TTCT - Nhiều tên tuổi các thế hệ ca sĩ Hà Nội trong ba thập niên đã gắn bó với sân khấu nhạc trữ tình - 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Di sản văn hóa giai đoạn 1930-1945 đã đến ngưỡng non một thế kỷ. Năm ngoái, một cuộc kỷ niệm 90 năm Thơ mới đã được tổ chức rộng rãi. Vậy người đàn em tân nhạc thì sao? Cách đây đúng 85 năm, ngày 9-6-1938, hình thức âm nhạc mới đã này được chính thức khai sinh trên truyền thông báo chí với cái tên "nhạc cải cách".Tờ nhạc bài Cái áo the thâm tàng.Tối hôm đó tại Hội quán Trí Tri, 47 Hàng Quạt (Hà Nội), một nhạc sĩ trẻ người Huế là Nguyễn Văn Tuyên đã giới thiệu những bài hát mới như Bông cúc vàng, Anh hùng ca, Một kiếp hoa, do chàng sáng tác trước một đám đông cử tọa là những thanh niên và trí thức Hà thành nổi tiếng khó tính.Sự kiện này có ý nghĩa ở khả năng kích thích các thanh niên trẻ thử sức ở loại hình âm nhạc mới mẻ và được tờ Ngày Nay của Tự lực văn đoàn ủng hộ. Người chủ trương loạt bài chính cho cuộc vận động này, nhà thơ Thế Lữ, khi tổng kết các bài hát được gửi đến, đã nêu lên một ý kiến quan trọng: "Đọc bài của các bạn gửi tới gần đây, chúng tôi nhận ra rằng phần nhiều không có tính cách Việt Nam. Đó thường là những âm điệu đàn tây, nhanh nhẹn, vui vẻ nhưng không có dấu vết của tâm hồn Việt Nam phổ theo một cảm hứng mới" (Ngày Nay 21-8-1938).Tuy nhiên, chỉ sau đó vài năm, tân nhạc đã trở thành một phương tiện mới truyền tải các thông điệp tình cảm và xã hội, thậm chí can dự vào cao trào giải phóng dân tộc và các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20, để rồi phân nhánh thành nhiều dòng ca khúc khác nhau.Song tân nhạc được biết đến nhiều nhất chính ở dòng lãng mạn mà sau này người ta dùng một biệt danh không chính thức là "nhạc tiền chiến" dành cho các bài hát sáng tác trước 1954, như một cách gọi tên có chủ ý để né tránh các yếu tố chính trị và thời cuộc.Ở Hà Nội, cũng gần giống tình hình Thơ mới, những bài hát này gần như vắng bóng suốt 30 năm, cho đến cuối thập niên 1980 mới được tái xuất trong một vài phòng biểu diễn nhỏ. Một nơi như thế chính là sân khấu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với một tên gọi giản dị: "Ca khúc trữ tình - 51 Trần Hưng Đạo" ra đời đúng nửa thế kỷ sau cuộc ra mắt của tân nhạc. Linh hồn của sân khấu này là nhạc sĩ Khắc Huề, nổi tiếng với cây đàn violin ngồi lặng lẽ sau các giọng ca.Tôi đi tìm lại ký ức về sân khấu ca nhạc lẫy lừng này thì mới nhận ra sân khấu này mới đóng cửa bảy năm nay. Trong trí nhớ mau quên của đời sống giải trí, tưởng như "Ca khúc trữ tình" đã thuộc về thế kỷ trước.Có một thời cụm từ "chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề" trở thành quen thuộc với mọi nhà chỉ vì quảng cáo này được phát trên đài truyền hình hằng ngày. Nó trở thành khẩu ngữ để chỉ công việc chỉ đạo, chủ trì các sự vụ đời sống... tạo ra cảm giác vui vẻ, hài hước. Nhưng cụm từ này cho thấy sân khấu âm nhạc trữ tình từng là một không gian thu hút chú ý, bên cạnh các thương hiệu đời sống khác. Điều ấy giờ đây vẫn là mơ ước của nhiều không gian nghệ thuật.Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong đêm nhạc Đoàn Chuẩn 3-2-1988 tại 51 Trần Hưng ĐạoMỘT SÂN KHẤU NHẠC TRỮ TÌNH CỦA THẬP NIÊN 80Ra đời sau một vài đêm nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn đầu năm 1988, chương trình "Ca khúc trữ tình" của CLB Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam sáng đèn hằng đêm, bắt đầu từ 10-3-1988. Địa điểm biểu diễn ở chính phòng hòa nhạc nhỏ có sức chứa 70 người của biệt thự 51 Trần Hưng Đạo, nơi đặt trụ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng nhiều hội nghệ thuật khác. Đây cũng là biệt thự cũ của đốc lý Hà Nội trước 1945 và của cựu hoàng Bảo Đại trong vai trò "cố vấn Vĩnh Thụy" của chính phủ VNDCCH.Các nhạc công của sân khấu 51 Trần Hưng Đạo - nhạc sĩ Khắc Huề ngoài cùng bên trái.Đây là sân khấu đầu tiên "phá rào" biểu diễn các ca khúc "tiền chiến", tức các bài hát lãng mạn sáng tác trước 1954 (về sau mở rộng cả các ca khúc phổ biến ở miền Nam trước 1975 có màu sắc trữ tình nối tiếp âm hưởng tiền chiến). Nhiều bài hát được hát lại sau 30 năm và nhiều tác giả còn sống kịp chứng kiến những đứa con tinh thần thời tuổi trẻ được tái xuất.Trong 28 năm hoạt động, sân khấu 51 Trần Hưng Đạo đã trở thành một địa chỉ quen thuộc để người Hà Nội nghe lại các bài hát lãng mạn tiền chiến, qua các giọng ca gạo cội từ thời trước tái xuất như tài tử Ngọc Bảo, Thanh Hiếu, các nhạc sĩ Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn tham gia trình tấu. Nhưng hơn thế nữa, nơi này trở thành sân khấu của các ca sĩ miền Bắc thế hệ sau nối tiếp một Hà Nội cũ.Trong quảng cáo cho ngày mở màn 10-3-1988, ngoài chỉ đạo là Khắc Huề kiêm nhạc công violin, còn có tài tử Ngọc Bảo, nhạc sĩ Hoàng Giác, các tên tuổi của âm nhạc thính phòng phía Bắc như Tường Vy, Dương Minh Đức, Tuyết Thanh, Thu Phương, Thúy Nga, Mạnh Chung, Quốc Đông. Nhạc sĩ Doãn Mẫn và Đoàn ChuẩnTrước khi hình thành một thế hệ ca sĩ chuyên trị "nhạc xưa", nguồn ca sĩ vẫn là các giọng ca "nhạc đỏ" có kỹ thuật thanh nhạc đẳng cấp. Đây cũng là nơi đã tạo ra một Trần Hiếu nhạc nhẹ, thay vì một ca sĩ giọng nam trầm hay được nhớ tới là anh trai của nhạc sĩ Trần Tiến đình đám.Vậy các ca sĩ nhạc đỏ lúc đầu hát những bài gì? NSƯT Tuyết Thanh kể lại cô đã hát các bài Cô Tú (Nguyễn Long Châu, 1945), Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ, 1948), Chiều (Dương Thiệu Tước, thơ Hồ Dzếnh, 1950). NSƯT Thu Phương kể cô đã hát bài Chuyển bến (Đoàn Chuẩn - Từ Linh, 1951) và Dư âm (Nguyễn Văn Tý, 1950). Điều này thực sự là một cuộc chuyển hóa khá lớn, bởi trước đó người nghe nhiều thập niên đã quen thuộc với Tuyết Thanh của những bài hát nhạc đỏ như Bài ca Hà Nội, Nổi trống lên rừng núi ơi, Thu Phương của Mùa xuân đến rồi đó, Nha Trang mùa thu lại về.Ký ức của tôi khi đi xem ở đây vài lần trong 28 năm tồn tại của sân khấu này là sự giản dị của nó. Ở hàng rào luôn có băng rôn "Khúc hát trữ tình" không có nhiều thay đổi trong các thập niên, bên ngoài là một bàn bán vé khiêm tốn. Người bán vé nhiều khi chính là các nghệ sĩ, đến lúc thưởng thức, người xem mới bất ngờ nhận ra người đang hát những Suối mơ, Sơn nữ ca là người vừa bán vé cho mình.Nghệ sĩ Thúy Nga ở trước băng rôn Khúc hát trữ tình, 51 Trần Hưng Đạo. (Ảnh tư liệu của nghệ sĩ)Không hào nhoáng, không chiêu trò nhưng nhiều tên tuổi các thế hệ ca sĩ Hà Nội trong ba thập niên đã gắn bó với sân khấu này. Sự giản dị, điềm đạm và cả… ít thay đổi có lẽ là thứ khiến sân khấu này duy trì được lâu và cũng được nhớ mãi như vậy. ■ Tags: Tân nhạc Việt NamSân khấu nhạc trữ tìnhKhắc Huề51 Trần Hưng ĐạoNhạc xưaVăn CaoĐoàn ChuẩnNhạc tiền chiến
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.