Ấm lành và gối cốm

TRẦN MINH HƠP 16/02/2016 03:02 GMT+7

TTCT - Trước Tết, ba gửi một lá thư tay cho cô giáo, bỏ trong cái bì mời đám cưới nhăn nheo, với ý bày tỏ là nhà đang có chuyện buồn nên không ra Phan Thiết họp phụ huynh học kỳ I được, mong được thông cảm... Năm ấy nhà tôi đổ nợ.

Cốm hộc như là cái gối để ông bà khi về thăm con cháu trong mấy ngày Tết có cái để nằm cho êm đầu -T.M.H.
Cốm hộc như là cái gối để ông bà khi về thăm con cháu trong mấy ngày Tết có cái để nằm cho êm đầu -T.M.H.


 Cái Tết chục năm trước, không ai cười ra nổi nụ cười. Má phải ra chùa để tránh nặng nhẹ. Lò rượu tháng chạp năm ấy cũng đỏ lửa nhưng thảm lắm...

Nhà tôi thường nấu nước không bằng lửa ngọn, lửa cháy mà nấu hơi ấm của lửa. Ba phát hiện ra việc đặt cái ấm trên thành miệng lò, áp sát cái nồi nấu rượu, sưởi cái ấm bằng hơi ấm của những cây củi me.

Thúc củi vài lần là nước cũng reo sôi, hơi nước xô bồ trên vòi ấm. Nghe tiếng nước sôi năm ấy cũng thảm. Cái ấm trên lò rượu đã sứt quai cả nửa năm, ba cột sơ sơ bằng mấy vòng dây kẽm. Cái nắp đã rớt cái núm nhựa, mọi lần muốn châm nước nấu tiếp phải lấy đũa chọt vào cái lỗ thủng trên nắp để lấy ra. Thân ấm, nhọ khói đã đóng đen cục cục như mụn cóc.

Tiền bán rượu phải cơm cá hằng ngày, còn lại để dành trả nợ, ba má không dám mua một cái ấm mới. Tết rồi mà còn thảm cả cái ấm rách rưới, làm tinh thần và nỗi buồn càng rơi giữa cơn gió. Sáng tất niên phải ăn cơm cá khô nướng, chan nước mắm (và nước mắt).

Tết rồi mà mấy anh em cứ nhìn nhau sượng buồn, im lặng, đi vác trấu đổ vào hầm chuồng heo, đốt trộn để làm phân bón cho thanh long, mong chúng nhanh dài dây nứt nụ. Chợ Tết trưa, mọi người cho ít thịt, trứng để kho. Đến cả cốm thì mỗi người cũng đem lại ít hộc để nhà đơm cho thấy Tết và đúng lễ với ông bà...

Tết một năm sau đó, vẫn lại cái Tết mắc nợ, tôi có một bài tản văn “Cốm Tết” được chọn đăng trên báo Thiếu Nhi Dân Tộc số Tết. Bài viết về loại cốm hộc chỉ có ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận. Nghe ngoại kể lại, ngày xưa cánh đồng miền cực Nam Trung bộ nhỏ hẹp, phù sa ít ỏi, mùa màng không được tốt tươi nhưng mọi người vẫn cố gắng dành ra một ít đất trồng nếp để Tết có thể làm cốm đơm cúng ông bà, như thứ đồ ăn ngon quý của con cháu.

Và cũng do nếp khô khi rang lên sẽ thành nhiều nổ, trộn với đường đóng cốm, vừa chưng cúng vừa có món đủ ăn trong những ngày đồng bái ra giêng. Và cốm là hình ảnh thiêng liêng ngày Tết, cốm hộc như là cái gối để ông bà khi về thăm con cháu trong mấy ngày Tết có cái để nằm cho êm đầu.

Thành thử cốm được gói trong những tờ giấy nhiều màu sắc, cắt dán bông hoa năm cánh, bảy cánh, với hi vọng gối càng đẹp thì ông bà càng vui và ấm áp cùng gia đình...

Khi thấy những cái nia cốm phơi trên sân là nghe hương Tết sực nức.

Nhận nhuận bút trong tay, tôi đem về nhà, liền đưa má mua nếp mua đường, mua giấy màu về làm cốm để kịp đơm cúng ông bà. Chút hương cốm tỏa đi qua trang báo để xin lại chút hương thật trong cái Tết cả nhà còn mắc nợ.

Còn chút ít tiền, tôi đưa chị để lên tiệm bán đồ nhôm nhựa mua cái ấm mới. Tôi để cái ấm đen thui, lủng nắp sứt quai dưới sát chân gạc-măng-rê, mong dẹp bớt chút khổ, chút thảm trong nhà. Cốm ngoài sân đã phơi lên nia rồi, nắng vàng chiếu cốm vàng thêm. Mọi người lại xúm nhau cắt bông, gói cốm để đơm cúng, cho kịp tối ông bà về có gối thơm, gối sạch để nằm.

Ra ngoài lò rượu, cả nhà xúm nhau nấu thêm ít nồi cho kịp giao rượu mối bán Tết. Hứng thêm vài chai rượu nhất, loại rượu chảy ra đầu tiên khi chưng cất, để bán cho người trong xóm cúng tất niên. Mùi rượu mới cũng thơm nồng chút gạo mới. Cái ấm mới nước sôi đã kêu, hơi nước tỏa ra trong cái ấm lành lặn sạch sẽ, đủ hi vọng cho một năm an lành...

Nghèo cũng qua rồi, cánh đồng miền Trung khô hạn, ít màu mỡ giờ là những cánh đồng thanh long xanh mướt trắng bông, chất thực dụng trong tâm hồn của người ở làng trỗi dậy nhiều hơn, họ không thèm làm cốm nữa, vì bận vuốt tai thanh long để bán hàng tết, chỉ đi mua cốm người ta làm sẵn, dán bằng giấy kiếng bóng loáng lấp lánh, ghim lên loại bông gói quà.

Có nhà cũng không thèm đơm cốm nữa, mua bánh hộp, nước yến cho ông bà về chung vui cùng sự sung túc... Mà cũng phải, bánh kẹo giờ trăm loại, ai thèm ăn cốm làm đồng mỗi khi ra giêng nữa! Ruộng đâu mà làm. Làm thanh long mướn cũng đã có cơm sườn, bánh bông lan nhân dâu, nhân sầu riêng ăn rồi!

Vẫn thấy thương bà mợ, nhà cũng ngàn trụ thanh long nhưng gần Tết lại bưng nia cốm mới đóng ra phơi...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận