TTCT - Những thay đổi lập trường của vị tổng thống thứ 16 của Cộng hòa Philippines nay đã bớt “như chong chóng”, và thật ra đang ngày càng nhất quán hơn. Sau 100 ngày đầu của ông ở dinh Malacañang, đã có thể thử trả lời câu hỏi: “Ông Duterte thật sự là làm sao?”. Ông Duterte đang tính “xoay trục” theo kiểu của riêng ông?-wsj.net Tổng thống Rodrigo Duterte không thay đổi mà chỉ “chỉnh lại” chính sách đối ngoại thôi - Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez III giải thích như thế trong một cuộc điều trần trước Thượng viện nước này hồi đầu tháng 10, theo The Inquirer. Bộ trưởng Dominguez đã bị nghị sĩ Loren Legarda, chủ tịch tiểu ban tài chính, chất vấn việc ông Duterte loan báo sẽ xây dựng những liên minh mới với Trung Quốc và Nga. Câu chuyện trên cho thấy ngay trong chính giới Philippines cũng đang “thắc mắc” và chia rẽ về các chọn lựa đối ngoại của ông này. “Thoát Mỹ”? Quả thật là ông Duterte đã đưa ra những phát biểu chấn động: “Tôi yêu cầu người dân Philippines trong những ngày tới, nếu Hoa Kỳ làm như họ đe dọa, hãy hi sinh một chút”. Và ông trấn an bằng một hứa hẹn bù đắp: “Sang năm, tôi sẽ tham gia vào rất nhiều liên minh mới với rất nhiều quốc gia”. Những liên minh mới mà ông Duterte nói đến chính là với Nga và Trung Quốc, quá “mới mẻ” khiến chủ tịch tiểu ban tài chính Thượng viện Legarda không thể không đặt câu hỏi về sự chuyển hướng này: “Một mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với hàng xóm mà chúng ta đang có tranh chấp lãnh thổ ư?”. Câu hỏi của nghị sĩ Legarda phản ánh mối quan ngại của nhiều cử tri Philippines vẫn còn nhìn Trung Quốc bằng cái nhìn nghi kỵ và không thể cảm thấy thông cảm và hiểu được sự lựa chọn “hướng Trung” của ông Duterte. Chọn lựa “thoát Mỹ” của ông Duterte ngày càng rõ hơn qua những phát biểu liên tiếp đầy thách đố, từ những lăng mạ cá nhân, mà “nạn nhân” đầu tiên là đại sứ Mỹ tại Philippines - ông Philip Goldberg, bị ông Duterte rủa là “đồ đồng tính và chó đẻ”, rồi đến lượt Tổng thống Obama; cho đến những tuyên bố “thoát ly” mà mới nhất là đe dọa sẽ hủy Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) mà Mỹ và Philippines mới ký năm 2014. Theo đó, quân lực Mỹ sẽ được “ra vào” 5 căn cứ của Philippines nhiều hơn nhằm thực hiện kế hoạch “xoay trục” của mình, kèm theo tuyên bố “quân đội Philippines sẽ tập lần cuối với quân đội Mỹ” đưa ra trước đó, cũng theo The Inquirer. Liệu đây là một chọn lựa nhằm mục đích chuyển hướng chiến lược hay chỉ là một đòn phép thêm nữa trong cuộc đôi co cá nhân giữa ông Duterte và Chính phủ Mỹ? Trong diễn văn vào đầu tháng 10, ông Duterte nhắn nhủ Washington: “Hãy cân nhắc cho kỹ, do lẽ tôi sẽ yêu cầu quý vị rời khỏi Philippines”. Quả là Washington đã nghĩ ngợi rất nhiều nên mới ra quyết định thay thế đại sứ Philip Goldberg bằng đại sứ kỳ cựu gốc Hàn Sung Kim. Coi như một nhượng bộ lớn về phía Washington, mà trước hết là cất đi một trong những cái cớ để ông Duterte “sinh sự”, rồi thay vào đó là một nhân vật gốc châu Á, ít ra là một sự gần gũi “ngoại hình” hơn. Thách Mỹ đảo chính Trong số những phát biểu “gay cấn” của ông Duterte, có lẽ “gay cấn” nhất là việc ông thách “CIA có giỏi thì đảo chính tôi đi” ngay trong diễn văn 100 ngày nhậm chức: “Tôi sẽ bị lật đổ ư? Được thôi! Số kiếp vậy mà! Số các tổng thống là bị ám sát”! Hôm 20-9, Bộ trưởng Truyền thông Martin Andanar họp báo cho biết điện Malacañang (Phủ tổng thống Philippines) đã nhận được báo cáo về âm mưu đảo chính chống lại Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông Andanar nói một “nguồn đáng tin cậy tại Hoa Kỳ” đã cung cấp thông tin cho một thành viên nội các hiện đang có mặt ở New York về kế hoạch để lật đổ Tổng thống Duterte vào tháng 1-2017. Ông Andanar cũng nói: “Chúng tôi biết họ là ai... Các cảnh báo này là để nhắn những kẻ đó hãy cẩn thận bởi kế hoạch đó là trái pháp luật, và hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ bảo vệ tổng thống của chúng tôi”. Về phần mình, ông Duterte cũng nói bóng gió rằng Đảng Tự do đang có kế hoạch loại bỏ anh trai của ông. Báo hại Phó tổng thống Leni Robredo, vốn thuộc Đảng Tự do, phải bực dọc lên tiếng bác bỏ các tố cáo này, theo CNN 20-9-2016. Chuyện đảo chính “thay ngựa giữa dòng” ở Philippines, tuy không thường xuyên như ở Thái Lan, song cũng không phải là chuyện hiếm hoi, không khác gì ở Đông Nam Á hay Nam Mỹ vào cuối thế kỷ trước. Ở Philippines, bắt đầu từ năm 1986 với cặp bài trùng Juan Ponce Enrile và Fidel Ramos lật đổ Ferdinand Marcos. Sau đó là cả một chuỗi âm mưu lật đổ nữ tổng thống Corazon C. Aquino, trong đó có vụ Giáng sinh 1989 bị không quân Mỹ từ căn cứ Clark bay lên cảnh cáo “dẹp loạn” giùm! Rồi đến vụ lật đổ tổng thống Joseph Estrada tháng 1-2001. Tiếp đó, thủy quân lục chiến và bộ binh đứng sau vụ nổi loạn ngày 27-7-2003 lật đổ hụt nữ tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, tiếp nối bởi vụ đảo chính bất thành ngày 24-2-2006. Thành ra, nay ông Duterte có “la làng” âm mưu đảo chính cũng không gây ngạc nhiên. Ngược lại, không “la làng” mới gây ngạc nhiên! Những người chống Mỹ ở Philippines Quả thật là khó “chiều” ông Duterte, một người trong lớp những người Philippines từng không ưa Mỹ, thậm chí ghét Mỹ, trong lòng một xã hội mà đại đa số là thân Mỹ (theo PEW, có 85% dân Philippines thân Mỹ). Một tuyên ngôn của nhóm người thiểu số Philippines còn lại có thể là lá thư ngỏ “gửi mọi người Mỹ sinh sống ở Philippines” đề ngày 6-8-2007 của một trí thức “đấu tranh” với Mỹ tên Roland San Juan với tựa đề “Tại sao sự chống đối Mỹ ngày càng tăng ở Philippines?”. Lá thư viết: “Trong Thế chiến thứ hai, chúng tôi đã chiến đấu chống quân đội Thiên hoàng (Nhật Bản). Người Philippines sát cánh bên nước Mỹ như một đồng minh trung thành, song nước Mỹ đã làm gì sau chiến tranh? Quý vị đã giúp người Nhật hơn là giúp người Philippines. Quý vị kêu gọi chúng tôi chống cộng ở Hàn Quốc và Việt Nam. Giờ chúng tôi hỏi lại: Thế quý vị bày tỏ sự biết ơn như thế nào? Bằng cách cho chúng tôi thiết bị quân sự đã xài rồi và các nguồn tiền cho phát triển mang tính củ cà rốt và cây gậy với những điều kiện ngặt nghèo ư?”. Quả là cựu thù Nhật Bản đã được Mỹ giúp nhiều hơn so với đồng minh sát cánh kiêm cựu thuộc địa Philippines sau thế chiến! Ngay cả năm 1992, Mỹ cũng đã “cò kè bớt một thêm hai” khi thương thuyết hợp đồng gia hạn thuê căn cứ hải quân Subic. Tháng 7-1991, Mỹ chỉ đồng ý trả tiền thuê căn cứ hải quân Subic mỗi năm có 203 triệu USD, thôi không thuê căn cứ không quân Clark nữa do căn cứ này đã bị tro núi lửa Pinatubo “chôn vùi” vào tháng 6 trước đó, muốn “bới lên” và khôi phục phải tốn 800 triệu USD. 203 triệu USD là một số tiền quá ít so với con số 825 triệu USD/năm trước đó, tiền thuê cả hai căn cứ Subic và Clark (New York Times 18-7-1991)! Chính phủ của bà Corazon Aquino lúc bấy giờ đã miễn cưỡng đồng ý mức giá này, song sau đó Thượng viện Philippines đã bác bỏ thỏa thuận. Trong số các thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống việc gia hạn cho thuê căn cứ Subic có cả ông Agapito Aquino, em chồng của nữ tổng thống Aquino, tức chú ruột của tổng thống Aquino sau này. Ông này phát biểu: “Quyết định này là bình minh cho sự ra đời của quốc gia chúng ta. Đây là cuộc bỏ phiếu nhằm chấm dứt giai đoạn “vị thành niên” (của Philippines) gắn liền với những lộn xộn liên quan tới Hoa Kỳ trong một sự lệ thuộc quá sát sao”. Câu chuyện đóng cửa căn cứ Subic cũng là câu chuyện về mối quan hệ đồng minh khó chịu Philippines - Mỹ: không phải cứ cùng phe với Mỹ là “phò Mỹ” tuyệt đối mọi nơi, mọi lúc! Một trong những điều khiến người Philippines ấm ức trong vụ thương thuyết là phía Mỹ tuy hạ giá thuê xuống còn 203 triệu USD, song vẫn úp mở không cho biết rõ sẽ có chứa hay không chứa vũ khí hạt nhân ở Subic, trong khi phía Philippines thì dứt khoát nói không! Chuyện dài vũ khí Mỹ Việc ông Duterte nay đòi mua vũ khí của Nga, Trung Quốc phản ánh một tâm trạng rất bực bội mà không ít người Philippines hậm hực Mỹ từ lâu, như có thể thấy trong thư ngỏ gửi người Mỹ nêu trên của Roland San Juan: “Thế quý vị bày tỏ sự biết ơn như thế nào? Bằng cách cho chúng tôi thiết bị quân sự đã xài rồi ư?”. Chuyện Mỹ chỉ cung cấp vũ khí “sắp hết đát” cho đồng minh Philippines vẫn còn tiếp diễn tới trào cựu tổng thống Aquino. Ba tàu tuần duyên “hiện đại” nhất của hải quân Philippines là các chiếc BRP Gregorio del Pilar, BRP Ramon Alcaraz và BRP Andres Bonifacio (sắp tiếp nhận cuối năm nay) đều thuộc lớp Hamilton ra đời từ năm 1965! Vào lúc mà Mỹ ra mắt chiếc Zumwalt được ca ngợi là sẽ thay đổi định nghĩa về hải chiến trên thế giới, thì nước này vẫn tiếp tục đưa những chiếc tàu mà nếu ở Mỹ đã bị liệt vào dạng bán phế liệu cho “đồng minh then chốt” Philippines. Tệ hơn, họ chỉ giao tàu sau khi đã tháo đi radar phòng không tác xạ AN/SPS-40, hệ thống pháo chống hạm Phalanx CIWS, cùng hai khẩu pháo tự động, vốn là toàn bộ vũ khí “sống còn” của các chiến hạm này, khiến những chiếc tàu chỉ còn là “xác không hồn”! Với những người hoài cổ, cách hành xử này y hệt như trước năm 1975, khi Mỹ tháo gỡ hệ thống điều khiển tác xạ của chiếc HQ-O1 của hải quân Việt Nam cộng hòa! “Của cho” đã là “của ôi”, mà “cách cho” lại còn “tệ lậu” nữa! Thành ra, ông Duterte nay ngỏ ý mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc cũng là dễ hiểu. Thật ra Philippines đã bắt đầu nghĩ tới mua vũ khí từ nhiều nước khác ngoài Mỹ rồi, tỉ như máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc, tàu đổ bộ của Úc, thiết bị hàng hải và liên lạc của Slovenia, tuần dương hạm lớp Kamorta của Ấn Độ... Song, giữa “đã mua” và “định mua” vẫn còn là một khoảng trống “thăm dò” và “dền dứ” mà hiện ông Duterte vẫn còn biên độ xoay trở. “Hướng Trung”? Trong bối cảnh tỏ vẻ “thoát Mỹ” đó, ông Duterte cũng lộ vẻ muốn “hướng Trung”. Nhưng thật ra chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông cũng chưa hẳn là “kết thân” với Trung Quốc, mà chỉ là nối lại các quan hệ từng có. Tất cả các tổng thống Philippines, kể từ khi hai nước lập quan hệ vào ngày 9-6-1975, đều thăm Trung Quốc, bắt đầu là ông Ferdinand Marcos (tháng 6-1975), bà Corazon Aquino (4-1988), ông Ramos (4-1993), ông Estrada (5-2000), bà Gloria Macapagal-Arroyo (hai lần, 11-2001 và 9-2004), rồi ông Benigno Aquino III (9-2011). Quan hệ chiến lược và hợp tác thiết lập năm 2005 nhân chuyến thăm Philippines của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, được nhấn mạnh thành “quan hệ chiến lược và hợp tác vì hòa bình và phát triển giữa hai nước” nhân chuyến thăm Philippines của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tháng 1-2007. Quan hệ song phương chỉ xấu đi từ khoảng tháng 4-2012, sau khi tàu Trung Quốc vây hãm chiến hạm BRP Belgrado Del Pilar của Philippines ở khu vực bãi Scarborough, ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines, rồi ở lại luôn tại đó. Tổng thống Aquino đã bắt đầu nhiệm kỳ hữu hảo với Trung Quốc, và chỉ chống trả tỏ ra cứng rắn khi Scarborough bị xâm phạm! Thành ra, vấn đề đặt ra là Bắc Kinh đang “cân” ông Duterte “nặng nhẹ” ra sao.■ Tags: PhilippinesTổng thống DuterteTổng thống Philippines
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).