Vui và đau từ những chuyến đi cuối năm…

PHAN XUÂN LOAN 20/01/2019 17:01 GMT+7

TTCT - ​Cứ đến cuối năm lại nghe đâu đó lao xao những tiếng gọi lên đường. Không biết vì sao lại là cuối năm. Có lẽ vì thời tiết đổi thay, vì không khí giao mùa, vì sự kết thúc một chu kỳ thời gian, vì sự xuất hiện một khoảnh khắc nhìn lại, chia sẻ.

Những đứa trẻ ở xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, Đắk Lắk. Ảnh: Công Cận
Những đứa trẻ ở xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, Đắk Lắk. Ảnh: Công Cận

 Có những nhóm bạn trẻ như thế, kể cả khi họ không còn trẻ nữa, những ngọn lửa đã bớt bập bùng và những mái đầu lấm tấm quỹ thời gian còn lại. Nhưng những lời kêu gọi thì vẫn thế, một “cây mùa xuân” - như thuở nhỏ họ từng được dạy - cho những người kém may mắn trong đời.

Dẫu thế, sự sôi sục cũng nguội dần theo thời gian. Gần 10 năm trước, họ nhớ mình đã đứng lặng khá lâu trước một em bé khi họ hỏi xuất xứ cái tên rất đẹp của em và được sư cô giải thích về những cái tên, để nhớ một cách xa xăm như tự nhắc mình rằng đứa này bị bỏ trong thùng sữa đặt trước cổng chùa, đứa kia dưới gốc cao su...

Họ dõi theo những đứa bé từng năm, mỗi lần đến họ hỏi thăm đứa này ở đâu, đứa kia ra sao? Ngôi chùa dần khang trang, những con đường đất đỏ đã được tráng ximăng, nơi ở của những đứa bé có thêm cái tủ gấu bông...

Nhưng những ánh mắt thì vẫn thế. Ánh mắt đờ đẫn của những đứa trẻ không đủ yêu thương, của những người già khắc khoải mà đôi khi họ phải trốn nhìn. Họ không quên những cái níu tay của các đứa trẻ sơ sinh, chúng còn bé lắm mà sao vẫn biết giữ lấy tay người. Và cái mùi khai lưu cữu trong phòng của người già, dù họ biết đã được chùi lau kỹ rồi để đón khách.

Niềm vui nhỏ của em bé Ê Đê, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk Đắk Lắk. Ảnh: Công Cận
Niềm vui nhỏ của em bé Ê Đê, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk Đắk Lắk. Ảnh: Công Cận

 Những chuyến đi theo thời gian dường như có thêm hổ thẹn. Đôi khi họ tự hỏi phải chăng việc góp mươi ký gạo, mấy tấm áo ấm đó chẳng qua là để họ mua cho lòng mình chút bình yên hơn là sẻ chia được chút gì cho những số phận bất hạnh?

Có năm trục trặc đường sá, họ đến trễ và những đứa trẻ không chờ nổi đã ngủ gục. Họ đến chỉ làm chúng bị đánh thức, giương những đôi mắt chưa tỉnh ngủ đờ đẫn nhìn, đôi tay không giữ được dẫu chỉ là cây kẹo mút.

Tại một ngôi trường mẫu giáo vùng xa, bàn tay được giữ ấm của họ chạm vào tay một em bé gầy lạnh vì phải đợi lâu. Trời tối rồi mà em còn phải lên xe máy kéo để về bản, đường rất xa... Họ tự hỏi thật sự mình đã sẻ chia được những gì?

Năm nay, sư cô giới thiệu họ thêm một miền xa khó khăn. Trong hàng người chờ nhận quà, không hiểu sao những thiếu niên lại làm họ chú ý. Có thể người ta đã quen rồi cảnh những bé gái núi rừng, những người đàn bà nương rẫy cần giúp đỡ. Còn những thiếu niên tuổi 12, 13 rám nắng và rắn rỏi này...

Những thiếu niên nhận quà với vẻ mặt ngượng ngùng. Một cái chớp mi, cúi đầu cố giấu nỗi tủi thẹn không hiểu sao lại làm họ nghẹn ngào. Họ nghĩ gì lúc đó? Rằng những đứa bé này sẽ lớn lên thành những người đàn ông với ký ức này, rằng có lúc em, gia đình em đã đói khổ đến độ sư cô đưa vào danh sách những người nghèo của buôn làng nhận quà từ tâm? Những đứa bé trai sẽ lớn lên thành những người đàn ông đau đớn từ sự nhục nhằn này.

Từ mảnh đất khô cằn mà gió thốc bụi đỏ cạnh những tô cháo chay sư cô quyên góp và nấu cho buổi “tiệc” cuối năm. Những thiếu niên đã biết cúi mặt quay đi khi khách đưa điện thoại muốn chụp những gương mặt trẻ thánh thiện.

Ngoài sân, ai là cha chúng trong những người đang được bấm huyệt cho qua một cơn đau? Ai là mẹ, chị chúng trong những người đàn bà đang múa hát đáp lòng khách từ thiện phương xa? Những bài hát mà đã lâu rồi khách không còn nghe, cũng không còn hát nữa...

Những chuyến trở về bao giờ lòng cũng trĩu nặng. Họ vẫn còn bàng hoàng vì một đứa bé năm ngoái đã giã biệt cõi đời đớn đau này của em. Họ nhớ ánh mắt buồn của sư cô khi trả lời giờ cô đã không còn nhớ hết tên những đứa trẻ bị bỏ rơi chùa nhận sau này nữa.

Cô đã già và đã phải chia sẻ bớt gánh nặng này cho những người trẻ khác. Họ nhớ đã nhận ra trong đợt này những gương mặt “quen” năm trước: người ta vẫn chưa bớt nghèo. Nên dẫu ngoài cửa sổ vút qua những rừng cao su bạt ngàn, họ vẫn không thấy ở đó sự sung túc.

Cũng như họ không thấy vui hơn khi bắt gặp những chuyến xe giăng bảng “Xe từ thiện” chạy chiều ngược lại rời thành phố, nơi họ đang trở về. Bởi những chuyến xe chất đầy quà đó, họ đã hiểu rồi, không đủ làm vơi cơn đau của sự đói nghèo...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận