Bà, ong vò vẽ, dưa hấu

ZAKHAR PRILEPIN (NGA) 12/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT- LTS: Trong số này, TTCT giới thiệu tới độc giả truyện ngắn thứ hai của tác giả Nga Zakhar Prilepin (sau Ô vuông trắng, TTCT số 21 ra ngày 5-6-2016). Cùng lúc, ông cũng trả lời phỏng vấn TTCT về những vấn đề chính trong các tác phẩm của mình, về những trăn trở không chỉ của một nhà văn mà còn của một công dân Nga.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


Bà đã ăn dưa hấu. Đó là món ăn chơi tuyệt vời tháng tám. Chúng tôi - một gia đình đông đúc, trìu mến - cùng thu hoạch khoai tây. Đến nay tôi vẫn còn nhớ âm thanh tươi vui đó - tiếng va của khoai tây vào đáy xô. Những cái xô thủng rách, không còn hợp cho các chuyến dạo chơi ra giếng, chỉ còn hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu, cuối cùng - đưa lũ khoai tây đến những cái bao ưỡn bụng đứng tận mép vườn.

Khoai tây được đổ đầy vào bao, âm thanh đã khe khẽ, rào rạo, khô khan. Bụi và mùi ẩm mốc từ những cái bao bốc lên. Chúng đã nằm trong kho chứa cả năm, nhàu nát.

Những chiếc bao cũng rách nhưng không quá tệ, đôi khi từ bên hông toạc rách một củ khoai tây nhẹ dạ bé bỏng tòi ra. Khi người ta nhấc cái bao lên nó nhảy xuống đất, ngay lập tức chui vào lớp đất đen mềm mại và rồi chẳng còn ai nhớ tới nó nữa.

Trời còn nắng, nhưng ánh mặt trời đã đầy tháng tám, sự tàn lụi nhẹ nhàng và mật ngọt.

Tôi luôn bắt gặp mình nghĩ phải đứng dậy và nhìn thật lâu vào chiếc đĩa mặt trời, như thể để chia tay nó trước một cuộc du hành dài hạnh phúc. Có thể, đơn giản là tôi chẳng muốn làm việc. Nghĩ vậy nên tôi nói thu hoạch khoai tây chẳng phải là việc của đàn ông, nhưng không ai ủng hộ tôi. Chống lại tôi có mẹ tôi, dì tôi, các chị tôi, kể cả bà hàng xóm chạy tới giúp. Chỉ có bà là đứng về phía tôi.

- Việc gì của đàn ông! - bà nói - Việc gì đàn ông mò mẫm trong đất. Đây là việc của đàn bà. Thôi nằm xuống cỏ chơi đi, trong khi chúng ta thu hoạch. Kéo mấy cái bao này chỉ tổ hại người...

Bà nói tất cả bằng giọng mỉa mai dễ thương không thay đổi của mình - nhưng dẫu vậy, mấy người phụ nữ vẫn la trách bà, phẩy tay, chen nhau nói phải để bọn đàn ông mò đất thôi, vì họ chẳng làm được việc gì khác.

Những người khác, các mugich người lớn, trong khi đó lại không làm việc. Ông thì rề rà trong sân với mấy cái hái, mài giũa rồi dộng cán chúng xuống. Cha tôi đi chợ và có vẻ chẳng vội trở về. Cha đỡ đầu của tôi, anh của cha ruột tôi, thì nằm cạnh cái máy kéo.

Buổi sáng ông cố khởi động máy, nhưng đã làm gì đó không đúng với máy móc nên cái máy kéo im bặt vô vọng. Bác Orkhan hàng xóm, người tị nạn từ miền nam, thợ lái máy kéo, một giờ sau đi ngang qua. Bác vốn tốt bụng nhưng lại chẳng biết đùa. Cha đỡ đầu đối với bác rất ngạo mạn và cứ có dịp là gây phiền toái. Gần như hễ thuận tiện là ông chòng ghẹo bác.

- Orkhan, khỏe chứ - cha đỡ đầu chào người hàng xóm đi ngang qua.

- Chào! - Orkhan khô khan đáp, luôn chờ trò mới của cha đỡ đầu.

Cha đỡ đầu tỏ vẻ bận rộn bất thường, làm mặt nghiêm trọng và lo lắng.

- Nghe này - ông nói nhanh - Mấy bà đang vội, mà tôi phải cho heo ăn. Ông nổ máy được chứ, Orkhan? Nổ máy, nổ máy đi, tôi quay lại ngay đây.

Orkhan chưa kịp đáp, cha đỡ đầu đã lê lệch xệch đôi dép cũ mòn lỉnh mất vào sân. Tất cả, ngoại trừ Orkhan, đều nhận thấy sau khi làm một vòng sân, cha đỡ đầu áp mắt vào cái cửa sổ con của kho chứa, nơi người ta đổ phân bón.

Ngần ngừ một chút, bất chấp sự vô lý của tình huống, tại sao lão hàng xóm vui vẻ không tự khởi động máy, Orkhan leo lên xe kéo. Một phút sau máy kéo gầm lên, hắt hơi, rồi một lần nữa im bặt.

Cha đỡ đầu đã kịp chạy đến khu vườn với đôi mắt trợn trừng: Ông làm gì thế Orkhan? Ông có là thợ lái máy kéo không đấy?

Orkhan thử thêm lần nữa, lần này cái máy kéo nói chung là tắt tịt.

Orkhan sợ hãi trèo xuống khỏi cái máy và đi quanh nó vài vòng. Cha đỡ đầu không để lỡ cơ hội làm xấu hổ bác hàng xóm, đòi bác phải sửa chỗ hỏng ngay lập tức.

- Mới chiều qua tôi còn làm việc với nó, Orkhan! - cha đỡ đầu mắng - Ông thấy tôi rồi còn gì! Ông đã làm gì mà nó chết máy vậy? Sửa ngay đi!

- Tôi phải ăn trưa, rồi còn làm việc tiếp - Orkhan khó nhọc tìm tiếng Nga để nói, thử kiếm cách chuồn, nhưng cha đỡ đầu đã xua đi.

- Công việc gì, còn tôi thì sao? Ông làm hư thì phải sửa. Láng giềng không thể đối xử nhau như thế, Orkhan. Chẳng lẽ ở Kavkaz các ông đối xử với hàng xóm như thế à?

Mươi phút sau Orkhan đã nằm dưới cái máy kéo, rung cái chân lông lá xua đám ruồi bâu lên đó. Cha đỡ đầu nằm cách đó không xa, rít thuốc, một tay kê sau đầu.

- Ông mà là thợ máy kéo gì Orkhan - cha đỡ đầu nói nhỏ - Chẳng thợ thiếc gì sất. Ông chẳng biết gì. Mới mở máy thì đã làm hỏng nó rồi.

- Hả? - Orkhan từ dưới cái máy hỏi lại.

Các bà cô thì cười. Chỉ mình bà làm ra vẻ không hiểu đang xảy ra việc gì. Đến đây thì cha tôi đi chợ về, mang theo ba quả dưa hấu rõ to mà nếu vắt thịt mọng từ mỗi quả người ta có thể lội được qua một con suối nhỏ.

Ôi, tiếng kêu lạo xạo dưa hấu ấy, cái ruột lạnh buốt săn chắc hạt đen. Không ai có thể cầm lòng khi cha tôi bổ ra cái quả tuyệt hảo, rưng rức này.

Vội vã kết thúc luống đất của mình, các bà chạy về phía quả dưa hấu và đứng sững quanh nó.

Chỉ còn mỗi bà vẫn khéo léo cào đất bằng đôi tay mạnh mẽ, thu nhặt khoai tây.

Mẹ tôi chạy vào lấy bánh mì trắng - dưa hấu ăn rất ngon với ruột bánh mì mềm.

- Bà! - các chị gọi bà - Lại đây đi!

- Đi đây, đi đây - bà đáp, nhưng lại làm nốt luống đất của mình, mang xô đến một cái bao vẫn còn lưng, khéo léo túm lấy rìa của nó và trút khoai tây vào. Những người khác đều cần giúp trong công việc không khó khăn này: chẳng hạn một người giữ bao, người kia đổ khoai tây - không thì khoai sẽ lọt ra ngoài. Còn bà thì không, bà đã quen làm mọi việc một mình.

Orkhan cũng được gọi vào ăn dưa hấu, nhưng cuối cùng bác cũng khởi động được máy và ngay tức khắc bỏ đi làm công việc của mình, không kịp cả đáo qua nhà. Mẹ gần như phải đuổi theo bác, bà bỏ vào cái túi một quả trứng, khúc xúc xích được cắt hào phóng với bánh mì, một chai sữa, đưa cho bác hàng xóm. Tôi cũng không nhận ra mẹ đã mang tất cả những thứ đó ra vườn và đặt dưới bụi cây râm mát tự khi nào.

Chúng tôi ăn dưa hấu, mắt nhìn nhau hạnh phúc: chứ còn có thể ăn dưa hấu thế nào nữa đây?

Mẹ trải tấm vải dầu đẹp màu đỏ và đen, bà ngồi cạnh trên chiếc ghế đẩu, cha thì đứng.

Nghe mùi mát lạnh của dưa hấu, ong vò vẽ, con này theo con khác kéo đến, bay vòng vòng trên đầu chúng tôi, quấy rầy và nguy hiểm.

Cha là người đầu tiên không chịu nổi. Có lẽ ong vò vẽ là thứ duy nhất ông sợ trên đời. Có lần say rượu, ông bị chúng chích, và ông, một người đàn ông khỏe mạnh cao 2m, lăn ra bất tỉnh. Đến tối thì đầu ông to đùng và đỏ hồng, cặp mắt biến mất trong đôi lông mày to sưng húp. Ông suýt chết.

- Tốt hơn tôi đi làm điếu thuốc - cha nói và lánh vào sau cái máy kéo. Lũ ong vò vẽ bám theo ông nhưng rồi quay trở lại, không hài lòng với mùi sắt và khói.

- Hở ra là hút, hở ra là hút - mẹ nói vói theo cha.

Vui vẻ phẩy lũ ong, cha đỡ đầu theo sau cha tôi. Nhìn mặt ông, tôi đoán các ông giờ sẽ nhắm rượu mà họ giấu đâu đó trong các hóc sắt của máy kéo.

Bà vợ của cha đỡ đầu nhìn theo ông, thử đoán gì đó. Nhưng bỗng nhiên một con ong vò vẽ đậu lên mặt làm bà phân tâm, bà bận rộn lấy khăn phẩy nó.

Bực mình vì lũ ong, các chị rủa xả, nhảy từ chỗ này sang chỗ khác, mẹ cũng sợ lũ côn trùng ương ngạnh này.

Tôi cố giữ phẩm giá, nhưng cũng không xong. Tôi thổi một con ong đậu trên miếng dưa hấu, những con ong vò vẽ không bám lâu, bay một vòng giận dữ và gần như muốn chích vào đầu tôi.

Chỉ mỗi bà ngồi yên không động đậy, chầm chậm nâng lên miếng lưỡi liềm đỏ dưa hấu mọi người đưa, mỉm cười, cắn một miếng mọng và ngon. Những con ong vò vẽ bò theo tay bà, leo lên mặt bà, nhưng bà không nhận thấy. Lũ ong bâu vào miếng dưa hấu, nhưng khi bà cắn dưa, chúng lại dịch ra xa hơn, ngay dưới răng và môi của bà, đúng vào lúc cuối cùng trước khi bà cắn.

- Bà ơi, có con ong kìa! - tôi nhìn bà thán phục.

- Hả?

- Ong vò vẽ trên mặt bà kìa!

- Chúng thích ngọt mà - bà cười, lúc đó mới nhận ra lũ ong vò vẽ.

- Sao bà không sợ, chúng có thể chích mà?

- Chúng chích bà làm gì?

Bà giơ cánh tay đẹp với lát nhỏ dưa hấu, hai hay ba con ong bò theo cánh tay bà, hai con nữa đậu trên vỏ, mút nước ngọt chảy ra.

Bà cắn miếng dưa hấu, và thêm một con nữa, nhẹ nhàng và chẳng chút phiền nhiễu bay đến, bâu vào má bà, làm một vòng rồi đậu đâu đó xuống cỏ, chỗ vỏ dưa hấu mới ăn xong.

Tất cả lo sợ và nhanh chóng tản đi. Bà lặng lẽ ngồi một mình.

Buổi sáng đám vỏ dưa hấu bị quẳng ra nhìn đã bẩn thỉu, cái cùi trắng đã ngả sang xám, và bâu vào nó thay cho ong vò vẽ đã là ruồi nhặng.

Làng quê tôi hôm qua là như thế đó: dường như ai đó đã rứt khỏi nó cái ruột tháng tám mật ngọt và chỉ còn lại màu xám xịt với những con ruồi cuối cùng trên đó.

Tất cả đã chết. Ai chưa chết thì bị giết. Ai chưa bị giết, người đó tự giết mình chết hẳn.

Các chị vài lần va đập vào các góc và văng tận ra xa.

Chỉ còn lại bà và bác Orkhan cùng người vợ Nga hay rượu, vì chuyện đó mà Orkhan đánh vợ mỗi ngày.

Những khu vườn mới đây thôi còn sôi nổi nhựa ngầm sống động trong lòng đất, giờ tắt lịm và mọc đầy cỏ lạ. Không còn ầm ầm lũ khoai tây cường tráng đập vào đáy xô.

Chúng tôi đi trên chiếc Volga trắng của tôi về làng, chúng tôi chạy trong đám bụi mình xới tung, lạ lẫm và không quen thuộc ở đây, như ở cung trăng.

Bà thậm chí không ngạc nhiên, chỉ run rẩy đôi tay mệt mỏi, đứng đón chúng tôi, chớp mắt rơi lệ, mỉm cười.

Bà thấy vợ tôi trước tiên. Họ lập tức trò chuyện với nhau như hai người phụ nữ, còn tôi im lặng, tay sờ những bức tường.

- Công sức đàn bà không ai nhận thấy - bà nói với vợ tôi.

- “Công sức đàn bà không ai nhận thấy” - tôi thầm lặp lại với mình và bước ra đường với điếu thuốc.

Đây là những thứ ông xây: hàng rào, kho chứa, bậc tam cấp, ngôi nhà.

Những bức tranh trong nhà thì do cha vẽ: trên đó có ông, ngôi nhà, đồng cỏ, khu vườn.

Bị chẻ mấy phần, nhưng vẫn sống sót là trái tim bà - lao động mugich ngoan cường.

Không dịch chuyển và không tất tả vào những khoảnh khắc hiếm hoi, khi có thể không cần dịch chuyển và không cần tất tả, nhấm nháp sự ngọt ngào nhỏ bé, bà đã sống qua cuộc đời rộng lớn, mà ngoảnh nhìn lại không thể phân biệt được bằng cái nhìn trần thế ngay bước ngoặt đầu tiên, nói chi hàng nghìn bước ngoặt khác của đời bà.

Chúng tôi không biết sống như thế.

Đàn bà phục vụ, đàn ông sống trong phiền muộn chỉ để che giấu sự phiền muộn của mình - tôi nghe thấy giọng khẽ khàng của bà sau cánh cửa khép hờ - Đàn ông không hiểu cuộc đời của đàn bà, không ai thương xót chúng ta. Còn chúng ta không nhận ra được sự khổ ải của đàn ông.

- Khổ ải? - vợ tôi hỏi lại.

- Sự bất an, sự bận rộn, nỗi khổ đau - bà giải thích.

- Đàn bà sống trong phụng sự, còn đàn ông thì trong đau khổ... Hay có thể chỉ những người đàn ông nhà ta như thế, ta không biết nữa - bà thở dài và im lặng.

Tôi và vợ ra khỏi nhà, thả bộ xuống dòng sông. Chúng tôi đi qua chiếc cầu nhỏ còn thoi thóp sống, leo lên đồi. Từ ngọn đồi thấy rõ miền hoang vu rộng lớn.

“Và mặt trời đau nghiêng xiên khoai, như nhức mỏi đôi vai”.

Tôi nói to thành tiếng.

- Anh nói gì? - vợ tôi hỏi.

Tôi im lặng. Nàng lại hỏi lần nữa. Và tôi lại im lặng. Làm sao tôi có thể lặp lại những lời vô nghĩa của chính mình.

Vợ tôi ngồi bất động, cuốn hút mà tôi yêu đến chết được.

Hãy đợi đấy, rồi anh sẽ làm vỡ nát cả tim em.

Chúng tôi trở về khi trời bắt đầu tối. Tôi đi trước, nàng vội vã theo sau. Tôi biết nàng khó đi nhanh, nhưng tôi không dừng lại.

Đến chỗ con sông, tôi ngồi xuống cỏ. Cách đó không xa, một con đò già, khô nứt, thoi thóp. Nó đập vào cầu ao, khẽ lắc lư trên dây mục rữa.

Tôi nhúng tay xuống nước, nước luồn qua kẽ ngón tay tôi.

Tay kia tôi siết chặt cỏ và đất, nơi người thân tôi đang nằm, những người mới đây còn vui tươi, dịu dàng, ngọt ngào và bỗng nhiên cảm nhận một mũi kim đâm nhói lòng bàn tay, đốt cháy. Tôi chửi thề, đưa cái tay đau lên mặt, chẳng hiểu vì sao. Ngoảnh lại và nhìn vào nơi tôi vừa siết đất - một con ong vò vẽ nằm trên cỏ, tôi đã bóp nghẹt nó.

Cái tay bắt đầu sưng và đau. Trong lòng bàn tay lan tỏa cơn đau âm ỉ, giống như con ong vò vẽ đang luồn dưới da và khao khát thoát ra, làm sưng, chảy dưới da tôi những giọt máu nóng, châm chích của nó.

Trở về nhà cha mình, tôi vội vã, không đợi uống trà, gần như chạy ra đường, nổ máy xe, mặc cho bà vẫn còn đang nói chuyện với vợ tôi.

Tôi lái xe, khó chịu giữ vôlăng bằng cái tay đau, nhấn ga không thương xót, ôm con đường đen ngòm.

Đến tối chúng tôi về tới nhà, lập tức tôi ngả ra giường. Hai tay ôm đầu, nhanh chóng thiếp đi, bỗng nhiên tôi nghe tiếng đập trái tim mình, vội vã và bướng bỉnh. Tôi mơ thấy con đò bị cột, va vào cầu ao. Tuk tuk. Tok tok.

Hãy đợi, chúng tôi sắp rời bờ. Chúng tôi sắp bắt đầu bơi.■

Phan Xuân Loan dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận