Sau Bụi, Muối sẽ là Hải đăng

TTCT - Tất bật tổ chức triển lãm Những chân trời có người bay (diễn ra từ tháng 12-2012 đến tháng 1-2013) tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản (Hà Nội), họa sĩ Nguyễn Phương Linh vẫn dành cho TTCT cuộc gặp ngắn nhân Thuyền của cô dự triển lãm tại Michigan (Mỹ).

Phóng to
Thuyền được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Eli và Edythe Broad, Đại học bang Michigan tháng 11-2012. Bảo tàng được gọi theo tên của doanh nhân Eli Broad và vợ Edythe, những tỉ phú Mỹ với tài sản khoảng 7,3 tỉ USD, giàu thứ 173 trên thế giới năm 2011. Nhà Broad đã hiến 26 triệu USD để xây bảo tàng mới này thay Bảo tàng Kresge tại tòa nhà nghệ thuật của Đại học bang Michigan (http://msutoday.msu.edu)

Phóng to
Họa sĩ Nguyễn Phương Linh - Ảnh: Hoàng Điệp
* Cơ duyên nào để tác phẩm Thuyền làm bằng 3 tấn muối ngậm nước từ Bắc bộ sang Mỹ dự triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Eli và Edythe Broad, Michigan?

- Năm 2009, tôi đã làm triển lãm Muối tại Galerry Quỳnh (TP.HCM) được bạn bè trong giới khá thích thú. Phía Bảo tàng tỉ phú đã liên lạc với tôi để đưa Thuyền sang Mỹ triển lãm. Tuy nhiên, bởi bận một triển lãm khác tại Canada nên Thuyền đã được bạn Nguyễn Trần Nam (từng làm trợ lý cho tôi khi thực hiện Muối) thực hiện toàn bộ cả phần tác phẩm và đế thuyền ở Michigan. Kinh phí do phía bảo tàng chịu trách nhiệm. Và Thuyền chỉ là một trong số rất nhiều tác phẩm của triển lãm Muối tại Việt Nam.

* 3 tấn muối Bắc bộ được đưa sang Mỹ, đây là câu chuyện thực chứ?

- Tôi không phải là người trực tiếp mua muối và mang muối sang, Bảo tàng tỉ phú tại Michigan đã mua 3,5 tấn muối này từ một công ty xuất khẩu muối Việt Nam.

* Từng thực hiện những triển lãm với vật liệu là bụi, muối, côn trùng và cảm hứng từ các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá... điều gì khiến Phương Linh lựa chọn những vật liệu ấy để dựng lên các tác phẩm của mình?

- Khi thực hiện triển lãm Bụi tôi đã đi rất nhiều nơi: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam... và lấy bụi từ nhiều hiện vật khác nhau: sách cũ, vali của một người đi xuất khẩu lao động những năm 1980... Mỗi hiện vật bị phủ bụi đều chứa rất nhiều thông điệp từ quá khứ. Tất cả bụi này đều được đựng vào những chiếc lọ giống nhau và gợi đến những kỷ niệm.

Còn Muối thì sau một chuyến đi chơi ở biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và một số vùng đất khác, thấy diêm dân vất vả khắp nơi mà cuộc sống từ muối rất cơ cực. Tôi đã nhặt nhạnh khoảng 700 bộ quần áo của người dân làm muối ở nhiều địa phương khác nhau cùng các vật dụng dùng để làm muối, tất cả nguyên vật liệu đó đều nói lên nỗi vất vả của nghề muối. Và hơn hết, trong rất nhiều loại muối được sử dụng làm hiện vật trưng bày thì sau khi tan chảy, muối cũng để lại nhiều cặn bẩn.

* Sau những vật liệu gần gũi là bụi và muối, Phương Linh có nghĩ đến một vật liệu hoặc hiện vật nào khác cho triển lãm sắp tới không?

- Có, tôi đang nghĩ đến những ngọn hải đăng và biển. Tôi muốn làm một thứ gì đó về biển và những ngọn đèn biển này. Nhưng cụ thể là cái gì thì chưa nghĩ ra. Có thể tôi sẽ tìm kiếm những ngọn hải đăng ở nhiều vùng biển khác nhau để thực hiện tác phẩm của mình.

Phóng to
Thuyền mang nhiều biểu tượng: một con mắt, một con cá, một cái lá, một hạt gạo và bản thân thuyền cũng hòa trong biển...Trong quá trình trưng bày, tác phẩm sẽ biến dạng do nước bốc hơi, đống muối sụp xuống. Việc biến đổi hình dạng, tan tác hình dạng cũng tượng trưng quá trình mai một các ký ức trong trí não con người, khiến các ký ức chỉ còn tồn tại như những phân mảnh rời rạc (trích từ: http://plinh.com/web/works/salt/boat/

* Còn với tư cách giám tuyển của triển lãm có tên nhắc ngay tới tứ thơ "Những chân trời không có người bay" của Trần Dần, những tác phẩm nào sẽ được Phương Linh chọn lựa?

- Trần Dần là nhà thơ cách tân số 1 Việt Nam và có ảnh hưởng rất nhiều đến những sáng tác của tôi. Chọn câu thơ đó làm chủ đề cho triển lãm bởi nó được Trần Dần viết năm 1987, nói về hoàn cảnh của các văn nghệ sĩ Việt Nam sau đổi mới. Chọn cái tên đó bởi nghệ thuật đương đại đã hình thành ở Việt Nam mười mấy năm rồi nhưng còn rất nhiều khó khăn... Nhưng nghệ sĩ chúng tôi vẫn phải sáng tác, vẫn phải bay.

Triển lãm nghệ thuật Những chân trời có người bay được chia thành bốn triển lãm nhỏ (Mở chân trời, Đo thế giới, Tổ hợp bám và Những chân trời có người bay) diễn ra tại Trung tâm văn hóa Nhật Bản, Viện Goethe, Nhà sàn studio... Không chỉ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mà chương trình còn trình chiếu những tác phẩm cũ: ảnh, video, tác phẩm điêu khắc, thiết kế... của 12 nghệ sĩ Việt Nam và bốn nghệ sĩ Nhật Bản chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.

* Phương Linh đã ấp ủ bao lâu để thực hiện được dự án nghệ thuật này?

- Sau thành công của triển lãm Bụi ở Nhật Bản và trở về Việt Nam, tôi đã nghĩ đến một triển lãm đa phương tiện dành cho các nghệ sĩ đương đại trong và ngoài nước. Tháng 12-2011, tôi bắt đầu bàn bạc với các nghệ sĩ và viết dự án gửi Trung tâm Văn hóa Nhật Bản đề nghị họ hỗ trợ về kinh phí.

* Là một nghệ sĩ trẻ nhưng Phương Linh đã có nhiều triển lãm ở nước ngoài. Ðó là nhờ tài năng hay do may mắn của những cơ hội?

- À, tôi cho rằng nghệ sĩ ở Việt Nam cũng ít, nhất là nữ. Mà tôi lại biết tiếng Anh, và quan trọng là tôi đã làm việc tại Nhà sàn studio, nơi đã diễn ra rất nhiều triển lãm sắp đặt của các nghệ sĩ khác. Có lẽ bởi vậy mà các đơn vị tổ chức ở nước ngoài biết đến tôi nhiều hơn. Quan trọng là mạng lưới nghệ thuật cũng khá rộng mở và sáng sủa chứ không tăm tối gì. Một vài gallery ở Hà Nội và TP.HCM cũng hay giới thiệu tôi với vai trò giám tuyển hoặc giám đốc nghệ thuật cho chương trình nghệ thuật diễn ra tại đó. Nhờ vậy mà các đối tác biết đến tôi nhiều hơn chăng?

* Cảm ơn Phương Linh, chúc bạn thành công.

Nguyễn Phương Linh (sinh năm 1985 tại Hà Nội) là nghệ sĩ tự do. Bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật bằng triển lãm cá nhân mang tên Đèn, nơi đến của côn trùng tại Hà Nội, đến nay cô đã thực hiện được sáu triển lãm cá nhân ở trong nước, một số tại nước ngoài (Nhật Bản, Mỹ, Canada...) và tham gia nhiều triển lãm khác.

Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, ông nội là nhà văn Kim Lân, các bác là họa sĩ nổi tiếng (Thành Chương và Nguyễn Thị Hiền), bố được mệnh danh là “Đức nhà sàn” bởi Nhà sàn studio của ông, nhưng Linh cho rằng dù cả gia đình làm nghệ thuật thì “mỗi người có con đường của mình, và dường như những thứ nghệ thuật mà mỗi người trong gia đình lựa chọn đều chẳng liên quan đến nhau”.

HOÀNG ĐIỆP thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận