Anh hùng thời đại

NGUYỄN KHẮC PHÊ 25/10/2007 18:10 GMT+7

TTCT - Sức cuốn hút của Anh hùng thời đại trước hết và chủ yếu nhờ hệ thống nhân vật thật là đa dạng, cá tính mạnh mẽ và số phận của họ gắn chặt với những bước thăng trầm của dân tộc.

(Đọc Anh hùng thời đại của Liễu Kiến Vĩ, NXB Phụ Nữ, 2007. Giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần 6-2005)

Phóng to
TTCT - Sức cuốn hút của Anh hùng thời đại trước hết và chủ yếu nhờ hệ thống nhân vật thật là đa dạng, cá tính mạnh mẽ và số phận của họ gắn chặt với những bước thăng trầm của dân tộc.

Đó là Lục Thừa Vĩ, con trai Lục Chấn Thiên - một “đại công thần” từng là bạn với Đặng Tiểu Bình, sau khi du học ở Mỹ về trở thành nhà tư bản vào những năm cuối thế kỷ 20; là Sử Thiên Hùng - một anh hùng trong chiến tranh, con nuôi rồi trở thành con rể họ Lục, từ bỏ đại gia đình thần thế và tương lai chính trị rộng mở ở Bắc Kinh để về một tỉnh miền tây xa xôi, góp phần xây dựng một đơn vị bán lẻ mang tên “Đều Được Lợi”; là Kim Nguyệt Lan, xuất thân từ một gia đình tư sản, khi người thân qua đời ở Đài Loan di chúc để lại cho cô một tài sản lớn, cô đã hiến toàn bộ cho cách mạng và tự lập nghiệp bằng việc khởi xướng mở cửa hàng “Đều Được Lợi”, thu hút công nhân dôi dư từ các xí nghiệp quốc doanh thua lỗ, chủ trương luôn bán giá rẻ nhất thành phố; là diễn viên Cố Song Phượng, cô sinh viên Mai Hồng Vũ - hai người đẹp đã điêu đứng vì Lục Thừa Vĩ và chính số phận bi thảm của Cố Song Phượng khi bị Lục Thừa Vĩ bỏ rơi đã thức tỉnh nhà tư bản còn chưa quên trong huyết quản của mình có dòng máu đỏ thắm của người cộng sản lão thành Lục Chấn Thiên...

Trong khi tác giả có phần lý tưởng hóa Sử Thiên Hùng thì Lục Thừa Vĩ và Cố Song Phượng là hai nhân vật đầy góc cạnh, tâm lý phức tạp để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Là một nhà tư bản có tài kinh doanh, Lục Thừa Vĩ khéo lợi dụng uy thế của người bố từng là một yếu nhân của Đảng Cộng sản, đồng thời vẫn quí trọng và lắng nghe những lời khuyên răn của ông; mặt khác, vì lợi nhuận, vì tính đố kỵ với người anh rể mà y vẫn thầm kính phục, y đã giở đủ trò hèn mạt, đểu cáng, thậm chí buộc người tình Cố Song Phượng hiến thân cho tên chủ Nhật Bản để đoạt phần thắng trong một vụ buôn bán.

Tuy vậy, y lại bỏ nhiều tiền làm đường sá, trao học bổng, mua lại những xí nghiệp thua lỗ, đầu tư vốn cho chính Công ty Đều Được Lợi với tham vọng xây dựng nó thành một thương hiệu như Wal Mart của Mỹ. Vì thế y được địa phương tôn sùng như một người hùng, được bầu làm chủ tịch danh dự... Cố Song Phượng lại thu hút người đọc ở sự nổi loạn của cô, khi nhân phẩm bị đem làm vật mua bán. Cô đã phải bán mình cho rất nhiều đàn ông, đã thành kẻ nghiện ma túy, nhưng người đọc không khinh rẻ cô mà chỉ thấy ghê sợ trước sự phá hoại của đồng tiền trong tay “ma quỉ”. Những trang miêu tả cuộc “mua bán” giữa Lục Thừa Vĩ - Cố Song Phượng - tên chủ Nhật Bản (chương 17) có thể sánh với những chương hay nhất trong các tác phẩm cổ điển nổi tiếng.

“Cuộc chiến” trên mặt trận kinh tế giữa Lục Thừa Vĩ với người anh rể Sử Thiên Hùng và xoay quanh là hàng loạt quan chức từ thành phố đến tỉnh, từ người đứng đầu các tập đoàn quốc doanh sắp sập tiệm đến lãnh đạo bộ diễn ra đủ mọi hình thái, chiêu thức hấp dẫn như cuộc tranh đoạt ngôi bá chủ võ lâm trong tiểu thuyết của Kim Dung. Mỹ nhân kế, hối lộ, móc ngoặc, tình báo kinh tế, đao búa của “xã hội đen”, biểu tình, bơm giá cổ phiếu, báo chí và truyền hình... đủ cả.

Thật ra, cũng có thể gọi đây là cuộc chiến giữa “hai con đường” thời hiện đại - con đường tư bản lấy lợi nhuận là trên hết, phi nhân tính và con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” mà Công ty Đều Được Lợi là nơi thử nghiệm - nói đơn giản là chấp nhận kinh tế thị trường, buôn bán không chỉ để kiếm lời mà phải thể hiện được tình người. Đây cũng là cuộc tỉ thí giữa hai cách sống. Mặc dù Lưu Thừa Vĩ suýt đánh sập “Đều Được Lợi”, rồi tung tiền mua cổ phiếu giành quyền làm chủ nó, cũng như làm chủ được người đẹp Mai Hồng Vũ, nhưng rốt cuộc, qua việc những người sáng lập ra Đều Được Lợi thà “bỏ của giữ lấy nhân cách” không thèm cộng tác với Lưu Thừa Vĩ, và chính anh ta bị “tê liệt” ngay khi người đẹp họ Mai chịu hiến thân cho anh ta, nhà tư bản họ Lưu đã “giác ngộ” một điều: không phải lúc nào đồng tiền cũng là vạn năng, càng không thể mua được cái đẹp.

Và cũng chính anh ta đã thừa nhận chịu thua Sử Thiên Hùng, khi ông được cấp trên tín nhiệm trao cho gánh nặng chỉ huy hai tập đoàn quốc doanh lớn như hai chiếc hàng không mẫu hạm sắp chìm sáp nhập lại. Tất nhiên, đây là tiểu thuyết, là ý tưởng của nhà văn. Nói theo ngôn ngữ tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, “muốn biết người cộng sản họ Sử có làm nên chuyện không, xin xem hồi sau sẽ rõ”. “Hồi sau” ấy là lúc nào? Điều ấy chỉ có cuộc sống mới trả lời được!

Với độc giả Việt Nam, “trông người mà nghĩ đến ta”, đọc Anh hùng thời đại hẳn không ít người sẽ nhủ thầm: không biết anh X, chị Y con ông “ủy viên...” này, rể vị “đại quan” kia đang nắm giữ không ít công ty, tập đoàn quan trọng của đất nước, ai sẽ giữ được nhân cách cao đẹp như người cộng sản Sử Thiên Hùng và ai là kẻ đã kiếm tiền bằng mọi giá, chà đạp lên tình nghĩa để rồi phải trả giá đắt như Lục Thừa Vĩ?...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận