TTCT - Tại sao biết trước mình là persona non grata (người không được chào đón), mà Pavel Durov vẫn "đâm đầu vào rọ"? Pavel Durov. Ảnh: novayagazeta.eu Đó là câu hỏi lớn nhất được đặt ra sau khi giám đốc điều hành, nhà sáng lập ứng dụng Telegram bị bắt tối 24-8 tại Le Bourget (ngoại ô Paris). Theo kênh truyền hình TF1/LCI, vụ bắt giữ diễn ra khoảng 8h tối 24-8, do Lực lượng Vận tải hàng không của Hiến binh Pháp thực hiện, theo lệnh truy nã của Văn phòng các vấn đề trẻ vị thành niên trực thuộc Tổng cục Cảnh sát hình sự quốc gia. Theo đó, ít nhất một trong những lý do dẫn đến việc bắt giữ chủ sở hữu Telegram là "phương thức hoạt động" của ứng dụng: thiếu kiểm duyệt các công cụ được cấp cho người dùng, "thiếu hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật" (không nêu cụ thể là cơ quan nào), tạo cơ sở để coi người bị giam giữ là "đồng phạm trong buôn bán ma túy, tội phạm ấu dâm và lừa đảo".Tờ Le Parisien làm rõ: "Durov đã lọt vào tầm ngắm của công lý Pháp vì một số tội danh không liên quan đến cá nhân ông ta nhưng lại bị buộc tội vì tin nhắn được mã hóa của ông ta". Đến ngày 26-8, văn phòng công tố Pháp chính thức tiết lộ: điều tra hình sự với 12 tội danh nhắm vào Durov đã được tiến hành kể từ ngày 8-7 bởi Cơ quan Chống tội phạm mạng. Đến 27-8, ngoài Nga, Bộ Ngoại giao UAE cũng đã yêu cầu Pháp cung cấp cho công dân Durov của mình quyền tiếp cận khẩn cấp tất cả các dịch vụ lãnh sự cần thiết. (UAE là khách hàng mua vũ khí lớn của Pháp, nhà đầu tư vào năng lượng và là nước đã cho phép Pháp đặt căn cứ quân sự ở vùng Vịnh)."Trò đùa tàn nhẫn của số phận"Cho đến nay, nói về Durov, truyền thông phương Tây vẫn gọi ông là "doanh nhân siêu thành đạt" và "CEO bí ẩn của Telegram". Durov và nhóm của ông đã tránh được những vụ bê bối lớn, duy trì tính độc lập tương đối với phương châm Telegram không phải là một thành tố địa chính trị. Tuy nhiên, "anh ấy đã tính sai", Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev bình luận về Durov. Bất luận mang quốc tịch gì, theo ông Medvedev, dưới mắt phương Tây, "Pavel Durov vẫn là người Nga, do đó khó lường và nguy hiểm. Khác máu. Chắc chắn không phải là (Elon) Musk hay (Mark) Zuckerberg. Durov cuối cùng phải hiểu rằng không thể lựa chọn Tổ quốc, cũng như thời đại".Trước đó, Durov đã cố gắng giảm thiểu rủi ro khi rời nước Nga, với sự trợ giúp của một số hộ chiếu từ các quốc gia khác. Ông có ba quốc tịch khác ngoài Nga: Saint Kitts và Nevis (một đảo quốc nhỏ ở Caribe, từ 2013), UAE, và Pháp (cùng năm 2021). Về quốc tịch Pháp, Le Monde khẳng định vẫn còn nhiều bí ẩn trong chuyện cấp quốc tịch, bởi Durov không hề đáp ứng hai tiêu chí chính: sống hợp pháp ở Pháp trong thời gian đủ dài hoặc thuộc cộng đồng ngôn ngữ và văn hóa Pháp.Có một ngoại lệ hiếm hoi cho phép chính phủ cấp quyền công dân cho "người nước ngoài nói tiếng Pháp, bằng những hoạt động nổi bật của mình, góp phần vào ảnh hưởng quốc tế của Pháp và cải thiện quan hệ kinh tế đối ngoại của nước này". Ngoại lệ này sẽ được Bộ Ngoại giao Pháp xem xét. Trong một số trường hợp, quyết định cuối cùng được đích thân tổng thống đưa ra - tuy nhiên, cả Telegram và Điện Elysee đều từ chối bình luận về bất kỳ liên hệ nào giữa Durov và Tổng thống Emmanuel Macron. Ủy ban quản lý tài liệu lưu trữ cho biết hồ sơ liên quan đến Durov, vì lý do bảo mật, chỉ có thể được tiết lộ sau 40 năm nữa.Forbes tháng 4-2022 cho biết thêm hộ chiếu St. Kitts và Nevis "chỉ phù hợp trong những năm đầu tiên sau khi Durov di cư khỏi Nga", còn với các chuyến du lịch và công tác, ông sử dụng hộ chiếu UAE và Pháp. Đặc biệt, "hộ chiếu Pháp mang lại nhiều quyền tự do hơn, kể cả trong các vấn đề kinh doanh, so với hộ chiếu UAE". Với quốc tịch Pháp, Durov có vẻ trông cậy vào một hình thức bảo vệ nào đó và một cuộc sống yên bình ở châu Âu. Nhưng đây là sai lầm đầu tiên của ông, bởi giờ ông khó lòng được dẫn độ về Nga. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 25-8: Paris coi quốc tịch Pháp của Durov là quốc tịch chính. Nữ nhà báo Elena Murzina viết trên Dzen.ru rằng với Durov, đây là "trò đùa tàn nhẫn của số phận".Ảnh: ft.comSai lầm thứ hai của Durov là đã bất cẩn bay tới Paris. Theo nhật báo Kommersant, máy bay của ông đã cố gắng rẽ về phía nam khi gần đến Paris. Rõ ràng ông đã được cảnh báo (rất có thể là từ Nga) về khả năng bị giam giữ. Nhưng máy bay không được phép quay đầu và phải hạ cánh xuống Paris. Một nguồn tin nói trên TF1/LCI rằng lệnh truy nã là của riêng Pháp, chứ không phải của quốc tế, nên họ "rất ngạc nhiên khi ông Durov quyết định hạ cánh ở Pháp". Một số tờ báo Nga đề cập chi tiết: Durov bay tới Pháp từ Azerbaijan, nơi "tình cờ" Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang có cuộc gặp với người đồng cấp chủ nhà Ilham Aliev (18 và 19-8). Có tin (chưa được xác nhận) là Durov muốn gặp Putin, nhưng bị từ chối.Có thể nói Durov, 39 tuổi, là hiện thân cho giấc mơ của thế hệ mình, không chỉ ở Nga: muốn tự do nhưng không gắn bó với bất cứ ai, thu thập bitcoin chứ không phải tiền do các chính phủ phát hành, không sở hữu du thuyền, cung điện hay bất kỳ tài sản nào. Không như các thế hệ tỉ phú đi trước, vốn đã dành cả cuộc đời để tích lũy tài sản, họ tự định vị mình là "công dân của thế giới". Và đây là sai lầm thứ ba của Durov, bởi "công dân thế giới" vẫn có thể bị bắt vì không hợp tác với các cơ quan an ninh!Vì chiến sự Nga - Ukraine?Từ lâu, Durov chủ trương không biên tập nội dung người dùng chia sẻ trên Telegram (dù có đôi lần đã hưởng ứng lời kêu gọi của Berlin và Matxcơva xóa các lời kêu gọi khủng bố). Đó là lý do giúp Telegram phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở Nga, Ukraine và khối Liên Xô cũ, nhất là sau khi Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine năm 2022. Hầu hết các nhà báo chiến trường Nga, chính khách, nhà phân tích chiến tranh, tổ chức nghiên cứu chiến lược… hàng đầu đều có kênh Telegram và đưa lên đó toàn bộ thông tin mà không bị kiểm duyệt.Trong cuộc chiến Nga - Ukraine, ứng dụng này được cả hai bên sử dụng để gửi tin nhắn khiến không ít người gọi Telegram là sứ giả chính của cuộc chiến, một giải pháp thay thế cho thông tin liên lạc quân sự khép kín. Dễ hiểu vì sao số lượng người dùng ứng dụng nhanh chóng tăng vọt. Theo dữ liệu của Telegram, tính đến 2024, họ đang có 900 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, tăng 12,5% so với 2023. Kể từ tháng 4-2020, ứng dụng đã có thêm 500 triệu tài khoản. Theo chính Durov, trung bình mỗi ngày có 2,5 triệu người dùng đăng ký mới Telegram.Ảnh: GettyNhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov lưu ý trên... Telegram của ông rằng "vì sự tự do của Telegram mà quân đội Nga tích cực sử dụng nó trong chiến trận. Thậm chí nhiều người coi Telegram là hình thức liên lạc chính của quân đội Nga.Do đó, việc bắt giữ Durov có lẽ là một nỗ lực của cơ quan tình báo Pháp và NATO nhằm thiết lập quyền kiểm soát hệ thống liên lạc, chỉ huy và kiểm soát của quân đội Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt". Tờ Vglyad (Nga) 25-8 thì đưa ra ba giả thiết chính khiến Durov bị bắt, trong đó có việc "kiểm soát phương thức liên lạc vốn được giới quân sự Nga, những người đưa ra các quyết định quan trọng, sử dụng". Murzina viết trên Dzen.ru: Việc bắt giữ ông chủ Telegram là "đòn giáng nặng nề vào an ninh thông tin của Nga". Thậm chí nhà báo này cho rằng đây mới là nguyên nhân thực sự khiến Durov bị bắt giữ.Thế giới mở đang xuống cấp…Vụ Durov nêu bật nhiều vấn đề trớ trêu. Internet, thứ hứa hẹn mang tính toàn cầu và miễn phí, trên thực tế từ lâu đã bị chia thành các phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc. Thực tiễn pháp lý quản lý các nền tảng số ngày càng khác nhau giữa các khu vực. TikTok, giống như Telegram, đang bị nghi ngờ và tìm cách ngăn chặn ở các nước phương Tây. Google không hoạt động ở Trung Quốc và có nguy cơ bị chặn ở Nga. Liên minh châu Âu, vốn không có BigTech của riêng mình, đang đặt ra những hạn chế mới đối với các tập đoàn Mỹ...Một ngày sau khi Durov bị bắt, Chirs Pavloski - doanh nhân công nghệ người Canada, ông chủ nền tảng video trực tuyến Rumble - thông báo mình đã "an toàn rời khỏi châu Âu". Pavloski viết: "Nước Pháp đã đe dọa Rumble và đã vượt qua lằn ranh đỏ khi bắt giữ Durov". Tại Nga, các quan chức của chính quyền đã nhận được hướng dẫn xóa thư từ công việc khỏi Telegram.Không hề cường điệu khi nói vụ bắt giữ Durov là một đòn giáng mạnh vào cấu trúc thông tin thế giới. Trong trường hợp Telegram gặp sự cố, không chỉ người dùng thông thường sẽ gặp vấn đề. Nhiều chuyên gia trên khắp thế giới nhận thông tin qua kênh này, cơ hội duy nhất của họ để nghe quan điểm khác biệt. Không phải vô cớ mà Elon Musk mỉa mai sau khi Durov bị bắt, rằng đến năm 2030 ở châu Âu, "bạn sẽ bị xử tử vì thích một meme".■ 100 và… 3 đứa con?Pavel Durov sinh ở Leningrad, năm nay 39 tuổi, là người đồng sáng lập trang mạng xã hội lớn bậc nhất ở Nga VKontakte và là tổng giám đốc công ty này từ 2006 đến 2014. Không tán thành việc kiểm soát tự do cá nhân, năm 2014 ông bán 12% cổ phần của mình trong VKontakte và di cư khỏi Nga. Trước đó, Durov từng phàn nàn về việc an ninh Nga gây áp lực lên Telegram để có thông tin về quản trị viên các nhóm ủng hộ Euromaidan ở Ukraine.Từ đó Durov không sống cố định ở một quốc gia nào, thường xuyên đi du lịch, và rất kín tiếng, đến nỗi được đặt biệt danh "thiên tài ở ẩn". Những năm gần đây, ông sống ở UAE, nơi có chính sách thuế bằng không. Trong một lần trả lời phỏng vấn Tuckler Carlson hồi tháng 4-2024, Durov tiết lộ hai lý do không chọn Mỹ để đặt trụ sở Telegram: ông từng cân nhắc đến San Francisco, nhưng ở đó lần đầu tiên trong đời, ông gặp phải một vụ cướp trên đường phố sau khi đến thăm văn phòng Twitter. Lý do thứ hai nghiêm trọng hơn: có quá nhiều sự chú ý từ các cơ quan tình báo.Durov cũng nổi tiếng là người "kín đáo một cách bất thường". Không ai biết ông có gia đình chưa. Cách đây một tháng, ông đăng bài viết khẳng định mình là cha của khoảng 100 đứa trẻ ở 12 nước khi hiến tinh trùng cho ngân hàng của một phòng khám. Durov giờ muốn giải mã DNA để một ngày nào đó những đứa con có thể tìm thấy nhau. Bài đăng này của Durov đã gây ra nhiều trò đùa và meme. Gần như cùng lúc, "vợ Durov" xuất hiện, một phụ nữ khẳng định đã có với Durov ba đứa con và đăng ảnh mình cùng bọn trẻ. Durov không phản ứng hay bình luận gì.Tài sản của Durov đến năm 2024, theo Forbes, ước tính 15,5 tỉ USD, xếp thứ 8 trong danh sách tỉ phú Nga. Tags: Pavel DurovMạng xã hộiNgaChiến tranh Nga UkraineTelegram
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia nhiều dự án, trong đó có dự án đường sắt ở Việt Nam DUY LINH 13/10/2024 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trên tại tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13-10.
‘Sau Nam tiến, Tây tiến, bây giờ là Việt tiến, tức trở về phục vụ đất nước' MINH THÀNH 13/10/2024 Trong dòng di cư có cuộc Nam tiến, Tây tiến, còn bây giờ một hiện tượng rất đáng chú ý đó là Việt tiến, tức là trở về phục vụ trên quê hương.
Khánh Hòa tung loạt ưu đãi cho du khách nhân dịp đạt 9 triệu lượt khách TRẦN HOÀI 13/10/2024 Hàng loạt chương trình ưu đãi được Khánh Hòa tung ra để thu hút du khách dịp cuối năm.
Hàn Quốc cảnh báo ‘đặt dấu chấm hết’ cho Triều Tiên nếu làm tổn hại đến dân Hàn MINH KHÔI 13/10/2024 Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tố đối phương xâm phạm không phận và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.