Áo rách

VĂN CƠ 25/11/2010 06:11 GMT+7

TTCT - Khi còn bé tôi chẳng hiểu mấy những câu chuyện mẹ nói với tôi, những việc mẹ làm cũng thế, tôi thường đón nhận nó một cách tự nhiên và chỉ bận tâm đến thế giới của mình.

Nhưng rồi đến lúc tôi phải bận tâm những việc khác, nhất là khi việc đó ảnh hưởng đến vị trí mà tôi cho là duy nhất của mình. Đó là lúc mẹ có em bé. Tôi ghét nó vô cùng, với tôi nó cũng là đứa trẻ xấu xí nhất mà tôi biết.

Lớn lên một chút, tính tình của nó càng hung hăng, nhưng bao giờ mẹ cũng dành cho nó những lời nói dịu dàng. Tôi hỏi tại sao, mẹ chỉ hỏi lại: “Có bao giờ con vá một tấm áo lành hay quét một cái nhà sạch không?”. Tôi chẳng hiểu mẹ nói gì cả.

Khi tôi thành một cô giáo, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra mình có khuynh hướng “thấy ghét” những đứa bé hung hăng và xấu xí. Tôi cũng nhận ra chưa bao giờ thấy mình bất lực đến thế, đặc biệt là với cậu bé Q. - một học trò chậm tiến của lớp. Dù hết sức kiềm chế, tôi vẫn không sao kiểm soát được những cơn giận dữ khi nhìn thấy điểm số của thằng bé.

Những lần về nhà than thở với mẹ, mẹ chỉ hỏi tôi có quan tâm đến nó không. “Con hầu như chỉ biết có nó, kể cả sau khi chấm dứt giờ dạy”. “Con còn đem theo nó về nhà đây này, lúc nào mẹ cũng nghe con nói về nó”. Mẹ nói kèm theo cái nhìn đầy ý nhị, dĩ nhiên tôi hiểu điều mẹ nói nhưng đôi khi tôi vẫn gặp lại cảm giác thuở ấu thơ khi chẳng hiểu mấy điều mẹ nói với tôi.

Q. vẫn thế, hung hăng và xấu xí, nó làm tôi suýt khóc vì tức. Nhưng Q. còn khiến tôi thấy tự ái, tôi không muốn bị khuất phục dễ dàng bởi một cậu học trò vắt mũi chưa sạch.

Sau nhiều lần tiếp cận thất bại, tôi buộc phải sử dụng một trong những phương pháp uốn nắn trẻ em mà tôi được chuẩn bị hồi ở trường sư phạm trước khi đi đến quyết định gặp phụ huynh của Q., đó là sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng - điều mà lẽ ra tôi phải áp dụng trước tiên như lời khuyên của các thầy cô.

Hình như Q. có thay đổi, cậu bé chịu khó ngồi yên nghe tôi nói và điểm số dần được cải thiện đôi chút, còn tôi thì mệt đứ đừ khi cứ lặp đi lặp lại bài giảng để giúp cậu bé có thể tập trung hơn vào bài vở.

Ngày 20-11, khi chương trình văn nghệ đang diễn ra thì mẹ Q. đến gặp tôi. Bên cạnh bà, Q. cười toét miệng và chỉ vào tôi một cách đầy tự hào: “Mẹ ơi, đây là cô giáo của con”. Người đàn bà cười hồn hậu: “Cảm ơn cô nhiều lắm, Q. nói tôi phải đến gặp cô cho bằng được, nó nói cô giáo con đẹp lắm, cô thương con nhất lớp”.

Tôi ngạc nhiên cực độ bởi biết mình chẳng đẹp và cũng chẳng yêu thương cậu bé nhất lớp. Với tôi, Q. vẫn là thằng bé quậy phá, vậy mà với nó, tôi đã thay đổi đến thế sao? “Tại sao con lại nói vậy?” - tôi hỏi Q.. “Vì cô dành thời gian cho con nhiều nhất, cô ngồi bên con suốt”.

Ngay lúc đó tôi chợt nhận ra ý nghĩa trong câu nói ngày xưa của mẹ, đúng rồi, có ai vá một chiếc áo lành hay quét một cái nhà sạch đâu, người ta chỉ khâu lại những chiếc áo rách, chỉ dùng thời gian để cải tạo một điều đó. Và khi làm vậy họ phải nỗ lực rất nhiều để có được điều mình mong muốn.

Dường như phần lớn cuộc đời chúng ta là mong chờ những điều tốt đẹp - giống như những tấm áo lành, những ngôi nhà sạch - và luôn kêu ca phàn nàn mỗi khi đối diện với khó khăn, đến nỗi quên mất rằng chẳng có gì tự nhiên mà có.

Em trai tôi đúng là một đứa ngỗ nghịch, tôi đã ghen tị khi mẹ dành nhiều thời gian cho nó hơn tôi. Tôi chứng minh mình là đứa con gái ngoan và mẹ tôi có thể yên tâm về tôi. Còn nó, mẹ đã phải nỗ lực biết bao để giúp nó trở thành một chàng trai trưởng thành. Mẹ đã giúp tôi nhìn thấy sự bất toàn của người khác nhưng thay vì chê trách hay tránh né thì hãy dành thời gian nhiều hơn cho nó.

Sự trưởng thành của em trai tôi đã lấy đi của mẹ bao nhiêu sức lực, biến mẹ thành một bà lão già sọm và nhăn nheo, nhưng với tôi, mẹ mãi là người mẹ đẹp nhất khi luôn cặm cụi suốt đời để vá lành những chiếc áo rách của con cái, để giúp chúng tinh tươm và hữu ích cho đời...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận