Ai sẽ cứu những nhân viên y tế?

TƯỜNG ANH 23/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Không chỉ đối mặt với hiểm họa lây nhiễm, chịu đựng các sang chấn tinh thần khi làm việc trong đại dịch, không ít nhân viên y tế còn cảm thấy bị phản bội bởi một hệ thống chăm sóc sức khỏe và nhà nước thiếu quan tâm đến an nguy của họ!

 
 Bác sĩ Brittany Bankhead-Kendall tại Trung tâm y tế Đại học Công nghệ Texas. Trên toàn nước Mỹ, các chuyên gia y tế đã được kêu gọi làm việc gấp đôi trong suốt đại dịch. -Ảnh: Stateline

 

Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng với những nhân viên y tế ở tuyến đầu, những vết sẹo tâm lý từ sự hỗn loạn và bất ổn mà họ trải qua, cùng với nỗi khổ đau và những cái chết mà họ chứng kiến, sẽ mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.

Trở về từ vùng “đỏ”, họ đã khác đi!

Brittany Bankhead-Kendall, 34 tuổi, là một bác sĩ phẫu thuật đang làm nghiên cứu sinh tại Bệnh viện Đa khoa Massachussetts khi đại dịch COVID-19 ập đến. Ban đầu, giống như hàng ngàn nhân viên y tế khác, cô làm việc liên tục trong tình trạng khủng hoảng. Cho đến mùa thu năm ngoái, cô nhận thấy ở chính mình những triệu chứng lặp đi lặp lại: tim đập nhanh, mắt mờ. Cô tự chẩn đoán mình mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (post-traumatic stress disorder, PTSD).

Đưa tin này, cổng thông tin Northcarolinahealthnews.org cho biết: theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Washington ở Seattle, qua đại dịch, các nhân viên chăm sóc sức khỏe trên khắp Hoa Kỳ cảm thấy “bị chủ thuê đánh giá thấp và mất niềm tin vào nghề y”. Hơn một nửa trong số hơn 300 bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế tuyến đầu khác tham gia nghiên cứu nói “đại dịch đã làm giảm khả năng họ tiếp tục trụ lại với nghề”.

Còn trên toàn nước Mỹ, các bác sĩ chuyên về các tình trạng hậu chấn tâm lý cho biết nhiều chuyên gia y tế mắc chứng trầm cảm liên quan đến công việc, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn do sử dụng chất kích thích, do mất ngủ...

Brittany Bankhead-Kendall tạm nghỉ việc ở bệnh viện, nghỉ dưỡng một thời gian ở một trung tâm chăm sóc sức khỏe và đã phục hồi. Cô trở lại làm bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm y tế Đại học Công nghệ Texas ở Lubbock. Và với tư cách là một phó giáo sư đại học, cô khuyến khích các bác sĩ nội trú mà cô cùng làm cứ nghỉ ngơi nếu họ cần. “Khi tôi thấy ánh nhìn đó trong mắt họ, tôi bảo họ: cảm thấy không ổn cũng không sao cả!”.

Giám đốc Trung tâm trị liệu tâm lý Nga “Thuốc cho tâm hồn”, nhà trị liệu Tatyana Zakharova nhận xét các bác sĩ trở về từ vùng “đỏ” có thể thay đổi: họ trở nên cứng nhắc hơn, thu mình, khắc nghiệt, nóng tính và dễ xúc động. Bà lưu ý vùng “đỏ” là một điểm nóng, nơi một người phải thích nghi, căng thẳng, tập trung và sống trong một khoảng thời gian đáng kể. 

Nhưng vấn đề là khi một bác sĩ rời khỏi bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, họ có thể vẫn tiếp tục hành xử như khi còn trong vùng “đỏ”: Họ luôn cảnh giác, căng thẳng, sẵn sàng làm điều gì đó đột ngột mà không phải lúc nào cũng nhận ra. Theo nhà trị liệu tâm lý, rối loạn PTSD có thể kéo dài từ vài tháng đến hai năm, sau đó sẽ tự khỏi hoặc trở thành một bệnh mãn tính.

Và thực tế là đang tồn tại những rào cản đối với việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, do lo ngại rằng giấy phép hành nghề của họ có thể bị thu hồi nếu họ tìm cách điều trị sức khỏe tâm thần.

 Bà Jessica Gold, bác sĩ tâm thần lâm sàng, giáo sư Trường y Đại học Washington ở St. Louis, cho biết việc phạt các bác sĩ vì các vấn đề sức khỏe tâm thần “là không hợp pháp, nhưng người ta vẫn làm điều đó”. "Ngoài những vấn đề chuyên môn, các nhân viên y tế còn phải lo lắng về an toàn cá nhân của họ và gia đình họ. Nhiều người đã chọn sống tách biệt với gia đình - bà Gold nói - Chúng tôi cũng như bao người khác, nhiều người trong chúng tôi cũng mất đồng nghiệp, bạn bè và gia đình vì COVID-19. Mà chúng tôi còn không có thời gian để thở và đối phó với nỗi đau đó”.

 
 Phác thảo của tác giả Ruslanmellin khi nằm điều trị trong bệnh viện vì coronavirus năm 2020 ở Nga. Ảnh: Instagram ruslanmellin

 Từ sang chấn tinh thần đến chấn thương đạo đức

Tình trạng PTSD trong các chuyên gia, nhân viên y tế được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết vào cuối tháng 1 đầu tháng 2-2020, các bác sĩ và y tá nước này làm việc với bệnh nhân mắc COVID-19 đã báo cáo các triệu chứng trầm cảm (50,4%), lo lắng (44,6%), rối loạn giấc ngủ (34%) và đau buồn (71,5%). 

Đặc biệt các triệu chứng này nặng hơn ở phụ nữ so với nam giới; ở các y tá so với các nhân viên y tế khác; ở những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân so với những nhân viên y tế khác; ở những người làm việc tại Vũ Hán so với các nhân viên làm việc ở các khu vực khác. Những trải nghiệm đau khổ chính là: cảm giác dễ bị tổn thương, mất kiểm soát, lo lắng về sức khỏe của bản thân, sợ lây nhiễm cho người khác, lo lắng về sức khỏe của người thân, thay đổi thói quen làm việc và bị cô lập.

Một nghiên cứu khác của Thổ Nhĩ Kỳ công bố trên tạp chí Thực hành lâm sàng quốc tế cũng nhận thấy: tỉ lệ mắc PTSD ở những nhân viên y tế làm việc trong đại dịch COVID-19 cao hơn ở các y tá, phụ nữ và các nhân viên đã kết hôn so với những người tham gia nhóm đối chứng.

Viện tâm lý học thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga đã công bố nghiên cứu “Rủi ro chấn thương tinh thần ở nhân viên y tế” của chuyên gia Phòng thí nghiệm tâm lý học về căng thẳng hậu chấn Maria Padun, người nêu vấn đề về chấn thương đạo đức ở những nhân viên ngành y trong đại dịch cúm Vũ Hán. 

Theo đó, các lý thuyết về nhu cầu tâm lý cho rằng nhu cầu tâm lý cơ bản của một người không chỉ giới hạn ở an toàn thể chất. Con người còn có xu hướng duy trì lòng tự trọng và ý thức về giá trị bản thân. 

Tương tự an toàn thể chất, giá trị bản thân và lòng tự trọng là những điều kiện để bảo vệ sự an toàn của “cái tôi” chính mình. Nếu trong trường hợp bị đe dọa về thể chất, một người sẽ trải qua lo lắng, kinh hoàng, hoảng loạn (tất cả đều là các biến thể khác nhau của cảm xúc “sợ hãi”), thì trong trường hợp lòng tự trọng và giá trị bản thân bị đe dọa, họ sẽ đối mặt với cảm giác tội lỗi, xấu hổ, ghê tởm. 

Trong trường hợp này, theo Maria Madun, có thể nói về chấn thương đạo đức.

Khái niệm “chấn thương đạo đức” được đưa ra vào những năm 1990, dựa trên phân tích bệnh binh là các cựu chiến binh Việt Nam. Chấn thương đạo đức được hiểu là trải nghiệm đau khổ nghiêm trọng do một người đã làm, không ngăn cản, chứng kiến hoặc biết được những hành động (hoặc sự thiếu vắng chúng) đi ngược lại những quan niệm đạo đức cơ bản; các hành động dẫn đến những hậu quả thảm khốc. 

Nhiều nghiên cứu về chấn thương chiến tranh chỉ ra vai trò của chấn thương đạo đức trong sự phát triển của PTSD. Đặc biệt, nếu chấn thương cổ điển gắn liền với nỗi sợ hãi và kinh hoàng, những cảm xúc trải qua trong những tình huống đau thương, thì trong chấn thương đạo đức, cảm giác đau đớn lại nảy sinh sau khi tình huống ấy đã kết thúc.

Trong nghiên cứu của mình, M. Padun chỉ ra sự liên quan tới COVID-19, chấn thương đạo đức của các nhân viên y tế gắn với việc không có khả năng trợ giúp những bệnh nhân mà các nhân viên này cảm thấy có trách nhiệm cá nhân trước mạng sống của họ. Bệnh nhân chết trước cửa bệnh viện và trong phòng cấp cứu; các nhà xác di động đầy thi thể; sự bất lực trong việc điều trị một căn bệnh mà hầu như họ không nắm được gì nhiều - đó chỉ là một liệt kê chưa đầy đủ các nguồn gốc gây tổn thương tinh thần cho các bác sĩ và y tá. 

Mặt khác, bản thân các nhân viên y tế ở nhiều quốc gia (kể cả các nước phát triển!) cảm thấy bị phản bội bởi hệ thống chăm sóc sức khỏe và nhà nước do thiếu quan tâm đến sự an toàn của họ.

 
 Phác thảo của tác giả Ruslanmellin khi nằm điều trị trong bệnh viện vì virus corona năm 2020 ở Nga. Ảnh: Instagram ruslanmellin

 Gói cứu trợ mang tên bác sĩ Lorna Breen

Các hiểm họa tâm thần đối với các nhân viên y tế là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden ký gói cứu trợ trị giá 1.900 tỉ USD vào tháng 3-2021 mang tên Lorna Breen, nữ bác sĩ chết do tự tử sau khi chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở New York vào đỉnh điểm của làn sóng thứ nhất. 

Gói cứu trợ chi 40 triệu USD tài trợ cho việc cải thiện sức khỏe tâm thần và hành vi cho các nhân viên y tế. 80 triệu để đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong các chiến lược giảm tự tử, và 20 triệu USD cho chiến dịch của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh liên bang nhằm khuyến khích nhân viên chăm sóc sức khỏe và cấp cứu tìm cách điều trị ngay khi xuất hiện các vấn đề về sức khỏe hành vi của chính họ, xác định và ứng phó với các yếu tố nguy cơ ở bản thân...

Nhiều nước trên thế giới đã đặt vấn đề về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho chính những nhân viên đi chăm sóc sức khỏe người khác. Kết quả nghiên cứu thực hiện ở Bệnh viện Đào tạo và nghiên cứu ở Van (Thổ Nhĩ Kỳ) kết luận: “Tỉ lệ PTSD và các triệu chứng mất ngủ cao hơn ở các điều dưỡng cho thấy nghề điều dưỡng cần được quan tâm nhiều hơn cả về hỗ trợ tâm lý và đào tạo tại chỗ... Nếu các biện pháp được thực hiện sớm để giải quyết lo lắng và căng thẳng tâm lý..., tác động của sự bùng phát có thể được giảm thiểu và khả năng hỗ trợ của các nhân viên y tế có thể là tối ưu khi chống lại các đợt bùng phát lớn trong tương lai”.

Chuyên gia M. Padun giới thiệu một số việc cụ thể mà hệ thống y tế có thể hỗ trợ nhân viên của mình trong điều kiện hạn chế nguồn lực của đại dịch COVID-19 hiện nay:

1. Tất cả các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế phải có thiết bị bảo vệ cá nhân và được thông tin rằng những phương tiện này sẽ đầy đủ trong tương lai. Họ cũng cần được tạo cơ hội để cách ly khỏi gia đình nếu cần thiết.

2. Các nhân viên y tế nên nắm rõ biểu hiện của căng thẳng cấp tính và căng thẳng sau sang chấn. Họ cần được thông báo về khả năng gia tăng của chấn thương đạo đức trong các tình huống khẩn cấp và cảm giác mà mọi người trải qua sau chấn thương đạo đức. Các thông tin này cho họ khả năng bình thường hóa, tức hiểu ra những cảm giác khó khăn của chính mình là chấp nhận được trong những trường hợp khẩn cấp.

3. Khuyến khích giao tiếp giữa các nhân viên y tế, tạo cơ hội để họ thể hiện cảm xúc (thay vì kìm nén chúng, làm tăng thêm sự đau khổ).

4. Một khía cạnh quan trọng của việc ngăn ngừa rối loạn hậu chấn là hình thành niềm tin về giá trị của việc chăm sóc bản thân trong điều kiện hoàn cảnh đòi hỏi sự cống hiến hoàn toàn. Chính việc quan tâm đến bản thân và những nhu cầu của mình làm cho người ta trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn, mở rộng khả năng giúp đỡ người khác.

5. Các bác sĩ, y tá cần được tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý và/hoặc tâm thần. Hiểu rằng lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi là những cảm giác “bình thường” trong một tình huống “bất thường”. Những người bị căng thẳng kéo dài nên nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cảm xúc tiêu cực ngày càng tăng, cũng như nếu những cảm xúc này dẫn đến rối loạn giấc ngủ, chán ăn, triệu chứng soma (lo lắng tột độ về các triệu chứng thể chất)...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận