40 năm trước, The Beatles "xâm lược" nước Mỹ

D.Đ. 16/02/2004 03:02 GMT+7

TTCN - Trên đây là tiêu đề của một chương trình tưởng niệm sự kiện ban nhạc The Beatles từ Anh sang chinh phục Hoa Kỳ vào ngày 7-2-1964.

Phóng to
Bốn "chàng trai trong gió" đến Mỹ
TTCN - Trên đây là tiêu đề của một chương trình tưởng niệm sự kiện ban nhạc The Beatles từ Anh sang chinh phục Hoa Kỳ vào ngày 7-2-1964.

Ngày 7-2-1964 đó, xã hội Mỹ còn “kín cổng cao tường”. Các giá trị xã hội vẫn chủ yếu dựa trên khoa bảng cùng các danh gia vọng tộc và các nghề nghiệp truyền thống. Cuộc chiến tranh VN vẫn chưa đi vào giai đoạn khốc liệt để nổ ra trong lòng nước Mỹ phong trào chống chiến tranh, xé thẻ quân dịch, đốt cờ, rồi phủ định các giá trị xã hội như phong trào hippi, ma túy…

Âm nhạc Mỹ vẫn “nhị phân” với những thể loại nhạc của người da trắng (như nhạc country, rock’n roll), hay của người da đen (như jazz, blues…). Trên sân khấu, vẫn là người ca sĩ, đầu tóc, y phục nghiêm chỉnh, đơn ca với ban nhạc phụ họa.

Elvis Presley sở dĩ mới nổi lên như là “nhà vua” là do vượt ra ngoài khuôn khổ đôi chút với bộ quần áo da màu đen, cầm cần micro lắc lia lịa (thay vì nghiêm trang đứng hát “như phỗng đá”) trước khi đi đến đỉnh điểm là “à terre” (chân quì xuống, trở người ra phía sau sát đất).

Phải đợi đến “tứ quái Beatles”, bốn quái kiệt, bốn chàng trai đến từ Liverpool (Anh) sang.

Ngày hôm đó, họ đặt chân xuống phi trường Kennedy. Phi trường nghẹt người. Làm như là mọi người ai cũng ra sân bay đón The Beatles. Các phim tư liệu về họ vẫn còn cảnh tiếp đón trong tiếng gào thét này.

Hai ngày sau, The Beatles “chào sân” bằng buổi ghi hình trong phim trường CBS 50 cho chương trình Ed Sullivan Show.

78 triệu người Mỹ (tức 40% dân số Mỹ) tối hôm ấy đã xem chương trình này và từ đó khái niệm nhạc pop, nền văn hóa pop trong ý nghĩa âm nhạc được đại chúng ưa chuộng. Nền văn hóa đại chúng (popular) thành hình. Ngay lập tức người Mỹ hít hà hát I want to hold your hand (đứng đầu danh sách Billboard bảy ngày sau). Điều gì đã quyến rũ dân chúng Mỹ đến thế?

Một cách chơi nhạc hoàn toàn mới: cả bốn vừa đàn (hoặc đánh trống) vừa hát, thay cho công thức ca sĩ + ban nhạc (áo xống cứng ngắc). Đặc biệt, bằng cách tự mình chơi nhạc, The Beatles, rồi thì The Rolling Stones, The Kinks… và cả đạo quân âm nhạc “Anh Cát Lợi” đã đổ bộ và “giành lại” nước Mỹ.

Một cách viết ca khúc mới: không còn mô tả tình yêu kiểu “platonique” (cao thượng, hương hoa) hoặc mùi mẫn, tức cảnh sinh tình như Three coins in the fountain, Summertime… mà là dùng thể đối thoại trực tiếp anh/ em (I/you) hoặc tôi/cô ấy (I saw her standing there, And I love her), cô ấy/anh (She loves you).

Đặc biệt, The Beatles thích viết theo thể tôi/ cô ấy. Cách viết đó khiến người nghe nhận ra mình trong ca khúc. Từ đó, tình yêu gần gũi hơn trong ngôn ngữ của bài hát, gần gũi như thân xác với thân xác.

Một con đường thành đạt mới: tại sao không thể vào đời lập nghiệp và thành công với một con đường nào khác con đường học vấn? Giới trẻ phương Tây lúc đó vẫn còn cắm cúi trong sự phân chia cổ trắng (trí thức) nếu học hành thành đạt, cổ xanh (công nhân) nếu thi rớt hoặc không được may mắn đi học đến nơi đến chốn, nay tự dưng được giới thiệu một con đường mới: chẳng “cổ trắng”, “cổ xanh” gì cả mà là đánh đàn!

Phim tài liệu về thời thơ ấu của John Lennon, chiếu lại hôm 31-12 vừa qua trên HBO, cho thấy quyết định bỏ học đi đánh đàn của John đã khiến bà ngoại John giận muốn từ cháu như thế nào, song thật nhanh chóng bà cũng nhìn nhận rằng cháu bà đã tạo lập được một sự nghiệp.

Sự thành công của họ không chỉ mang tính cách cá nhân mà còn mang tính cách quốc gia: vào thời buổi mà hàng hóa... Ănglê trên thế giới chỉ tóm gọn trong vài tên tuổi như xe hơi Austin, Morris (hơi bị “chê” so với xe Peugeot 403, DS 19 của Pháp), thì hàng trăm triệu đĩa nhạc của The Beatles quả đã là một liều thuốc “hồi dương” cho ngành xuất khẩu Anh.

Một thời trang mới: mái tóc dài chớm gáy và những lọn tóc xõa xuống quá chân mày, thay vì chải 3/4 như mọi người đương thời. Thế nhưng The Bealtes vẫn không xô đổ hẳn bức tường y phục cũ, vẫn giữ bộ veste + cravate “nghiêm chỉnh” của con người - xã hội, không “môđen quằn quại” như The Rolling Stones hay The Kinks… sau đó.

Bởi thế hoàng gia Anh, chỉ qua năm sau, năm 1965, cảm kích trước những đóng góp của The Beatles cho nước Anh, đã không ngần ngại phong tước MBE cho họ.

Có rất nhiều hoài niệm về “tứ quái”, tùy sở thích. Song, trên hết chắc có lẽ là những tấm gương thành đạt bằng một phương thức lao động cật lực, đích thực, cho dù là dưới ánh đèn màu. Bởi thế John mới “đủ tư cách” viết ca khúc Working class hero (Anh hùng giai cấp lao động).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận