10 năm hợp tác với Arsenal và câu chuyện tầm vóc người Việt

SĨ HUYÊN THỰC HIỆN 08/08/2017 02:08 GMT+7

Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nói gì về giấc mơ "bán cầu thủ" sau 10 năm?

Xuân Trường trong màu áo Gangwon (Hàn Quốc)
Xuân Trường trong màu áo Gangwon (Hàn Quốc)

 

“Mỗi lứa cầu thủ tôi chỉ cần “bán” 2-3 em với giá vài triệu USD cho các đội bóng châu Âu; 2-3 em cho các đội bóng hàng đầu châu Á là lời to” - ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đã nói vậy khi ra mắt Học viện HAGL-Arsenal-JMG.

10 năm hợp tác với Arsenal đã qua, mục tiêu đó đã khó thành hiện thực khi các cầu thủ con cưng của bầu Đức như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng lục tục trở về với V-League sau một thời gian “mài quần” trên ghế dự bị ở Hàn Quốc, Nhật Bản! Phải chăng cú đầu tư đó của bầu Đức đã “quên” mất một yếu tố quan trọng: tầm vóc cầu thủ?

Học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMG ra đời năm 2007, bảy năm sau nổi đình nổi đám trên sân cỏ cả nước bởi sự xuất hiện của thế hệ cầu thủ chinh phục người xem bằng lối đá ngẫu hứng đậm chất kỹ thuật.

Tròn chục năm, HAGL chia tay Arsenal. Bầu Đức giải thích về việc “ly hôn” và nói thẳng về những điều được và chưa được về học viện này.

10 năm và ngàn tỉ đồng

Mười năm trước, người hâm mộ bóng đá cả nước không giấu được sự thích thú khi HAGL cùng Arsenal JMG thành lập học viện bóng đá. Rồi người ta thấy cái tên Arsenal không còn gắn cùng học viện. Ông lý giải việc chia tay này như thế nào?

- Đó là hợp đồng hợp tác toàn diện giữa ba bên gồm HAGL - Arsenal và Học viện JMG toàn cầu có thời hạn 10 năm. Hết hạn, các bên có thể ngồi lại để gia hạn.

Tuy nhiên HAGL muốn đổi mới, muốn vươn tay ra dài hơn với nhiều đối tác nên chúng tôi không kéo dài hợp đồng với Arsenal.

Nếu vẫn cùng hợp tác với Arsenal, sẽ vướng quy định không thể mở rộng mối quan hệ với đối tác khác ngoài Arsenal. Theo tôi, đó là cuộc chia tay bình thường, không có gì phải ầm ĩ cả.

Ông nói HAGL muốn đổi mới, muốn liên kết với nhiều đối tác khác, cụ thể ra sao?

- Tôi có quan điểm làm việc khác người nên thường bị ngờ vực. Chẳng hạn khi tôi nói đưa Kiatisak về “phố núi” Pleiku hay liên kết với Arsenal mở học viện, nhiều người dè bỉu.

Đến chừng làm được thì họ mới tin. Hiện tôi chưa thể nói gì về sự thay đổi của học viện hay liên kết với đối tác nào, ít ra một hai năm nữa chuyện ấy mới trở thành hiện thực.

Việc CLB Shimizu sắp sang đá giao hữu với HAGL chỉ mới là hoạt động giao lưu bóng đá bình thường. Đến thời điểm này, tôi khẳng định đó chưa phải là hợp tác.

10 năm qua, HAGL đã chi bao nhiêu tiền cho học viện?

- Nhiều lắm, khó thống kê chính xác, song không dưới 1.000 tỉ đồng. Nếu đem 1.000 tỉ đồng đầu tư cho một dự án nào đó thì chắc chắn sẽ có lãi. Nhưng đây là đầu tư vào việc “trồng người” nên không thể tính toán thiệt hơn như làm kinh tế.

Lợi ích của việc “trồng người” không thể tính được trong chục năm mà phải dài hơn. Chính vì yếu tố dài hạn mà tôi đặt ra cho cầu thủ của học viện là không thể có cầu thủ kém đạo đức. Ai mất đạo đức, tôi loại bỏ không thương tiếc.

Không nghĩ là thất bại...

Đâu là điều ông hài lòng nhất sau 10 năm thành lập học viện?

- Chục năm trước, khi sang Anh mời CLB Arsenal qua VN thi đấu, HLV Arsene Wenge khước từ mà khuyên tôi rằng: “Nếu muốn làm và phát triển bóng đá chuyên nghiệp bài bản, dài hạn ông nên trở về VN mở học viện bóng đá. Arsenal sẵn sàng liên kết và hợp tác toàn diện cùng HAGL...”.

Tôi tin và làm theo lời khuyên chân tình ấy. Đó cũng là điều mà tôi hài lòng nhất khi sản sinh được lứa cầu thủ giỏi về chuyên môn, có đạo đức và thường xuyên đóng góp quân số nhiều nhất cho các đội tuyển U-19, U-22 và tuyển quốc gia trong ba năm trở lại đây.

Trước ngày khánh thành học viện, ông từng tuyên bố rằng sau một lứa cầu thủ, chỉ cần “bán” một hai người là đã có lãi. Đến lúc này, chuyện ấy chưa thành hiện thực, có thể xem là thất bại?

- Lứa cầu thủ đầu tiên của học viện chỉ mới 21, 22 tuổi, tương lai và triển vọng của họ còn phía trước cho nên chưa thể nói là thất bại.

Anh hãy xem lại, ở V-League có bao nhiêu CLB sử dụng cầu thủ 18, 19 tuổi để chinh chiến như HAGL? Và đến trước SEA Games 29 này, có CLB nào cung cấp đến 8 tuyển thủ cho U-22 VN như HAGL?

Trong quá khứ, bóng đá VN liệu có được biết đến và quan tâm như thời điểm hiện tại? Tôi cho rằng không.

Do đó khi các tài năng xuất thân khóa 1 của học viện được nhiều CLB để ý, cử người sang âm thầm quan sát rồi ký hợp đồng chuyển nhượng, rõ ràng bóng đá VN được biết tới nhiều và quan tâm nhiều hơn xưa.

Đó có thể gọi là thành công rồi. Dù chưa thể hiện được nhiều trên sân cỏ, nhưng việc các em được đá cho Incheon, Gangwon (Hàn Quốc), Mito Hollyhock, Yokohama (Nhật Bản) đã thật sự nổi đình nổi đám.

Mới nhất là việc Văn Toàn cùng với Văn Thanh được hai CLB ở Đông Âu mời ký hợp đồng, visa làm việc đã hoàn tất nhưng tôi ngăn lại vì muốn để các em yên tâm chơi SEA Games 29 xong hãy tính.

Sau 10 năm đào tạo, HAGL đã tự hào sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn”, đỡ tốn kém trong việc thuê mướn cầu thủ. Tôi khẳng định rằng đó là cái lãi vô hình rất lớn, và nếu không có việc đầu tư vào học viện thì làm sao hái quả ngọt như vậy.

Cũng cần nói thêm rằng sự đầu tư vào bóng đá trẻ của HAGL là chất kích thích để nhiều đơn vị khác như PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN), Bình Dương, Hà Nội, Viettel... chăm chút hơn cho đào tạo trẻ. Tóm lại, HAGL chỉ có lãi chứ không bị thiệt trong thương vụ “trồng người” này.

Khi ra nước ngoài thi đấu, Tuấn Anh, Công Phượng và Xuân Trường thường ngồi ghế dự bị. Phải chăng do thể hình, thể lực nên họ không được HLV tin dùng?

- Tôi thừa nhận rằng sự cải thiện thể hình không thể thay đổi trong một sớm một chiều bởi nhiều trở ngại như yếu tố di truyền, dinh dưỡng qua nhiều thế hệ trong gia đình các em.

Một mình HAGL dù có chăm chút khoa học đến mấy cũng khó cải thiện được tầm vóc, nhưng thử hỏi lại rằng nếu không lọt vào học viện, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng và nhiều cầu thủ khác liệu có cao to và khỏe như hiện tại?

Việc các em ngồi dự bị còn do bị chấn thương dai dẳng.

CLB của Hàn Quốc, Nhật Bản rất muốn ký hợp đồng đến 5 năm với các cầu thủ của học viện, nhưng tôi chỉ ký hàng năm vì phải cân nhắc sử dụng họ cho V-League, cho SEA Games sao cho phù hợp nhất.

Với bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới, trừ những tài năng thật sự xuất chúng mới được đá thường xuyên, còn ở tuổi 21, 22 như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng chưa được HLV tin dùng là lẽ thường tình bởi họ chưa dám mạo hiểm.

- Rất cảm ơn ông■

 Tuấn Anh & Xuân Trường:

Bất lợi thể hình- khó khăn lớn nhất

-Trong thời gian ra nước ngoài thi đấu cho các CLB Nhật Bản, Hàn Quốc các bạn đã gặp khó khăn ra sao khi phải tranh chấp với các đối thủ to cao và khỏe hơn mình?

Xuân Trường: Cầu thủ tại Hàn Quốc có nền tảng thể lực và thể hình rất tốt, có thể được so sánh với các nước có nền bóng đá phát triển ở châu Âu. Nên việc một cầu thủ VN đối đầu với các cầu thủ ở Hàn Quốc là hết sức khó khăn.

Tuấn Anh: Tranh chấp với các cầu thủ to cao và khoẻ hơn mình là khó khăn rất lớn. Họ còn có kỹ thuật cơ bản tốt, luôn áp sát mình rất nhanh nên đòi hỏi mình phải nhanh chóng đưa ra quyết định, chuyền hay sút bóng chỉ trong tích tắc.

-Các bạn đã khắc phục sự hạn chế về thể hình, sức mạnh của mình như thế nào để giành lợi thế trước đối phương?

Xuân Trường: Muốn giành lợi thế trước đối phương chỉ có cách trau dồi chuyên môn và thể lực để được như họ, hoặc phải nhanh hơn họ. Nên mỗi khi có bóng em luôn cố gắng xử lý bóng nhanh nhất có thể để vượt qua được đối phương.

Tuấn Anh: Khắc phục duy nhất là mình buộc phải nâng cao sức mạnh và thể lực. Tập luyện nhiều các bài bổ trợ về thân trên và thân dưới,cố gắng hoà nhập với lối chơi chung toàn đội.

-Hai bạn nghĩ việc mình ít được xếp đá chính thức là do đâu?

Xuân Trường:  Sự hạn chế về thể hình, sức mạnh, sức bền là một trong những lý do chính khiến em ít được xếp đá chính.

Tuấn Anh: Việc xếp ít được đá có một phần sức mạnh chưa tốt nên buộc phải cải thiện hơn nữa. Bên cạnh đó là phải cải thiện về việc “thông tin” nhiều hơn nữa với đồng đội khi chơi trên sân, từ đó có kinh nghiệm hoà nhập tốt hơn với lối chơi chung toàn đội.

                                                                                                                      S.H ghi

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận