TTCT - Quý 1-2022 có thể được xem như là vô cùng bất ngờ đối với các nước ASEAN, có điều là bất ngờ không mong muốn! Những ý tưởng “đoàn kết trong đa dạng”, “tính trung tâm”... bỗng dưng va chạm với thực tế khắc nghiệt chưa từng thấy. Tình cờ, tất cả diễn ra khi bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN của Campuchia. Bom đạn vẫn giết người và tàn phá lãnh thổ Ukraine trong tuần lễ thứ năm của cuộc chiến tranh này, những ngày cuối cùng của tháng 3-2022. Tất cả đã khiến cho những hứa hẹn của ASEAN và các đối tác vài tháng trước đó như những tấm ảnh nhạt nhòa, giờ bị bao phủ bởi những đường kẻ và nếp nhăn, những tấm vé bị xé đôi, ký ức thành từng mảnh vụn..., như lời bài hát Traces của ban nhạc Classic IV mà ngày xưa anh Tuấn Ngọc hát lại hằng đêm trên ở phòng trà Tự Do khá truyền cảm: “Faded photographs, covered now with lines and creases, tickets torn in half, memories in bits and pieces”. Điều đáng sợ là những biến đổi chôn vùi đó quá nhanh. Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga năm 2018. Ảnh: eastasiaforum.orgKỷ niệm của ASEAN và châu ÂuThật vậy, kỷ niệm cuối cùng trong yên bình và hy vọng của ASEAN với châu Âu, ngày tháng mà nói, không xa lắm, mới chỉ 4 tháng vài ngày, tính từ cuộc họp qua video ASEAN - châu Âu lần thứ 13 (ASEM 13) hôm 25 và 26-11-2021 do Campuchia đăng cai. Số là hôm 28-10-2021, Brunei đã chuyển giao chức trách chủ tịch luân phiên ASEAN cho Campuchia.Cũng ngày hôm đó, hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga lần thứ tư đã diễn ra, trực tuyến do COVID, kỷ niệm 30 năm quan hệ song phương. Tuyên bố chung còn lấy chủ đề “Xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và bền vững”, thể hiện ước ao của cả hai phía. Điều 2 Tuyên bố chung nêu rõ tính thượng tôn luật pháp và tính tôn trọng lẫn nhau: “Thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và Nga dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau vì nền độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc; tôn trọng luật quốc tế; quyền lãnh đạo sự tồn tại của quốc gia không bị ảnh hưởng bởi can thiệp bên ngoài, lật đổ hoặc ép buộc; không can thiệp vào nội bộ của nhau; dựa vào việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; và hợp tác hiệu quả”.4 tuần sau, tới phiên 21 nhà lãnh đạo ASEAN cùng một số nước châu Á khác họp với 30 nhà lãnh đạo châu Âu, chủ đề hội nghị: “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung”. Tuyên bố chung có đoạn: “Các nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa châu Á và châu Âu trong việc tăng cường đối thoại và thúc đẩy hợp tác theo định hướng hành động, dựa trên sự đồng thuận, quan hệ đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau... và chủ nghĩa đa phương rộng mở...”. Những từ khóa như “đối thoại”, “đồng thuận”, “bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”, “chủ nghĩa đa phương”... đến nay phải đối mặt với hiện thực phũ phàng.Xây lâu phá mau: Chiến tranh đang đe dọa xóa sạch nhiều thứ sau 5 tuần lễ: không còn chỗ cho đối thoại khi đối thoại đang dần thành độc thoại, đồng thuận là vâng phục, còn bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau cùng chủ nghĩa đa phương giờ đang mất tích trong thực tế. Ao ước tăng cường “năng lực giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực” của các bên giờ biến thành “bất lực trong giải quyết các vấn đề” của chính khu vực châu Âu! Thậm chí yêu cầu tưởng như khẩn thiết lúc bấy giờ: “giải quyết... đại dịch COVID-19”, cũng không còn được ai bận tâm, khi ưu tiên giờ đây là làm sao sống còn trong hòn tên mũi đạn. Đó là về phía châu Âu, còn về phía ASEAN, may mắn hơn, mới chỉ bị “nội thương”, như tờ Nikkei Asia 27-3 “chẩn đoán”: “Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đang đe dọa sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á sau đại dịch - nếu không nhất thiết là trực tiếp, thì gián tiếp qua ngã châu Âu”.Tháng 1 và 2-2022 trôi qua thật nhanh trong những căng thẳng ngày càng gia tăng vì vấn đề Ukraine. Các ngoại trưởng ASEAN “họp riêng” gián tiếp và trực tiếp tại Phnom Penh trong hai ngày 16 và 17-2. Như đã lên kế hoạch, hội nghị chủ yếu bàn về các vấn đề lớn trong nội bộ, từ kêu gọi các nước thành viên thông qua Thỏa thuận Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), Sáng kiến ASEAN ứng phó các trường hợp khẩn cấp và thảm họa (ASEAN SHIELD), Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm bảo vệ và bảo toàn tính trung tâm của ASEAN, và cả vấn đề Biển Đông. Thông cáo báo chí của chủ tịch bấy giờ không thấy nêu châu Âu. Đùng một cái, một tuần sau cuộc “họp riêng” nói trên của các ngoại trưởng ASEAN, chiến tranh nổ ra ở Ukraine, châu Âu và cả thế giới nháo nhào.ASEAN trong cuộc chiến UkraineChiến tranh bùng nổ hôm 24-2. Hai ngày sau, các ngoại trưởng ASEAN ra thông cáo về tình hình Ukraine bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, “kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và cố hết sức đeo đuổi đối thoại bằng mọi kênh” nhằm “tìm kiếm một giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế cùng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á”. Đáng ghi nhận là thông cáo không nêu “ai là ai?” trong cuộc khai chiến. Phải chăng đây là một cách để hóa giải những khác biệt quan điểm trong nội bộ, tạo ra một thứ “mẫu số chung” theo nguyên tắc đồng thuận lâu nay? Nhưng thực tế sau này sẽ sớm cho thấy ASEAN không hẳn nhất trí một lòng.Về mặt hình thức, phải nhìn nhận là các ngoại trưởng ASEAN đã nhanh nhạy khi chêm ngay vào trong thông cáo trên, sau Hiến chương LHQ, một “sản phẩm” cây nhà lá vườn là Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Hiệp ước này, ra đời năm 1976, đề ra một số nguyên tắc nhằm thúc đẩy hòa bình vĩnh viễn, tình thân ái và sự hợp tác vĩnh cửu giữa người dân Đông Nam Á, nay đã mở rộng sự tham gia ra với các nước bên ngoài ASEAN, trong đó có Trung Quốc (tham gia năm 2003), Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Hàn Quốc, Nga (cùng năm 2004), Triều Tiên (2008), Mỹ (2009), Canada và Thổ Nhĩ Kỳ (2010), EU và Anh (2012), Iran (2018)..., tức đầy đủ các “ông lớn” có vai trò trong các vụ việc lớn của thế giới, và cả trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại.Các nguyên tắc của TAC có thể tham khảo cho trường hợp Ukraine là: tôn trọng lẫn nhau đối với độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của các quốc gia; quyền của mỗi quốc gia được kiểm soát sự tồn tại của quốc gia mình mà không bị can thiệp, lật đổ hoặc ép buộc từ bên ngoài; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết khác biệt hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực...ASEAN kêu gọi tham khảo TAC, song tham khảo và áp dụng hay không là quyền của các nước liên can, nên chiến sự cứ không giảm mà lại tăng. 5 ngày sau, các ngoại trưởng ASEAN ra tiếp một thông cáo kêu gọi ngưng bắn “nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại và tránh làm tăng thêm đau khổ với người dân vô tội”. Song, lời kêu gọi này cũng như bao lời kêu gọi khác từ LHQ đã không được ai nghe: tình hình hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của chính những người trong cuộc, vượt qua điểm “bất khả hoàn”.Đến đây, ASEAN cho thấy cái khẩu hiệu cốt lõi bao năm qua là “đoàn kết trong đa dạng” đang như thế nào trong thực tế. Những cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng LHQ đã cho thấy các thái độ khác nhau hoàn toàn khi từng nước phải tỏ thái độ. Tất nhiên, là bởi mỗi nước có những chọn lựa của mình căn cứ trên quan điểm, lợi ích, nhu cầu, và ràng buộc của riêng mình.Trong số các nước ASEAN, Singapore là nước có phản ứng mạnh mẽ nhất với Nga. Singapore tự giải thích bằng nhiều bài báo, trong đó có bài đăng hôm 15-3 trên trang Fulcrum.sg của Viện Nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak. Bài viết thừa nhận ở Đông Nam Á, Singapore là thành viên ASEAN duy nhất lên án Nga đích danh và công bố một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính và kiểm soát xuất khẩu đối với Matxcơva.Đó là do Singapore quan niệm rằng hành động quân sự của Nga tấn công Ukraine là “vô cớ” và “vi phạm luật pháp quốc tế” do lẽ Hiến chương LHQ nghiêm cấm các hành động xâm phạm chủ quyền nước khác. Bài viết nhấn mạnh: “Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo rằng nếu quan hệ quốc tế “lấy sức mạnh làm lẽ phải”, thì “thế giới sẽ là một nơi nguy hiểm với các nước nhỏ như Singapore””. Singapore đã cùng 81 quốc gia khác đồng tài trợ cho một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên án Nga, song nghị quyết này đã bị Nga phủ quyết.Ngược lại, nhà cầm quyền quân sự Myanmar thì ủng hộ Nga công khai. Chủ nhật 27-3, khách mời thượng hạng ở cuộc duyệt binh nhân “Ngày quân lực” thứ 77 của nước này là Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cùng một toán phi công sang bay biểu diễn các chiến đấu cơ phản lực mà không quân Myanmar vừa mua của Nga, dù trước đó một ngày, Mỹ, Anh và Canada vừa loan báo thêm trừng phạt vụ mua bán máy bay và vũ khí sát thương này.Được biết vào Ngày quân lực Myanmar năm 2021, binh sĩ nước này đã bắn vào người biểu tình khiến khoảng 160 người thiệt mạng (Al Jazeera 27-3-2022). Trước vụ đảo chính đầu năm 2021 dẫn đến lệnh trừng phạt Myanmar, Belarus, Ấn Độ, Pakistan, Ukraine, Hàn Quốc và Israel còn bán vũ khí và thiết bị cho nước này. Sau chính biến, hiện còn 3 nước vẫn đang bán vũ khí cho Myanmar là Nga, Trung Quốc, và Serbia, cũng theo Al Jazeera. Đã có những tố cáo không quân Myanmar sử dụng máy bay Su-20 để thả bom ở bang Kachin. Năm ngoái, bất chấp bị lên án vì cuộc đảo chính, quân đội nước này đã tham dự International Army Games tổ chức ở Nga cùng quân đội các nước “tự phong” Abkhazia, Nam Ossetia, những nơi này đang gửi quân tới Ukraine.Hai đất nước Singapore và Myanmar, cùng trong ASEAN, song hai chính sách và thái độ đối nghịch hoàn toàn. Nó cũng cho thấy tính “đoàn kết trong đa dạng” đang bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng ra sao.Những cảnh báo “tồn tại”Bài viết trên Fulcrum dự báo một tương lai nhiều bất trắc, và nhắc rằng các nước ASEAN cần lưu ý đến các hậu quả của hành động của Nga ở Ukraine. Đầu tiên, việc Nga không tuân theo luật pháp quốc tế sẽ gây ra tiền lệ xấu một khi những vụ việc tương tự xảy ra ở Đông Nam Á và rộng hơn nữa là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bài viết nhấn mạnh: “Nhu cầu bảo vệ các nguyên tắc luật pháp quốc tế, cũng như tố giác các bên bị coi là vi phạm các nguyên tắc đó, là tối quan trọng với Đông Nam Á, nơi lợi ích của các cường quốc và tầm nhìn khác nhau của họ về trật tự khu vực ngày càng xung đột với nhau”. Theo đó, “bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp sẽ hủy hoại cốt lõi nền an ninh và sự thịnh vượng của Đông Nam Á”.Cảnh báo thứ nhì là hành động của Nga ảnh hưởng đặc biệt đến Đông Nam Á, do quan điểm của Trung Quốc và Nga hiện đang đồng quy về việc đảo ngược trật tự khu vực vẫn đang do Mỹ dẫn đầu, và khả năng các nước lớn khác có thể rút kinh nghiệm từ kịch bản Ukraine, sử dụng một cái cớ được tạo ra để xâm lược hoặc cưỡng đoạt lãnh thổ đang tranh chấp, hay mạnh tay hơn trong các chiến thuật “vùng xám” (tức khiêu khích quân sự dưới ngưỡng chiến tranh) và “chiến tranh hỗn hợp” ở các điểm nóng khu vực: Biển Đông, Senkaku/Điếu Ngư, Đài Loan...Bài phân tích kết thúc bằng một nhận xét quan trọng: “So với Ukraine, một quốc gia không phải là thành viên NATO và không được coi là lợi ích cốt lõi với Washington, lợi ích của Mỹ ở châu Á cao hơn nhiều, do các cam kết liên minh của Mỹ với Nhật Bản và với Philippines. Điều này sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng. Mặc dù Washington không có liên minh quân sự chính thức với Đài Loan, nhưng vẫn được coi là nước bảo đảm an ninh trên thực tế của hòn đảo. Các lợi ích cao hơn đối với Washington khiến cho Trung Quốc có lý do để thận trọng”.Tổng kết lại, chưa bao giờ ASEAN đối đầu với nhiều thách thức như vậy. Cùng những gì đang diễn ra trong khối NATO hay EU, có thể thấy các tổ chức đa quốc gia đã hình thành từ mấy chục năm trước nay đang lung lay do tính gắn kết bị thực tế làm chao đảo - thực tế từ những lo lắng về an nguy quốc gia trước chiến tranh và sự tập hợp lực lượng ngày càng ráo riết của các cường quốc. Tags: ASEANĐông Nam ÁSingaporeMyanmarChiến tranh Nga UkraineĐồng thuận
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai phi công lái máy bay Yak-130 gặp nạn NAM TRẦN 23/11/2024 Lễ trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai đại tá phi công Nguyễn Văn Sơn và thượng tá Nguyễn Hồng Quân đã diễn ra vào chiều nay 23-11.
Đề xuất xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng với 1.850 tỉ đồng, năm 2028 đưa vào sử dụng ÁI NHÂN 23/11/2024 Theo dự án, thời gian thực hiện sẽ là 5 năm và năm 2028 hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đặt hàng 2 hôm đã có 'shipper dỏm' gọi, dù đơn mới thông quan CÔNG TRIỆU 23/11/2024 Rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online liên quan đến câu chuyện bị 'shipper' mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt, cho thấy đây đúng là một vấn nạn đang tồn tại và gây nhức nhối.