Suarez và sức mạnh của truyền thông

HẢI MINH 06/05/2013 03:05 GMT+7

TTCT - Tiền đạo của Liverpool Luis Suarez vừa lãnh án treo giò 10 trận vì cắn hậu vệ Branislav Ivanovic của Chelsea trong một trận đấu ở Premier League. Vụ việc cũng như bản án gây tranh cãi ở nhiều góc độ.

Phóng to
Suarez (trái) tranh bóng với Ivanovic trong trận đấu mà anh bị phạt treo giò 10 trận vì cắn đối thủ - Ảnh: Reuters

Những người phụ trách hình ảnh của Premier League muốn một án phạt nặng vì vụ việc có nguy cơ làm vấy bẩn thương hiệu Giải ngoại hạng Anh. Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) giải thích án phạt là vì “thái độ của cầu thủ”. Ngay cả Thủ tướng David Cameron cũng lên tiếng: “Con tôi có xem bóng đá nên đó là một hành động đáng lên án”.

Hành động của Suarez đương nhiên rất khó coi, nhưng chính sức mạnh của truyền thông, cụ thể là truyền hình, cộng thêm tác động của Internet, đã đẩy tiền đạo người Uruguay vào một tình thế rất khó khăn. Với một trận cầu đinh như Liverpool - Chelsea ở thời đại bóng đá Internet, có thể tin rằng một con ruồi cũng không thể lọt qua mấy chục máy quay đặt ở mọi nơi, có thể xử lý mọi hình ảnh, quay chậm, quay đi quay lại, cho dừng hình, trong mọi tích tắc của tình huống trên sân.

Trong văn bản gửi cho Liverpool giải thích lý do về án phạt sẽ khiến tiền đạo người Uruguay phải vắng mặt tới tháng 10, Ủy ban kỷ luật độc lập của FA viết: “Luis Suarez đã không đánh giá đúng mức độ và sự nghiêm trọng của sự cố thật sự khác thường này vì anh ta tin rằng việc cắn Branislav Ivanovic chỉ bị treo giò ba trận là đủ”. Ủy ban ba người cũng nói hình phạt này nhằm gửi đi “một thông điệp mạnh mẽ rằng những hành vi đáng lên án không có chỗ trong bóng đá”. Liverpool đã không kháng án.

Đứng trước những chỉ trích rằng ủy ban đã phân biệt đối xử với Suarez khi những án phạt trước đó với Jermain Defoe (không bị treo giò) và Sean Hessey (năm trận), ủy ban ba người bao gồm cựu cầu thủ của Ipswich và Arsenal, tiền vệ Brian Talbot, nói lỗi của Suarez được coi là nghiêm trọng hơn, dù họ không hề xem xét quá khứ kỷ luật của Suarez.

Công văn ghi rõ: “Đó là một sự cố gây sốc và thật sự khác thường. Trách nhiệm của chúng tôi là khuyến cáo mọi cầu thủ ở đẳng cấp này không hành xử một cách đáng lên án như thế. Chỉ trong vài giờ, sự cố trong trận đấu đó đã xuất hiện trên các tít báo khắp cả nước và là xu hướng chính của Twitter trên toàn thế giới”.

Rõ ràng FA nhận ra sức lan tỏa của truyền thông hiện đại. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra từ án phạt này: phải chăng các cầu thủ đã trở thành con tin của cơn lốc thông tin Internet và truyền hình kỹ thuật số? Là những ngôi sao xuất hiện hằng tuần trên khắp màn hình ở mỗi gia đình, những danh thủ Premier League mang trách nhiệm hình ảnh nặng nề. Nhưng một khi đã xỏ giày ra sân, không phải lúc nào họ cũng kiểm soát thái độ của mình một cách mẫu mực.

Để kết luận, hãy nghe nhận xét của HLV Liverpool Rodgers trên báo Independent: “Họ có thể là những cầu thủ tinh quái, nhưng họ cũng là những cầu thủ giỏi. Không ai hoàn hảo. Nếu bạn có một đội bóng gồm những cầu thủ hoàn hảo (về đạo đức), bạn sẽ không chiến thắng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận