Ai sẽ dẹp loạn?

KIM SƠN 25/09/2012 02:09 GMT+7

TTCT - Suốt mười năm qua (2002-2012), không biết bao nhiêu văn bản được ban hành, kể cả việc buộc các bệnh viện (BV) phải tổ chức đấu thầu công khai nhưng thực trạng “mê hồn trận” giá thuốc trong các BV vẫn tồn tại.

Phóng to

Việc bắt đấu thầu công khai (từ năm 2006) cũng không trị dứt điểm được tình trạng giá thuốc vênh nhau loạn xạ, giá thuốc trong BV cao hơn các nhà thuốc bên ngoài. Bởi đằng sau bức màn đấu thầu công khai là cuộc đua quyết liệt giữa các trình dược viên, các công ty dược, từ phần trăm hoa hồng đến các chuyến tham quan, du lịch để miễn sao được đưa thuốc vào BV.

Loạn giá triền miên, tại sao?

Gần đây, dư luận càng bức xúc khi cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) phát hiện giá thuốc trúng thầu giữa BV các địa phương và ngay cả các BV trên cùng một địa bàn chênh nhau “phát chóng mặt”. Một hộp thuốc Perabact (hoạt chất Cefoperazon, Ấn Độ sản xuất) giá trúng thầu tại Đồng Tháp là 18.000 đồng/hộp, nhưng ở Cần Thơ là 30.000 đồng/hộp (chênh 66%).

Hoặc cùng một hoạt chất Arginin hàm lượng 200mg do VN sản xuất nhưng với nhiều tên thuốc khác nhau, giá trúng thầu vào các BV cũng rất khác nhau: thấp nhất 650 đồng/viên (BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đồng Hới) và cao nhất là 1.900 đồng/viên (BV Phong - da liễu trung ương Tuy Hòa). Cùng hoạt chất Acarbose sản xuất tại VN với cùng hàm lượng và quy cách đóng gói, kết quả trúng thầu năm 2011 tại BV Thống Nhất (TP.HCM) giá 2.982 đồng/viên nén, tại BV Bạch Mai (Hà Nội) 4.400 đồng/viên (cao hơn 47%)…

Không chỉ có sự khác biệt về giá thuốc trúng thầu giữa các địa phương mà ngay trong một BV giá cũng chênh nhau tới gần 45%. Đơn cử: cùng hàm lượng 0,5g + 0,5g hoạt chất Cefoperazon + Sulbactam nhưng thuốc Trikapezon plus (Công ty CP DP trung ương 1 sản xuất) và Midapezon (Công ty CP DP Minh Dân sản xuất) giá trúng thầu tại BV Phổi trung ương là 33.000 đồng và 47.800 đồng/hộp.

Tương tự, hoạt chất Cefalexin 500mg tại tỉnh Bình Phước có tới ba mức giá trúng thầu, thấp nhất là 716 đồng/viên và cao nhất là 2.000 đồng/viên. Cùng hoạt chất Glucosamin 250mg, BV C Trung ương Huế chọn thuốc Zennif giá 410 đồng/viên, BV C Đà Nẵng chọn thuốc Éloge - Glucosamin giá tới 8.000 đồng/viên…

Theo quy định, giá thuốc trúng thầu vào BV không được cao hơn giá bán buôn do công ty kê khai tại Cục Quản lý dược. Nhưng trên thực tế, giá trúng thầu vào BV vẫn “điềm nhiên” cao hơn gấp 2-3 lần mà chẳng thấy ai huýt còi.

Thử đối chiếu cho thấy: thuốc Azilide có giá đăng ký 2.798 đồng/viên, trúng thầu vào BV Đại học Y Hà Nội là 9.500 đồng/viên; Coltab (Citicolin 500mg, Ấn Độ) giá nhập khẩu 12.000 đồng/viên, nhưng giá đang bán tại nhà thuốc BV Bạch Mai là 31.565 đồng/viên (gấp 2,5 lần). Thuốc Micropim 1g (Ấn Độ) giá kê khai tại cục là 38.903 đồng/hộp, nhưng trúng thầu vào BV Bệnh nhiệt đới trung ương năm 2011 đến 105.000 đồng/hộp…

Tại TP.HCM, nhóm thuốc sản xuất trong nước, đơn cử như: BBD 25mg trúng thầu vào BV Từ Dũ 900 đồng/viên, vào BV Hùng Vương 3.500 đồng/viên (gấp bốn lần); Aubactam 1g/200mg, trúng thầu vào BV Từ Dũ 24.500 đồng/lọ, nhưng vào BV Chấn thương chỉnh hình 32.000 đồng/lọ... Với nhóm thuốc ngoại nhập, giá trúng thầu vào các BV cũng rất hỗn loạn: Bernodan (Indonesia) trúng thầu vào BV An Bình 15.000 đồng/ống, trong khi vào BV Q.Thủ Đức 22.000 đồng/ống. Thuốc Planitox 500mg (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Nguyễn Tri Phương giá 2,405 triệu đồng/lọ nhưng vào BV Q.Thủ Đức 2,5 triệu đồng/lọ…

Cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng vào mỗi BV mà chênh nhau 5-7% thì còn tạm chấp nhận, nhưng cao hơn 20-50%, thậm chí gấp 3, 4, 5… lần thì cần làm rõ đằng sau đó là cái gì? Bởi hậu họa của hoa hồng cao là BV ưu tiên nhận hàng, là loạn chỉ định của bác sĩ, là kê toa không đúng, là kê càng nhiều thuốc càng tốt...

Đấu thầu tập trung: tại sao không?

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thuốc vào cơ sở y tế (có hiệu lực từ ngày 1-9-2012) với những “điểm nhấn” được coi là mới: quy định rất rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật các nhóm thuốc dự thầu, năng lực của nhà cung cấp, nguồn gốc thuốc...

Trường hợp nhà thầu cung cấp một loại thuốc mà nhiều loại giá sẽ bị loại khỏi danh sách thuốc tham gia đấu thầu. Các BV có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm của các nhà thầu trong quá trình đấu thầu, cung ứng thuốc trong kỳ trước về Cục Quản lý dược và cục có trách nhiệm tổng hợp, công bố danh sách các nhà thầu vi phạm cho các đơn vị xem xét, lựa chọn thầu trong kỳ tiếp theo.

Liệu những biện pháp này có đủ sức răn đe, ngăn chặn được tình trạng loạn giá thuốc tại các BV?

Gần đây, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết sở sẽ “đấu thầu tập trung”, dự kiến năm 2013 việc này sẽ được thực hiện để chấm dứt tình trạng hỗn loạn giá thuốc. Theo kế hoạch này, TP sẽ thành lập trung tâm tiếp liệu thuốc, trung tâm này sẽ tổ chức đấu thầu thuốc tập trung để cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở các bệnh viện thuộc sở. Đây không phải là ý tưởng mới.

Tháng 9-2007, cục trưởng Cục Quản lý dược đã đề nghị đấu thầu tập trung như tại một số quốc gia (họ thường giao cho cơ quan BHXH đấu thầu tập trung một lần các thuốc sử dụng trong BV, sau đó các BV sẽ căn cứ vào giá trúng thầu để tiến hành mua thuốc). Năm 2010, rồi năm 2011, BHXH VN cũng từng đề nghị nên đấu thầu tập trung.

Một bác sĩ từng công tác tại BHYT TP.HCM cho biết năm 1995, anh đã lập đề án mang tên “Phương án cung ứng thuốc một đầu mối trong hệ thống khám chữa bệnh BHYT” (BHYT ra đời năm 1992). Năm 1998 làm lại một lần nữa, với mô hình “tay ba” giữa BHYT (đấu thầu tập trung) - các công ty dược cung ứng thuốc - BV (có nhu cầu cứ tới công ty dược nhận). Người trả tiền là BV hoặc BHYT (bệnh nhân BHYT). Mô hình rất đơn giản và hiệu quả: thuốc chỉ một giá thống nhất trên toàn địa bàn, quản lý được số lượng chi dùng và kiểm tra được đơn cấp thuốc. Đề án đã được trình lên Bộ Y tế lúc bấy giờ.

Vì đấu thầu tập trung phải công khai minh bạch giá từng loại thuốc tại một đầu mối và các BV có thể đối chiếu, kiểm tra nên sẽ không có tình trạng công ty dược gặp trực tiếp các BV để thương thảo đấu thầu, trình dược viên không còn gặp trực tiếp bác sĩ để gạ gẫm, chung chi. BHXH thanh toán thuốc trực tiếp cho công ty dược nên không cần phải tạm ứng trước từng quý cho từng BV (phải ứng trước 80% dựa trên tổng chi của quý trước, sau đó quyết toán 20%) mà không biết người ta sẽ mua cái gì, giá thuốc cứ tăng và hiện tại không kiểm tra gì được.

“Đây chính là thời điểm chín muồi để triển khai” - vị bác sĩ này nhận định. Vì bộ máy trung tâm điều phối thuốc cũng gọn nhẹ, chỉ khoảng mười người, không cần thành lập kho trung tâm tiếp liệu mà thuốc vẫn để tại các công ty khi cần thì BV đến nhận. Khởi đầu nên đấu thầu tập trung khoảng 500 mặt hàng thuộc nhóm cơ hữu như: thuốc tim mạch, nội tiết, kháng sinh, dịch truyền. Những năm tiếp theo tăng dần số lượng mặt hàng...

Cần một "Thượng phương bảo kiếm"

Tiền thuốc sử dụng hằng năm ngày càng tăng và hiện chiếm khoảng 50-60% tổng chi phí khám chữa bệnh. Theo thống kê của ngành y tế, tiền mua thuốc năm 2010 của các BV công lập là 15.000 tỉ đồng, trong đó chưa đến 39% để mua thuốc nội.

Năm 2011, tổng tiền thuốc sử dụng trong các BV gần 18.500 tỉ đồng, trong đó thuốc ngoại chiếm hơn 11.310 tỉ đồng. Các BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh có tỉ lệ sử dụng thuốc ngoại nhiều nhất, chiếm 66-88%. Riêng tại TP.HCM, các BV công đã tiêu thụ lượng thuốc bằng 1/3 tổng lượng thuốc cả nước. Chỉ riêng đối tượng bệnh nhân BHYT, một năm BHXH TP phải chi khoảng 3.000 tỉ đồng tiền thuốc cho các BV trên địa bàn.

Tại nhiều BV, bác sĩ kê toa bao vây lên đến 9-10 loại thuốc, trong đó nhiều thuốc ngoại đắt tiền. Một khảo sát gần đây cho thấy có đến 20% thành phần được kê trong đơn không phải là thuốc mà chỉ là thuốc bổ trợ, thực phẩm chức năng! Tùy thuốc, hoa hồng mức thấp là 2%, trung bình 5-10%, thậm chí đến 20-50%… Thử tính dù chỉ ở mức thấp 2% trên vài ngàn tỉ đồng tiền thuốc mỗi năm thì đó vẫn cứ là con số khổng lồ.

Đó là căn nguyên của 1.001 lý do đưa ra để tìm mọi cách tồn tại việc mỗi BV tự đấu thầu. Cái mắt xích ấy ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng chặt đứt nó không dễ. Nên rất cần một “thượng phương bảo kiếm” để quản lý tốt hơn, để người bệnh - vốn đã chịu rất nhiều cực nhọc khi bước chân vào BV - không phải gánh lấy quá nhiều cái tròng tiêu cực, trong đó có giá thuốc. Điều quan trọng hơn là tạo một môi trường làm việc mà người thầy thuốc thanh thản hơn trước cám dỗ của đồng tiền.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận