6 thập kỷ, 210 người Warlpiri và 11.000 từ

LÊ MY 11/06/2023 05:32 GMT+7

TTCT - Người Warlpiri luôn nỗ lực truyền lại ngôn ngữ của tổ tiên, đảm bảo con cháu của họ có thể nói tiếng Warlpiri.

6 thập kỷ, 210 người Warlpiri và 11.000 từ - Ảnh 2.

Việc từ điển tiếng Warlpiri - một ngôn ngữ thổ dân ở Úc, được khoảng 3.000 người lớn và trẻ em sử dụng như ngôn ngữ nói hằng ngày - lọt vào danh sách rút gọn của Giải thưởng ngành sách nước này năm 2023 là ví dụ tuyệt vời về nỗ lực tập thể gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa bản địa.

Mọi việc bắt đầu từ năm 1959, khi một nhóm người Warlpiri thuộc cộng đồng Yuendumu quyết định dạy ngôn ngữ của họ cho một chàng trai trẻ người Mỹ, †Ken Hale, người mà sau này sẽ ra sức bảo tồn "những ngôn ngữ sắp tuyệt chủng". (Biểu tượng † được đặt trước tên riêng của những người đã qua đời)

Thuở ban đầu, Hale tiến hành thu băng những người Warlpiri khi họ nói về ngôn ngữ, đất nước, gia đình và nhiều khía cạnh đa dạng của đời sống truyền thống. Hale làm việc với người Warlpiri đến từ các vùng khác nhau, với những phiên bản tiếng Warlpiri của riêng họ. Từ chất liệu này, Hale đã viết tay từ vựng và ngữ nghĩa lên những mảnh giấy nhỏ để chúng có thể được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau.

Từ những năm 1970, giáo dục song ngữ đã được đưa vào trường học ở Lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territory). Điều đó có nghĩa là các cộng đồng người Warlpiri cần một hệ thống đánh vần chung. Lúc bấy giờ, tại cộng đồng Lajamanu, †Maurice Luther Jupurrurla và †Marlurrku Paddy Patrick Jangala đã làm việc với nhà ngôn ngữ học †Lothar Jagst để phát triển thành công hệ thống đánh vần đó.

Công việc xây dựng từ điển bỗng trở nên quan trọng, và năm 1975, Mary Laughren - người biên soạn chính của quyển từ điển - bắt đầu làm việc với người đồng biên soạn †Jeannie Egan Nungarrayi tại Trường Yuendumu. 

Trong 40 năm tiếp theo, bằng một hình thức crowd-sourcing (huy động nguồn lực đám đông) sơ khai, hơn 210 người nói tiếng Warlpiri từ các cộng đồng khác nhau đã làm việc liên tục với Laughren và các cộng sự.

Họ xác định được hơn 11.000 "từ" (đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh), quyết định cách đánh vần chúng, dịch chúng sang tiếng Anh, minh họa cách dùng từ bằng các mẫu câu Warlpiri, đồng thời cung cấp các thông tin xã hội, văn hóa và sinh học. Vì thế, công trình này chẳng khác nào một từ điển bách khoa toàn thư thực thụ.

Với nhiệm vụ "bảo tồn" ý nghĩa của những từ khó hiểu và xưa cũ, †Marlurrku Paddy Patrick Jangala, một người đồng biên soạn khác, đã viết định nghĩa cho chúng bằng chính ngôn ngữ Warlpiri. 

Thế là khoảng 4.000 định nghĩa phức tạp đã giúp phơi bày quan điểm của người Warlpiri về những đặc điểm quan trọng nhất của từng khái niệm đó. Ví dụ, từ kukuju-mardarni được định nghĩa là như khi một người hạnh phúc hoặc đang ngồi một mình trong sung sướng, hoặc đang ngủ gật, hoặc đang mỉm cười - nó chỉ niềm vui của một người đang nghĩ về người tình, về người phối ngẫu họ hằng khao khát, về một tình nhân vừa gửi họ lời yêu. 

Một ví dụ khác: jalangu là một ngày không phải ngày mai, cũng không phải ngày hôm qua - nó là ngày hôm nay, là thời điểm của ánh sáng ban ngày, là bây giờ.

Một mục từ kèm hình minh họa trong quyển từ điển.

Một mục từ kèm hình minh họa trong quyển từ điển.

Kế đến là một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều công sức: kiểm tra bản thảo của từ điển. Các nhà khoa học máy tính đã hỗ trợ việc quản lý dữ liệu và thử nghiệm một thiết bị hiển thị có tên là Kirrkirr. Người dùng Kirrkirr có thể nhập vào một từ và xem hiển thị trực quan của các ý nghĩa liên quan đến từ đó (chẳng hạn như các từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa), nghe cách phát âm và đọc các mẫu câu ví dụ.

Nhiều chuyên gia khác, bao gồm các nhà nhân chủng học, dịch giả kinh thánh, nhà thực vật học và động vật học, thì giúp xác định các loài động, thực vật… Và các nghệ sĩ thì cung cấp những hình ảnh minh họa. Nhờ đó, từ điển tiếng Warlpiri chứa đựng cả thông tin chi tiết về hệ động thực vật bản địa, kèm theo hơn 500 hình minh họa và bản đồ của dân tộc Warlpiri.

Người Warlpiri luôn nỗ lực truyền lại ngôn ngữ của tổ tiên, đảm bảo con cháu của họ có thể nói tiếng Warlpiri. Họ muốn trẻ em Warlpiri có thể tự nói lên suy nghĩ của mình - bằng cả tiếng Anh và tiếng Warlpiri. 

Bắt đầu làm trợ giảng cách đây 50 năm, bà Tess Ross Napaljarri đã hợp tác với các giáo viên để xây dựng chương trình giáo dục song ngữ Yuendumu. Trẻ em người Warlpiri sẽ học ngôn ngữ đầu tiên là tiếng Warlpiri, và ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh, "và chúng thực sự giỏi cả 2 thứ tiếng", trang The Conversation dẫn lời bà.

Cuốn từ điển song ngữ dày 1.400 trang này có rất nhiều đối tượng độc giả - những người Warlpiri muốn làm giàu vốn ngôn ngữ của chính mình; các giáo viên cần chuẩn bị học liệu; hay các nhóm bảo vệ rừng cần nghiên cứu các hệ sinh thái trên mảnh đất Warlpiri. Và cuối cùng, bất kỳ ai muốn tìm hiểu về ngôn ngữ, lịch sử, tri thức tự nhiên và văn hóa Warlpiri - điều mà dân tộc này luôn khuyến khích.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận