TTCT - Ba cố vấn an ninh Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ gặp nhau hôm 1-9 tại Honolulu vào lúc tình hình châu Á - Thái Bình Dương căng thẳng tột độ suốt tháng 8. Một thực tế rút ra từ cuộc gặp là những quan ngại, ưu tiên của đồng minh này chưa hẳn đã là của đồng minh khác Ảnh: The Korea TimesThông cáo từ phía chủ nhà Mỹ cho biết ba ông cố vấn đã bàn "về việc giải quyết, bảo vệ và thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp" - một mệnh đề quen thuộc, nhân danh pháp trị. Ngay sau câu mào đầu là những dị biệt giữa các bên: "Các vị cố vấn đã thảo luận về cam kết chung với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và lên án CHDCND Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như sự gây hấn của Nga ở Ukraine". Quá rõ, trọng tâm thảo luận không phải là làm gì trước tình hình cụ thể eo biển Đài Loan, Triều Tiên hay Ukraine, mà là "thảo luận về cam kết chung". "Cam kết chung" đó như thế nào mà giờ phải cất công "thảo luận"?Xác định lại "cam kết chung"Bối cảnh là quan trọng: căng thẳng Trung - Mỹ bùng lên và kéo dài suốt tháng 8 trước vì vụ bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosy chính thức thăm Đài Loan, đến mức chiến tranh đã được nhắc tới hơn một lần. Tên lửa bay qua Đài Loan, rồi các cuộc tập trận dồn dập bao vây phong tỏa hòn đảo này. Rồi Nhật Bản, vốn trước giờ sát cánh với Đài Loan, cũng phải chứng kiến 5 quả tên lửa bay vô vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ) của mình.Trong khi đó, Hàn Quốc của tân Tổng thống Yoon Suk Yeol vốn "kính nhi viễn chi" từ lâu, lại còn mối lo lớn với miền Bắc vốn cần tranh thủ Trung Quốc, lần này đã cố hết sức biểu thị thái độ "không dính dáng" tới cuộc phiêu lưu của bà Pelosi. Không chỉ Tổng thống Yoon, không quan chức chủ chốt nào của Hàn Quốc chịu tiếp bà nghị sĩ Mỹ! CNN ngày 30-8 tường thuật phản ứng của Seoul: "Chuyến bay của bà Pelosi hạ cánh xuống căn cứ không quân Hoa Kỳ ở Osan, Hàn Quốc - nơi không có quan chức chủ nhà nào đến chào đón bà. Tổng thống Hàn Quốc gửi lời cáo lỗi, nói ông đang đi nghỉ. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất mà bà Pelosi không gặp một lãnh đạo quốc gia hay chính phủ nào".Bà đã bỏ qua cuộc họp báo khi đến khách sạn ở Seoul. Một quan chức Đại sứ quán Hoa Kỳ nói với truyền thông địa phương rằng bà "rất không hài lòng vì thiếu sự chào đón". Sau này, mọi người mới được biết tối hôm bà Pelosi tới, ông Yoon vẫn đi coi hát ở Seoul, ngày hôm sau ông ở nhà, chớ không hề đi nghỉ mát. Song do đang nghỉ phép nên ông chỉ gọi điện thoại cho bà Pelosi.CNN bình luận đắng cay: "Cái tát của ông Yoon dành cho bà Pelosi gây bối rối. Chuyến thăm của bà ấy đến Đài Loan có thể đã được giữ kín đến phút cuối cùng, nhưng chuyến đi tới Hàn Quốc thì không. Cũng không phải do Hàn Quốc nghĩ rằng kỳ nghỉ của tổng thống là "thiêng liêng" gì. Ông Yoon - người từng ủng hộ tuần làm việc 120 giờ - mới nhậm chức được chưa đầy ba tháng mà giờ lại đi nghỉ. Những người tiền nhiệm của ông thường tạm hoãn kỳ nghỉ để gặp gỡ các chức sắc đến thăm trong những dịp ít quan trọng hơn lần này".Tất nhiên, phía Hàn Quốc viện đủ lý do để giải thích, dù thực tế thì ai cũng hiểu bao gồm cả Mỹ. Ví dụ, Đài Mỹ VOA ngày 2-8 chạy tít: "Pelosi thăm Đài Loan, thách thức Trung Quốc". Bloomberg chuyên cho dân làm ăn ngày 9-8 cũng "quở": "Chuyến đi của bà Pelosi làm quay ngược những nỗ lực thúc giục châu Á chống lại Trung Quốc của ông Biden". Báo chí Hàn Quốc còn mạnh mẽ hơn. Tờ Korea Times hôm 5-8 đăng bài ý kiến của nhà báo kỳ cựu Tom Plate: "Chuyến thăm Đài Loan của Pelosi làm nổi bật nhu cầu phải thiết lập lại tư duy toàn cầu". Ông Plate không giấu giếm sự coi thường của ông: "Bất kỳ ai theo dõi chuyến đi gây náo động của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi qua Đông Á vào tuần trước đều có thể tự hỏi: tổn hại là bao nhiêu?". Rồi Plate trả lời luôn: "Đoàn tùy tùng của chính trị gia Hoa Kỳ thành công nhất nước [tức bà Pelosi] đã để lại vài mảnh vụn hòa bình và an ninh, gieo rắc những mầm mống cho sự hỗn loạn và hoài nghi... Ngay cả những người dân Đài Loan hiền lành, những người trên lý thuyết hưởng lợi từ chuyến thăm của Pelosi tới Đài Bắc, với đôi tai ù đặc vì tên lửa bay trên đầu, cũng phải tự hỏi họ đã được gì từ đó".Hàn Quốc có lý để bực dọc. Ngay tối thứ tư 3-8, lúc bà Pelosi vừa tới Seoul, Bộ Ngoại giao Triều Tiên phát đi một tuyên bố mãnh mẽ hiếm thấy: "Tình hình hiện tại cho thấy rõ ràng sự can thiệp ngang ngược của Hoa Kỳ vào công việc nội bộ các nước khác là nguyên nhân sâu xa của việc hòa bình và an ninh bị quấy rối trong khu vực" (KCNA 3-8).Chuyến đi ồn ào đấy không chỉ làm khó Seoul. Nhật Bản, dù ủng hộ Đài Loan rõ ràng hơn, cũng đã bị tai bay vạ gió. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã hủy cuộc gặp đã hẹn trước với người đồng cấp Nhật ở Phnom Penh - một nỗ lực quan trọng để hai phía xích lại gần nhau hơn sau những căng thẳng kéo dài, sau khi Tokyo tham gia Tuyên bố G7 kêu gọi Trung Quốc giải quyết vụ Đài Loan một cách ôn hòa.Ngày 4-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho thấy Bắc Kinh giận dữ ra sao với tuyên bố của G7: "Tuyên bố đấy không giúp G7 có thêm phẩm giá hay sự tôn trọng. G7 chỉ đại diện cho một thiểu số nhỏ. Ngay cả khi tất cả mọi người ở các nước G7 ủng hộ tuyên bố thì họ cũng chỉ chiếm chưa đến 10% dân số thế giới. Họ không đại diện cho cộng đồng quốc tế. Đó là chưa kể 85% người Mỹ không tán thành các chính sách của Mỹ và tin rằng mọi chuyện ở Mỹ đang đi sai hướng". Tất nhiên, ai đó cắc cớ cũng có thể hỏi bà Hoa đại diện cho bao nhiêu người.Thỏa thuận với aiMuốn hay không, giờ thì chính quyền Biden đang phải trả lời các đồng minh: Mỹ thực sự muốn gì ở Đông Á và châu Á? Tình hình khu vực từ sau chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi không như trước. Không chỉ các đồng minh Mỹ đang lo sốt vó, ngay cả Chính phủ Mỹ, tức nhánh hành pháp, cũng thế: "Nhà Trắng đang khẩn cấp nỗ lực xuống thang căng thẳng với Trung Quốc khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gặp gỡ người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn... trong chuyến thăm tới hòn đảo này, trái với mong muốn của chính phủ (Mỹ)" - tờ Washington Post hôm 2-8 vội vã loan tin như để đánh tiếng giùm Nhà Trắng.Còn nhớ cuối tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden, từng cảnh cáo Mỹ đừng "chơi với lửa" khi đề cập việc bà Pelosi sắp chính thức thăm Đài Loan, ý muốn ông Biden "chỉ đạo" bà này ngưng chuyến đi. Có lẽ cả ông Biden lúc đó lẫn giới chức ngoại giao Mỹ sau này đều đã cố giải thích rằng hệ thống chính trị Mỹ là độc lập và lưỡng đảng, không thể hy vọng hành pháp "chỉ đạo" lập pháp. Ông Biden "bó tay" không bảo được bà Pelosi đừng sang Đài Loan, không có nghĩa là ông ủng hộ chuyến đi. Tuy nhiên, những giải thích đó quả tình cũng khó lọt tai, bởi chưa hết tháng 8, hôm chủ nhật 28-8, Mỹ đã lại huy động hai tàu chiến có trang bị tên lửa điều khiển chạy qua eo biển Đài Loan. Cần biết, 4 năm rồi mới có chuyện một lúc hai tàu như vậy đi qua eo biển Đài Loan (CNN 30-8). Mà chuyện điều tàu khiển bè này thì hoàn toàn nằm trong quyền hạn của hành pháp Mỹ!Mỗi nước, mỗi hoàn cảnh, mỗi lợi ích, và các dị biệt có vẻ đang ngày càng lớn, nên giờ là lúc để các cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ ngồi lại với nhau. Phía Mỹ giải thích qua thông cáo: "Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết đồng minh chặt chẽ với cả Hàn Quốc và Nhật Bản, bao gồm cam kết trong việc mở rộng khả năng răn đe cho cả hai nước và nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương và hợp tác ba bên với an ninh và thịnh vượng của công dân chúng ta, khu vực và thế giới".Như mọi cuộc họp cấp cao khác, không hẳn cứ họp xong là nhất trí 100%, mà là để nghe phía bên kia nói, thậm chí "xả xú páp". Mà có "xả xú páp" được mới là quan hệ bình đẳng, chớ một bên nói, còn các bên khác nghe và theo, thì là quan hệ nước lớn - chư hầu rồi. Tất nhiên, quan ngại lớn nhất của Hàn Quốc phải ít nhiều được đáp ứng: vấn đề Triều Tiên. Cố vấn an ninh Hàn Quốc Kim Sung Han, sau cuộc họp ba bên, cảnh cáo: "Chúng tôi nhất trí rằng không được có suy nghĩ hay phản ứng ngây thơ rằng do Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, nếu họ thử thêm thì cũng chỉ là một vụ thử hạt nhân nữa. Nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, phản ứng của chúng tôi chắc chắn sẽ khác những lần trước".Không biết có phải trùng hợp, cả tình hình Đài Loan và Triều Tiên đều đã tạm êm từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua.■Quan ngại của Seoul tất nhiên không giống của Tokyo. Cựu đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki, trong bài viết trên Japan Times hôm 19-8, đã nói thẳng với Bắc Kinh: "Sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Trung Quốc đã phóng tên lửa bay qua Đài Loan và 5 trong số đó đã bay vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Người Nhật đã được nhắc nhở rằng họ phải củng cố tuyến phòng thủ của mình. Đặc biệt, an ninh của quần đảo Senkaku không có người ở phải được xem xét lại. Phải tìm cách bảo vệ các đảo này chống lại sự xâm lược không chỉ từ biển mà còn từ trên không".Ông Fujisaki cũng khẳng định: "Cái gọi là ngoại giao "chiến lang" tỏ ra phản tác dụng ở các nước phát triển. Theo cuộc thăm dò của Genron NPO, nhiều năm sau sự cố Senkaku, hình ảnh Nhật Bản đã được cải thiện trong lòng người dân Trung Quốc: chỉ khoảng 50% người Trung Quốc nói họ không có thiện cảm với Nhật Bản vào năm 2020, ít hơn nhiều so với 90% vào năm 2013… Trong khi đó, vào năm 2020, vẫn còn khoảng 90% công chúng Nhật trả lời không thấy có cảm tình với Trung Quốc. Đơn giản là dân chúng Nhật không thể có cảm tình với một quốc gia luôn xâm phạm vào lãnh thổ và vùng biển tiếp giáp của mình". Tags: Đông ÁHàn QuốcNhật BảnMỹHonoluluĐài Loan
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.