Về cha

TATYANA TOLSTAYA 20/06/2017 19:06 GMT+7

TTCT - Về cha là truyện ngắn trong tuyển tập truyện và tiểu luận Những thế giới nhẹ nhàng của Tatyana Tolstaya, đoạt giải thưởng Ivan Petrovich Belkin năm 2013 (Belkin là một nhân vật hư cấu của đại thi hào Nga A. S. Puskin. Giải thưởng mang tên “nhân vật tỉnh lẻ” này nhằm vinh danh những tác giả mới của văn đàn Nga).

 Giới thiệu tuyển tập đoạt giải, chủ tịch hội đồng giám khảo Aleksandr Kabakov nói "Những thế giới nhẹ nhàng thật sự là một bài thơ, nếu chúng ta giả định rằng thơ ca là biểu hiện cao nhất của văn học”. Được sự cho phép của tác giả, TTCT giới thiệu cùng bạn đọc.

Minh họa: Ry Nguyễn

 

Cha có mốt đội mũ thỏ(1), mặc áo khoác nỉ đen, phía sau chiếc nút trên cùng dường như là chiếc khăn quàng kẻ carô đỏ rách xơ xác và châm chích, mà có thể chẳng có chiếc khăn quàng nào. Nếu vậy thì là chiếc sơmi trước chiến tranh, bằng lụa, màu xanh sọc trắng.

Lúc đó họ may rất buồn cười: phía sau, chỗ xương bả vai là một nếp gấp lớn, để rộng đường cho tay vung vẫy. Cái áo thổi thành cánh buồm trên lưng, chẳng buồn quan tâm tới sự vừa vặn.

Tôi tìm thấy chiếc áo ấy cách đây không lâu, khi soạn những chiếc rương cũ, lại còn trong số những chiếc nặng nhất cả khi không chứa gì, ở các góc có những tấm ốp bằng da.

Trong đó có những thứ tuyệt vời, đơn giản là tuyệt vời: đó là chiếc quần bằng thứ vải tuýt kỳ diệu, rõ ràng là từ nước ngoài, ống rộng.

Màu nhìn chung dường như xam xám, nhưng vải tuýt là thứ thế này: nếu nhìn gần, đưa hẳn lên mắt, bạn sẽ thấy cả màu xám, cả đường chỉ xanh lá, và chấm phẩy đỏ, lại còn cái gì đó như cát thấp thoáng, và tiếng ọp ẹp của cọc chèo, và cái lấp lánh bóng của nước nặng sông Thames, cái óng ánh lung linh nhảy múa của đèn đường trên sóng, và âm thanh sóng vỗ, và không khí ẩm ướt, và lớp mốc lụa trên những cây đà gỗ.

Quần đổ lông ngứa ngáy, thoảng mùi hạt băng phiến hơi khó chịu. Bây giờ mong sao lũ mọt đừng thấy bọn ngốc này, chúng sẽ ăn hết cả quần lẫn băng phiến; lũ mọt giờ đã trâng tráo, lì lợm, mắt chúng tinh và sắc.

Còn những năm đó, khi quần được bỏ vào rương, còn rương được nhét vào tầng xép, thì là lũ mọt khác sống, màu trắng, khá lớn, với cung cách cổ xưa, với lòng tự trọng, tôi đồ rằng chúng quan tâm sâu sắc tới thế hệ sau: đừng vào đó, trong đó có băng phiến!... Vào rương khác đi!

Chiếc quần thì như thế, rồi đến cái quần lót dài - một thứ buồn cười! Bằng dây buộc, bằng dải rút! Phía trước vẫn còn ba chiếc nút - nói thật, bằng xương - đã bị nứt, gãy.

Một cái áo vét-tông trẻ con, may vụng, với dải thắt sau lưng, cũng bằng vải tuýt, nhưng đơn giản hơn. Một cái váy tám múi bằng len đỏ của ai đó. Và những chiếc sơmi, một chiếc màu xanh sọc, chiếc khác màu cà phê cũng có sọc.

Tôi thích chiếc màu xanh, dù chiếc màu cà phê cũng không kém cạnh. Nhưng tôi thích màu xanh, màu thiên thanh, vì thế ông mặc nó đến với tôi.

Nhưng dù sao tôi cũng chẳng biết chính xác, tôi chưa một lần thấy nó: ông chẳng bao giờ cởi áo khoác. Còn áo khoác thì ông đã quen mặc cái áo nỉ có lông thô, thứ mà ông mặc trước khi mất, và cái mũ thỏ cũng là thứ ông đội những năm cuối đời.

Ông có lẽ khoảng 35 tuổi, trong cái nhập nhoạng của giấc ngủ không nhìn ra tuổi tác, nhưng cái gầy yếu hậu chiến và cảnh rách rưới chung, cái khinh mạn và bất cẩn, hay, như lời ông sẽ nói, nonchalance - đôi kính gọng tròn đó, đôi kính - là thứ đầu tiên có lẽ tôi nhìn thấy trên gương mặt hiếu kỳ của ông khi người ta đưa tôi về từ nhà bảo sanh, thấy và yêu thương suốt đời - dường như là dấu hiệu của việc ông mới 35 tuổi. Ông còn trẻ hơn các con tôi.

Chúng biết ông như một người già, với thắt lưng đau suốt, với da mặt chảy xệ và những gì còn lại từ mái tóc bạc - sao điều đó làm ông ghét mình như thế!

Nhìn vào gương, cạo râu rồi chải tóc bằng chiếc lược ướt, giận dữ phẩy tay: Ối chào! Nhìn gớm quá!... rồi về cõi của mình, vua của các vua, to lớn và nặng nề, uống cà phê, rồi sau đó ra phố, có thể đến trường đại học giảng bài, có thể chỉ để đi, trong chiếc mũ thỏ khủng khiếp, nhưng với cây gậy.

Nhà văn Tatyana Tolstaya

 

Chúng biết ông như một người già, và chúng nghĩ: ông ngoại; còn tôi nhớ ông trẻ trung, nhanh nhẹn, ồn ào; tôi nhớ ông cười bên bàn tiệc với cốc vang đỏ giữa những bạn bè thanh xuân cười đùa. Tôi nhớ ông đến ngồi bên giường tôi trước giấc ngủ và kể về cách thế giới hình thành.

Về các quỹ đạo của electron. Về sóng và hạt. Về vận tốc ánh sáng. Về việc cơ thể không thể bay nhanh hơn ánh sáng: vì cơ thể có khối lượng, và khối lượng đó tăng lên cùng tốc độ, đến vô cùng tận. Cơ thể thì không, nhưng ánh sáng thì có thể.

Tôi mới mười tuổi, và tôi hỏi: Nhưng thế giới được làm bằng gì? Nó được làm bằng cái gì? Làm như có thể trả lời câu hỏi này vậy. Ông nói với tôi về lực hấp dẫn, về năng lượng, về học thuyết tương đối, về sự uốn cong của không gian, về lực và trường, nhưng vẫn không phải thế. Nó được làm bằng gì, thế giới này?

Ông kiên nhẫn thở dài.

Thôi được, nếu cha nói nó làm bằng đồng thì sao, có được không? Từ nước ép bắp cải? Cũng không à? Đấy con xem: có trường điện từ... Con sao thế, ngủ rồi à?.

Tôi nhớ ông vui vẻ, dĩ nhiên, mỉm cười, nhưng tôi cũng nhớ ông giận dữ, bất công, u ám; ông sợ chết, và ý nghĩ về sự tất yếu của nó đã dẫn ông vào trạng thái xấu xí, giận dữ của tâm hồn, giống như đó là án tử được ấn định vào ngày mai, và dĩ nhiên không có bất cứ sự kháng án nào.

Tôi đã trưởng thành, đã biết cách nói, và đã nói với ông rằng không có cái chết, nhưng có bức màn che, và sau bức màn đó là một thế giới khác, phức tạp và tuyệt vời, rồi sau đó thêm một bức nữa, rồi lại một bức nữa; ở đó có những con đường, những dòng sông, những đôi cánh; ở đó cây xào xạc gió; ở đó mùa xuân và hoa trắng; con đã ở đó rồi, con biết, con hứa đấy.

Còn ông cãi lại và không tin, và muốn nghe một lần nữa và lần nữa. Ông nói: Tiếc quá, cha biết thế giới hình thành thế nào. Ở đó không có chỗ như con bảo. Và tôi đáp lời ông rằng con vẫn nhớ từ thời thơ ấu: cơ thể thì không, nhưng ánh sáng thì có thể.

Một tháng trước khi mất, ông quyết định tin. Hơi bối rối - bởi tất cả những thứ ấy thật ngu ngốc - ông bảo với tôi, bởi vì rõ là ông sẽ chết trước tôi, nên từ đó ông sẽ gửi tin báo về cho tôi. Một dấu hiệu đặc biệt. Một lời riêng. Ông sẽ kể ở đó thế nào.

Ông không bao giờ nói dối tôi, không bao giờ. Và lần này cũng thế.

Trong giấc mơ ông về trẻ trung, ông đến trong chiếc áo khoác nỉ, mũ tai thỏ, trong bộ quần áo của tương lai vẫn chưa có trước khi ông mất. Nhưng có lẽ, với ông sao cũng được.

Dưới áo khoác là chiếc khăn carô đỏ, nhưng có thể không có. Hay chiếc áo sơmi xanh yêu thích của tôi. Ông có khuôn mặt nhọn gầy gò của người kiệt lực thời chiến, đôi kính tròn.

Dường như đế giày của ông không chạm sàn, ông dường như treo trong không trung, dường như hơi tròng trành, nhưng tôi không chắc - ở đó tối và không thấy rõ.

Ông nhìn tôi chăm chú và thân thiện, tôi biết cái nhìn này, tôi nhận ra ông trong những người sống, tôi nhận ra ông trong những người gặp trong mơ, cái nhìn tôi luôn đáp lại, tôi đứng dậy và tiến đến gặp ông.

Ông muốn nói gì đó, nhưng không nói, muốn giải thích gì đó, nhưng không giải thích. Còn tôi có cảm tưởng như ông thấy buồn cười. Có thể, hóa ra thế giới đúng là được làm bằng đồng và nước ép bắp cải, đặt trong cái vali có các miếng ốp da và đầy hạt băng phiến, và điều đó chẳng gây trở ngại cho bất cứ gì - chẳng ánh sáng kim cương của hàng tỉ ngôi sao, chẳng không gian cong, chẳng thời gian bất động, chẳng tiếng vỗ của sóng, chẳng những con đường, chẳng tình yêu.■

Phan Xuân Loan (dịch)

(1): Mũ lông có hai tai che, để đội mùa đông.

Tatyana Nikitichna Tolstaya (sinh năm 1951 tại Saint Petersburg), nữ nhà văn Nga, nhà chính luận, nhà phê bình văn học, người dẫn chương trình truyền hình, từng đoạt nhiều giải thưởng:

Giải thưởng văn học Triumph (2001), Giải thưởng truyền hình TEFI (2003), Giải thưởng văn học Ivan Belkin (2014). Bà là cháu gái của nhà văn nổi tiếng Aleksei Tolstoy (tác giả Con đường đau khổ đã được dịch ra tiếng Việt).

Viết về văn chương của Tolstaya, nhà phê bình văn học Mỹ đoạt giải Pulitzer Michiko Kakutani nói:

“Người ta có thể tìm thấy tiếng vọng các công trình của ông bác Leo Tolstoy: tình yêu thiên nhiên, cái nhìn tâm lý sâu sắc, sự chú ý đến từng chi tiết của cuộc sống mỗi ngày; nhưng những câu chuyện tỏa sáng, ám ảnh của bà lại nhắc nhiều tới công việc của Chekhov, vẽ nên đời sống nội tâm của nhân vật và những giấc mơ không thành với cái nhìn thiện cảm và sâu sắc, đồng thời cũng thể hiện tình yêu Nabokov của tác giả với ngôn ngữ, và mối quan hệ của bà với những chuyến du hành kỳ lạ vào thế giới siêu thực, gợi nhớ Bulgakov và Gogol”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận