3 tháng sau chiến sự Gaza: Hamas, Hezbollah và Houthi

SÁNG ÁNH 22/01/2024 18:50 GMT+7

TTCT - Sau 3 tháng, về mặt số liệu, chiến tranh tại Gaza đã lọt hàng top những thảm họa trên thế giới trong thế kỷ 21.

Ảnh: Doctors without Borders

Ảnh: Doctors without Borders

Xin so sánh với chiến tranh tại Ukraine, tuy đây không phải là một cuộc thi hoa hậu. Dân số Gaza là 2,3 triệu và dân số Ukraine là 43,8 triệu, tức gấp 19 lần. Các số liệu ở Gaza là từ 7-10-2023 cho đến 10-1-2024 (3 tháng), còn ở Ukraine là từ 24-2-2022 đến 24-9-2023 (19 tháng).

Những con số tang thương

Thường dân thiệt mạng tại Ukraine: 9.701. Gaza: 23.357 và 8.000 mất tích chưa kiểm kê được dưới gạch vữa, tức là không thấy xác mà chỉ nghe mùi thịt rữa. Số trẻ em thiệt mạng tại Ukraine: 555. Tại Gaza là 9.600. 

Nếu tính theo tỉ lệ dân số thì trẻ em bị giết tại Gaza cao gấp 328 lần Ukraine. Nếu tính theo ngày thì mỗi ngày (trong 589 ngày) Ukraine mất 1 trẻ em. Gaza mỗi ngày (trong 93 ngày) mất 103 trẻ em. Và đó là một cách nói thôi, chứ con người ta làm sao bằng con tôi.

Về số người tị nạn, Ukraine có tất cả 6,3 triệu người tị nạn ra nước ngoài (31-12-2023), trong đó 1,25 triệu người là tại Nga và Belarus (theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc). Phần người Palestine tại Gaza, số tị nạn là 1,9 triệu, tức 82% dân số!

1,9 triệu này tị nạn trong một diện tích 365km2, tức bé hơn thành phố Đà Lạt (394km2). Họ không đi ra được nước ngoài từ năm 2007 và bị bao vây bốn mặt. Tàu đánh cá bị giới hạn 11-27km cách bờ. Dưới biển trên bờ, nội bất xuất và ngoại bất nhập từ 16 năm nay, trong khi mật độ cao gấp 10 nơi lãng mạn ở nước ta.

Nếu bạn có quốc tịch Mỹ, tưởng ngon lành, nhưng cũng lôi thôi không kém. Trước chiến tranh, một công dân Mỹ gốc Palestine phải xin phép khó khăn mới được vào Gaza. Lúc đó Nhà nước Israel còn "dễ dãi" cho thăm thân nhân mỗi năm một lần. Chuyện này nay đã bị đình chỉ, Mỹ gì thì cũng kệ các người.

Nhắc lại, là nếu bạn có quốc tịch Hoa Kỳ như khoảng 250.000 di dân Palestine sống ở Mỹ từ đầu thế kỷ 20 trở đi thì mới được như vậy. Phần người Palestine ở Bờ Tây không phải công dân Mỹ thì từ 2007 không được vào Gaza thăm gia đình. Mỗi năm có khoảng 200 giấy phép cho người Kitô ở Gaza đi hành hương Bethlehem cách đó 70km, nhưng phải trên 55 tuổi và không được đến Jerusalem.

Năm 2023, giấy phép rời Gaza để được sang Israel lao động (nhiều việc là sáng đi chiều về) từ trên 1.000 được tăng lên 18.000. Về mặt y tế, người Gaza cũng phải xin phép đi chữa trị ở ngoài, chủ yếu là tại Bờ Tây, và con số này mỗi tháng khoảng 1.200-2.000 người. 

Sinh viên được học bổng nước ngoài không được phép xuất ngoại, trường hợp được đi thì lại có thể không được vinh quy bái tổ và trở về gia đình. Vì thế nên Gaza được gọi là nhà tù lớn nhất thế giới.

Vậy người Gaza ở đâu ra? Thị trấn này có 4.000 năm văn hiến từ thời Ai Cập cổ. Nhưng năm 1948 là năm "Đại họa" (Nakba) của người Palestine: 250.000 người bị trục xuất tràn sang đó lánh nạn khi Israel lập quốc. 

Họ trú tại 8 trại tị nạn của LHQ từ 75 năm nay, và sau bốn đời giờ lên đến 1,9 triệu người. Có những gia đình trước 1948 ở ngay bên kia biên giới, khi chạy loạn mang chìa khóa nhà theo vẫn mong có ngày trở lại. Họ trở thành tị nạn hai lần vào dịp này.

Ảnh: The New Arab

Ảnh: The New Arab

Khó khăn mọi mặt

Ngoài chuyện chết người hay thương tích, tàn tật, chiến tranh còn tàn phá và làm hư hại 359.000 hộ dân cư, 370 trường học và 30 nhà thương. 

Tình trạng kinh tế trước đây đã bất ổn với 56% sinh viên tốt nghiệp không có việc và 40% lực lượng lao động thất nghiệp vì bị vây hãm, đất canh tác rau trái giới hạn, ngư nghiệp bị ngăn sông cấm biển. 

Mọi thứ đều phải nhập và qua kiểm soát chặt chẽ của Israel, có lúc cấm xốt cà chua và giấy in vi tính, bút chì màu. Thực phẩm được Israel tính sao vừa đủ đói nhưng không chết. Điện trước chiến tranh là 7 giờ một ngày khiến khó lọc thêm nước biển, nước ngọt, nhiên liệu cho tới dầu đun bếp đều bị hạn chế.

Bình thường số xe vận tải nhập hàng vào Gaza được coi là vừa đủ (ăn lưng bụng) khoảng 4.000-5.000 chuyến một tháng, không kể xe xăng dầu. 3 tháng qua, số xe tải xuống 6.000 chuyến, tức 2.000 chiếc/tháng. 

Các tổ chức nhân đạo và cứu trợ phải cãi nhau với chính quyền Israel để nhập 2 xe dầu/ngày (1 xe là 24.000 lít) hay có lúc được 7 xe. Giờ lại vào mùa đông, nhiệt độ ban đêm xuống 8-10 độ C. Vệ sinh tập thể và bệnh dịch có thể trở thành vấn đề ngoài nạn đói đang bắt đầu đe dọa. 

Điều trớ trêu là các tổ chức thiện nguyện cũng như LHQ đã có sẵn hàng cứu trợ ngay cửa khẩu Rafah (Ai Cập), nhưng không được Israel cho phép vào Gaza.

Trong chiến tranh này, thường dân là mục tiêu. Israel tìm cách phá toàn bộ hạ tầng của Gaza, biến chí ít nửa miền bắc của dải đất này, là nơi khỉ hết ho và cò hết gáy, thành chốn hoàn toàn không thể cư ngụ được và không còn sự sống. Không lực Israel cho biết trong 6 ngày đầu họ ném 6.000 trái bom. 

Bộ Quốc phòng nói riêng thị xã Gaza đến đầu tháng 11-2023 lãnh 10.000 quả. Hoa Kỳ tiếp tế khẩn cấp 15.000 trái nữa. Số bom trong 89 ngày đầu ném xuống là 28.000 trái, nhìn không ảnh vệ tinh là biết, khỏi phải phân bua ít nhiều. 

Số thuốc nổ tổng cộng lớn hơn bom nguyên tử tại Hiroshima 3 lần. Mỗi ngày Gaza còn mất 3 nhân viên y tế, 1 nhà báo và hơn 1 nhân viên (1,4) làm việc cho LHQ.

Nhưng sau 100 ngày khói lửa thì Israel đạt được những gì? Chiến tranh không phải là để cho qua thì giờ như karaoke. Nó là phương tiện để đạt mục đích. Mỗi tối sau khi ăn cơm, tôi hát 3 bản tình ca là để chinh phục anh râu mép đầu ngõ. 

Sau 100 ngày như vậy, anh mang trầu cau đến trước cửa nhà van xin tôi đừng hát nữa là tôi thành công. Nếu mục đích của Israel là tận diệt tổ chức Hamas thì lại là thất bại. Hamas vẫn hiện hữu và cai quản Gaza. 

Quân đội Israel sau 100 ngày không hề kiểm soát được tình hình, chỉ đột kích tàn phá và rút ra chứ không ở lại chiếm đóng vì sợ thiệt hại. Israel có thể chuyển mục đích thành trục xuất tất cả dân cư Gaza. 

Kế hoạch này được một số nhân vật trong Chính phủ Israel mơ màng, dời trên 2 triệu người Palestine sang sa mạc Sinai và/hoặc Jordan chẳng hạn, nhưng giấc mơ này cũng bất khả vì nó phải có sự đồng ý của Jordan và Ai Cập.

Ảnh: Business Recorder

Ảnh: Business Recorder

Không có hồi kết

Về hồi kết cho cuộc chiến này, giới chức quân sự và chính trị có người nói cần thêm 6 tháng, có kẻ bảo phải 1 năm và có người nói là 2 năm. Nhưng đó là nếu chiến tranh không lan rộng ra thêm tại Bờ Tây hay biên giới với Lebanon. 

Nếu Hamas là tổ chức dùng võ khí tự chế và không có đường tiếp tế thì Hezbollah tại Lebanon là lực lượng đông gấp 4-5 lần, vũ trang đầy đủ và thiện chiến. Năm 2006, dưới 1.000 du kích Hezbollah đã chặn đứng 30.000 quân Israel.

Hiện nay, sau 10 năm tham gia nội chiến Syria, họ có khả năng tác chiến cấp tiểu đoàn và dám xâm lăng được sang phần đất của Israel. Tuy nhiên Hezbollah không có lợi lộc gì để gây hấn với Israel cả. 

Tổ chức này đã đạt được mức tối đa về mặt chính trị tại Lebanon và đang ở đỉnh cao của ảnh hưởng quốc nội. Chiến tranh với Israel sẽ khiến ảnh hưởng đó trở thành bấp bênh, và Hezbollah chỉ cần bắn lưa thưa sang biên giới để đoàn kết với Palestine. 

Việc bắn qua bắn lại này khiến Israel phải duy trì một lực lượng lớn ở miền bắc để dè chừng biết đâu đấy. Những loại pháo vu vơ này mặt khác vẫn khiến khoảng 200.000 người Israel phải sơ tán và ảnh hưởng đến kinh tế của địa phương lẫn cả nước.

Ngược lại, chiến tranh "đoàn kết" với Palestine của lực lượng Houthi tại Yemen rất có lợi cho phong trào này về mặt tuyên truyền nội địa. Houthi thuộc ba bè bảy mối trong thành phần nội chiến Yemen, và việc tích cực "bảo vệ Palestine" khiến họ trội hẳn hơn các địch thủ trong nước về mặt danh nghĩa và oai phong. 

Đánh tàu hàng qua lại Biển Đỏ chẳng tốn kém gì mấy, nằm trong khả năng gây nhiễu của Houthi mà khiến cả thế giới phải quan tâm. Bắn 27 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa giá 10.000 đến 20.000 USD một chiếc cùng đánh bom mấy chục đồi đá làm lạc đà chạy tán loạn đã khiến Hoa Kỳ và Anh quốc huy động một liên minh không hải lực 21 nước.

Nhưng thất bại lớn nhất của Israel trong cuộc chiến tranh này là về mặt con tim. Hình ảnh Israel trước đây là một quốc gia nhỏ bé nhưng kiên cường đương đầu với cả khối Ả Rập khổng lồ. 

Trong 100 ngày qua, nó trở thành hình ảnh một cường hào khu vực giết hại thường dân tay trắng. Vì quả như Israel tuyên bố đã loại được 8.000 tay súng Hamas vừa chết vừa bị thương thì số còn lại của 90.000 (23.000 chết, 8.000 mất tích, 59.000 bị thương) nếu không là thường dân thì là gì? ■

Theo Israel thì 3 tháng vừa qua, về mặt quân sự họ đã hạ được 8.000 tay súng Hamas. Đây là kể vừa chết vừa bị thương và cũng vẫn theo họ thì lực lượng Hamas là 29 tiểu đoàn hay khoảng 15.000 người.

Nếu thật vậy thì Hamas đã không còn sức kháng cự. Về phần Israel, số tử trận chính thức là 560 người và 5.000 bị thương, trong số đó trên 2.000 bị thương tật vĩnh viễn. Năm 1967, trong chiến tranh 6 ngày, Israel có 800-1.000 binh sĩ thiệt mạng và 4.500 người bị thương.

Một khác biệt rất lớn là chiến tranh đó chỉ có 6 ngày mà chiến tranh hiện nay đã đủ 100 ngày. Quân đội Israel có 170.000 người và khi cần thiết, có thể gọi ngay 450.000 quân nhân trừ bị.

Thành phần trừ bị này là 10% của lực lượng lao động toàn quốc, bình thường là phó giám đốc, ca sĩ hay shipper, công nhân và 100 ngày qua không thể nào tay súng tay đàn hay tay súng tay bắt ốc bắt vít, lái xe giao hàng được.

Chiến tranh 1973 kéo dài 19 ngày. Chiến tranh 2006 là 33 ngày. Chiến tranh 1982 là 3 tháng, còn hiện nay đã 3 tháng mà không biết bao giờ mới hết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận