Về hệ thống tòa giao thông ở Mỹ

HẢI MINH 21/01/2025 06:11 GMT+7

TTCT - Khi xảy ra tranh chấp giữa hai đối tượng thì người phán xử sẽ không thể là một trong hai đối tượng đó. Nguyên tắc này là nền tảng cơ bản cho hệ thống tòa giao thông ở Mỹ.

Về hệ thống tòa giao thông ở Mỹ - Ảnh 1.

Trụ sở một tòa giao thông ở tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: inquirer.com

Chuyên san về luật California Law Review số tháng 8-2024 đã có bài nghiên cứu rất hay về chủ đề này, với tựa đề giản dị: "Tòa giao thông" của tác giả Justin Weinstein-Tull.

Trước hết, cần nói rõ là trong khi cảnh sát ở Mỹ có quyền ghi vé phạt giao thông, người bị phạt sẽ chỉ bị coi là vi phạm và phải đóng phạt sau khi có phán quyết từ tòa giao thông. 

Dù hầu hết các phiên xử ở tòa giao thông thường chóng vánh, hầu hết các vụ việc là đơn giản, nhưng không ít trường hợp, trong cuộc sống thiên hình vạn trạng, xung đột giữa quy định luật pháp và thực tế đời sống không thể tránh khỏi gây ra tranh cãi giữa người bị phạt và cơ quan công quyền.

Vai trò gần dân

Khi đó, tòa giao thông sẽ có vai trò vô cùng quan trọng, mà theo Weinstein-Tull là vì ba lý do: 

(i) Tòa giao thông là nơi giải quyết hơn 1/2 số vụ việc của toàn bộ hệ thống tư pháp Mỹ mỗi năm; 

(ii) Phán quyết của tòa về các khoản phạt và chế tài với bằng lái xe ảnh hưởng sâu sắc lên đời sống đông đảo người dân; 

Và (iii) tòa có vai trò then chốt trong hệ thống tư pháp, vừa là nơi phán xử cao nhất với hoạt động xử phạt vi phạm giao thông, vừa hỗ trợ các nhánh tư pháp, cũng như cơ quan nhà nước cấp tiểu bang và địa phương khác.

"Tòa giao thông đóng vai trò chuyển nguồn tiền khổng lồ từ người lái xe... vào tay chính quyền", nghiên cứu viết. Quan trọng không kém, với hầu hết người dân thường, hệ thống phân xử vi phạm giao thông chính là bộ mặt của toàn bộ hệ thống tư pháp. 

"Trong khi nhiều vụ vi phạm giao thông dễ giải quyết qua các khoản phạt trả nhanh, một số khoản khác lại có thể tác động kinh khủng lên đời sống người dân - theo nghiên cứu - Ngay cả một khoản phạt 50 đô la thôi cũng là đầy thách thức với một người thu nhập thấp, thất nghiệp hay vô gia cư". 

"Tiền phạt ban đầu ít cũng có thể tăng vọt nếu không được chi trả, dẫn tới thu hồi bằng lái, thậm chí là án tù. Với những ai dựa vào xe cộ để kiếm cơm, mất bằng lái sẽ dẫn tới thất nghiệp. Và các vụ bắt giữ, tuy chỉ là ngắn hạn, có thể gây ra hậu quả khủng khiếp cho gia đình và con cái những người yếu thế".

Tác giả kể lại khi ông tham dự một khóa huấn luyện dành cho người sẽ đảm nhận công tác phán xử tại tòa giao thông tiểu bang Arizona, một trong những trang trình chiếu đầu tiên nhắc nhở phận sự của người cầm cân nảy mực khi phán quyết về án phạt: 

"Dù tầm quan trọng tương đối của vụ việc với toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự và dân sự chỉ là nhỏ bé, nó vẫn là điều quan trọng nhất với cuộc sống của con người đang liên quan trực tiếp vào vụ việc đó. Mong muốn có được một phán quyết công bằng và sòng phẳng của người bị phạt trong một vụ vi phạm giao thông dân sự cũng mạnh mẽ không khác gì trong một vụ án hình sự nghiêm trọng".

Ý thức đó lại càng khó duy trì khi số vụ việc được các tòa giao thông xử lý mỗi năm là khổng lồ. Dữ liệu của Trung tâm Quốc gia tòa án cấp tiểu bang Mỹ (NCSC) cho thấy có tới 29,9 triệu vụ việc được đưa ra tòa giao thông trên cả nước vào năm 2021, chiếm 47% các vụ xét xử ở tòa án cấp tiểu bang.

Về hệ thống tòa giao thông ở Mỹ - Ảnh 2.

Quy trình pháp lý ở tòa giao thông thường rất giản tiện. Ảnh: Mercury News

"Chỉ riêng số vụ việc ở tòa giao thông thôi đã đủ để chúng ta phải quan tâm tới thiết chế này. Nhưng còn nhiều lý do khác nữa. Những lý do mang tính con người", Weinstein-Tull viết. 

Ông kể lại nhiều câu chuyện tai nghe mắt thấy về những người mắc kẹt trong một khoản phạt giao thông, để rồi cuộc đời rơi vào vòng xoáy không lối thoát. 

Chẳng hạn một người đàn ông, do phải chăm sóc cho người em trai tàn tật, đã không thể trả được khoản phạt vi phạm giao thông và phạt chồng phạt lên tới 4.300 đô la tích tụ qua một thời gian dài. Kết cục, anh ta bị bỏ tù 24 ngày, và vì vậy mất việc.

Ở hầu hết các tiểu bang, tòa giao thông cũng có quyền treo bằng lái người vi phạm, điều sẽ dẫn tới nhiều hệ quả tai hại cho người bị tước bằng ở quốc gia phụ thuộc nặng nề vào phương tiện cá nhân như Mỹ. 

Nhiều tài xế bị đình chỉ bằng lái "sẽ mất việc vì lựa chọn việc làm sẽ trở nên hết sức hạn chế với họ... Những người chỉ có lựa chọn là phương tiện công cộng để đi lại cũng sẽ có rất ít lựa chọn về nhà ở vì hạ tầng giao thông công cộng còn hạn chế (ở Mỹ)", theo một nghiên cứu đăng trên chuyên san Campbell Law Review năm 2021.

Tòa giao thông còn có một vai trò lớn khác nữa với đời sống địa phương: các khoản phạt giao thông là nguồn thu quan trọng cho nhiều chính quyền tiểu bang và đô thị. 

Theo nghiên cứu của Weinstein-Tull ở Arizona, tiền phạt giao thông thực ra là nguồn thu nhập đơn lẻ lớn nhất cho chính hệ thống... tòa án của tiểu bang này. Và Arizona không phải ngoại lệ. 

Lấy ví dụ, ở California, một trong những bang giàu nhất nước Mỹ, khoản phạt 100 đô la vì vi phạm giao thông sẽ kèm theo khoản phí xử lý 390 đô la, được chia ra cho nhiều chương trình của tiểu bang, bao gồm quỹ bảo tồn cá và hươu nai, văn phòng dịch vụ khẩn cấp, quỹ hỗ trợ người chấn thương não bộ... 

Tất nhiên, ít ra chính quyền phải công khai minh bạch và giải trình được tất cả những khoản thu chi từ tiền phạt giao thông này.

Hình thức tố tụng đơn giản

Về hình thức và quy trình tố tụng, các phiên tòa giao thông, khác với các phiên xử hình sự hay dân sự về tranh chấp tài sản chẳng hạn, thường diễn ra trong không khí không chính thức. 

Nhiều tiểu bang thậm chí không yêu cầu người xét xử phải là thẩm phán có bằng luật (judge), mà chỉ cần là viên chức hành chính phụ trách phân xử có qua đào tạo (hearing officer). Người bị phạt cũng thường không mang luật sư tới tòa (ngoại lệ là giới tài xế xe tải đường dài, thường được đại diện bởi luật sư của công ty nơi họ làm việc). 

Về phía nhà nước, nếu bên bị không có luật sư thì bên nguyên cũng sẽ không cử công tố viên: cảnh sát sẽ là những người đại diện cho nhà nước. Hơn nữa, tòa giao thông cũng không có bồi thẩm đoàn.

Về hệ thống tòa giao thông ở Mỹ - Ảnh 3.

Cảnh sát có quyền ghi vé phạt, nhưng phán quyết cuối cùng được đưa ra ở tòa giao thông, khiến hệ thống công lý mang bộ mặt gần gũi với con người hơn. Ảnh: HAWM Law

Chính vì vậy, theo các thẩm phán tòa giao thông ở Arizona mà Weinstein-Tull đã gặp, lập luận của bên bị thường thiếu tính pháp lý, và rất điển hình cho dân vi phạm giao thông: "Tôi chỉ hơi lấn làn chút xíu", "mấy người kia chạy còn nhanh hơn", hay "đường vắng tanh, làm gì có ai đi đâu". 

Nhưng chính nhờ tính chất khá thoải mái về mặt quy trình lẫn yêu cầu với người phân xử, vốn thường cũng là dân địa phương, các thẩm phán tòa giao thông ở Mỹ thể hiện được "nhãn quan diễn giải luật học của riêng họ về tính công bằng và lòng cảm thông. Nhìn nhận của họ bao gồm các giá trị cộng đồng cụ thể nơi họ sinh sống..., tạo ra triển vọng về một hình thức chính quyền đại diện (ở tòa)", Weinstein-Tull viết.

Quan trọng không kém là tính biểu tượng của tòa giao thông, khi người phân xử "đóng chức năng thực thi công lý đúng như mô tả". 

"Hơn bất kỳ tòa án nào khác, tòa giao thông cho chúng ta được chứng kiến công lý mà chúng ta đang thực sự có, chứ không chỉ công lý mà chúng ta tin rằng mình có", Weinstein-Tull viết trong một nhận xét xứng đáng phải đọc lại nhiều lần.

Nhờ vậy, các nghiên cứu luật học ở Mỹ thấy rằng tòa giao thông và những thẩm phán ở đó có vẻ đã thỏa mãn được người dân. 

Herbert Kritzer chẳng hạn, viết trong nghiên cứu "Người Mỹ cần gì ở các thẩm phán tiểu bang?" (2021) rằng trong khi 88% dân Mỹ kỳ vọng "kiến thức pháp lý sâu sắc" với thẩm phán tòa tối cao tiểu bang thì chỉ 66% đòi hỏi điều đó ở thẩm phán tòa địa phương. 

Trong khi đó, 54% nói tòa địa phương quan trọng nhất là phải "hiểu được những ưu tiên của cộng đồng" (so với chỉ 21% với các vị quan tòa trên cao).

"Những thẩm phán tòa giao thông mà tôi đã trao đổi có vẻ đều đáp ứng phần nào nhu cầu đó - Weinstein-Tull viết - Dù hầu hết không có kiến thức pháp lý sâu sắc, họ tự hào đã lắng nghe hết sức mình với người bị phạt vi phạm giao thông". 

"Họ hiểu rõ cộng đồng của mình và vai trò phân xử của họ với cộng đồng đó. Một thẩm phán mà tôi đã trao đổi nói cô biết một nơi có bẫy bắn tốc độ trong khu của cô vì chính cô từng dính phạt". 

"Một người khác nói anh ý thức được vai trò đảm bảo an toàn giao thông trong cộng đồng và cố gắng để người vi phạm hiểu phán quyết của anh là nhắm tới mục tiêu đó. Những ví dụ đó có vẻ nhỏ nhặt, nhưng nó cho thấy các thẩm phán tòa giao thông gắn bó với cộng đồng có thể đưa ra phán quyết với hiểu biết sâu sắc ra sao, không nhất thiết là chỉ dựa trên luật pháp".■

Năm 1987, trong nghiên cứu "Nhìn xuống đáy: Nghiên cứu phê phán về pháp luật và bồi thường", Mari Matsuda đã viết những lời khôn ngoan: "Phương pháp nhìn xuống đáy sẽ dẫn tới những khái niệm về luật pháp khác biệt sâu sắc với luật pháp được tạo ra từ trên đỉnh". Wesintein-Tull bổ sung: "Luật pháp, khi nhìn ở gần người dân nhất, không phải lúc nào cũng tuân theo những quy định mà chúng ta nghĩ là đúng. Tìm hiểu luật pháp từ dưới lên, thay vì từ trên xuống, vừa truyền cảm hứng cho những lý luận mới, vừa mở ra những cải cách mà nếu làm khác đi thì ta khó lòng thấy rõ".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận