn năm học rồi mới được thi tiếp lên đại học.

Chưa hết, có người trong thời gian học trung cấp, tự thấy mình hoặc được nhà trường xét là không phát triển năng khiếu, không sáng tác được đã “vui vẻ” ra trường, chấp nhận từ bỏ giấc mơ đại học mỹ thuật.

Việc tìm kiếm năng khiếu thời ấy được thực hiện khi tuyển sinh trung cấp hoặc sơ cấp. Các trường đại học về tận các tỉnh thành tổ chức thi tuyển. Thí sinh có độ tuổi 16, 17 - độ tuổi mà đa số học sinh vừa kết thúc giai đoạn trẻ thơ bản năng giàu ngôn ngữ hình ảnh, chỉ còn rất ít em có năng khiếu mỹ thuật rõ ràng. Những thí sinh này thường rất nổi bật ở các trường phổ thông bởi có “hoa tay”, ham vẽ, thích văn hơn toán, có cá tính và còn lơ mơ về “hình họa vẽ đầu người”, “đường nét kỷ hà”, “họa tiết cách điệu”...

Nay thì việc đào tạo trung cấp mỹ thuật đã teo tóp. Bậc trung cấp trong chính các trường ở Hà Nội, Huế, TP.HCM cũng không còn. Chuẩn đầu vào tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật không còn là bắt buộc. Việc thi tuyển sinh từ kiểm tra trình độ các môn học hình họa, trang trí, bố cục là kiểm tra cái không được dạy và học ở trung học phổ thông và trung học chuyên nghiệp. “Từ khi bỏ đi hệ trung cấp, trình độ của học sinh đại học xuống hẳn” như ý kiến của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng (*).

2. Năng khiếu mỹ thuật là thiên bẩm. Nhiều tài năng mỹ thuật phát triển từ rất sớm, dị biệt và độc lập. Hiện nay, bằng nội lực trời cho, nhiều em đã tự tìm tòi, học hỏi qua sách, báo, Internet; tự tìm đến những trung tâm bồi dưỡng năng khiếu phù hợp với tố chất của mình để hình thành thị hiếu thẩm mỹ tốt, tư duy thị giác hiện đại, kỹ năng biểu đạt hình ảnh độc đáo, đa dạng, kiến thức mỹ thuật mới mẻ...

Những em ở vùng hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có năng khiếu mỹ thuật vẫn có thể làm quen với vẽ hoa văn khắc vạch, vẽ nặn theo kiểu Art attack trên tivi; phong cách cổ điển, hiện thực, trừu tượng, chibi, manga (**)... theo Internet hơn là vẽ “hình họa đầu tượng” vì không có điều kiện đến các nơi luyện thi mỹ thuật. Đó là những mầm non mỹ thuật phát triển đa dạng.

Nếu tuyển các em này vào đại học mỹ thuật theo kiểu hiện nay, ép tư duy thẩm mỹ đa dạng vào một chuẩn thẩm mỹ duy nhất là gọt muôn chân cho vừa một cỡ giày rất hạn chế cho sự phát triển mỹ thuật.

3. Để thay đổi, có lẽ nên tìm vô số cách ra đề thi để thí sinh có thể bộc lộ được khả năng thật sự của mình mà không cần phải ôn luyện theo “khuôn” chung lâu nay. Việc này có lẽ không quá khó với giới đào tạo mỹ thuật ở nước ta.

___________

(*): Phan Cẩm Thượng - Nghệ thuật ngày thường - NXB Phụ Nữ - 2008, trang 46.
(**) Art attack: Phim truyền hình thiếu nhi Anh nhiều tập liên quan tới chủ đề mỹ thuật, chiếu trên kênh truyền hình trẻ em Anh từ năm 1990-2007; chibi: những nhân vật nhỏ xíu trong truyện tranh Nhật; manga: truyện tranh Nhật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận