TTCT - Singapore sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 kể từ khi độc lập (1965) vào ngày mai 10-7. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, và còn quan trọng hơn, đây có thể là cuộc bầu cử cuối cùng mà Thủ tướng Lý Hiển Long nắm quyền, khi nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi lãnh đạo cấp cao ở giữa nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. Ảnh: The Straits Times Những người đối lập cho rằng tổ chức bầu cử lúc này là nguy cơ lớn với sức khỏe người dân, nhưng theo luật định, cuộc bầu cử phải diễn ra trước khi nhiệm kỳ của chính phủ hiện tại kết thúc vào tháng 4-2021. Theo luật, chính quyền có quyền tổ chức tổng tuyển cử bất cứ thời điểm nào trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng không được trì hoãn bầu cử sau khi nhiệm kỳ đã kết thúc. Hiện không thể nào nói chắc là COVID-19 sẽ chấm dứt vào tháng 4-2021. Trong tháng qua, tốc độ lây nhiễm ở Singapore cũng thấp và đã ổn định. Nửa đầu năm 2020, một số nước đã tổ chức bầu cử với các biện pháp an toàn được tăng cường. Chính phủ Singapore đã học hỏi từ những kinh nghiệm đó và tự tin sẽ tổ chức được cuộc bầu cử an toàn. Các biện pháp của chính quyền bao gồm luôn đeo khẩu trang và không bắt tay, việc vận động tranh cử diễn ra theo từng nhóm không hơn năm người, giữ khoảng cách an toàn, các khu vực bỏ phiếu sẽ được khử trùng và tăng cường biện pháp bảo vệ y tế, chẳng hạn sử dụng găng tay dùng một lần cho cử tri. Mô hình chính trị Singapore Do chính trị Singapore tổ chức theo mô hình đại nghị Westminster kiểu Anh, một đa số quá bán tương ứng với số ghế trong nghị viện là đủ để đảng chiến thắng thành lập chính phủ, chỉ sửa đổi hiến pháp mới cần đa số hai phần ba. Khi không đảng nào giành được đa số quá bán, các đảng sẽ phải thành lập chính phủ liên minh. Công dân trên 21 tuổi có quyền bỏ phiếu và ra tranh cử. Đi bầu cử là nghĩa vụ bắt buộc và ngày bầu cử là ngày lễ chính thức được nghỉ làm. Mỗi khu vực bầu cử có một ghế và sẽ có 93 ghế ở nghị viện mới, so với 89 nhiệm kỳ này. Nhưng một số cải cách khác đã diễn ra được một thời gian. Một cải cách là cơ chế Nhóm khu vực bầu cử đại diện (GRC), trong đó 4-5 khu vực bầu cử đơn lẻ được gom làm một và các ứng viên sẽ thắng hoặc thua với cả GRC của mình. Ở mỗi GRC như vậy, luật bầu cử yêu cầu phải có ít nhất một ứng viên người sắc tộc thiểu số (tức không phải người Hoa). Điều luật này được đưa ra vào năm 1998, và cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được cho là đã học hỏi từ kinh nghiệm của Nam Tư khi một quốc gia đa sắc tộc rốt cuộc tan rã thành nhiều nước. Người ta có lúc tưởng rằng những chia rẽ chủng tộc và sắc tộc không còn ở Nam Tư, nhưng rồi sự chia rẽ lại trỗi dậy, gây ra rạn nứt, căng thẳng và xung đột sắc tộc, rốt cuộc dẫn tới những đường biên giới quốc gia mới. Ông Lý Quang Diệu muốn đảm bảo những sắc dân thiểu số sẽ luôn được đại diện trong đời sống chính trị Singapore vì chính sự sinh tồn và cố kết của đất nước Singapore. Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền đã giành quyền lập chính phủ trong mọi cuộc tổng tuyển cử từ năm 1965. Trong quá trình đó, tỉ lệ phiếu phổ thông của đảng này dao động từ 60% tới gần 90%. Diễn giải chính xác cho điều này là cử tri Singapore muốn PAP tiếp tục cầm quyền, nhưng muốn có thêm tiếng nói đối lập trong nghị viện. Từ năm 1984, PAP đã không thể giành mọi ghế trong các cuộc bầu cử. Số ghế của phe đối lập dao động từ 1-7, nhiều nhất là vào năm 2011 khi đảng đối lập thắng ở một GRC, điều cho tới khi đó được coi là bất khả với bất cứ đảng đối lập nào ở Singapore. Những người có quan điểm đối lập cũng được khuyến khích bởi các chương trình do chính chính phủ bảo trợ nhằm tạo ra nhiều tiếng nói phản biện hay thậm chí là đối lập hơn ở nghị viện. Có thể kể chương trình Nghị viên cử tuyển (NMP), trong đó tối đa chín nhân vật có uy tín trong xã hội không gắn với đảng chính trị nào được đề cử vào nghị viện, không tính tới thiên hướng chính trị của họ. Một chương trình khác là nghị viên ngoài khu vực bầu cử (NCMP), theo đó tối đa 11 nhân vật đối lập thất cử đứng đầu sẽ được mời vào và tham gia những quy trình của nghị viện. Cả NMP và NCMP, trong vai trò nghị viên không qua bầu cử, có đầy đủ quyền bày tỏ ý kiến không khác gì các nghị viên được bầu. NCMP còn có quyền biểu quyết đầy đủ đúng như những người đã đánh bại họ trong cuộc bầu cử, bao gồm quyền bỏ phiếu cho các đạo luật và nghị quyết như luật ngân sách, nghị quyết bất tín nhiệm, nghị quyết bãi chức tổng thống và sửa đổi hiến pháp. Tổng thư ký PAP - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đi vận động ở một khu vực bầu cử ngày 30-6, tuân thủ các quy định an toàn phòng dịch. Ảnh: AP Năng lực hoạch định dài hạn Một câu hỏi là liệu hệ thống bầu cử này có phục vụ cho nhu cầu của đất nước không. Nhu cầu đó thì thay đổi theo thời gian, và lý do khiến các chương trình NMP và NCMP được đưa ra là vì xuất hiện nhu cầu có thêm tiếng nói đa dạng và đối lập trong nghị viện, để chất lượng tranh luận trên nghị trường sẽ tăng lên. Có một số người cảm thấy với việc quyền lãnh đạo giờ đang chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo thứ tư, PAP và hệ thống chính trị mà họ xây dựng không thể tránh khỏi suy giảm hiệu năng và phạm sai lầm. Nhưng cũng có những quan điểm giải thích tại sao hệ thống chính trị của Singapore, bao gồm hệ thống bầu cử, vẫn còn có thể phù hợp. Việc PAP cầm quyền thời gian rất dài đã tạo ra một tài sản tối quan trọng với sự phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng quốc gia ở Singapore: năng lực hoạch định dài hạn nhờ ổn định chính trị, sự tiếp nối các kế hoạch của chính phủ, và những biện pháp mạnh tay (khả thi nhờ đa số lớn ở nghị viện, sự đoàn kết nhất trí trong nền chính trị, và một lực lượng công chức mẫn cán) khi cần thiết, thay vì tìm cách chiều chuộng bất kỳ nhóm lợi ích đơn lẻ nào chỉ để kiếm phiếu hay phải viện tới chính phủ liên minh, nơi các cuộc mặc cả có thể làm suy yếu những chính sách tốt. Sự tin tưởng vào một Singapore tiếp tục do PAP dẫn dắt đã thu hút giới đầu tư tới đây thậm chí giữa đại dịch COVID-19. Trong nửa đầu năm 2020, Singapore đã thu hút được 3 tỉ đôla FDI cam kết. Năng lực sửa luật nhanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là tối quan trọng với một Singapore cần phải đi trước thật nhanh so với các nước sao chép mô hình phát triển và những thành công kinh tế của nước này. Bởi thiếu tài nguyên thiên nhiên, lợi thế so sánh của Singapore là đi trước trong nhiều hoạt động kinh tế mới mẻ, tạo ra giá trị cao; sản xuất những gì các nước khác không thể hay lưỡng lự vì thiếu sự ủng hộ pháp lý hay không có một chính quyền dám bảo trợ cho những ngành công nghiệp và dịch vụ đột phá. Như thế, thành công trong bầu cử của PAP không phải là nhờ bắt nạt hay đàn áp phe đối lập, dù phong cách của PAP thường là dứt khoát và trực diện. Thật ra, quyền thành lập đảng chính trị để chạy đua với PAP luôn được tôn trọng, theo quy định về các đảng chính trị mà PAP cũng phải tuân thủ. Việc bỏ phiếu là kín; trong quá trình kiểm phiếu mỗi ứng viên được chỉ định người đại diện tại hòm phiếu để giám sát quá trình kiểm phiếu và có quyền khiếu nại với bất cứ việc kiểm phiếu nào bị tình nghi. Trong những cuộc chạy đua kết quả sít sao mà sự thắng bại được phân định ở mức dưới 2%, các ứng viên có quyền yêu cầu kiểm phiếu lại. Sau khi kiểm phiếu và kết quả được công bố, hòm phiếu đựng phiếu bầu được khóa lại và do tòa án giám sát, rồi bị hủy sáu tháng sau cuộc bầu cử trong sự chứng kiến của tất cả các đảng tranh cử. Trong khi truyền thông phương Tây và phe đối lập có thể nghĩ khác, người Singapore về cơ bản nhất trí rằng các cuộc bầu cử là công bằng. Những trường hợp phe đối lập giành chiến thắng ở các GRC trong hai cuộc bầu cử vừa qua đã củng cố ý kiến đó. Có một số khác biệt then chốt giữa phe đối lập và PAP. PAP đã luôn là một đảng chính trị trung tả. Điều đó có nghĩa đảng luôn đứng về người lao động cũng như các giá trị xã hội chủ nghĩa, nhưng ưu tiên yêu cầu tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm, cũng như đòi hỏi phải đối thoại và thu hút giới chủ tư bản. Phe đối lập muốn gì? Thượng tầng kiến trúc kinh tế này dựa trên hạ tầng là chủ nghĩa tự do lấy cảm hứng từ phương Tây, trên cơ sở thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền tư hữu tài sản. Quyền của cá nhân với nhiều hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế được đảm bảo, nhưng có những hạn chế được ấn định với những lĩnh vực mà hầu hết mọi người trong xã hội coi là phù hợp, chẳng hạn như quyền sở hữu súng, hay yêu cầu duy trì pháp luật và trật tự. Gia đình và các lợi ích tập thể được nhấn mạnh. Trong sự giao thoa này, ta thấy sự hòa trộn của một bộ khung Tây phương với những giá trị cả phương Tây và phương Đông. Đây là vùng trung dung mà hầu hết người Singapore đều ủng hộ. Kết quả là phe đối lập với PAP đã luôn xác định lập trường từ hai phía của vùng trung dung đấy. Những người thiên tả đòi hỏi thêm các chính sách xã hội chủ nghĩa và phúc lợi, chẳng hạn thêm trợ cấp thất nghiệp, lương cơ bản và tối thiểu cho người lao động, bảo hiểm y tế toàn dân miễn phí, giao thông công cộng miễn phí và thậm chí là thu nhập khi về hưu miễn phí cho người cao tuổi. Lập trường này phản đối khoảng cách quá lớn về tài sản và thu nhập. Đây là lập trường phản đối nền kinh tế thị trường mà Singapore hiện là một trong những nền kinh tế thị trường mở nhất thế giới - cả về thương mại, cạnh tranh quốc tế, thu hút nhân tài, và ý tưởng mới. Bên phía thiên hữu, những cuộc tấn công PAP đậm màu quốc gia chủ nghĩa, phản đối dòng người lao động nhập cư (tổng số ca sinh ở Singapore mỗi năm hiện trung bình thấp hơn 20.000 so với mức cần thiết để thay thế dân số), những người bị coi là lấy mất công ăn việc làm của người Singapore khiến Singapore trở nên đắt đỏ, đông đúc, và không còn là của người Singapore nữa. Lập trường này phản đối sự thay đổi xã hội và kinh tế quá nhanh, và hoài niệm về thời Singapore còn là một nước đang phát triển, giá cả sinh hoạt còn thấp, công ăn việc làm còn dễ kiếm. Trong khi đó, nền kinh tế hiện tại đòi hỏi kỹ năng cao, kinh nghiệm rộng và tri thức sâu sắc, khi những biến động của kinh tế toàn cầu mỗi vài năm lại cho ra đời những ngành nghề hoàn toàn mới và tiêu diệt những ngành nghề đã cũ kỹ. Với những đối thủ bên tả, lập trường của PAP vẫn luôn là sự tôn trọng cao nhất với một người chính là trao cho người đó công ăn việc làm, điều tạo ra thu nhập và phẩm giá, cũng như giúp nền kinh tế và đất nước phát triển. Chính phủ nên và đã hỗ trợ người nghèo, người mất nhà cửa và dễ tổn thương, nhưng không phải với cái giá khiến phần dân chúng còn lại mất đi động lực làm việc khi họ còn có thể dù là người trẻ hay người già. Như vậy, chính sách phúc lợi được triển khai một cách có mục tiêu, trong khi chăm sóc sức khỏe và giáo dục tốt gần như là miễn phí cho mọi người Singapore trước tuổi trưởng thành. Với những người phản đối bên phe hữu, PAP chỉ ra rằng nhập cư đã luôn là hòn đá tảng của Singapore trong nhiều thế kỷ, và Singapore thịnh vượng là nhờ tập hợp được những tài năng lớn nhất thế giới làm việc ở đó, trên cơ sở chế độ trọng dụng người tài. Hơn nữa với những người đủ quyết tâm, chính quyền có một hệ thống giáo dục và đào tạo kỹ năng tốt được tinh chỉnh theo những yêu cầu mới nhất của nền kinh tế toàn cầu, và nền giáo dục đó có chi phí rất thấp với công dân Singapore cũng như người lao động - thông qua đơn vị sử dụng lao động, với chính quyền đài thọ phần lớn chi phí. Nhờ mối quan hệ này, chính quyền thường xuyên nhận được thông tin nhanh chóng về tình trạng của các ngành nghề và người lao động, để hỗ trợ các công ty và công nhân của họ cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu qua tái định vị và đào tạo lại. Đó là lý do tại sao PAP hợp tác chặt chẽ với các công đoàn lao động và hiệp hội kinh doanh trong một mối quan hệ hòa hợp chứ không hề đối đầu. Người ủng hộ Đảng Lao động (trái) và Đảng Hành động nhân dân (phải) trong ngày đề cử ứng viên ở cuộc bầu cử năm 2015. Ảnh: Independent.sg Một Singapore không có PAP? PAP đã làm tốt công tác quản trị nhà nước và thật khó đánh bại đảng này, khi hiện không có dấu hiệu nào cho thấy các tiêu chuẩn quản trị nhà nước bị hạ thấp. Trong một bài phát biểu trên truyền hình phát toàn quốc gần đây giữa đại dịch COVID-19, Phó thủ tướng Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt), người nhiều khả năng sẽ thay thế Thủ tướng Lý Hiển Long, bày tỏ sự tự tin rằng Singapore sẽ mạnh mẽ hơn sau COVID-19, và chỉ ra những cơ hội hiện hữu nhờ vai trò của Singapore trong nền kinh tế toàn cầu dù COVID-19 sẽ dẫn tới những thay đổi bắt buộc. Phó thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt. Ảnh: The Straits Times Các chính sách xã hội và kinh tế của PAP cũng đã hơi nghiêng về phía tả, nhưng chính sách duy trì sức mạnh cạnh tranh và độ mở của nền kinh tế cũng sẽ tiếp tục, đi kèm nhiều hỗ trợ hơn nữa cho người Singapore để đào tạo lại và tìm kiếm những sự nghiệp mới nếu họ mất việc vì toàn cầu hóa. Qua những phản ứng này, PAP nỗ lực mở rộng vùng trung dung của họ. Một Singapore không có PAP là viễn cảnh từng được nghĩ tới trong 30 năm qua, thậm chí chính ông Lý Quang Diệu cũng nghĩ tới điều đó khi còn sống. Thật ra, giới phân tích thường nói rằng thực thể chính trị thay thế PAP tốt nhất sẽ là một nhóm PAP tách ra khỏi đảng. Tuy nhiên, chính quyền PAP đã có những bước đi chuẩn bị cho ngày họ có thể mất quyền lãnh đạo. PAP nhìn nhận rằng cách để Singapore tiếp tục tiến lên là củng cố hơn nữa các định chế và thông lệ quản trị nhà nước tốt mà PAP đã thiết lập. Những định chế này bao gồm: sự đa dạng sắc tộc (các GRC, pháp luật bảo đảm đoàn kết và tôn trọng sắc tộc); các cơ quan nhà nước để kiểm tra và giám sát nguy cơ lạm dụng quyền lực, tham nhũng, và gia đình trị (tổng thống có quyền lực đáng kể để ngăn chặn một số hành động của chính phủ; hệ thống tư pháp độc lập; chính phủ sạch; hệ thống cơ quan công vụ xuất sắc), các tổ chức của người dân có tính dung nạp (Hiệp hội Nhân dân, nhiều cơ quan nhà nước và xã hội thúc đẩy sự hòa hợp và hiểu biết và hợp tác liên chủng tộc), và các cơ chế tham vấn sâu với mọi bên có lợi ích liên quan về các quy trình chính sách và chính trị. Nói ngắn gọn, cuộc bầu cử ở Singapore là quan trọng với tương lai của Singapore. Vấn đề không chỉ là trao tiếng nói cho phe đối lập. Hệ thống chính trị là một nền tảng quan trọng cho thành công kinh tế và sự bền bỉ về mặt xã hội của đất nước, và các cuộc bầu cử có vai trò củng cố cho hệ thống chính trị. Nếu nền chính trị và các cuộc bầu cử bị vấy bẩn, thiếu đoàn kết và chệch hướng, năng lực xây dựng những chính sách mạnh và tự tin của chính quyền để thúc đẩy phát triển sẽ tổn hại nghiêm trọng. Đa số cử tri Singapore vẫn ủng hộ PAP mạnh mẽ, nhưng PAP cần nỗ lực để chính sách có tương quan với người dân và bầu cử diễn ra công bằng. Một tỉ lệ thấp cử tri bỏ phiếu để họ tiếp tục cầm quyền sẽ phát đi tín hiệu về sự bất đồng mạnh với các chính sách của đảng, và cuộc bầu cử sẽ đóng vai trò đúng đắn của nó là một bản luận thành tích biểu của chính quyền. ■ Hải Minh dịch (*) David Koh là nhà phân tích chính trị và chuyên gia tư vấn. Ông đã nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á được gần ba thập kỷ và hiện sống ở Singapore. Công bộc của dân Xa hơn cuộc bầu cử hiện giờ, để nhìn nhận liệu mô hình chính trị ở Singapore có lâu bền không, việc xem xét quy trình bầu cử là cần thiết nhưng chưa đủ. Các quy trình hoạch định chính sách và quản trị nhà nước ở Singapore cũng quan trọng không kém. Nhưng những quy trình này chỉ có thể vận hành tốt nếu mô hình chính trị, với tổng tuyển cử là yếu tố trung tâm, vận hành tốt. Trọng tâm của hai quá trình hoạch định chính sách và quản trị nhà nước là hệ thống cơ quan công vụ Singapore - những “công bộc của dân” (civil servant) đích thực. Hệ thống này tuyển lựa người tài và thanh lọc dần, qua việc cho nghỉ hoặc không cho thăng tiến những ai không đủ năng lực hoặc phẩm chất đạo đức. Singapore thường xuyên được xếp hạng là một trong những nước ít tham nhũng nhất, có môi trường kinh doanh thân thiện nhất, nền kinh tế cạnh tranh nhất và đáng sống nhất thế giới. Tất cả những thành tựu đó có đóng góp quyết định của hệ thống cơ quan công vụ. Quá trình hoạch định chính sách không chỉ là của cơ quan công vụ. Nhà nước liên tục tham vấn những bên có lợi ích liên quan trong giới kinh doanh và trong xã hội để các chính sách có được nhiều góc nhìn tối đa, và quan trọng nhất để chăm lo cho những người mà chính sách đó nhắm tới. Khi cần thiết, sự thay đổi chính sách diễn ra nhanh chóng nhờ sự vận hành trơn tru giữa cơ quan công vụ và chính phủ. Người dân thường, các chuyên gia trong từng lĩnh vực, công đoàn lao động, hiệp hội nghề, tổ chức xã hội và kinh doanh thường xuyên được tham vấn để phản biện các vấn đề chính sách và triển khai chính sách của chính phủ. Tags: SingaporeBầu cử SingaporeLý Hiển LongPAPĐảng Hành động nhân dân
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Ronaldo tạo cơn sốt hơn 13 triệu view cùng YouTuber số 1 thế giới Mr Beast THANH ĐỊNH 22/11/2024 Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng tỏ sức hút vượt trội của mình ngoài sân cỏ khi vừa công bố video cùng khách mời là YouTuber số 1 thế giới Mr Beast.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;