Một mai con cá hóa rồng

TRẦN SĨ HUỆ 23/01/2012 18:01 GMT+7

TTCT - Rồng là con vật đứng đầu tứ linh. Rồng tượng trưng cho vua chúa. Rồng là hình ảnh quyền quý cao sang. Bởi tính chất đặc biệt ấy nên cách nối tiếp vòng đời của rồng cũng khác hơn muôn loài.

Tranh cá hóa long ở đình Thắng Tam (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: Wikipedia

Có hai cách: cách thứ nhất là rồng mẹ đẻ trứng và nở ra rồng con. Họ nhà rồng rất tự hào về nòi giống mình:

Trứng rồng lại nở ra rồngLiu điu lại nở ra dòng liu điu.

Dân tộc ta có truyền thuyết con Rồng cháu Tiên. Một bài thơ vịnh sử in trong Giáo Dục tạp chí do Nha Học chánh Đông Dương xuất bản trước năm 1945 cũng nói đến niềm tự hào này:

Trứng rồng lại nở ra rồngNgàn thu con cháu vốn dòng Lạc Long...

Và:

Đường mây sẵn bậc leo lênRõ ràng lăng miếu mẹ Tiên cha Rồng...

Thế nhưng, nếu chỉ đẻ trứng thì liu điu cũng biết đẻ trứng. Nên rồng còn cách thứ hai là do cá chép hóa thân mà thành. Sau khi thi thố tài năng bằng cách vượt qua ba tầng cửa Vũ, cá chép được hóa rồng. Cũng như nơi cõi trần những sĩ tử vượt qua ba kỳ thi sẽ được tuyển chọn ra phụng sự đất nước. Thể thức khảo hạch ngày xưa rất khó khăn, không phải ai học qua năm ba chữ lem nhem là có thể ứng thí, cho nên hạng dốt nát như cá mương không đời nào có thể hóa rồng được. Điều mơ ước đó hoàn toàn phi lý, nói ra chỉ làm cho thiên hạ dè bỉu:

Nực cười... thầy bói soi gươngThầy tu chải lược, con cá mương hóa rồng.

Việc cá hóa rồng tượng trưng cho sự thành đạt. Theo quan niệm xưa, thành đạt trước tiên là để báo hiếu, để đền ơn cha mẹ.

Rất nhiều loài cầm thú biết báo hiếu, ngay cả những con vật mang tiếng có tính xấu như con quạ, con dê. Trong bài thơ khuyên hiếu, cụ Phan Bội Châu nêu gương săn sóc và lễ nghĩa, như:

Quạ con mớm mồi lạiDê con giữ lễ quỳ...

Theo ca dao thì con rồng do cá hóa thân báo hiếu bằng sự thành đạt:

Một mai con cá hóa rồngĐền ơn cha mẹ kẻo công sanh thành.

Đồng thời sự thành đạt này cũng đem lại những điều kiện thuận lợi hơn, có nhiều tiện nghi hơn trong cuộc sống để bù đắp lại công phu học tập rèn luyện:

Một mai con cá hóa longChín tầng mây phủ nằm trong da trời.

Rõ ràng là đổi đời, tiến lên giai cấp mới, tầng lớp mới, vinh thân phì gia. Thích quá đi chứ!

Có địa vị rồi thì phải thi hành phận sự. Công việc của rồng là làm mưa, hút nước từ biển Đông lên đem phun xuống cõi trần gian khiến cho cây cối xanh tươi, rừng núi bạt ngàn, ruộng vườn tốt đẹp, con người và muông thú có thức uống, thức ăn, lấy nước làm sạch, tắm rửa, giặt giũ, lau chùi... Nước là thứ tối cần cho đời sống muôn loài. Nhiệm vụ của rồng thật lớn lao.

Điều còn phân vân là chẳng biết - vì có đến hai nguồn gốc - cuộc sống của cộng đồng rồng có gì trục trặc không? Giữa loại rồng được nở từ trứng ra, tức là loại mẹ truyền con nối, một trăm phần trăm huyết thống rồng và loại rồng do cá chép hóa thành, tức là loại rồng ban đầu không có huyết thống rồng, chưa phải là rồng, nhờ tự thân phấn đấu ngày đêm sách đèn kinh sử qua ba kỳ thi được hóa thành rồng, loại nào giỏi hơn?

Giỏi bằng nhau thì ông Trời đối xử có gì khác nhau không? Khi sai đi làm mưa, Ngọc Hoàng có phân vân xét nét về nguồn gốc không, thường sai loại rồng nào, loại rồng nào làm việc có kết quả tốt hơn? Không thấy dân gian có câu ca dao tục ngữ nào phản ảnh khía cạnh này. Vấn đề vốn không có hay có mà không được nói ra?

Chỉ nghe lời trách người không chung thủy:

Trách ai ăn ở hai lòngĐang chơi với phụng thấy rồng bay theo.

Nhưng đây đâu phải lỗi ở rồng. Lỗi ở kẻ xu phụ, hai lòng, chạy theo sự hấp dẫn của tài cán và quyền lực, thấy kẻ sang bắt quàng làm họ. Đó là chuyện thế thái nhân tâm. Chứ rồng luôn luôn ăn ở có nghĩa có tình, vẫn đến thăm người bạn đồng môn lạc đệ năm nào nên mới có câu: Rồng đến nhà tôm.

Đối với người dân thôn quê, rồng vừa xa cách vừa gần gũi, nếu chỉ có sự sang trọng do mượn hình dáng của nó tô điểm thì chưa có thể nói là đủ bảo đảm cho cuộc sống "nên người":

Ngồi trong cửa sổ chạm rồngChăn loan gối phượng... không chồng cũng hư!

Người ta cũng không ngại đưa nó vào một câu đố:

Rồng nằm giỡn nguyệt, thỏ vảnh hai taiGiơ gươm đao chém sả trần ai...

Trước đây nhà nào cũng có người hút thuốc lá (vấn thuốc rê) nên đều có vật dụng này: cái bàn xắt thuốc. Cuộn thuốc lá dài đưa qua lỗ tròn khác nào rồng nằm giỡn nguyệt, hai đầu trên của hai thanh gỗ coi như đôi tai thỏ vảnh lên, và người xắt thuốc đưa từng nhát dao xuống như gươm đao chém sả trần ai vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận