Ba má không hiểu nhiều thứ lắm...

TTCT - Tôi đem những câu chuyện trong loạt bài “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” (xem TTCT từ số ra ngày 3-6) thảo luận với nhóm học sinh lớp 12 vừa thi tốt nghiệp xong.

Nhóm học sinh này sống cách thành phố Tuy Hòa 8km, một vùng nông thôn đang bị/được đô thị hóa từng ngày. Sau đây là một phần của cuộc chuyện trò.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

* Ba má có thường nói chuyện với chúng ta không? Như là trao đổi vấn đề gì đó hay hỏi ý kiến, kể chuyện thời ba má đi học...

- Không bao giờ hỏi ý kiến. Quanh đi quẩn lại chỉ nhắc chừng ráng học, nghe hoài mệt.

- Ba má không kể chuyện đi học mà chỉ so sánh hồi xưa ba má khổ cực, bây giờ bọn em sung sướng đủ đường còn đèo bòng nọ kia. Ba má than van đến điếc tai rồi mới chịu đáp ứng những đòi hỏi của bọn em như: mua điện thoại di động nhiều chức năng, sắm quần áo, mua máy vi tính...

- Ba má ra lệnh là chủ yếu.

* Chúng ta có chia sẻ với ba má về trường lớp - thầy cô - bạn bè, về tình yêu đôi lứa chẳng hạn?

- Cũng có, nhưng thường hỏi được vài câu là bị nạt. Hồi nhỏ thì không như thế.

- Về những chuyện này bọn em tìm câu trả lời trên Google, chia sẻ với bạn bè qua Yahoo chat, email... Bọn em còn có một trang blog riêng cho lớp nữa đấy.

* Có điều gì chúng ta hiểu nhưng ba má không hiểu, ba má không theo kịp chúng ta?

- À, hình như ba má mình chỉ biết nghe - gọi điện thoại là hết, ngay cả gởi tin nhắn cũng không được.

- Nhiều thứ lắm, riêng chương trình tivi đã có nhiều thứ ba má không hiểu vì họ dùng tiếng Anh nhiều quá.

- Em nghĩ ba má không theo kịp giới trẻ là bình thường. Ai làm nuôi mình để ba má lên mạng, tìm hiểu thế giới của bọn mình. Nếu bọn em không theo kịp các bạn, cái đó mới đáng xấu hổ.

* So với học sinh ở thành phố, chúng ta có thấy mình lạc hậu hơn, thiệt thòi gì không?

- Lạc hậu thì không, trên không gian mạng ai cũng như ai. Bọn em cũng biết thế nào là lối sống emo, biết hip hop, biết flashmob, biết idol... Nhưng chỉ biết thế thôi chứ không dám thực hành, cũng không có điều kiện thực hành.

- Sao không thực hành, tóc bạn đang để bù xù phủ cả con mắt kia, không emo thì là kiểu gì?

- Các bạn ở phố giàu có, nhà ai cũng nối mạng còn bọn em muốn chia sẻ, liên lạc, tìm hiểu cái gì đó phải ra tiệm Internet. Nhiều khi không có tiền trả cho tiệm net.

- Thiệt thòi nhiều chớ. Các bạn ở phố tự do hơn, nhiều thứ giải trí hơn, nhiều chỗ chơi hơn. Bọn em mong đậu được cao đẳng, đại học để thoát ly gia đình, để được tự do làm điều mình thích.

* Chúng ta sợ ba má điều gì nhất?

- Em thì chỉ sợ ba má buồn nên ráng học, ráng nghe lời.

- Không nghe lời ổng bả, ổng bả không cho tiền.

- Ba má nhiều khi la rầy không đúng, ngầy ép tụi em nhưng tụi em phải nghe, phải sợ. Ba má nuôi mình mà, ba má có quyền la rầy.

* Chúng ta mong muốn điều gì nhất?

- Bọn em mong đất nước mình phát triển, giàu mạnh để có nhiều việc làm cho bọn em. Nhất là làm ra nhiều tiền giúp ba má hết khổ, theo kịp văn minh thế giới.

__________

Hiện nay cảnh tượng các bà mẹ tuổi trung niên vò đầu bứt tai học “mổ cò” từng phím một trên máy tính để có thể liên lạc bằng mạng Internet với con đi học xa không còn mới mẻ nữa, cũng như vài ông bố đầu hai thứ tóc không ngờ mình đang còn lò dò tìm hiểu các chức năng trên cái điện thoại đời mới thì thằng con lớp 5 đã biết dùng nó để chụp hình và chơi game rồi. Hiện tượng bố mẹ... lạc hậu xuất hiện ở cả thành thị và thôn quê, với nhiều mức độ khác nhau.

Không chỉ là chuyện sử dụng công nghệ mới mà cả quan niệm sống cũng bị tấn công, khi truyền hình chiếu cảnh nhạy cảm, có khi chính các ông bố bà mẹ mới thấy... nhạy cảm chứ con cái thì không. Khi người già thắc mắc: “Cái đứa đang hát là con trai hay con gái vậy bây, sao nó nhảy nhót gì mà như bị điện giựt vậy?” thì bọn trẻ nhìn nhau cười... độ lượng: “Bà bị... sốc văn hóa đó mà!”.

Sự phát triển của kỹ thuật công nghệ khiến chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận rằng rồi tất cả cha mẹ sẽ lạc hậu với thời gian. Khi cuộc sống thay đổi nhanh chóng như hiện nay, sự lạc hậu cũng xảy ra nhanh hơn với khoảng cách lớn hơn so với hàng ngàn năm trước. Và chúng ta đang chứng kiến khoảng cách đó có thể xảy ra ngay trong cùng một đất nước, một xã hội, một thế hệ; khi khoảng cách giàu - nghèo, thành thị - nông thôn đã dẫn tới khoảng cách khó san bằng hơn về hiểu biết - ngu dốt, tiến bộ - thiển cận, cởi mở - cực đoan...

Và một khi bố mẹ rồi sẽ lạc hậu, sẽ nhận ra việc đồng hành cùng con mang nhiều giá trị tinh thần hơn, rằng nhờ chạy đua cùng con mà họ lại có cơ hội khám phá thêm nhiều điều mới mẻ cho chính mình, rằng mình sẽ có thêm nhiều chọn lựa cho bản thân trong việc giáo dục con trẻ, rằng nhờ vậy mà mình có thời gian dành cho con hơn; điều đó có ý nghĩa hơn việc lo sợ bị con bỏ lại phía sau để rồi cảm thấy bất lực và tức giận.

Bản sắc hay truyền thống là những khái niệm mang tính riêng biệt, kế thừa; nó cần được thừa hành liên tục trong thời gian dài và tiếp nối nhau. Bản thân cha mẹ phải có tinh thần lưu giữ truyền thống gia đình chứ đừng nghĩ mình phải chạy theo con rồi quên đi việc nhắc nhở vị trí con trẻ cũng như trách nhiệm của người lớn trong gia đình.

Đây không phải là việc lưu giữ những điều xưa cũ hay tôn ti trật tự kiểu cực đoan “cha mẹ nói đố có sai”, mà cần xác định với con trẻ rằng mọi thành viên trong nhà đều có tiếng nói tương ứng với vị thế của họ trong gia đình. Đó còn là bản lĩnh của người đi trước, điều mà thế hệ trẻ cần có thời gian để học hỏi và hoàn thiện.

__________

Những chuyên gia tư vấn tâm lý như tôi thường xuyên nhận email của các em than thở về những mâu thuẫn thế hệ, mâu thuẫn giữa các quan niệm, các giá trị sống cũ và mới, xưa và nay. Em H., học sinh một trường cấp III tại Thủ Đức, TP.HCM, viết: “Thưa cô, ba mẹ không hiểu con. Con thấy gia đình con giống như trại lính vì ba mẹ chỉ biết ra mệnh lệnh...”.

Em Y., sinh viên một trường đại học tại Quy Nhơn, ray rứt hơn: “Nhiều ngày con và mẹ không nói chuyện với nhau rồi. Tình trạng này ngày càng kéo dài và thường xuyên. Hình như con không còn có thể chia sẻ với mẹ điều gì cả. Giống như con và mẹ nói chuyện với nhau qua tấm kính dày, vô hình, lạnh giá...”.

Tôi có người bà con xa tên D., một Việt kiều làm nghề kế toán tại Canada. Con gái duy nhất của anh chọn học mỹ thuật vì muốn trở thành một chuyên viên thiết kế thời trang. Năm thứ hai đại học, cháu xin bảo lưu kết quả và bắt đầu đi du lịch khắp nơi. Với một số bậc cha mẹ, có lẽ họ sẽ quyết liệt ngăn cản nhưng với anh D. và vợ anh thì không. Cả hai cùng cho con “mượn” tiền để đi được nhiều nơi hơn.

Anh D. bảo: “Tôi luôn dạy con là người trung thực, tử tế, còn thì mọi thứ tôi đều ủng hộ con, con cứ sống như con mong muốn và con hãy là người hạnh phúc. Con hạnh phúc thì con mới đem hạnh phúc đến cho người khác được”. Anh như người bạn lớn của con, mọi thứ con đều tâm sự cùng cha. Ngay cả khi chia tay bạn trai, con anh đã lao vào vòng tay cha mà khóc. Anh ôm con và bảo: “Khóc nữa đi con, khóc nhiều đi con nghen. Khóc rồi hãy quên đi...”.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái không chỉ diễn ra ở các gia đình trẻ Việt kiều mà còn diễn ra tại các gia đình trẻ Việt Nam. Trẻ con được tiếp xúc với một thế giới đa chiều với vô số giá trị mới và cả những lời cổ vũ cho tự do cá nhân. Sự dung hòa giữa cha mẹ và con cái không phải là điều đơn giản.

Nhiều cha mẹ sợ mất con, càng cố níu giữ và kiểm soát con nhiều hơn, do đó cả con cái và cha mẹ không tìm được tiếng nói chung, thậm chí đó còn là bi kịch của trẻ mà trẻ chỉ biết chống đỡ bằng câm lặng và đóng cửa lòng mình trước cha mẹ. Vấn đề là ở chỗ cha mẹ hãy biết học những kỹ năng giáo dục mới, biết làm bạn với con và biết đồng hành cùng con trên bước đường phát triển trí tuệ và nhân cách.

__________

Tin bài liên quan:

Hãy sánh bước cùng con
“Cùng nhau tìm kiếm bản sắc" - cuộc chạy đua vô vọng?
Theo chứ không bị dắt
Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận