Đã bắt đầu có những so sánh mang tính biện minh cho các hiện tượng xảy ra gần đây, rằng số đông vẫn ổn, vấn đề nếu có chỉ xảy ra cho một số rất nhỏ. Chuyện thiểu số và đa số này coi vậy chứ rất quan trọng vì nó là nền tảng của nhiều nguyên tắc của cuộc sống. Tranh: Lê Thiết Cương Chẳng hạn, kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học vừa qua, lập luận là chỉ có 8% các em “nộp vào, rút ra”, gây xáo động xã hội chứ đa số vẫn bình yên. Đằng sau cái 8% nhỏ bé này là sự ồn ào của báo chí như đổ dầu vào lửa, là những tấm ảnh lay động tâm lý mọi người nhưng chỉ phản ánh một phần nhỏ của cuộc sống. Cách lập luận này cũng được các cơ quan chính thống sử dụng như kiểu đại diện chính quyền Singapore nói trong cả gần nửa triệu người Việt Nam đến Singapore để du lịch, chỉ có 2.000 lượt khách bị từ chối thì đâu có nhiều. Đáng buồn nhất là sự bao biện như thế liên quan đến người nghèo, người cô thế, người bị thua thiệt trong xã hội kỳ khôi thế mà vẫn lôi kéo nhiều người tán đồng lối suy nghĩ, phải hi sinh một thiểu số nào đó vì đại thể thì cũng chấp nhận được. Lúc xem phim Giải cứu binh nhì Ryan, bị cuốn vào số phận của tiểu đội lính lần lượt hi sinh gần hết chỉ để cứu anh chàng binh nhì Ryan, người viết bài này bị sốc. Sao lạ thế, sao đánh đổi gì vô lý thế, nhất là đánh đổi số mệnh của người chỉ huy dũng cảm John Miller cho một binh nhì vô danh tiểu tốt chỉ vì ba người anh của binh nhì này đã tử nạn? Nhưng cái đọng lại sau bộ phim này là gì nếu không có sự đánh đổi đó? Nó tô đậm lòng dũng cảm, tình người, sự công bằng, sự hi sinh - những phẩm chất làm con người vẫn là con người bất kể cảnh chém giết khốc liệt của chiến tranh. Với ông tướng khi ra lệnh phải đem binh nhì Ryan bình yên về cho bà mẹ đã có ba con chết trận, có lẽ đó chỉ là suy tính mang tính chiến thuật, lấy lòng dân nhưng chỉ với một lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược mới có một quyết định như thế. Hoàn toàn không có sự so đo một đổi mười hay thậm chí một trăm ở những người tham gia giải cứu, nhưng gánh nặng lòng hi sinh đó đè lên vai của binh nhì Ryan suốt đời để ông phải sống ít nhất là người tốt cho xứng với sự hi sinh này. Sự trôi chảy của gần nửa triệu du khách có thể biện minh cho 2.000 trường hợp bị trả về không? Có thể - nếu tất cả 2.000 trường hợp đó là xứng đáng bị trả về như thế. Nhưng chỉ cần một vài trường hợp du khách là người bình thường, không hề vi phạm, cũng không hề có ý định vi phạm luật lệ Singapore mà lại bị đối xử như tội phạm là điều không thể chấp nhận. Không ai có quyền làm nhục người khác, nhất là chính quyền một nước. Và vai trò của ngành ngoại giao là phải bảo vệ công dân của mình bằng bất cứ mọi giá, kể cả áp dụng biện pháp “có qua có lại” rất phổ biến trong ngoại giao. Có lẽ ít người biết đã có những cuộc điều tra cho thấy chính quyền Singapore nhắm mắt làm ngơ cho hoạt động ở khu đèn đỏ như một phương cách xả stress cho xã hội. Tại sao họ không truy quét tận gốc kẻ xấu ở đúng địa chỉ cần truy quét? Với kỳ thi đại học, 8% “rút ra, nộp vào” là bao nhiêu? Theo số liệu của Bộ Giáo dục - đào tạo là chừng 43.000 thí sinh. Chỉ cần 10.000 em sau này học sai ngành muốn chọn vì cơn sốt “rút ra, nộp vào” này cũng đã là thiệt hại lớn cho xã hội, chưa kể cho bản thân các em. Dĩ nhiên là cách làm nào hay hơn, giảm hết mức con số này đều phải được lắng nghe, hoan nghênh và áp dụng. Và đó là vai trò thức tỉnh, cảnh báo, phản biện của báo chí nói riêng và công luận nói chung, không ai được quyền đại diện cho số đông để dè bỉu được cả.■ Tags: Số đông và thiểu số1 và 100Tinh thần phản biện
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
50 công trình kiến trúc tiêu biểu phía Nam có đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi, Trường Nguyễn Văn Tố HOÀI PHƯƠNG 19/04/2025 50 công trình kiến trúc tiêu biểu của 34 tỉnh, thành phía Nam (từ Quảng Trị trở vào) được Hội Kiến trúc sư Việt Nam vinh danh.
Người dân có phải làm lại sổ đỏ, căn cước khi sáp nhập tỉnh, xã? THÀNH CHUNG 19/04/2025 Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ, căn cước đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.
30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 6: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn QUỐC MINH 19/04/2025 Sau bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, rất nhiều cuộc đoàn viên cảm động và cũng không ít éo le do hoàn cảnh đất nước hàng chục năm phải phân chia chiến tuyến: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn.
Lời khai Bùi Đình Khánh về khoảnh khắc bắn thiếu tá công an hy sinh TIẾN NGUYỄN 19/04/2025 Bùi Đình Khánh - tay buôn ma túy đã dùng súng AK bắn 4 phát về phía lực lượng chức năng làm thiếu tá Nguyễn Đăng Khải trúng đạn và hy sinh đã bị di lý về Quảng Ninh.