​Trút áo thị thành

PHI TÂN 01/12/2014 07:11 GMT+7

TTCT - Sau một buổi chiều vui, nửa đêm tôi tỉnh giấc nghe mưa rả rích trò chuyện trên mái nhà. Thằng bạn cũng vừa từ Sài Gòn về thăm nhà và chắc đêm nay cũng chẳng ngủ được vì tiếng mưa quê nhà...

Minh họa: VIIP

Tặng Vũ

Hạnh phúc chi bằng về lại nhà xưa với ba mẹ lão niên, đêm nằm nghe mưa về trên mái để hồ như những ký ức ngày cũ. Sáng sớm ra, được mạ kêu dậy với một tô cháo tự tay mạ nấu với những lời ân cần: “Ăn đi cho nóng con!” chợt thấy mình như bé lại.

Ăn xong tô cháo của mạ lại được ngồi hầu chuyện quê, chuyện phố với ông già bên ly trà ban sớm. Đơn giản là vậy, nhưng với không ít người, trong đó có tôi, hạnh phúc đó không bao giờ đến nữa...

Bạn học cũ tứ tán muôn nơi từ quê đến phố, từ núi đến biển, từ Bắc chí Nam và cả tha phương tận những chân trời xứ lạ... cứ khi mô có đứa trở về quê thì râm ran chuyện cũ. Giữa cuộc vui, thằng Cường nói: “Mi với tau gần 20 năm mới gặp lại nhau. Hay là tối mai mấy đứa tau kéo về làng mi vui một bữa cho thỏa nhớ...”.

Thằng Vũ, nhân vật chính của cuộc vui, xua tay: “Ui chao, tính ông già tau thằng Tân biết, tau về là không cho đi ra khỏi nhà”. 

Cũng lạ thiệt, thằng Vũ đi khắp đó đây đến mấy chục quốc gia khác nhau nhưng về làng là không được bước ra khỏi nhà nếu ông già không đồng ý. Còn những lúc được đi ra khỏi nhà, hắn cũng chỉ loanh quanh cái làng Vĩnh của hắn, lên trên rú cát hương khói phần mộ tổ tiên ông bà, ra trước đồng làng nhìn lũ rau đua nhau xanh màu con nít...

Học xong ở Huế hắn phóng vô Sài Gòn và trở thành công dân của thành phố năng động và hoa lệ từ đó.

Hắn kể: “Một người chú ở làng dặn tau vô Sài Gòn nếu đi trên đường có rớt nón nhớ là đừng dừng lại lượm làm chi xe cộ đông lắm! Ban đầu tau phì cười vì cái thiệt thà của ông nhưng ngẫm lại cũng đúng. Cuộc sống ở Sài thành đô thị nó nhanh quá đôi khi không kịp ngoảnh lại”.

Nhưng hắn đích thị là một thằng nhà quê chính hiệu. Có lần hắn nói: “Tau trút bộ áo quần thành thị ra là thành người của làng!”. Cũng phải, bởi đến chừ tôi vẫn đinh ninh rằng thằng bạn này là một trong rất ít người còn thuộc những câu hò, câu vè dài lê thê mà mạ hắn thường hò cho hắn ngủ thời nhỏ.

Còn chuyện ăn, có bữa ra Huế cứ đòi mình tìm cái quán mô có bán cái món lẩu cá dét (cũng hên là quán nhậu ở Huế thì món ni khá nhiều). Rồi mỗi lần về quê xong, khi mô hắn cũng lỉnh kỉnh xách thêm một bịch cá bống kho rim chừng quý lắm: “Đây là món cá bống phá Tam Giang, mạ tau kho rim với nước mắm làng biển Mỹ Hòa. Cứ nghe tau về là mạ lại chuẩn bị trước món ni”.

Về làng trong những ngày chớm thu, hắn viết trên Facebook: “Đường về làng hai bên lúa còn xanh chỏ lốm đốm vài mảng vàng. Vừa tới nhà hỏi ngay ông già: Con nhớ thường rằm tháng bảy lúa đã gặt vì “tháng bảy nước nhảy lên bờ” mà.

Ông già xác nhận: Con nhớ đúng rồi đó nhưng năm nay do nhuận vào tháng chín âm nên gieo trễ vì sợ hạn và phải tháng tám lũ mới về. Đúng là không đâu thời tiết khắc nghiệt như quê hương mình và những con người quê đã biết sống cùng trời đất, thuận theo lẽ tự nhiên để mưu sinh...”.

Tôi gọi hắn là người “thương nhớ đồng quê” theo tên một truyện ngắn hay của Nguyễn Huy Thiệp. Mỗi khi nói chuyện làng, mắt hắn ánh lên từ chuyện vui đến chuyện buồn.

Chuyện mùa hè năm cuối cấp III, hai thằng đứng lặng ở cuối con đường làng Vĩnh nhìn nhà bà chị ruột của hắn bị cháy phần phật giữa mùa gió Lào để rồi sau vụ cháy nhà đó, gia đình chị hắn bỏ làng đi và may mắn là thành đạt nơi đất khách.

Rồi chuyện có bữa lên cao nguyên Đắk Lắk, hắn nhảy xe ôm tìm vô cái xã kinh tế mới Êhu thăm bà con đồng hương làng Vĩnh và chỉ thằng ni, con nớ là con o mô, chú mô... là trúng ngay chóc! Thằng Tú kêu: “Chủ quán ơi cho món hon xôi. Món ni là của thằng Vũ. Mấy đứa bây coi kiểu ăn nhà quê của hắn, cứ bo cục xôi lại mà chấm nước hon vừa ăn vừa xuýt xoa ngon lắm, ngon lắm...”.

Trút áo thị thành - Mình là trẻ nhỏ - Hai mươi năm phố - Lòng ta vẫn làng...”. Bạn đã trở về nhà xưa với ba mẹ già để nhẹ nhàng trút áo thị thành làm một người làng chính hiệu, để được sống chậm, để nghe mưa bây chừ mà nhớ mưa xưa thì không có hạnh phúc chi bằng.

Nghe mưa ròn trên mái suốt đêm, tôi lại nghĩ, nếu mình có về làng thì cũng không được như bạn mà chỉ lại loanh quanh, loanh quanh tìm ký ức mà buồn...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận