Vì sao Chính sách du học "Sáng nắng, chiều mưa"?

XÊ NHO 13/03/2024 05:37 GMT+7

TTCT - Một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối với du học sinh của các nước như Anh, Úc, Canada hiện nay là "sáng nắng, chiều mưa", nói cách khác là thay đổi xoành xoạch theo áp lực công luận của từng nước.

Ảnh: World Remit

Ảnh: World Remit

Cả ba nước nói tiếng Anh là điểm đến quen thuộc của du học sinh châu Á này, bao gồm Việt Nam, đều đang siết lại chính sách nhằm hạn chế số lượng du học sinh.

Tại sao họ thay đổi?

Từ giữa năm 2024, Úc sẽ chấm dứt chương trình cho sinh viên quốc tế tốt nghiệp xong có thể ở lại làm việc tại Úc thêm hai năm. Chương trình này chấm dứt chỉ sau một năm thực hiện, gây hụt hẫng cho nhiều sinh viên. 

Nước này cũng tăng yêu cầu tài chính cho người xin visa du học thêm 17% lên thành 24.505 đô la Úc (gần 16.000 USD); tạo thêm những rào cản gây khó khăn cho những người giả làm sinh viên tìm cách vào nước Úc để làm việc. 

Vì thế sẽ không có gì lạ khi Úc yêu cầu trình độ tiếng Anh của đương đơn cao hơn, rà soát kỹ hơn các đơn có yếu tố lừa dối, trừng phạt các đơn vị dịch vụ du học gian lận…

Từ đầu năm 2024, Canada nâng mức khả năng tài chính trang trải chuyện ăn ở của người xin visa du học từ 10.000 đô la Canada (7.300 USD) lên thành 20.635 đô la Canada (hơn 15.000 USD), chưa kể tiền học phí phải trả. Các chương trình tăng thêm thời gian ở lại sau khi tốt nghiệp cũng chấm dứt từ cuối năm 2023.

Nước Anh chấm dứt chuyện sinh viên quốc tế được quyền mang theo người phụ thuộc từ tháng 1-2024; mức tài chính cho visa lao động tay nghề cao nâng lên thành 38.700 bảng Anh (49.000 USD)…

Nhìn chung, chính sách hiện nay của các nước chuyển từ tích cực khuyến khích du học sinh, cho phép thị trường tăng trưởng không kiểm soát, sang rà soát chọn loại sinh viên quốc tế được phép vào học, làm việc hay định cư sau này.

Ở các nước này, chính sách khuyến khích du học hậu Covid-19 đã dẫn tới sự tăng vọt số lượng sinh viên quốc tế, kéo theo giá thuê nhà tăng, cơ sở hạ tầng ở một số nơi quá tải, người dân than phiền.

Siết lại chính sách nhập cư nhằm thỏa mãn đòi hỏi của cử tri, cách nhanh nhất là bóp dòng chảy du học sinh. 

Tờ Sydney Morning Herald viết: "Di dân ròng vào Úc sẽ bị giảm một nửa trong vòng hai năm tới từ con số cao kỷ lục 510.000 người nhập cư hằng năm bằng cách áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với sinh viên quốc tế và từ chối công nhân tay nghề thấp".

Úc muốn số lượng nhập cư xuống bằng mức trước đại dịch, tức chừng 250.000 người, nên chắc chắn lượng du học sinh cũng bị ảnh hưởng.

Trước đó, đại dịch Covid-19 làm dòng chảy sinh viên quốc tế bị tắc nghẽn. Nhiều nước như Úc, đóng cửa suốt hai năm, ngay cả với sinh viên quốc tế đã từng theo học, làm nhiều trường đại học lâm vào cảnh khó khăn kinh tế, nhiều ngành nghề liên quan cũng suy giảm theo. 

Trước đại dịch, giáo dục quốc tế mang lại khoảng 26 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế Úc. Vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2019, riêng các tổ chức giáo dục bậc cao thu được khoảng 16 tỉ USD/năm.

Lúc đó, sau khi quyết định mở cửa biên giới trở lại, Chính phủ Úc thiết kế nhiều chính sách khuyến khích du học sinh, như tăng thời gian họ có thể ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp, hoàn phí xin visa. Lúc đó, làm tiến sĩ xong, có người có thể ở lại Úc đến sáu năm.

Canada vào giai đoạn đó cũng dỡ bỏ hạn chế số giờ sinh viên quốc tế có thể làm thêm; sinh viên quốc tế dù kẹt ở quê nhà, phải học online 100% vẫn được cấp phép làm việc tại Canada sau tốt nghiệp…

Anh thì mở lại chương trình cho phép sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể ở lại Anh làm việc trong 2-3 năm từ năm 2021.

Kết quả là bất kể đại dịch, số lượng sinh viên quốc tế ở các nước này lại tăng: ở Canada tăng 27% so với năm 2019; ở Anh mức tăng trong năm học 2021-2022 là 24% so với năm học 2019-2020. Đến giữa năm 2023, số lượng sinh viên quốc tế ở Úc lên mức 645.516 người, cao hơn hẳn mức trước dịch.

Những gì không thay đổi?

Cho dù chính sách với du học sinh của các nước này dễ thay đổi theo kiểu "sáng nắng chiều mưa" như thế, vẫn có thể khẳng định một số nguyên tắc bền vững. Đó là quyết tâm của các nước lọc ra những người nộp hồ sơ xin du học nhưng có ý định khác ngoài chuyện học, như lao động chui hay tìm cách ở lại.

Du học sinh, chủ yếu là từ châu Á, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Úc.  Ảnh: rapidimigration.com.au

Du học sinh, chủ yếu là từ châu Á, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Úc. Ảnh: rapidimigration.com.au

Các sinh viên nhảy từ khóa học này sang khóa học khác, đổi loại visa thường xuyên nhằm kéo dài thời gian ở lại Úc sẽ bị chú ý trước tiên. Trong năm học 2022-2023, số lượng sinh viên xin trên một visa du học trong khi đang ở Úc tăng 30%, lên 150.000 người. Nay sinh viên nào chuyển khóa học sẽ phải chứng minh khóa học mới có liên quan đến bằng cấp họ muốn đạt được khi xin visa nguyên thủy.

Các nước thường chịu áp lực từ người dân nên phải thay đổi chính sách. Khi người dân phản đối chính sách nhập cư dễ dãi, báo chí lại phanh phui các công ty dịch vụ du học giả mạo hồ sơ hay trường dạy nghề lừa đảo sinh viên, dòng chảy sinh viên quốc tế sẽ bị bóp lại để thỏa mãn tức thì các đòi hỏi của công luận ở các nước.

Nhưng khi các trường đại học than cạn nguồn sinh viên quốc tế nên cạn tiền hoạt động, doanh nghiệp than khó tuyển dụng người có tay nghề được đào tạo, họ lại khuyến khích du học sinh.

Chu kỳ thay đổi này đang ngắn dần. Theo tờ The Guardian, số liệu từ 60 trường đại học Anh cho thấy số lượng visa du học năm nay đã giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượng ghi danh các khóa cao học còn giảm mạnh hơn, đến 40%.

Người đứng đầu tổ chức đại diện cho các trường đại học Anh, UUK, nhận định: "Nếu chính phủ làm mạnh tay hơn nữa, họ sẽ gây hại cho nền kinh tế của các địa phương khắp nước Anh, cũng như sức khỏe tài chính của các trường đại học. 

Trong bối cảnh chúng ta phải làm hết sức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều này dường như đặt sai ưu tiên". Biết đâu vì thế Chính phủ Anh lại quay sang nới lỏng chính sách du học sinh! ■

Những lợi ích xung đột

Du học sinh về cơ bản mang lại lợi ích cho quốc gia đón nhận nhiều hơn so với phí tổn, nhất là khi so sánh họ với người nhập cư bất hợp pháp hay di cư vì lý do kinh tế thuần túy. Tuy nhiên, nhiều khi những sức ép và xung đột lợi ích ngắn hạn cũng khiến một số chính quyền phải thắt chặt lại chính sách với du học sinh.

Ở Canada chẳng hạn, số lượng du học sinh quốc tế tăng mạnh trong thời gian đại dịch đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhà ở khá nghiêm trọng, làm giá thuê nhà tăng lên. Tháng 12-2023, giá cho thuê nhà trên cả nước tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Statscan.

Mà uy tín và tín nhiệm của ông Thủ tướng Justin Trudeau gắn rất chặt với chuyện nhà cửa cho dân chúng này, điều càng quan trọng khi thủ lĩnh Đảng Bảo thủ đối lập Pierre Poilievre đang dẫn trước ông Trudeau khá xa trong những cuộc thăm dò dư luận, mà bầu cử thì đã rất gần rồi.

Tuy nhiên, du học sinh quốc tế đóng góp khoảng 22 tỉ đô la Canada (16,4 tỉ USD) mỗi năm vào nền kinh tế Canada và tìm cách ngăn họ vào có thể gây tổn hại cho nhiều trường sở vốn đã đầu tư mở rộng học khu với hy vọng dòng du học sinh sẽ tăng lên nữa, hoặc ít ra thì cũng tiếp tục ổn định.

Và không chỉ có các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng trực tiếp. Ontario, tỉnh đông dân nhất của Canada, cũng là nơi đón nhiều sinh viên quốc tế nhất. Một số ngành kinh doanh ở tỉnh này, như nhà hàng khách sạn và bán lẻ, đã cảnh báo việc giới hạn giờ làm của sinh viên nước ngoài sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động.

Các nhà hàng ở Canada vốn đang chật vật vì thiếu lao động rồi, khi họ đang cần tuyển mới thêm gần 100.000 nhân sự và sinh viên quốc tế chiếm 4,6% trong tổng lực lượng lao động ngành dịch vụ liên quan tới thực phẩm ước tính là 1,1 triệu người vào năm 2023, theo Reuters.

Chưa hết, ngành tài chính, các ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế Canada cũng hưởng lợi trực tiếp từ dòng du học sinh này khi cung ứng đủ loại dịch vụ khác nhau cho họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận