Ai chọn mô hình nào?

THẠC SĨ HUỲNH KIM TƯỚC 17/04/2011 04:04 GMT+7

TTCT - VN nói chung, từng địa phương nói riêng, đều đang đứng trước sự lựa chọn quan trọng cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ai, nơi nào sẽ tránh được dòng chuyển dịch phân công sản xuất của thế giới vẫn đang âm thầm đưa dần các ngành sản xuất tiêu hao năng lượng vào?

Đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội luôn là bài toán nan giải không chỉ với riêng VN. Mặc dù đã xuất khẩu than và một ít khí, nhưng VN vẫn phải nhập khẩu điện và đến 70% nhiên liệu. Riêng với điện, năm nay Tập đoàn Điện lực VN thông báo sẽ phải mua ngoài 8,98 tỉ KWh, trong đó mua của Trung Quốc 956 triệu KWh, tăng 28,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Và chỉ riêng điện sử dụng trong công nghiệp và xây dựng đã tăng 21,41%.

Năm năm tới, đương nhiên VN vẫn thiếu điện, đặc biệt vào mùa khô. Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới biến động liên tục, tình trạng thiếu điện vẫn còn kéo dài, năng lượng sẽ là câu chuyện lớn, tác động không nhỏ đến kinh tế và xã hội của VN - quốc gia đang có chi phí năng lượng chiếm đến 20% GDP.

Ai cũng hiểu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp nhưng sâu xa hơn, hiệu quả sử dụng năng lượng lại tùy thuộc vào cơ cấu kinh tế, chất lượng công nghệ và năng lực quản trị. Vấn đề cần đặt ra là mô hình kinh tế nào cho việc sử dụng năng lượng hợp lý?

Biểu đồ tiêu tốn năng lượng liên tục đi lên

Khi phân tích cường độ năng lượng của VN qua các giai đoạn năm năm (2000, 2005, 2010), các số liệu thống kê cho thấy để tạo ra 1.000 USD, VN cần 387kgOE (kilogam dầu quy đổi) trong giai đoạn năm 2000, tăng đến 492kgOE năm 2005 và đến năm 2010 đã lên tới khoảng 600kgOE.

Vì sao chỉ số này lại gia tăng khi đổi mới công nghệ vẫn liên tục được hô hào, khi hoạt động tiết kiệm năng lượng được quan tâm hơn trước rất nhiều? Các nguyên nhân lần lượt được xác định là: (1) do quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, (2) đời sống người dân được cải thiện làm gia tăng các thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng, (3) sự gia tăng của hạ tầng đô thị và công trình xây dựng. Ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và vài nơi khác, nhu cầu điện gia tăng có năm đến 30%.

Dòng năng lượng của VN đang tập trung vào các ngành công nghiệp (chiếm 38,2%), dân dụng (36,8%), giao thông vận tải (20,1%), dịch vụ chỉ chiếm khoảng 3,7% (theo Bộ Công thương). Quy mô và số lượng các nhà máy liên tục gia tăng trong khi câu chuyện ngành sản xuất, chất lượng công nghệ chưa được tính toán kỹ dưới góc độ tiêu thụ hiệu quả năng lượng. Mối quan hệ giữa cung ứng năng lượng với quy hoạch các ngành công nghiệp rất dễ bị phá vỡ đôi khi chỉ từ những lợi ích địa phương.

Bài học này chỉ được rút ra sau khi một loạt nhà máy thép phản ứng về việc hạn chế cung ứng năng lượng ở một số địa phương thời gian qua. Gần một nửa các dự án thép có công suất trên 100.000 tấn/năm của toàn quốc do các địa phương cấp phép nằm ngoài quy hoạch ngành. Một nhà máy thép Sheng Li (Thái Bình) đã đòi hỏi một lượng điện công suất 300MW (gần bằng công suất thủy điện Trị An).

Ai cũng thấy bức tranh rõ mồn một: nhiều nhà máy thép đang sử dụng công nghệ điện trung tần hoặc hồ quang ở mức lạc hậu và trung bình. Với giá điện thấp trong cả một giai đoạn dài, VN trở thành điểm đến lý tưởng của các dự án sử dụng nhiều năng lượng (ximăng, thép...).

Giao thông vận tải cũng là ngành chắc chắn sẽ còn gia tăng nhanh chóng nhu cầu năng lượng trong tương lai. TP.HCM đang triển khai nhiều tuyến metro. Dù chắc chắn rằng đây sẽ là giải pháp tốt cho giao thông công cộng, song cũng nên lưu ý một tuyến metro Bến Thành đi Suối Tiên dài 29km sẽ cần một công suất điện 140MW, tương đương 5% công suất cho toàn thành phố. Mà tương lai sẽ không có chỉ một tuyến, chưa kể rồi sẽ có đường sắt trên không, tàu điện...

Tại các thành phố, các tòa nhà cũng sẽ là đối tượng tiêu thụ lớn trong tương lai gần. Đối với các nước tiên tiến, giai đoạn tiết kiệm năng lượng đã cơ bản chuyển sang tập trung nhóm đối tượng này. Riêng TP.HCM, mỗi năm xây dựng mới khoảng 6 triệu m2.

Mô hình nào?

Xét cho cùng, vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng trong bối cảnh an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu hiện nay vẫn nằm trong bài toán xây dựng một cơ cấu kinh tế theo hướng ít sử dụng năng lượng nhất để tạo ra GDP cao nhất. Ở góc độ này, một thành phố như TP.HCM đang có cấu trúc hợp lý.

Mặc dù là đô thị lớn, dân số đông, lượng điện tiêu thụ đầu người của thành phố gấp ba lần trung bình cả nước, thế nhưng chi phí năng lượng của thành phố chỉ chiếm 14% GDP thành phố (cả nước là 20%). Nhưng như trên đã nói, thành phố vẫn phải tiếp tục giải quyết mục tiêu tiết kiệm năng lượng một cách căn bản hơn nữa thông qua các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chương trình tiết kiệm năng lượng cho các nhóm công nghiệp, giao thông vận tải, tòa nhà...

Cũng có thể nghiên cứu mô hình Lâm Đồng - địa phương có chỉ số cường độ năng lượng rất thấp. Khác với TP.HCM, cơ cấu kinh tế của Lâm Đồng vẫn là nông nghiệp và dịch vụ, rõ ràng là một mô hình ít sử dụng năng lượng.

Lâm Đồng sẽ không chuyển mình theo hướng nông nghiệp sang công nghiệp như các địa phương khác, mà đi theo hướng nông nghiệp sang nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ (chủ yếu là du lịch). Đây là một chọn lựa rất khác so với Thái Bình - một tỉnh thuần nông nghiệp - hiện đang gặp khá nhiều mắc mứu với con đường chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp với những dự án tiêu tốn năng lượng thuộc diện “khủng” như đã đề cập.

Địa phương nào cũng vậy, tất cả đều đang đứng trước sự lựa chọn cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà mô hình phổ biến là từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Từng nơi đương đầu ra sao với dòng chuyển dịch phân công sản xuất của thế giới đang âm thầm đưa dần các ngành sản xuất tiêu hao năng lượng với thế hệ công nghệ trung bình, thấp... vào VN, góp phần làm gia tăng tình trạng thiếu năng lượng?

Lâu nay, tiết kiệm năng lượng vẫn thường được cho là câu chuyện tắt bóng đèn của một gia đình hay điều chỉnh một dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, nay đã đến lúc phải nhìn lại vấn đề này như một bài toán hệ thống được đặt ra cho cả nền kinh tế cũng như cho mô hình phát triển của từng địa phương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận