TTCT - Nghệ sĩ đàn viola Aurélie Vinatier làm việc cho Nhà xuất bản âm nhạc Durand Salabert Eschig (thuộc Universal Music tại Paris, Pháp). Bốn năm qua theo chồng sang Hà Nội làm việc, nay chuẩn bị về nước, kỷ vật đặc biệt nhất chị mang theo là những đoạn âm thanh chị ghi lại từ đời sống phố phường Hà Nội, trong đó tiếng rao của những người bán dạo chiếm vị trí trung tâm. Aurélie đã dành cho TTCT cuộc trò chuyện về trải nghiệm của mình với những lời rao ấy. Phóng to Nghệ sĩ Aurélie Vinatier - Ảnh do nhân vật cung cấp Đâu đâu cũng thấy nhạc Chào chị, tình cờ được biết về dự định của chị với âm thanh phố phường Hà Nội. Vì sao chị lại quan tâm tới những âm thanh ấy, nhất là tiếng rao của những người bán dạo? - Tôi có học về dân tộc nhạc học và vô cùng hứng thú với công tác điền dã mà bất cứ nhà nghiên cứu âm nhạc nào cũng trải qua. Được ở Việt Nam lâu như thế đối với tôi là một cơ hội ngàn vàng, vì đất nước này đâu đâu cũng thấy nhạc. Ngày ngày tôi đều thấy những người bán rong đi qua khu phố nơi mình ở, ngày ngày nghe tiếng rao của họ nên tôi nảy ra ý định ghi âm lại. Vì bản thân cũng là nhạc công nên tôi không khỏi lẩm nhẩm theo giai điệu những lời rao ấy. Có thể nói tôi cũng đôi chút bị ám ảnh. Tôi mong được lưu giữ lại những lời rao thoạt tiên chỉ để làm kỷ niệm, nhưng rồi về sau tôi mong muốn đào sâu thêm công việc này, muốn hiểu những lời rao ấy có ý nghĩa gì. Cuối cùng tôi tự nhủ thu lại những âm thanh này là cần thiết vì chẳng mấy chốc chúng sẽ không còn... Chị đã gặp những lời rao như thế ở các nước khác bao giờ chưa hay đây là một “đặc sản” Việt Nam? - Không, đây không phải là đặc sản Việt Nam đâu. Trong vùng nước nào cũng có: Lào, Campuchia, Indonesia... Tôi chắc rằng ở các châu lục khác cũng vậy, ở châu Phi, Nam Mỹ hay châu Âu đều có. Ở Pháp cũng từng có những nghề như bán báo, mài dao, đồng nát... và mỗi người bán đều có cách riêng để thu hút khách hàng. Chỉ có điều ở đâu cũng vậy thôi, những nghề ấy dần biến mất. Nếu so TP.HCM với Hà Nội thì TP.HCM hiện đại hơn, cũng nghe ít tiếng rao hơn. Nhưng về mặt âm nhạc, những lời rao này có gì đặc biệt? - Đó thường là những lời rao ngắn, dễ nhận biết, theo dạng những giai điệu mini vẫn in hằn trong tâm trí chúng ta. Một số người bán dạo có giọng rao không thể tin nổi! Tôi nghĩ đến anh thợ sửa đồ điện hay anh bán bánh mì. Giọng anh này ở đâu đó giữa tiếng gọi, tiếng hét và tiếng hát. Phản ứng của họ ra sao khi chị ghi âm họ? - Tôi nghĩ thật ra họ không nhận ra đâu, vì tôi cũng không thích chụp ảnh họ lắm. Với họ đó là việc hằng ngày thôi. Họ không hiểu được mình có thể mang tới cho ai đó hứng thú nào đó về mặt nghe - nhìn cả. Phụ nữ thường đội nón sụp xuống... chắc chẳng phải vô tình. Cho nên tôi luôn cố kín đáo hết mức có thể. Tôi lẫn trong khung cảnh, vì khu tôi ở ai cũng biết tôi cả, không ai để ý nữa. Đất nước này đang hít căng lồng ngực Với người Việt thì những lời rao là một hình thức quảng cáo. Qua thời gian, chúng trở thành một nét văn hóa, đi vào tiềm thức mỗi người như một kỷ niệm của nơi họ đã từng sống. Còn đối với chị là người nước ngoài, những tiếng rao ấy là gì? - Chúng cho tôi cảm tưởng đất nước này đang hít căng lồng ngực... Tôi không biết phải giải thích thế nào nhưng điều tôi sẽ lưu giữ về Việt Nam chính là âm thanh không ngừng nghỉ, những giọng nói, điệu nhạc, lời gọi nhau trên phố, tiếng nói chuyện, tiếng chim... Có cả những âm thanh rất khó chịu nữa. Chị định làm gì với những đoạn ghi âm này? - Tôi định làm nhiều thứ, đầu tiên là dựng thành dạng phát thanh, về lâu dài có thể là một cuốn sách với ảnh và tranh vẽ minh họa, kèm theo một CD âm thanh. Tôi còn có một dự định nữa với một người bạn ở Pháp đang có mong muốn làm một triển lãm sắp đặt về Việt Nam. Chúng tôi sẽ sử dụng một vài khung cảnh âm thanh để làm cho triển lãm được hoàn thiện hơn. Hiện nay tôi đã dựng được một số phóng sự âm thanh, có thể tôi sẽ đưa cho một số người ngoài cuộc nghe để xem họ phản ứng thế nào. Nếu tốt thì tại sao lại không giới thiệu chúng với một đài phát thanh của Pháp nhỉ? Chị có thấy hài lòng về khám phá âm thanh của mình tại Việt Nam không? - Có và không! Tôi rất khó tính. Thật ra có thể nói tôi hơi chậm chân ở đây. Tôi có cảm giác cách đây vài năm những lời rao thật hơn, mộc hơn. Bây giờ tôi cũng thu được một ít, nhưng chắc hẳn không đa dạng bằng nếu như tôi có mặt ở đây sớm hơn. Nếu phóng sự của chị được phát trên đài phát thanh Pháp, chị có dự định gì tiếp? - Nếu thế thì thật tuyệt vời! Dĩ nhiên tôi rất mong trở lại Việt Nam, tiếp tục nghiên cứu âm nhạc, dưới một góc độ khác. Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này và chúc cho ý nguyện của chị thành sự thật. Tags: Hà NộiĐời sống văn hóaTrải nghiệmTiếng raoThu hươngAurélie VinatierNghệ sĩ đànViola
Ông Trump chọn tỉ phú Elon Musk đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ THANH HIỀN 13/11/2024 Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo tỉ phú Elon Musk và cựu ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy sẽ lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ.
Ông Trump chọn người dẫn chương trình Fox News làm bộ trưởng quốc phòng THANH HIỀN 13/11/2024 Việc ông Trump lựa chọn ông Pete Hegseth - một cựu binh và người dẫn chương trình của Fox News - làm bộ trưởng quốc phòng là nằm ngoài tiêu chuẩn thông thường cho vị trí này, tờ New York Times bình luận.
Tin tức thế giới 13-11: Ông Trump chọn được lãnh đạo CIA; Mỹ: lính Triều Tiên đang cầm súng ở Kursk THANH HIỀN 13/11/2024 Mỹ lên tiếng: Lính Triều Tiên đã tham chiến cùng Nga; Ông Trump đề cử nhân vật bảo thủ, ủng hộ Israel làm đại sứ.
Cô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ: 'Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi' PHẠM VŨ 13/11/2024 Linh chỉ còn bà ngoại để nương tựa, dằng dặc tháng năm ở trọ vì không có nhà. Lần đầu được đến trường đại học nằm trong khu phần mềm Quang Trung, cô gái choáng ngợp vì trường đẹp quá, mát quá, muốn được ở mãi trong trường.