Tự sự của sắc màu

TRỊNH TÚ 24/12/2012 22:12 GMT+7

TTCT - Giá trị thẩm mỹ của hội họa không và chưa bao giờ có một quy chuẩn bất biến. Sự đa chiều và phong phú của nó là những thành quả đầy bất ngờ cho cả người được chuẩn bị kỹ lưỡng lẫn kẻ ngơ ngác hồn nhiên bước chân vào nghệ thuật.

Và khi hai thái độ ứng xử đó gặp nhau thì quả là một may mắn hiếm hoi của phận số.

Phóng to

Sự xuất hiện của nữ họa sĩ trẻ từ Cộng hòa liên bang Đức về, lần đầu tiên bày tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) càng làm thấu đáo thêm ý nghĩa của sự gặp gỡ may mắn đó.

Phóng to
Họa sĩ Nini Hương Nguyễn - Ảnh nhân vật cung cấp

Sinh năm 1987, Nini Hương Nguyễn sang châu Âu từ nhỏ. Cô tốt nghiệp thủ khoa Đại học Thời trang Esmod năm 2006 với bài thi trang phục cho Đức mẹ đồng trinh. Ngay sau đó cô bỏ thế giới thời trang để thi vào Đại học Mỹ thuật chuyên khoa hội họa Munich (Academy of Art Munich Germany) và lại tốt nghiệp thủ khoa giữa năm nay.

Rời nhà trường, cô thực hiện ngay tâm nguyện lâu nay của mình là trở về với quê hương, bày tranh trình làng. Những bức sơn dầu đa số khổ lớn của cô thật sự là một thế giới màu sắc mới mẻ, từ ý tưởng đến ngôn ngữ tạo hình.

Triển lãm có tên Cuộc sống. Một tên gọi giản dị. Nhưng đúng là cuộc sống đó, trên từng bức tranh, vừa là cuộc đời bên ngoài vừa là bên trong của nó. Nini Hương Nguyễn vẽ như để tự sự, tự vấn mình, như câu hỏi da diết rằng làm sao yêu hết cuộc đời này.

Trong tranh của cô, những mảng màu căng tràn sức sống, dồn nén nỗi ám ảnh về tình yêu, tình mẫu tử, về con đường sẽ đến, về chốn khởi đầu rơi vào Trái đất. Bảng màu và bút pháp của cô khoáng đạt, thoạt nhìn người ta sẽ nghĩ ngay đến một thế giới hội họa phương Tây.

Đành rằng vũ trụ tâm lý của cô được hình thành và nuôi dưỡng ở châu Âu, nên tiếng vọng phương Tây trên tranh của cô là điều tất yếu. Nhưng sức nặng của chiều sâu tâm lý trên mỗi bức đủ níu kéo người xem suy ngẫm về một quan niệm thẩm mỹ được trình bày khá trọn vẹn ở một tác giả trẻ hơn chúng ta tưởng, vẫn còn đang bỡ ngỡ trước cuộc đời này.

Bằng vào những tác phẩm của mình, Nini Hương Nguyễn đã khẳng định được hội họa chính là nơi chốn để cô nương tựa.

Phóng to
Phóng to
Phóng to

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận