Afghanistan và luật Sharia: Những ngộ nhận và một thời đại mới

SÁNG ÁNH 08/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Taliban lần này có gì khác biệt so với 20 năm trước, và thực chất của luật Hồi Sharia là gì?

Hồi giáo hiện có 1,8 tỉ tín đồ trên thế giới, từ đồi núi Trung Âu Bosnia đến đồng cỏ Trung Á Kazakh, từ biển đảo Indonesia đến sa mạc Bắc Phi Marốc, trải khắp 15.000km, bao gồm cả trăm dân tộc và cả ngàn sắc tộc suốt 14 thế kỷ. 

Phụ nữ Afghanistan, những năm 1960 và năm 2000. Ảnh: rtd.com

 

Đó là niềm tin của một trấn đơn côi đồi đá hay châu thổ bát ngát của một đế triều lộng lẫy nên rất nhiều sắc thái, pha trộn với văn hóa và tín ngưỡng sẵn có của các dân tộc khác nhau. 

Có nơi thông điệp của Hồi giáo đến bằng lưỡi gươm chinh phục, có nơi bằng giao thương, thay đổi theo phong thổ và biến chuyển theo các giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử. 

Dễ hiểu tại Afghanistan, tuy 99,7% dân số theo đạo Hồi, Taliban chỉ là một trong rất nhiều phiên bản Hồi giáo ở đây. 

Taliban là người Pashto, dân tộc đông người nhất ở Afghanistan (42%, tức 15 triệu người), và là dân tộc thiểu số lớn thứ nhì bên kia biên giới ở Pakistan (15% và 43 triệu). 

Phái Hồi Sunni của Taliban thuộc dòng giáo luật Hanafi, xuất thân từ cuối thế kỷ 19 tại Ấn. Về mặt chính trị là phong trào Hồi giáo “về nguồn” Deobandi chống đế quốc Anh. 

Thời Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, khi nói đến Taliban, truyền thông Tây phương không hề nhắc đến giáo luật Sharia mà gọi các Mujahid (chiến sĩ Hồi giáo của đức tin) là “các chiến sĩ của tự do”. 

Phải nói, đây là một chiến thắng lớn của khối phương Tây vì chiến tranh Afghanistan góp phần đưa Liên Xô đến kiệt quệ và sụp đổ.

Sharia và những định kiến

Sharia là giáo luật của Hồi và có nghĩa đơn giản là “con đường” hay “đạo”. 

Nó một phần dựa trên nền luật Do Thái giáo, vì như ta biết, Hồi giáo là phiên bản thứ ba của tôn giáo độc thần Trung Đông dòng Abraham: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.

Đối với người Hồi, Cựu ước và Tân ước là sách Thánh và các thiên sứ Do Thái từ Abraham trở đi là thiên sứ đạo Hồi cũng như Giêsu Kitô là thiên sứ của đạo Hồi trước Mohammad, thiên sứ cuối cùng. 

Do đó, các cấm kỵ của đạo Do Thái được truyền lại cho đạo Hồi, như việc phụ nữ phải che tóc.

Một bận tại phi cảng Houston, Texas, đứa con tôi lên 10 lay khẽ bố và nói, sau lưng mình có một đoàn phụ nữ Hồi nhưng người Á Đông. Tôi quay lại xem, thì ra đó là một đoàn nữ tu Công giáo người Việt Nam! 

Sắc phục của tu sĩ Kitô hay Do Thái khá giống sắc phục Hồi giáo vì nó cùng một khu vực. Dĩ nhiên sang đến Malaysia hay Nigeria thì khác đi. 

Áo trùm burqa của phụ nữ Afghanistan cũng vậy. Luật Hồi không bắt buộc như thế, đó chỉ là tập tục của người Pashto.

Một chuyện khác, năm 1969 tại Ngân hàng BNP ở Paris, Pháp, mẹ tôi ngỡ ngàng vì khi đến mở tài khoản thì bị đòi giấy chấp thuận của chồng! 

Đạo Hồi và luật Hồi từ thế kỷ 7 đã cho phép phụ nữ có và tự quản lý tài sản riêng, được mang theo khi ly dị. Người ta hay bôi bác là “mua” vợ người Hồi tốn hai con lạc đà. 

Thật ra, đây là tài sản chú rể phải tặng cô dâu làm của riêng khi về nhà chồng. Ngày cô chia tay ra đi nếu nó sinh sôi nảy nở thì cô được mang theo. 

Trong luật Hồi từ thế kỷ 6, phụ nữ có quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế. Luật Mỹ cho phép chuyện đó từ năm... 1839 tại bang Mississippi. Đến năm 1848, bang New York mới cho phụ nữ sở hữu tài sản. Về mặt này, luật Hoa Kỳ đi sau Sharia 1.200 năm.

Tại thành Mecca, một nơi buôn bán trù phú được ví như “cảng trên đất liền”, một góa phụ 40 tuổi thành hôn với một thanh niên 25 tuổi là nhân viên doanh nghiệp của bà. 

Anh kém bà 15 tuổi và sẽ ở với một mình bà 25 năm đến khi bà qua đời. Bà tên là Khadija và sẽ là tín đồ đầu tiên của Hồi giáo khi chồng bà vào năm 40 tuổi nhận được thông điệp từ trời và trở thành Thiên sứ đạo Hồi, Mohammad.

Hồi giáo xuất phát từ một thị tứ ngã tư quốc tế, nên luật thương mại bấy giờ rất phát triển và ảnh hưởng đến ngay cả luật Anh quốc trong tương lai, rồi gián tiếp đến luật Mỹ. 

Mohammad từng đi giao hàng cho vợ tận Palestine ở bờ Địa Trung Hải. Khi thương gia người Hồi từ Ấn đến Malaysia sau này, luật Hồi chặt chẽ và hữu hiệu khiến giới buôn bán địa phương cải đạo theo vì hợp đồng được tôn trọng cách mấy ngàn cây số giữa hai người không biết mặt nhau.

Sau giai cấp đại gia, đến lượt giai cấp thống trị cải đạo, rồi cuối cùng là thần dân của họ. Bằng cách đó, Hồi giáo đã đến Đông Nam Á. 

Như vậy, đạo Hồi bành trướng cũng là nhờ Sharia, trước hết là nhờ sự bình đẳng của mọi tín đồ là “huynh đệ” trước Đấng Tối cao. Chuyện này không phải nhỏ nếu bạn sinh ra trong xã hội đời đời giai cấp của Ấn giáo và chỉ cần cải đạo theo Hồi là thoát kiếp tôi đòi.

Luật Hồi còn có những mặt tích cực khác, như “zakat” là thuế từ thiện hằng năm tương đương 2,5% của cải. Thuế cuối mùa lễ Ramadan là 4 vốc (2 tay) thực phẩm cho người nghèo. 

Ngày nay tại Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, các siêu thị đều có bày thùng quà thức ăn 5 đồng,10 đồng, tùy khả năng. Khách đi chợ sẽ mua 10 gói hay 100 gói, tự mang đi phát, mang đến đền Hồi nhờ phát, hay trả tiền và nhờ siêu thị lo cho việc ấy.

Nói thêm, thành phần chót cần được giúp đỡ từ thiện theo luật Hồi zakat là lữ khách tứ cố vô thân. Luật này được ấn định trong bối cảnh lữ hành sa mạc thế kỷ 7, nhưng ngày nay tại các nước Hồi giáo, ta có thể gặp du khách Tây trắng đứng xin tiền ngoài đường với bảng tôi muốn đi Úc, Đức, Nga... 

Người cho tiền cũng nhiều vì như vậy là tuân thủ Sharia. Thời hiện đại, một cấm kỵ khác của Sharia cản trở phát triển tài chánh là không được phép cho vay lấy lời, khiến các “ngân hàng Hồi giáo” phải tìm cách lách khéo.

Thời thế đã khác

Nhưng quả thật, nếu luật Hồi, thí dụ với phụ nữ, từng cởi mở hơn Tây phương trong nhiều thế kỷ thì đến thế kỷ 20, 21 này, nó đã tụt hậu. Taliban được coi là phong trào hủ lậu nhất và truyền thông Tây phương ngày nào cũng nhắc. 

Tuy nhiên, họ lại ít nói đến quốc gia áp dụng Sharia chặt chẽ và kinh điển nhất là Saudi Arabia. Nước này chỉ cho đi coi ca nhạc, coi hát, coi phim từ năm 2018, coi đô vật từ năm 2014. 

Trước năm 2019, phụ nữ đi đâu phải có giám hộ, không được quyền tự xin sổ thông hành hay chứng minh, giấy tờ hộ tịch. Ngày nay, muốn thành hôn, phụ nữ Saudi vẫn còn phải xin phép của cha anh, và họ được tự lái xe mới từ năm 2018.

Nhưng nếu vậy tại sao ta chỉ đọc về Sharia khe khắt của Taliban, ISIS, hay Iran, mà ít khi thấy đả động đến Saudi? Thứ nhất là vì các phong trào trên đối kháng với Tây phương. 

Hồi chống Mỹ nó khác Hồi thân Mỹ. Thứ nhì là bởi vì Saudi có tiền. Ngược lại, tổng quỹ của phong trào Taliban năm qua ước tính là 1,6 tỉ đôla, dùng để mua dép cũ nối quai vì dép cũ mà quai còn nguyên vẹn họ không mua nổi.

20 năm sau, tình hình có khác. Taliban giờ không ngờ nghệch nữa, nhưng vẫn đầy lý tưởng tôn giáo và nhiệt huyết quá khích. 

Họ trở lại cầm quyền tại một đất nước tương đối ổn định và sung túc hơn trước, tuy hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài. 

Như một giáo sư chuyên gia về khu vực tại Mỹ nhận xét: “[Taliban] giờ biết nói dối khéo léo như Barack Obama, và đáng tin hơn Donald Trump, Boris Johnson, và Emmanuel Macron cộng lại” (Hamid Dabashi, ĐH Columbia).

Có vẻ lần này, Taliban phải thay đổi và đã thay đổi. Họ cho biết là đang thương thuyết để thành lập một chính quyền dung nạp tất cả các sắc tộc và phe phái, nghe đâu có cả cựu tổng thống Hamid Karzai và cựu ngoại trưởng của chế độ trước. 

Với Hoa Kỳ, chí ít là họ giữ lời để yên cho di tản đến hết ngày 31-8 và còn giữ an ninh vòng ngoài cho phi trường Kabul. Đây có lẽ là lần đầu một đạo quân triệt thoái được địch bảo vệ cho di tản an toàn! 

Còn vụ đánh bom ngày 26-8 khiến 13 lính Mỹ và 168 người Afghanistan thiệt mạng là hành động của nhóm đối kháng ISIS-K. Nếu không có Taliban hợp tác bảo vệ an ninh, ISIS-K có lẽ đã gây ra hậu quả còn tai hại hơn cho Mỹ!

Với vấn đề phụ nữ, Taliban tạm thời ra lệnh họ phải ở nhà và không đi làm “vì các cán binh Taliban chưa được huấn luyện về cách hành xử với phụ nữ”. 

Chuyện này chắc khó vì chẳng riêng gì cán binh Taliban mà ai cũng thế thôi, cả đời học cũng chưa xong. Tuy nhiên, cấp lãnh đạo cho biết giáo dục phụ nữ sẽ được duy trì, dưới hình thức trường riêng cho nữ với giáo viên nữ.

Phiên bản 1996 - 2001 của Taliban là rất khắt khe, cấm nhạc nhẽo, cấm cả treo tranh ảnh, chụp. Chuyện kể thời đó, lãnh tụ phong trào là giáo sĩ Omar sang Pakistan họp với tình báo ISI, tức tổ chức sáng lập và đỡ đầu của phong trào. 

Vào phòng họp, Omar chỉ lên tường hỏi: “Ai cho treo hình ở đây?”. ISI phải giới thiệu: “Dạ không anh, đây là hình Ali Jinnah”. 

Ông Jinnah này là cha lập quốc của Pakistan, cơ quan công quyền nào cũng có ảnh ông khắp nước. Nhưng năm 2021, hai ngày sau khi chiếm dinh tổng thống, một lãnh tụ Taliban đã lên đài truyền hình thương mại Tolo trả lời phỏng vấn một nữ phóng viên. 

Cô này sang ngày 26-8 đã rời nước, nhưng biết đâu nếu đà cởi mở này tiếp tục, kỳ thu hình tới của chương trình Thúy Nga sẽ là ở Kabul!

Năm chót mà Taliban cầm quyền trước 2021 này, năm 2000, xuất khẩu của Afghanistan là 166 triệu USD. Năm 2020, con số này vẫn chỉ là 788 triệu USD. 

Chính quyền do Hoa Kỳ dựng lên hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài: 42,9% GDP và 80% ngân sách là ngoại viện, 50% dân số sống dưới mức nghèo khó, 25% lao động thu nhập dưới 2 USD/ngày, và số thất nghiệp là 12%, chưa kể lực lượng quân đội “chính quy” 350.000 người nay đã tan tác. 

Khi Taliban nổi lên năm 1994, họ nhanh chóng chiếm được 80% lãnh thổ. Họ trong sạch và không sách nhiễu hay hiếp đáp dân chúng như các phe nhóm khác, mang lại an ninh và ổn định, đánh đổi là sự khắt khe về tôn giáo, điều mà người dân lúc đó chấp nhận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận