Ấn bản Cá sấu trở lại? 

PHAN XUÂN LOAN 09/12/2014 15:12 GMT+7

TTCT - Vâng, chính là tạp chí Cá Sấu - Krokodil. Có điều Krokodil trở lại không phải như “hồn vía” ngày xưa độc giả từng biết, mà là ba tập đầu trong loạt Lịch sử qua mắt Cá Sấu.

* Chúng ta quá thiếu tự trào

Bìa quyển Sự kiện giai đoạn 1922-1937 trong dự án Lịch sử qua mắt Cá Sấu. Thế kỷ 20 - Ảnh: Lenta
Bìa quyển Sự kiện giai đoạn 1922-1937 trong dự án Lịch sử qua mắt Cá Sấu. Thế kỷ 20 - Ảnh: Lenta

Thế kỷ 20, ra mắt độc giả vào cuối tháng 11 này tại Hội chợ văn học tri thức phi hư cấu ở Matxcơva.

Những độc giả quan tâm đến văn học Xô viết đều biết đến Cá Sấu, một tạp chí châm biếm trào phúng nổi tiếng của Liên Xô.

Xuất hiện đầu tiên từ năm 1922 như phụ trương cho báo Công Nhân (Rabochaya Gazeta), Cá Sấu chuyên đả kích, trào lộng những nhân vật và sự kiện chính trị, những quan chức Xô viết quan liêu, thiếu sáng kiến, thói xấu của người Nga nói chung và công nhân Nga nói riêng, đả phá các nước tư bản...

Số phát hành của Cá Sấu khi đó lên tới 6,5 triệu bản. Cho đến năm 2000, vì khó khăn tài chính, tạp chí đình bản. Có hai lần Cá Sấu nỗ lực trở lại, từ 2001-2004 và 2005-2008, nhưng đều không thành công. 

Những năm gần đây, một nhóm các biên tập viên và họa sĩ - có người từng làm việc cho Cá Sấu - quyết định thực hiện dự án Lịch sử qua mắt Cá Sấu. Thế kỷ 20. Hai lý do chính của dự án được tập thể này giới thiệu trên trang web của dự án như sau:

1/ Nắm trong tay toàn bộ kho lưu trữ cực kỳ giá trị, họ muốn không chỉ chuyển tải lại một số hình ảnh và bài viết của Cá Sấu, mà còn kể lại một cách nghiêm túc về thế kỷ họ đã sinh ra, lớn lên; về những sự kiện làm thay đổi thế giới.

2/ Thời đại hiện nay đang quá thiếu cái nhìn châm biếm sâu sắc, tự trào một cách ý nhị về những sự kiện và con người cùng thời. Dự án hi vọng sẽ giúp mỗi người “trưởng thành, học thức, hiện đại nhìn lại mình, đất nước và thế giới mình đang sống bằng một cái nhìn hài hước, láu lỉnh, táo bạo và tự do” (www.20centurycrocodile.ru/about/).

Dự kiến đề án sẽ cho in ba tập mỗi quý, tổng cộng 12 quyển sẽ hoàn tất trong một năm. Loạt sách sẽ được in thành bốn đợt, ứng với bốn phân khúc của thế kỷ 20.

1/ Từ khi Cá Sấu ra đời đến năm 1937 (giai đoạn có những vụ thanh trừng, bắt bớ),

2/ Từ 1938-1956, tức đến Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20, khi lần đầu tiên ở Liên Xô công khai nói về “tệ sùng bái cá nhân”.

3/ Từ 1957-1978, tức khi kết thúc công trình xây dựng một trong những tuyến đường sắt lớn nhất thế giới xuyên Siberia Baikal - Amur.

4/Cuối giai đoạn Xô viết, thập niên 1990 của thế kỷ trước. Trong mỗi loạt sẽ có ba quyển: Con người - dành nói về những người vĩ đại lẫn nhỏ bé rơi vào lăng kính Cá Sấu. Sự kiện kể về các vấn đề thời sự khi đó. Và Từ ngữ, để giải thích về từ ngữ thời kỳ này cũng như những thay đổi ngôn ngữ Xô viết. 

Có thể giới thiệu vài cái tên phía sau dự án: tổng biên tập Sergey Mostovshikov, từng là biên tập viên chính của Krokodil; chủ biên của dự án là Aleksei Yablokov - nhà báo, nhân vật chính của trang blog Glavred với các tiểu phẩm châm biếm không có tác giả (xem một tiểu phẩm loại này ở trang 42 của TTCT số này).

Nhiều người khẳng định chính Aleksei Yablokov là tác giả trang blog châm biếm này, chỉ riêng ông phủ nhận!

Đặc biệt, một số nhà văn, nhà văn hóa và chuyên gia ngôn ngữ cũng được mời tham gia dự án. Họ góp phần chú giải, phân tích những sự kiện, ngôn ngữ, diễn biến thời cuộc khi đó mà những độc giả trẻ hiện nay có thể không nắm bắt hết. 

Gương biến dạng soi trong một gương biến dạng 

TTCT trích dịch trả lời phỏng vấn của tổng biên tập dự án Sergey Mostovshikov cho trang Lenta.ru (www.lenta.ru/articles/2014/11/11/mostmostmost/)

* Tại sao các ông lại quyết định bắt tay vào (dự án) Cá Sấu?

- Chúng tôi sẽ không ấn hành lại tạp chí. Nhiệm vụ đó đã được giải quyết và chẳng có ý nghĩa gì khi xuất bản Cá Sấu lần nữa - đã không còn đất nước đó và tạp chí đó. Ở đây chúng tôi muốn làm một thứ khác: nói về thế kỷ 20. Chúng tôi sinh ra ở đó và sống phần lớn thời gian ở đó.

Thế kỷ đó, theo góc nhìn của chúng tôi, rất không bình thường, và phương tiện chọn lựa rất tương phản.

Tổng biên tập dự án Lịch sử qua mắt Cá Sấu. Thế kỷ 20 Sergey Mostovshikov - Ảnh: Lenta
Tổng biên tập dự án Lịch sử qua mắt Cá Sấu. Thế kỷ 20 Sergey Mostovshikov - Ảnh: Lenta

* Nhưng tại sao phải đọc lại những chuyện này? Để học từ những sai lầm lịch sử à?

- ... Chúng tôi không xuất phát từ việc mang tới kiến thức. Chúng tôi chỉ thử đoán xem còn có chút hiểu biết nào đó mà chúng ta có thể xem xét, đưa chúng lên giấy và làm điều đó một cách tận tâm. Còn chuyện gì xảy ra tiếp theo đã vượt tầm trách nhiệm của chúng tôi.

Sách là một công cụ truyền thống, người ta sử dụng chúng thế nào ít ai biết. Chúng tôi chỉ hi vọng các quyển sách này sẽ được người ta lật giở với sự quan tâm, tìm ra cho mình điều gì đó chưa từng thấy. Còn dạy dỗ gì đó thì chúng tôi không muốn mà cũng không thể.

* Nhưng tại sao lại là bây giờ, bao nhiêu thời gian đã qua rồi?

... Bộ lưu trữ (Cá Sấu) chúng tôi có được thì trung thực. Đó là một quang cảnh chưa từng thấy, và chúng tôi cố không chết vì sợ khi làm việc với kho lưu trữ này... Một ấn bản không đơn giản, không hài nhảm cũng không hiền lành, nói một cách mềm mỏng đó là một ấn bản đặc thù... Ở đó có chiến tranh, có đàn áp, sau đó có sự tan băng, có nỗi buồn chán, nhiều thứ... Nhưng nó cực kỳ nổi tiếng. Rất nhiều người yêu thích. Nhưng cũng có người nói nó là đểu cáng, tàn ác, xấu xí, tọc mạch, nơi người ta tính sổ (nhau). Nhưng nó sống động và đặc sắc!

SERGEY MOSTOVSHIKOV

- Mọi người đều bảo thời kỳ Xô viết đang trở lại, riêng tôi chẳng tin điều đó. Tôi không thấy sự tương đồng nào. Ngoài việc là có những thói quen nào đó chưa thay đổi, những cách thức người Nga hiểu về cuộc sống... Không quan trọng là anh ta ở giai đoạn nào, nhưng anh ta nhìn cuộc sống là như thế.

Hầu như tất cả đều nói về đề tài này, ai cũng nói, kể cả Pelevin (*), người từng viết rằng “người Nga là công cụ chuyển đổi năng lượng mặt trời thành nỗi thống khổ dân tộc”. Hay những vần thơ kiểu như “Đất nước ta bao la, chỉ trật tự là không có”...

Rất khó trả lời là chúng ta đang ở đâu hiện nay... Và có thể những quyển sách này sẽ giúp xác định và làm sáng tỏ điều gì đó... Có lẽ cái chính là gợi lại mối quan tâm với những gì đã xảy ra. Dĩ nhiên là ai muốn đều có thể vào Thư viện Lenin và đọc tất cả các tạp chí, nhưng chúng tôi muốn thử tìm những thông điệp nào được để lại cho chúng ta, những dấu hiệu nào, chỉ thị nào, bí mật nào trong đó sẽ có ích khi chúng ta lưu ý. 

Trong đầu con người luôn có hàng lô lốc các khuôn mẫu và tín hiệu stop (dừng lại). Thí dụ, hình dung về đầu thế kỷ qua trong óc chúng ta luôn là điều gì đó không sắc màu, buồn bã, đơn điệu, như (xem phim trắng đen) Charlie Chaplin vậy. Thực tế thì ở đó tràn đầy màu sắc, được làm vô cùng điệu nghệ và tài hoa mà giờ người ta không làm như thế nữa, đơn giản là họ không còn biết vẽ những bức tranh như thế. 

Đặc biệt là rất đông đúc con người trong Cá Sấu. Khi đó (Cá Sấu) giả định là độc giả hiểu hết những gì được đề cập, nhớ hết những con người trong đó - những kẻ ác tâm quốc tế. Để nhớ được ngần ấy số lượng kẻ thù cần có cái đầu được đào luyện. Còn con người hiện đại, kể cả người học thức, cũng khó mà chứa hết trong đầu số nhân vật đang hoạt động trong tiến trình hiện đại.

Tất cả chúng ta giờ đây đều bàn bạc về Lugansk, Donetsk, Novorossiya, nhưng nhớ dẫu một hay hai cái tên người ở đó là điều không thể.

Khi đó cũng không có những ẩn dụ mà ta có hiện nay. Thí dụ hiện nay ta có “những người lịch sự” (**). Trước đây không có người lịch sự nào, chỉ có những kẻ giết người, quân khủng bố, những con người rõ ràng bình thường có tên họ và hành động cụ thể.

Điều đó không thể hiểu được với thời đại hiện nay, và ở đây không có một sự tương đương nào cả.

* Bây giờ không có biếm họa nữa...

- Cũng như không còn thể loại feuilleton báo chí. Ai đó nói ngược lại xuất hiện những phương tiện khác, nhanh lẹ hơn để truyền đạt thông tin. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh đến độ chẳng ai buồn nghĩ ngợi. Để vẽ một biếm họa cần phải xem xét, phỏng đoán rồi mới vẽ.

Tôi còn thấy rằng những biếm họa và trào phúng hay nhất hiện nay chính là hiện thực. Không có gì buồn cười và nguy hiểm hơn nói thẳng toẹt mọi thứ. Tất cả đều biến dạng, đều có tính ẩn dụ, đều được xem như trào phúng... 

* Một cái gương biến dạng soi trong một cái gương biến dạng.

- Vâng, méo mó chống méo mó, kết quả là không có cái gì thẳng thớm được.

Chúng tôi đã thử in Cá Sấu từ năm 2005-2008 và thấy rằng giờ không thể làm điều đó... Bởi như tôi đã nói, cái méo mó không thể chống lại cái méo mó.

Nếu có người nói rõ ràng rằng: “Vâng, chúng tôi là kẻ ác, chúng tôi không yêu nhân dân Ukraine và muốn chiếm cả thế giới” thì có thể, tuy nó khả ố nhưng có gì đó rõ ràng, một biểu hiện rõ ràng cho những gì trong đầu và có thể giúp ta làm gì đó. Còn trong tình huống mà mọi thứ đều chỉ là đồn đoán thì không hiểu Cá Sấu cần để làm gì.

Cụm từ “những người lịch sự” lẽ ra sẽ phải xuất hiện trên Cá Sấu bởi đó là sự chế giễu có tính châm biếm. Thế nhưng hàm ý của thông tin này là khác, hoàn toàn không châm biếm!

___________

(*): Viktor Pelevin: nhà văn hiện đại nổi tiếng với những tác phẩm nói về người Nga hậu Xô viết, như Thế hệ P. đoạt nhiều giải thưởng, được dựng thành phim.

(**): Cụm từ báo chí Nga dùng để gọi binh lính Nga xuất hiện ở Crimea trước cuộc trưng cầu ý dân tháng 3-2014 để bảo đảm cuộc trưng cầu và sáp nhập Crimea trở lại Nga diễn ra êm ả. Họ được gọi là “những người lịch sự” bởi cung cách mềm dẻo, phi bạo động.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận