TTCT- Với hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” vừa diễn ra, “Trung Quốc mộng” bước vào một giai đoạn mới, có vẻ “hiền hòa” sau giai đoạn chuẩn bị binh bị. Nhưng vẫn còn những dấu hỏi. Dự án “Một vành đai, một con đường“ -Nguồn: Tân Hoa xã, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Gazprom, Transneft, Liên Hiệp Quốc, The Wall Street Journal Ở một nuớc mà “trị quốc, bình thiên hạ” luôn là lẽ sống của bao thế hệ lãnh đạo và Trung Quốc không chỉ là tên nước mà còn là một tâm thế, thì nay giới lãnh đạo ấp ủ mộng lớn chẳng có gì lạ. Và điều này vừa thể hiện ở “Diễn đàn hợp tác quốc tế về con đường và vành đai” tại Bắc Kinh. “Con đường và vành đai” này nhằm rút ngắn khoảng cách cơ sở hạ tầng giữa khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Á cùng Đông Âu, bằng nguồn vốn vay do Trung Quốc cung cấp. Trên bộ, nhánh bắc sẽ đi qua Trung Á, Nga rồi sang châu Âu; nhánh giữa sẽ đi qua Trung Á, Tây Á rồi đổ ra vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải. Nhánh nam sẽ nối liền Trung Quốc và Đông Nam Á, Nam Á rồi ra Ấn Độ Dương qua ngã Pakistan. Trên biển, “Con đường tơ lụa” sẽ kết nối Đông Nam Á, châu Đại Dương và Bắc Phi. “Con đường tơ lụa” tân thời này còn vươn đến tận khu vực đông châu Phi bằng một tuyến đường sắt dài 2.700km nối liền Mombasa với Nairobi. Do đa số nước nằm trên “Con đường và vành đai” này đều đã tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở của Trung Quốc (AIIB) nên coi như đã có sẵn một khoản vốn trị giá 800 tỉ euro, nay Trung Quốc chỉ cần bổ sung thêm 113 tỉ euro nữa là đủ. Khách quan mà nói, “con đường tơ lụa mới” này đòi hỏi một núi của mà Trung Quốc đang là nước duy nhất có đủ vốn, nên Trung Quốc có đề ra sáng kiến “bộn bạc” này cũng dễ hiểụ. Sáng kiến này được đưa ra vào thời điểm mà mặt khác của “Trung Quốc mộng” hầu như đang hoàn tất: phát triển lực lượng tên lửa, phòng không, không quân vào hàng thượng thừa, tàu sân bay thứ nhì đã hạ thủy, Biển Đông đã quân sự hóa trọn vẹn coi như khó lòng bị “mời ra” được! Hợp tác và cùng thắng? Đài phát thanh CRI của Trung Quốc đăng những tựa đầu dòng như “Tổng thống Nga Putin: Kiến nghị của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rất kịp thời” hay “Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Việc tăng cường mối liên hệ giữa sáng kiến “Một vành đai, một con đường” với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là hết sức quan trọng”... Khẩu hiệu “Tăng cường hợp tác quốc tế, cùng xây dựng “Một vành đai, một con đường”, thực hiện cùng thắng, cùng phát triển” được nêu ra với hai từ khóa “hợp tác” và “cùng thắng” . Ông Tập mở đầu bài diễn văn bằng cách ca ngợi khách tham dự: “Đây thực sự là một tập hợp của những bậc đại trí” (great minds) và gọi đây là “dự án thế kỷ”, rồi kêu gọi “tham gia vào các cuộc trao đổi đầy đủ... để sáng kiến này đem lại lợi ích cho mọi người trên toàn thế giới”. Nhưng còn những ai vắng mặt thì sao? Nước vắng mặt nổi bật nhất trong dự án này có lẽ là láng giềng Ấn Độ của Trung Quốc. Tại sao Ấn Độ lại vắng mặt? Phải chăng Ấn Độ không thể xem “Con đường và vành đai” là một cơ hội để “hợp tác” và “cùng thắng”? Trong tuyên cáo một ngày trước diễn đàn, Bộ Quan hệ đối ngoại Ấn Độ tỏ rõ quan điểm: “Chúng tôi tin rằng các sáng kiến kết nối phải dựa trên các chuẩn mực quốc tế được công nhận, sự quản trị tốt, sự ngự trị của luật pháp, sự cởi mở, minh bạch và bình đẳng. Các sáng kiến kết nối phải tuân theo các nguyên tắc về trách nhiệm về tài chính nhằm tránh các dự án có thể sẽ tạo ra những gánh nặng nợ nần không bền vững cho các cộng đồng, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ, bảo toàn môi trường cân đối; sự đánh giá minh bạch về chi phí dự án, chuyển giao kỹ năng và công nghệ để giúp vận hành lâu dài và bảo trì các tài sản do cộng đồng địa phương tạo ra. Các dự án kết nối phải được theo đuổi theo cách tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Con đường tơ lụa mới Ông Tập thuyết phục khách tham dự, đầu tiên, bằng việc giở lại lịch sử con đường tơ lụa theo góc nhìn Trung Quốc. Thí dụ “con tằm bằng đồng cả ngàn năm tuổi đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây của Trung Quốc cùng con tàu Belitung thời Đường bị đắm được phát hiện ở Indonesia là chứng tích của thời kỳ lịch sử thú vị này”. Viện dẫn bằng chứng lịch sử, ông Tập quả quyết Trung Quốc có dựng lại con đường tơ lụa cũng là đương nhiên. Như trong mọi tranh luận khác mà Trung Quốc luôn viện dẫn những sử liệu của họ, ông Tập không quên nêu câu chuyện quen thuộc: “Vào khoảng năm 140 trước Công nguyên, trong triều đại nhà Hán, Zhang Qian (Trương Khiên), một sứ giả hoàng gia, đã rời thủ đô Trường An đi về hướng tây vì một sứ mệnh hòa bình, mở ra tuyến đường bộ trên đất liền nối phương Đông và phương Tây... Vào đầu thế kỷ 15, Zheng He (Trịnh Hòa), thuyền trưởng Trung Hoa nổi tiếng trong triều đại nhà Minh, đã thực hiện bảy chuyến đi đến các vùng biển phương Tây, một kỳ công vẫn còn được ghi nhớ ngày nay. Những người tiên phong đã giành vị trí của họ trong lịch sử không phải là những người chinh phục bằng tàu chiến, súng hoặc kiếm. Thay vào đó, họ được nhớ đến như là những sứ giả thân thiện dẫn các đoàn lữ hành lạc đà và tàu chở hàng đầy kho báu. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, những nhà lữ hành trên các con đường tơ lụa du lịch đã xây dựng một cây cầu hòa bình và hợp tác Đông - Tây”. Không dừng ở đó, ông Tập nêu ra một kết luận khác rất “hiền hòa” về lịch sử con đường tơ lụa này trên bình diện chung: “Những tuyến đường này cho phép những người thuộc nhiều nền văn minh, tôn giáo và chủng tộc tương tác với nhau và cởi mở với nhau. Trong quá trình trao đổi, họ đã nuôi dưỡng một tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tham gia vào nỗ lực chung để theo đuổi sự thịnh vượng”. Từ đó, ông Tập kêu gọi: “Các con đường tơ lụa cổ đại đã đem đến thịnh vượng cho các vùng đất... Nếu chúng ta bước những bước can đảm đầu tiên hướng về nhau, chúng ta sẽ có thể bước lên con đường dẫn tới hữu nghị, cùng phát triển, hòa bình và hòa hợp, cùng một tương lai tốt hơn”. Tham vọng của ông Tập Không khó để nhận ra những thôi thúc cùng kỳ vọng của Trung Quốc qua sáng kiến “Vành đai và con đường” của ông Tập. Đây là một trong những phương sách chủ chốt của đại dự án Trung Quốc mộng, điều đã được cựu cố vấn kiêm ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger quảng bá giùm liên tiếp qua hai quyển biên khảo On China (Về Trung Quốc) và World Order (Trật tự thế giới). Năm 2011, Kissinger đã viết trong On China: “Qua các kích thích thương mại cùng việc vận dụng một cách tài tình chính trường, Trung Quốc thuyết phục các nước láng giềng chấp hành các luật lệ với trung tâm là Trung Quốc” (trang 20). Những “kích thích thương mại” mà ông Kissinger nói tới chính là điều Trung Quốc đang hứa hẹn qua kế sách cho vay để dựng nên “Con đường, vành đai” mới mẻ. Việc “vận dụng một cách tài tình chính trường” đang được thực thi ở Triều Tiên, Pakistan, Campuchia... Còn vế sau thì những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông và trên bán đảo Triều Tiên cùng biển Nhật Bản là những minh họa nóng hổi. Ba năm sau quyển On China, Kissinger giải thích hộ Bắc Kinh vai trò mới của Trung Quốc trong World Order: “(Trong quá khứ) khi bị yêu cầu hội nhập vào hệ thống “luật chơi” cùng các trách nhiệm quốc tế, phản ứng tự tâm can của nhiều người Trung Quốc, kể cả các lãnh đạo lão thành, là vô cùng bực dọc vì nhận ra rằng Trung Quốc đã không hề có phần trong quá trình làm ra luật lệ của hệ thống đó. Họ được yêu cầu, và họ đã, vì thận trọng mà đồng ý tham gia các luật lệ đó. Song họ mong mỏi sớm muộn gì cũng sẽ làm được rằng trật tự thế giới sẽ diễn biến theo cách sao cho phép Trung Quốc can dự trong vai trò trung tâm ấn định luật lệ thế giới sau này, ngay cả bằng cách xét lại một vài luật lệ từng là then chốt” (trang 225). Không ai phản ánh chính xác tâm tư của Bắc Kinh bằng Kissinger. Và nay chính là thời điểm Trung Quốc ấn định luật chơi quốc tế. Thời cơ của Trung Quốc mộng đã đến khi “đế quốc” của thế kỷ 20 là Mỹ đang suy yếu hơn bao giờ hết, sau hai nhiệm kỳ “hoang phí” của ông George W.Bush mà đổ nợ. Thêm hai nhiệm kỳ “đổ vỏ” mãi không xong của ông Barack Obama, và bốn tháng qua của một Donald Trump còn loay hoay. Cũng thế, là vấn đề khó khăn của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Syria và với NATO trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp sóng gió, cũng chính là thời cơ vàng cho Bắc Kinh đóng “vai trò trung tâm ấn định luật lệ thế giới”. Tất nhiên, trang web chuyên về kinh tế Quartz đã điểm danh và ghi nhận “thiếu vắng 44 quốc trưởng từ 65 quốc gia liên quan”. Nhật Bản cử một chính khách tới dự, tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do chứ không phải một quan chức chính phủ; Mỹ cử một viên chức cấp thấp của Nhà Trắng... Sáu nước châu Âu gồm Anh, Bồ Đào Nha, Đức, Hi Lạp, Estonia và Pháp tham dự song không ký thông cáo chung, với lý do văn bản này vẫn không cho thấy Trung Quốc đáp ứng yêu cầu mở của thị trường mà châu Âu đã đưa ra từ lâu. ■ Tags: Trung QuốcCon đường tơ lụaMột vành đai một con đườngMột vành đaiMột con đườngĐường tơ lụa mới
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.