​Văn hóa và sự biếng nhác

THIÊN DI 03/09/2014 11:09 GMT+7

TTCT - Hết đèn lồng đỏ lủng lẳng đến sư tử đá mọc khắp nơi, tràn khắp các mặt tiền công sở, điện thờ, nơi tôn nghiêm... như một thứ “dịch tễ tinh thần”.

Tranh: Lê thiết Cương
Tranh: Lê thiết Cương

Tận đến lúc này các nhà quản lý văn hóa mới gióng tiếng chuông khuyến cáo “không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” và nhắc rằng đó là cuộc “xâm lăng văn hóa (đó), tác động đến đời sống tinh thần, quan niệm thẩm mỹ, tâm linh, văn hóa của người dân Việt Nam!”.

Nói thật là muộn mất rồi.

Một trong những lý do (có thể) là cái nền móng văn hóa của xã hội đương thời hiện đang quá thiếu vắng những chân giá trị. Khi thưa vắng việc được dạy, được bàn thường xuyên về quốc sử, quốc văn và ba chữ chân, thiện, mỹ thì làm sao thể hiện một tinh thần quốc gia, dân tộc cho xứng đáng với kích thước của một dân tộc có hai ngàn năm lịch sử đấu tranh để tồn tại như một quốc gia có bản sắc và căn tính độc lập chứ không nhòe nhoẹt, bị đồng hóa?

Giáo dục một thời đã trang bị cho học sinh một chút kiến thức về Tam giáo trong khuôn khổ các môn quốc sử và quốc văn, đủ để hình thành một sự hiểu biết thế giới tâm linh mình đang sống cùng, giữa các tôn giáo cùng các thực hành biến thái, để khi lớn lên tự chọn lựa hay không chọn lựa một tín ngưỡng, nếu có chọn thì cũng sống cho đúng với tinh thần tín ngưỡng đó chứ không theo và “hành đạo” một cách tùy tiện.

Cũng để tránh nguy cơ gia nhập một trào lưu xã hội đang vái tứ phương, cúng bái thần linh như đang đút lót các quan lại dưới thế, do không được hiểu biết từ trong ghế nhà trường, cứ thế mà lớn lên và sống trong một sự mù mờ nhân danh “vô thần”, rồi từ “vô thần” chuyển phắt qua “hữu thần”.

Hơn 76 năm trước, cụ Đào Duy Anh, mà từ điển khối Pháp ngữ toàn cầu (Dictionnaire Universel Francophone, Hachette, 1997) ghi danh là “nhà từ ngữ học người Việt... nghiên cứu lịch sử và văn hóa đất nước mình”, đã mở đầu tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương (*) của mình bằng những dòng sau:

“Khắp một vừng trung châu Bắc Việt, không một mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để giành lại quyền sống với tạo vật; suốt một giải Trung Việt vào đến trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hi vọng cho tương lai. Cái văn hóa của tổ tiên ta để gây dựng trong hai nghìn năm... tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm”.

Cụ đã trầm trồ rằng “trong thuật kiến trúc ở nước ta, thuật điêu khắc chiếm một địa vị rất quan trọng. Thuật này hẳn là xưa nhất và khéo nhất trong nghệ thuật của ta... Đá thì ở phía bắc Trung Việt có thứ đá xanh, người ta thường dùng làm tượng phỗng đá cùng voi ngựa thờ...” (tr.285).

Nghĩa là nếu có cần đến những tượng này, tượng nọ, biểu tượng, linh vật để chưng thờ, nhất định di sản tượng của tổ tiên không thiếu về số lượng và “kém cạnh” về ý nghĩa. Các nhà dân tộc học người Pháp như Pierre Huard, Maurice Durand cũng đã mô tả chi li về kho tàng văn hóa Việt Nam qua những biên khảo như Connaissance du Viet Nam (1954) hay L’Imagerie populaire vietnamienne (1960).

Ngày nay có mấy người tự suy nghĩ như cụ Đào Duy Anh, rằng tổ tiên ta đã để lại từ Bắc chí Nam vô số những công trình phản ánh sự đấu tranh sinh tồn cũng như ý chí tiến thủ hướng đến tương lai...

Dân tộc Việt sau hai ngàn năm chung đụng, thậm chí bị áp đặt những nền văn hóa ngoại xâm, vẫn còn là dân tộc Việt trong mọi hình thái sinh hoạt là do tổ tiên đã có những công trình văn hóa mang bản sắc Việt không lẫn vào đâu được.

Phương Tây xem văn hóa chính là kết quả của sự trồng trọt (từ tiếng Latin cultus, nghĩa gốc là gieo trồng)... Từ cái nghĩa gốc này, có thể thấy tổ tiên chúng ta đã trồng gì thì hái nấy, xây gì và như thế nào thì ngụ thế ấy, đóng gì thì dụng nấy, tạc đẽo gì thì chưng nấy... Học gì hiểu nấy và sống như thế ấy. Văn hóa là như thế, di sản văn hóa cũng là như thế.

Trong khi “ôn lại cái vốn văn hóa của nước nhà”, cụ Đào Duy Anh cũng nêu ra những nhược điểm của nền văn hóa ấy, mà có thể kể ra một đặc tính sau của người Việt: “Não sáng tác thì ít nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hóa thì rất tài” (sđd, tr.23).

Có thể đồng ý hay không đồng ý với cụ, song rõ ràng là sự bắt chước mà không thông qua khâu tối thiểu là “thích ứng và dung hóa” như hiện đang thấy quả là đáng ngại. Từ thế kỷ 19, A. Schopenhauer - triết gia Đức - đã mô tả về sự biếng nhác trí thức và công luận.

Điều mà người ta gọi là công luận, xét cho cùng, có thể chỉ là ý kiến của hai hoặc ba người, rồi từ vài người đã thừa nhận, đề ra hay quả quyết ý kiến đó, người ta cứ thế mà tin rằng các vị đó đã xem xét kỹ lưỡng đến tận cùng rồi, một số người khác bắt đầu nghe theo.

Đến phiên mình, một số đông tiếp theo lại dựa vào những người trước, do lười biếng mà vội vàng tin ngay lập tức thay vì phải vất vả kiểm tra. Cứ thế ngày càng đông người cả tin theo... Đến lúc đó, ngả theo biến thành một nhiệm vụ.

Khi không gieo trồng thì chỉ có hái lượm mà thôi! Trái hái được là lành hay thối, may nhờ rủi chịu. Chỉ khi tỉnh giấc thì đã hóa thành “kẻ lạ” trên xứ sở ông bà rồi.

(*): Bản của Quan Hải Tùng Thư 1938.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận