Ấn Độ và “Hành động hướng Đông”

DANH ĐỨC 29/01/2018 22:01 GMT+7

TTCT - Lễ Cộng hòa, được cử hành long trọng vào thứ sáu 26-1 là dịp để Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trân trọng giới thiệu chính sách Đông Nam Á của ông với 10 nhà lãnh đạo ASEAN.

Ấn Độ đã từ bỏ chính sách không liên kết để mở rộng các hoạt động đối ngoại của họ trong gần ba thập niên qua. Ảnh: azwishes.com
Ấn Độ đã từ bỏ chính sách không liên kết để mở rộng các hoạt động đối ngoại của họ trong gần ba thập niên qua. Ảnh: azwishes.com

 

Hôm thứ hai đầu tuần, 22-1, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã loan báo tin này trong cuộc họp báo tại Dehli.

Bà cho biết chính sách “Hành động hướng Đông” của Chính phủ Ấn Độ đang “định hình” và 10 nhà lãnh đạo ASEAN, những thượng khách của cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày Quốc khánh thứ 69, sẽ thấy chính sách này được triển khai trên thực tế.

Times Now ngày 22-1 nhấn mạnh việc mời toàn thể 10 lãnh đạo ASEAN dự lễ là “một sự kiện chưa từng có”, do ở dịp quốc lễ trọng đại này của Ấn Độ (cùng hai lễ lớn khác là lễ Độc lập 15-8 và sinh nhật người cha lập quốc Mahatma Gandhi 2-10), chính quyền thường chỉ mời mỗi lần một vị khách nước ngoài đặc biệt.

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN

Lời mời của ông Modi được đưa ra ngày 13-11-2017 tại Thượng đỉnh ASEAN Manila. Về mặt hình thức, lý do mời các lãnh đạo ASEAN ở lễ Cộng hòa năm nay, vốn là năm lẻ, là để kỷ niệm 25 năm hợp tác Ấn Độ - ASEAN, 50 năm quan hệ Ấn Độ - ASEAN, nhưng sâu xa hơn cho thấy chính sách đối ngoại tập hợp lực lượng rõ ràng của Ấn Độ.

Times Now so sánh lời mời lần này của ông Modi với khi ông mời lãnh đạo tất cả các nước thuộc Hiệp hội Hợp tác các nước Nam Á (SAARC), gồm Afghanistan, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka đến dự lễ nhậm chức của ông gần bốn năm trước.

Nếu việc tranh thủ các láng giềng Nam Á là điều tất yếu thì chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ là một lựa chọn, mang tính chiến lược, theo giải thích của bà Sitharaman, với ASEAN là mục tiêu hướng đến và là địa bàn chủ chốt của chính sách mới.

Ngay từ trong tên gọi đã có sự thay đổi. Nếu trước ông Modi, Ấn Độ chỉ có “chính sách hướng Đông” (Look East policy) thì bây giờ đã là “hành động”.

Bốn tháng sau khi ông Modi nhậm chức, The Diplomat 23-8-2014 còn ghi nhận: “Mặc dù Ấn Độ có các mối liên kết văn hóa và văn minh với Đông Nam Á cùng vài bước tiến đáng chú ý trong “chính sách hướng Đông” từ năm 1991, song cả hai bên nhất trí rằng mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ chưa đạt hết tiềm năng.

Đông Nam Á - trừ Myanmar - vắng mặt trong các tuyên bố chính sách đối ngoại của ông Modi, vốn tập trung chủ yếu vào các quốc gia Nam Á cùng các cường quốc lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ”.

Làm gì để tăng tốc quan hệ với ASEAN? Ông Modi đã chọn thời điểm loan báo chính sách “Hành động hướng Đông” lần đầu tiên ở Thượng đỉnh ASEAN Naypyidaw (Myanmar) tháng 11-2014.

Đây là một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ với ASEAN nay sẽ là then chốt trong chính sách đối ngoại của ông Modi nói chung và trong chính sách “Hành động hướng Đông” nói riêng.

Kèm theo trong diễn văn hôm đó là một phát biểu khẳng định lập trường của Ấn Độ với các nước ASEAN: “Trong một thế giới tương thuộc lẫn nhau và toàn cầu hóa, không có chọn lựa nào khác ngoài việc tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Chúng ta cần theo các chuẩn toàn cầu này vì hòa bình trên Biển Đông” - ZEE news 14-11-2014.

Từ đó tới nay, quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã phát triển nhanh. Elizabeth Roche, trên báo mạng Livemint của Ấn Độ, dự báo về mối quan hệ này: “Ấn Độ và ASEAN chuẩn bị đánh dấu 25 năm quan hệ đối tác với nhiều gặp gỡ trong lĩnh vực kinh tế sôi động nhằm làm cho quan hệ với nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á sâu sắc hơn trong bối cảnh một Trung Quốc đang nổi lên.

Về phần mình, Ấn Độ đang đáp ứng cam kết thúc đẩy thương mại, tính kết nối và quan hệ văn hóa thông qua chính sách “Hành động hướng Đông” với khối 10 thành viên này...

Các kế hoạch củng cố quan hệ Ấn Độ - ASEAN xuất hiện vào lúc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với những vùng rộng lớn trên Biển Đông... Trong khi đó, Ấn Độ được xem như là một thế lực hiền lành song vẫn là một vật cản đối với Trung Quốc”.

Từ “Không liên kết” đến “Hành động hướng Đông”

Chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi về nội dung là sự tiếp nối đường hướng đối ngoại đa - liên kết (multi-alignment) của người tiền nhiệm Manmohan Singh.

Không chỉ là quan hệ đa phương (multilateral relations), đường hướng đa - liên kết nhấn mạnh vào sự tham gia gắn bó với các tổ chức đa phương khu vực, sử dụng quan hệ đối tác chiến lược để “phòng ngừa rủi ro dựa trên các chuẩn quy phạm”, thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh quốc gia của Ấn Độ, cũng như phóng chiếu ảnh hưởng và quảng bá các giá trị của Ấn Độ, theo giải thích của nhà nghiên cứu Ian Hall thuộc Đại học Griffith, Brisbane, Úc.

Chính sách đa - liên kết là một bước ngoặt so với chính sách không liên kết từng mang tính cương lĩnh ở Ấn Độ từ sau độc lập cho tới năm 1962, khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc.

New Delhi sau đó từ bỏ đường lối không liên kết và triển khai chính sách đối ngoại “tự chủ chiến lược” cho tới hết Chiến tranh lạnh. Chính sách đa - liên kết là một hướng đi mới nữa, gắn liền với Thủ tướng Singh, nắm quyền giai đoạn 2004-2014.

Không liên kết, với Ấn Độ trong giai đoạn từ độc lập cho tới cuộc chiến 1962, theo Ian Hall, là:

(1) tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc (mà điểm chính là giải quyết các tranh chấp không bằng vũ lực - cũng là sự phản ánh triết lý của người cha lập quốc Gandhi);

(2) tham gia tích cực vào thảo luận về những chuẩn mực quy phạm trong quản lý xung đột quốc tế; (3) vừa tránh các liên minh quân sự, vừa tránh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường toàn cầu mang dấu ấn của Mỹ.

Triển khai đường hướng đó, trong một thời gian dài Ấn Độ không tham gia một liên minh nào, cũng như không ngả hẳn về kinh tế thị trường và chủ trương tránh xung đột.

Song, thực tế khắc nghiệt từ cuộc chiến năm 1962 đã cho thấy cái giá của chính sách không liên kết. Ngay cả giai đoạn “tự chủ chiến lược” từ sau năm 1962 cũng chỉ là một sự thay đổi khác trước với chủ trương tự lực tăng cường binh bị, nên tuy có mạnh hơn trước phần nào song Ấn Độ vẫn “co ro một mình”.

Trong giai đoạn này, theo Ian Hall, Ấn Độ đã thử nghiệm một thiết bị hạt nhân vào năm 1974 và bắt tay vào nỗ lực xây dựng tiềm lực răn đe, đồng thời tiếp tục theo đuổi sự tự túc về kinh tế, chỉ giữ liên lạc với kinh tế thị trường toàn cầu ở mức tối thiểu nhằm tránh phụ thuộc vào phương Tây hay các nền kinh tế đang nổi lên khác.

Trong thế hai cực của thế giới giai đoạn Chiến tranh lạnh, việc Ấn Độ không ngả hẳn về kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là để tránh mích lòng Liên Xô, lúc đó đang đối nghịch với Trung Quốc (kẻ thù của kẻ thù là bạn).

Chiến tranh lạnh kết thúc chính là dịp để Ấn Độ bước ra khỏi tòa tháp “tự chủ chiến lược”. Tình hình mới dần buộc New Delhi phải điều chỉnh đường hướng đối ngoại, với chính sách đa - liên kết về chính trị và mở cửa kinh tế hầu có thể theo kịp Trung Quốc, vốn đã mở cửa và cải cách sớm hơn hàng thập kỷ và đang có khả năng bỏ xa Ấn Độ!

Từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền vào tháng 5-2014, ông càng đẩy mạnh chính sách đa - liên kết.

Ông đã mời tổng thống Mỹ Barack Obama dự lễ Cộng hòa; tuyên bố ý định tham gia Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) vốn thuộc quỹ đạo của Trung Quốc và Nga; đồng ý về một Tầm nhìn chiến lược chung Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương với Mỹ nhân chuyến thăm Nhà Trắng năm 2015, rồi sau đó với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB, Aneja, 2015) - một ý tưởng của Trung Quốc;

ký kết các hợp đồng vũ khí quan trọng với Pháp và Nga; ký kết các khoản vay quan trọng và các thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc và Nhật Bản; và giờ không chỉ “hướng Đông” mà là “Hành động hướng Đông”...

Trong khung đa - liên kết đó, chính sách “Hành động hướng Đông” được thực hiện không chỉ với cả khối ASEAN, mà còn qua những hợp tác riêng với từng nước, trên cơ sở các ưu tiên chiến lược chung và cụ thể.

Tất nhiên, mọi mối quan hệ nông hay sâu là do tính thành thật của quan hệ đó, khi trên thực tế thế giới hiện tại đang là đa - liên kết; một nước có thể ký “quan hệ chiến lược” với vài chục nước, có thể hô hào tình hữu nghị vô bờ bến, song quan hệ đó như thế nào, có thể đo được sự thành thật qua những hành động cụ thể hay không là chuyện khác. Về mặt này, có lẽ Ấn Độ ưu thế hơn nhờ vào đặc điểm “hiền lành” mà họ vẫn tự hào.■

Đối trọng với Vành đai - con đường

Eurasiantimes ngày 23-1-2018 cho biết: “Ấn Độ đã không tham gia “Sáng kiến Vành đai - con đường (BRI) của Bắc Kinh.

Mặc dù các quốc gia ASEAN tham gia BRI, song các nước này vẫn muốn để ngỏ lựa chọn của họ liên quan đến sáng kiến kết nối phát triển từ phía Ấn Độ, và một số còn quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong nội địa Ấn Độ.

Cũng cần nhấn mạnh rằng các quốc gia ASEAN không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Ấn Độ; do đó Ấn Độ được xem như là một thế lực hiền lành trong khu vực”.

Ấn Độ đang ra sức chứng tỏ rằng quan hệ với ASEAN trong chính sách “Hành động hướng Đông” của họ là cụ thể và thực tế.

Trọng tâm của các nỗ lực là một dự án hạ tầng nhiều hứa hẹn kết nối Ấn Độ với ASEAN: đường cao tốc kết nối Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan (gọi tắt là cao tốc IMT), với điểm xuất phát Moreh ở đông bắc Ấn và điểm cuối Mae Sot thuộc tây bắc Thái Lan, dự kiến hoàn tất vào năm 2020.

Dù không quy mô bằng, nhưng rất thực tế, và hoàn toàn có thể cạnh tranh với Vành đai - con đường nếu chỉ tính trong tiểu vùng Đông Nam Á lục địa.

Tờ The Hindu ngày 23-1 dẫn lời Quốc vụ khanh đặc trách thương mại và công nghiệp Ấn Độ C.R. Chaudhary tuyên bố: “Cơ sở hạ tầng và kết nối là những thách thức then chốt với Ấn Độ và các nước ASEAN trong khi mưu tìm một sự tăng tốc trao đổi thương mại”.

Dự án IMT, bởi thế, còn có tham vọng mở sang đến Campuchia, Lào và Việt Nam. Một dự án khác nối liền tuyến đường sắt từ Ấn Độ tới tận Việt Nam cũng đã được đề xuất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận