TTCT - Nhật Bản đứng trước hai sự kiện quan trọng: ngày 5-6, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe công bố kế hoạch tái cơ cấu kinh tế và cuối tháng 7 diễn ra cuộc bầu cử thượng nghị viện có tính sống còn đối với những phác thảo chiến lược của ông Abe. Chúng liên hệ chặt chẽ đến chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe (Abenomics). Phóng to Thủ tướng Shinzo Abe lái máy trồng lúa tại cánh đồng ở Sendai, tỉnh Miyagi ngày 12-5 - Ảnh: Reuters Với sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), ông Abe từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái đã đánh một canh bạc lớn: chấp nhận rủi ro cao để thúc đẩy kinh tế ngắn hạn. Liệu pháp sốc Abenomics Giữa một châu Á đang trỗi dậy phi thường, ông Abe muốn loại bỏ những tàn tích về sự bại trận của Nhật Bản mà hiến pháp 1946 là một điển hình. Làm được điều này, Thủ tướng Abe tin rằng có thể khôi phục lòng kiêu hãnh của người Nhật. Ông muốn thực hiện điều mà các chính trị gia thời Minh Trị tự cường đã làm được khi đưa nước Nhật vào cuộc canh tân vĩ đại cuối thế kỷ 19. Abenomics là từ để chỉ chính sách kinh tế gồm ba trụ cột, hay còn gọi là ba mũi tên, của chính quyền Shinzo Abe: nới lỏng chính sách tiền tệ (in tiền ào ạt, tái kích thích lạm phát), kích thích tài chính (chi tiêu mạnh cho các chương trình công ích) và cải cách cơ cấu kinh tế. BOJ đã tăng gấp đôi lượng trái phiếu nắm giữ trong hai năm qua với mục đích đạt tỉ lệ lạm phát 2%. Với khoảng 7.000 tỉ yen bỏ ra mỗi tháng, BOJ mua lại lượng trái phiếu tương đương 85 tỉ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Hệ quả là chỉ số chứng khoán Nikkei đã vượt qua ngưỡng 15.000 điểm, mức cao nhất trong hơn năm năm qua, từng tăng 80%. Quý 1-2013, GDP tăng trưởng 3,5%. Tiêu dùng - chiếm tới 60% GDP Nhật Bản - tăng 0,9%, phản ánh sự gia tăng niềm tin tiêu dùng, bất chấp lạm phát tăng 0,7%. Từ tháng 12-2012, đồng yen giảm giá 30% so với USD, có lúc xuống 100 yen/1 USD. Rủi ro khá cao, trong đó gây tác hại cho việc kiểm soát nợ công hiện nay đã đạt 235% của GDP. Một lượng tiền lớn được bơm vào thị trường thế giới buộc một số nước đối phó bằng kiểm soát tiền tệ hoặc giảm lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, hai chính sách đầu chưa đủ để phục hồi kinh tế bền vững. Chương trình cải cách cơ cấu kinh tế được xem là mũi tên vàng, mấu chốt của tăng trưởng dài hạn. Đợt đầu tư vừa qua vào thị trường chứng khoán đã phát huy tác dụng. Các cơ hội dài hạn phụ thuộc vào việc xem xét nội dung và triển vọng của các chương trình cải cách kinh tế. Nhiều nhà đầu tư vẫn cân nhắc liệu có nên đầu tư thêm vào Nhật Bản sau khi đã thu được lợi nhuận từ đầu tư “nóng”? Mục tiêu của chương trình cải cách đưa ra lần này là làm cho Nhật Bản trở thành nơi dễ dàng nhất thế giới cho hoạt động kinh doanh. Chính phủ nới lỏng luật lệ đối với mua bán thuốc tân dược trên mạng và kinh doanh liên quan các công nghệ mới như Internet. Các đặc khu kinh tế được xác lập xóa bỏ các rào cản thủ tục và đánh thuế thấp nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ sẽ cho phép các bác sĩ nước ngoài hành nghề y và mở các trường quốc tế. Mục tiêu kế hoạch này nhằm đưa tổng lượng đầu tư nước ngoài lên 35 tỉ yen vào năm 2020 và đưa thu nhập bình quân đầu người lên 15.000 USD. Nội dung quan trọng khác là tư nhân hóa sân bay, xa lộ, các nhà máy nước để huy động vốn đầu tư nhằm đổi mới cơ sở hạ tầng. Cải cách các doanh nghiệp nhà nước cũng được đề ra, cho phép các nhà đầu tư có tiếng nói lớn hơn trong điều hành, cùng các biện pháp cải cách cần thiết để nhanh chóng giành lại thế cạnh tranh quốc tế. Việc đàm phán để gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa Nhật. Mũi tên thứ ba dường như chưa nhắm bắn một số lĩnh vực cải cách then chốt, bao gồm việc cắt giảm thuế doanh nghiệp. Những người hoài nghi cho rằng các biện pháp cải cách chưa đủ mạnh, trong khi những người lạc quan cho rằng các biện pháp mạnh bạo hơn sẽ được thực hiện sau bầu cử thượng nghị viện vào cuối tháng 7 tới. Những cải cách cấp tiến về luật lao động hoặc chính sách nông nghiệp có thể làm giảm sự ủng hộ của cử tri cho cuộc bầu cử tháng 7. Điệu kèn cải cách kinh tế vì vậy có những nốt ngập ngừng. Nếu thị trường trông đợi phép mầu thì họ khó tìm thấy sự mầu nhiệm ấy trong nền kinh tế thế giới ngày nay. Mặt khác, như Lão Tử, nhà triết học cổ đại Trung Quốc, nói: “Lãnh đạo nước lớn giống như mổ con cá nhỏ, cần phải thận trọng” (Trị đại quốc, nhược phanh tiểu tiên). Sẽ còn nhiều khen chê về Abenomics, nhưng những thành tựu ban đầu của nó đã gây ấn tượng với giới chính trị nhiều nước. Ngày 6-6 vừa rồi, Tổng thống Pháp François Hollande dẫn đầu một đoàn lớn gồm bảy bộ trưởng và khoảng 40 doanh nghiệp hàng đầu thăm Nhật Bản. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pháp sau 17 năm, trong đó có lý do là ông Hollande muốn hiểu rõ hơn những hiệu ứng của Abenomics khi từ hơn một năm nay, tăng trưởng kinh tế ở Pháp là con số 0. Một loạt chỉ số kinh tế cho thấy với Abenomics, kinh tế Nhật bắt đầu phục hồi. Số liệu công bố hôm 10-6 cho thấy GDP của Nhật trong 3 tháng đầu năm tăng 4,1%, tăng 0,6% so với số liệu đưa ra hồi tháng 5. Số liệu cũng cho thấy thặng dư trong cán cân thanh toán của Nhật tăng gấp đôi trong tháng 4, đạt gần 7,6 tỉ USD - Đồ họa: L.T. Niềm tin và tầm nhìn Shinzo Abe Mặc dù ban đầu cam kết tập trung sức lực vào phục hồi kinh tế, nhưng ông Abe dường như còn hướng tới một vấn đề gai góc khác, đó là sửa đổi hiến pháp hậu chiến. Thủ tướng Nhật Bản đang mạo hiểm khi dùng sự ủng hộ cao của dân chúng vào việc theo đuổi một dự án thuần túy biểu tượng, gây chia rẽ sâu sắc ở Nhật Bản. Cuộc thảo luận sửa đổi bản “hiến pháp hòa bình” của Nhật Bản, với điều 9 nổi tiếng: “Khao khát hòa bình thế giới dựa trên trật tự và công bằng, người Nhật sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền tối cao của quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Theo một dự thảo được Đảng Dân chủ tự do (LDP) công bố năm 2012, việc sửa đổi sẽ liên quan đến một loạt nội dung về trách nhiệm công dân và các quyền lực mới trong tình trạng khẩn cấp trao cho thủ tướng. Ông Abe và các thành viên của LDP cho rằng Nhật Bản không thể có đầy đủ chủ quyền chừng nào chưa sửa đổi được bản hiến pháp do lực lượng chiếm đóng (Mỹ) soạn thảo năm 1946. Những quy định ràng buộc trong bản hiến pháp đó ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và phần nào làm yếu đi niềm tự tôn dân tộc Nhật Bản. Nước Nhật vẫn chưa trở thành một quốc gia bình thường, chưa phát huy hết năng lực vốn có của khoa học công nghệ, trong đó có lĩnh vực quân sự. Nhận thức rằng hiến pháp Nhật Bản là bản hiến pháp khó sửa đổi nhất trên thế giới, LDP tập trung vượt qua cửa ải đầu tiên: điều chỉnh điều khoản sửa đổi hiến pháp tại điều 96. Thay vì cần tới đa số 2/3 tại lưỡng viện để thông qua các điều chỉnh, LDP muốn một đa số thường, dọn đường cho việc điều chỉnh các điều khoản cấp tiến hơn rồi mới trưng cầu ý dân. Việc sửa đổi điều 96 gặp các trở ngại lớn. Đảng Komeito (Công Minh) trong liên minh chính phủ hiện nay chưa bày tỏ ủng hộ việc sửa đổi và không đưa chương trình sửa đổi này vào cuộc vận động bầu cử thượng nghị viện tháng 7. Một số đảng nhỏ hơn tại hạ nghị viện có thể ủng hộ việc thông qua điều khoản về thủ tục sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo phe của ông Abe sẽ có được đủ số phiếu tại thượng nghị viện. Tại sao ông Abe hướng sự quan tâm tới một vấn đề gai góc gây tranh cãi công luận và có lợi cho các đảng đối lập? Đơn giản vì ông Abe thấy không thể trì hoãn vấn đề sửa đổi hiến pháp. Nếu LDP và các đồng minh không chiếm được đa số tuyệt đối tại thượng nghị viện lần này, họ sẽ phải đợi ba năm nữa. Động cơ của ông Abe mang tính tâm lý. Tự nhận mình là một nhà chính trị có đức tin với sứ mệnh hồi sinh sức mạnh Nhật Bản trong thế kỷ 21 giữa một châu Á đang trỗi dậy phi thường, ông Abe nhận thức muốn loại bỏ những tàn tích về sự bại trận của Nhật Bản mà hiến pháp 1946 là một điển hình. Làm được điều này, Thủ tướng Abe tin rằng có thể khôi phục lòng kiêu hãnh của người Nhật. Ông muốn thực hiện điều mà các chính trị gia thời Minh Trị tự cường đã làm được khi đưa nước Nhật vào cuộc canh tân vĩ đại cuối thế kỷ 19. Hai mục tiêu tham vọng - Abenomics và sửa đổi điều 9 hiến pháp - đều nhằm thực hiện cuộc đại chấn hưng Nhật Bản. Tham vọng “Minh Trị tự cường thế kỷ 21” của ông Shinzo Abe có thể sánh với “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình. Các thăm dò dư luận ở Nhật Bản cho thấy hiện nay trên 50% dân chúng không tán thành sửa đổi hiến pháp. Nhưng với tư cách nhà lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Shinzo Abe cần đưa ra tầm nhìn đối với tương lai Nhật Bản. Tuy nhiên, việc thực hiện một kiểu “Minh Trị tự cường thế kỷ 21” vẫn phụ thuộc vào giải quyết những vấn đề kinh tế. Tạo lòng tin vào tính sáng tạo và năng lực đột phá của người dân và các doanh nghiệp Nhật Bản là trách nhiệm của nội các ông Abe. Và sức mạnh của thành phần tư nhân phải được phát huy như động lực của Abenomics. Bằng kết quả ấy mới làm cho xã hội Nhật Bản sẵn sàng tiến bước dưới ngọn cờ canh tân tự cường theo tầm nhìn của Shinzo Abe. Tags: Shinzo AbeNhật BảnTS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNGAbenomicsGiấc mơ Minh Trị
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp lớn, quan trọng tại Mỹ DUY LINH 19/09/2024 Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Ba lô mới, vở bút mới và nụ cười của học sinh vùng lũ Trấn Yên VĨNH HÀ 19/09/2024 Những học sinh vùng lũ ở Trấn Yên (Yên Bái) đón nhận niềm vui trẻ thơ, sau nhiều ngày cùng gia đình vượt qua đợt mưa lũ lịch sử.
Xuất hiện vết nứt chạy dọc núi, Quảng Nam khẩn cấp sơ tán dân trong đêm THÁI BÁ DŨNG 19/09/2024 Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Nga tăng gấp 10 lần sản xuất drone TRẦN PHƯƠNG 19/09/2024 Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tăng số drone sản xuất trong năm 2024 gấp 10 lần con số 140.000 để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.