Maradona & những cuộc tranh cãi không hồi kết

HUY ĐĂNG 07/12/2020 00:12 GMT+7

TTCT - Chính phủ Argentina dành ra ba ngày quốc tang để tưởng niệm Maradona - một tượng đài bóng đá gắn liền với cuộc sống nghiện ngập, bỏ bê con cái, và cũng đã rời xa làng bóng đá đỉnh cao hơn 20 năm.

Người dân Argentina tưởng niệm Maradona. Ảnh: Getty Images
Người dân Argentina tưởng niệm Maradona. Ảnh: Getty Images

Chúng ta thử đặt một câu hỏi: Nếu Maradona sinh trưởng tại châu Âu, liệu anh có nhận được tất cả tình yêu, sự ngưỡng mộ và khoan dung như thế từ người hâm mộ?

“Cậu bé vàng” ở đâu trong “tứ đại tông sư”?

Bạn yêu thích Maradona vì điều gì? Tài năng bóng đá là chuyện không cần phải bàn. Nhưng nhiều người sẽ khẳng định họ thích cá tính “ma quỷ” bên trong con người số 10 huyền thoại của Argentina. Một sự nghiệp đầy rẫy những tranh cãi.

Đó là khi Maradona lập công vào lưới tuyển Anh bằng “bàn tay của Chúa” ở World Cup 1986, khi ông tuyên bố mình đã và sẽ sử dụng chất kích thích trọn cuộc đời, hay khi báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực về những cuộc tình vụng trộm lẫn công khai của ông…

Nếu tính đếm, những bê bối đời tư lẫn sân cỏ của Maradona nhiều không kém vinh quang mà ông giành được. Gia tài bóng đá của huyền thoại người Argentina thật ra không quá đồ sộ.

Ông tỏa sáng ở hai kỳ World Cup, đưa Argentina một lần vô địch, một lần á quân. Ở cấp độ CLB, Maradona gần như một tay đưa Napoli trở thành thế lực ở nước Ý, nhưng lại thất bại trong màu áo Barcelona.

Sau khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ, Maradona chẳng còn biết làm gì. Ông được mời dẫn dắt một số CLB nhưng không thành công. Khi nắm tuyển Argentina giai đoạn 2008-2010, Maradona nổi tiếng về việc… suýt khiến Argentina mất vé dự World Cup.

Trên đất Nam Phi ở World Cup 2010, Argentina cũng thi đấu nhạt nhòa và sớm dừng bước ở tứ kết với trận thua thảm bại bốn bàn không gỡ trước Đức.

Nói chung, Maradona không phù hợp với bất kỳ công việc nào khác ngoài chơi bóng. Huấn luyện không, quản lý không, kể cả một vai trò đại sứ cũng không, bởi đời tư quá phức tạp của ông. Huyền thoại số 10 chỉ biết chơi bóng. Vinh quang ông mang đến cho Argentina đầy cảm xúc, nhưng không có giá trị lâu dài và bền vững.

Nếu xét bóng đá như một sự nghiệp cả đời người, Maradona không đọ được với ba “trưởng lão” còn lại của làng túc cầu là Pele, Franz Beckenbauer và Johan Cruyff.

Cụ thể, Beckenbauer toàn vẹn trong cả sự nghiệp cầu thủ, HLV, lẫn quản lý bóng đá. Huyền thoại Đức giành mọi danh hiệu có thể cùng Bayern Munich và tuyển Đức trong cả tư cách cầu thủ lẫn HLV.

Khi bước qua tuổi 50, ông trở thành phó chủ tịch LĐBĐ Đức và đóng vai trò lớn trong quá trình đăng cai World Cup 2006 của Đức. Nói chung, sự phát triển của bóng đá Đức suốt năm thập niên qua in đậm dấu ấn của Beckenbauer.

Còn Cruyff? Tài tử bóng đá người Hà Lan là cả một đấng sáng tạo trong làng túc cầu. Từ ngày còn chơi bóng, Cruyff đã manh nha tạo nên một triết lý bóng đá cho riêng mình, và phát triển nó thành hệ thống hoàn chỉnh khi trở thành HLV.

Là một người “khai chi lập phái” lừng lẫy, cái bóng của Cruyff phủ rộng đến mức rất nhiều năm sau khi ông đã từ giã bóng đá đỉnh cao hoàn toàn, những môn đệ của “Thánh Johan” vẫn đánh đông dẹp bắc ở những sân chơi lớn nhất, từ Pep Guardiola đến Luis Enrique, từ Ronald Koeman đến Frank Rijkaard.

Nếu Pele, Beckenbauer, Cruyff và Maradona là “tứ đại tông sư” của làng túc cầu thì tuy mỗi người một vẻ, song “danh tương như, thực bất tương như”.

Ngoài ra, ta có thể thấy sự khác biệt về văn hóa bóng đá giữa hai trung tâm quyền lực Nam Mỹ và châu Âu. Pele và Maradona nổi bật trong sự nghiệp cầu thủ, còn Beckenbauer cùng Cruyff dành cả cuộc đời để xây dựng bóng đá. Pele và Maradona mang đến cảm xúc mạnh mẽ, còn Beckenbauer hay Cruyff - trong khi vẫn chơi thứ bóng đá đẹp, nhất là Cruyff, còn hướng đến những giá trị lâu dài, duy lý hơn.

“Kim bài miễn tử”

Người hâm mộ thường nói về cuộc sống trụy lạc của Maradona như một kiểu “sống thật”, một điểm khác biệt quan trọng nữa giữa văn hóa bóng đá Nam Mỹ và châu Âu.

Cruyff được làng túc cầu phong “thánh” vì bên cạnh gia tài bóng đá đồ sộ, ông còn là một nhà tư tưởng bóng đá lớn. Về đời tư, ông cũng khá thanh bạch, yêu thương gia đình, và hầu như không vướng bất kỳ bê bối nào.

Bóng đá châu Âu - phản ánh những giá trị chung của lục địa già - kém phần khoan dung và ngẫu hứng hơn so với Nam Mỹ. Không ít những huyền thoại đã sụp đổ ở đó vì bê bối đời tư, như George Best chẳng hạn. Ngay cả Beckenbauer cũng không được coi là ngoại lệ.

Trước khi vươn đến sự nghiệp đỉnh cao, “Hoàng đế” từng bị CĐV mắng nhiếc và LĐBĐ Tây Đức cấm cửa đá cho đội tuyển vì “quất ngựa truy phong” với một cô gái trẻ. Chỉ sau hàng loạt danh hiệu mà ông mang về cho tuyển Đức cũng như Bayern Munich, Beckenbauer mới bắt đầu lấy lại uy tín.

Cá tính cầu thủ tạo ra cảm xúc cho người hâm mộ hay ngược lại? Đó có thể là một quan hệ hai chiều. Người hâm mộ Argentina yêu mến Maradona vì phong cách rất thật của ông, với những mảng sáng - tối được phân tách rõ ràng bởi ranh giới trong và ngoài sân bóng. Nhưng cũng chính sự nuông chiều thái quá đó đã tạo nên một cuộc sống bê tha không có đường lùi.

Còn ở châu Âu, nề nếp kỷ luật đã rèn nên sự chuyên nghiệp. Lionel Messi - tới giờ được coi là truyền nhân xứng đáng nhất của Maradona về bóng đá, “ngoan” hơn tiền bối rất nhiều, vì từ nhỏ anh đã sống trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp khắc nghiệt của châu Âu.

Thậm chí chính vì quá “lành”, Messi không tài nào ăn ý được với những đồng đội trên tuyển. Nhiều người tiếc nuối cho anh bởi nếu chọn quốc tịch Tây Ban Nha, Messi có thể đang đi trên con đường của Beckenbauer hay Cruyff - thay vì bị so sánh với một cá tính bốc đồng, vượt ngoài khuôn khổ kiểu Maradona.

Tưng bừng trong khoảnh khắc hay toàn vẹn cả cuộc đời, chân thực nhưng trụy lạc hay chỉn chu mà tẻ nhạt? Cuộc tranh cãi ai là cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất lịch sử sẽ không bao giờ có hồi kết.■

Trường phái “trọng tâm thấp”

“Trọng tâm thấp” là một cụm từ được nhắc đi nhắc lại khi mô tả về kỹ năng của Maradona. Và đó là một khái niệm vượt ra ngoài những thống kê hay chỉ số khoa học về năng lực của cầu thủ.

Bóng đá cũng như nhiều môn thể thao đối kháng khác, thể hình cao, to, khỏe thường mang đến lợi thế, nhưng những cầu thủ như Maradona là ngoại lệ, chứng tỏ những ai nhỏ con, đậm người, chân ngắn vẫn có lợi thế riêng, ngay cả khi tranh chấp bóng.

Giới chuyên môn bóng đá sau này đã đặt thêm các chỉ số quan trọng không kém với năng lực cá nhân cầu thủ, bao gồm “khả năng giữ thăng bằng” hay “khả năng va chạm” (physical contact). Những siêu sao như Maradona hay Messi có thể có khả năng va chạm không thật tốt, nhưng khả năng giữ thăng bằng lại cực cao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận