30 năm Elvis Presley qua đời

D.Đ. 08/09/2007 17:09 GMT+7

TTCT - ... Vào ngày 16-8-1977, ngày anh qua đời, anh vẫn còn được mời diễn show. Céline Dion, chứ không phải một “vô tên tuổi” nào khác, lại đã cùng anh trình diễn trong một show “American Idol” hồi tháng ba năm nay.

Phóng to
TTCT - ... Vào ngày 16-8-1977, ngày anh qua đời, anh vẫn còn được mời diễn show. Céline Dion, chứ không phải một “vô tên tuổi” nào khác, lại đã cùng anh trình diễn trong một show “American Idol” hồi tháng ba năm nay.

Cả hai đã cùng song ca ca khúc If I can dream, Céline thì bằng xương bằng thịt, Elvis thì bằng xảo thuật rotoscope (sử dụng ảnh kỹ thuật số trên một nền kính). Và cho đến cuối tuần này tại Graceland, ngôi nhà của anh ở Memphis, khách hành hương cũng vừa chấm dứt tuần lễ tưởng niệm anh. Nhạc của anh vẫn vang trên đài phát thanh 98.1 WOGL, 1 tỉ bản đĩa đã được bán kể từ khi anh xuất hiện lần đầu tiên trên đài phát thanh năm 1954 với đĩa đơn That's all right (Mama).

Ca khúc này, vốn do một nhạc sĩ da đen tên Arthur Crudup sáng tác và trình bày, là một ca khúc “thuần túy” da đen, ngay cả tựa đề bài hát với chữ Mama cũng rất “da đen”. Elvis đã hát lại bài này, xuất sắc hơn hẳn tác giả. Mặt kia của đĩa là ca khúc thuần túy da trắng Blue moon of Kentucky.

Vào thời điểm đó, người da trắng và da đen còn xa cách nhau trong lòng xã hội Mỹ, không chung xe, trường học, nhà hàng... Thậm chí trên đài phát thanh, DJ người da đen không phát nhạc của người da trắng, ngược lại DJ người da trắng không phát nhạc của người da đen. Thế nên, cả hai cộng đồng da đen và da trắng khi nghe Elvis Presley trên đài phát thanh cứ ngớ người ra, vì không biết cái gã hát các bài hát đó là da trắng hay da đen, chỉ thấy hay quá mà sinh lòng ngưỡng mộ. Elvis đã phá vỡ rào cản màu da trong âm nhạc Mỹ từ đó. Chỉ trong tuần lễ đầu tiên, hãng đĩa Sun nhận được đơn đặt hàng đến 6.000 bản, một con số không nhỏ vào những năm 1950 cho đĩa nhạc này của Elvis.

Từ đây, Elvis phải xuất hiện trên sân khấu để “rao bán đĩa” từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, các vòng lưu diễn là như thế. Khoảng cách giữa phòng ghi âm và sân khấu là cả một vấn đề cho chàng trai vốn dĩ nhút nhát này. Thế là đôi chân của anh cứ “đánh lôtô”, từ đó tiến đến những cú lắc hông là như thế đó hồi nào không hay (nhạc rock n' roll trong nghĩa đen) cùng với những thay đổi trong nhịp điệu. Vai trò khai phá của Elvis có thể gói gọn như thế.

Elvis đã đến Việt Nam khi nào?

Có lẽ Elvis đã đến Việt Nam từ những năm cuối của thập niên 1950, thời điểm của các ca khúc All shook up, Jailhouse rock, (Let me be your) teddy bear. Một ban nhạc trẻ Sài Gòn vì chết mê chết mệt với ca khúc (Let me be your) teddy bear (Hãy cho anh là con gấu nhồi bông của em) mà đặt tên cho mình là The Teddy Boys (xuất hiện trong phim Saigon by night cùng với The black caps).

Sau ca khúc này sẽ là các ca khúc thật mùi mẫn khác như It's now or never, mà giờ đây hầu như các “khứa lão” trên dưới 60 tuổi đều có thể hát được ít nhất là câu đầu... Một học sinh Taberd đã trở thành Elvis Phương với những ca khúc như I can't help falling in love với một khuôn mặt cũng bầu bẫm, một giọng hát cũng ấm áp như Elvis Presley.

Không chỉ Elvis Phương mới hát lại nhạc Elvis. Một nam ca sĩ khác, lấy tên là Paolo, cũng là một impersonator (người cải trang giả dạng) thành danh với các ca khúc của Elvis Presley.

Hình ảnh của Elvis xuất hiện đầy trong các tiệm hớt tóc cho giới trẻ cùng với ảnh của Clark Gable (cho những ai thích để ria mép)... Mốt sấy tóc bồng bềnh mái hiên và ép tóc sát da đầu bắt đầu từ dạo ấy.

Cùng với Elvis Presley, Coca-Cola và Pepsi Cola cũng cùng lúc đổ bộ vào Sài Gòn, trước làn sóng G.I.s.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận