Bà Trần Tố Nga và phiên tòa lịch sử: Tôi hoàn toàn không đơn độc

NGUYỄN THỤY PHƯƠNG 24/01/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Một nạn nhân chất độc da cam đơn thương độc mã đối mặt với 26 công ty hùng mạnh, thông qua một thiết chế luật pháp quốc tế, đòi công lý cho mình. Đó là hành trình hơn 10 năm bước vào cuộc tranh đấu của bà Trần Tố Nga, trong đó có hơn 6 năm theo đuổi 19 phiên tòa thủ tục đầy trắc trở, trong niềm tin kiên định rằng tội ác sẽ bị kết án, công lý không chỉ tới cho riêng mình bà mà sẽ mở đường cho rất nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và trên thế giới. Tại Paris (Pháp), nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương (Tiến sĩ Giáo dục học, Giảng viên thỉnh giảng - Đại học Paris) trò chuyện cùng bà Trần Tố Nga trước ngày phiên tòa chính thức tiến hành (25-1-2021).

Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Đức Trương – Hội Collectif Vietnam 

Hành trình đấu tranh của bà từ nhiều năm nay đang đi vào giai đoạn then chốt. Tâm thế và tâm trạng của bà như thế nào khi chuẩn bị bước vào phiên tòa?

- Đã hơn 10 năm đi vào cuộc đấu tranh, hơn 6 năm theo đuổi 19 phiên tòa thủ tục với rất nhiều trắc trở do đối phương gây ra, phiên tòa này là mong mỏi của tất cả những ai yêu công lý. Tôi đã từng được đề nghị hòa giải kín, nhận một khoản tiền nào đó và khép lại vụ kiện. Câu trả lời của tôi là KHÔNG vì mục tiêu đầu tiên và cuối cùng là làm cho tội ác phải bị kết án và công lý không chỉ cho riêng Trần Tố Nga. Thắng lợi của công lý trong vụ kiện này sẽ có ảnh hưởng tích cực trực tiếp cho việc đòi công lý của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và trên thế giới.

Gần đây nhất, trong tháng 9-2020, khi thẩm phán quyết định mở phiên tranh tụng vào ngày 12-12-2020 thì ngay tức khắc phía các công ty Mỹ yêu cầu dời phiên tòa với lý do vì đại dịch, đại diện của các hãng hóa chất Mỹ, vì dịch covid, sẽ không qua dự được phiên tòa. Đây chỉ thêm một cái cớ để kéo dài thời gian. Bên bị đã có tổng cộng 38 luật sư bảo vệ cho họ, và 6 năm qua, cũng không có đại diện nào có mặt ở tòa. Cuối cùng, Tòa đại hình Evry đã bất ngờ quyết định dời phiên tòa đến 25-1-2021 vì lý do dịch bệnh, một lý do không ai có thể phản kháng lại!

Nhưng đâu là lý do thực và chính? Vụ kiện đã kéo dài gần 10 năm, do phía bị đơn tìm mọi cách kéo dài. Tôi rất mong muốn trong phiên xử tới, tòa sẽ ra phán quyết hợp lẽ công bằng theo đơn tôi kiện và phán quyết đó sẽ được chấp hành. Đồng thời, các luật sư của tôi và tôi cũng sẵn sàng chuẩn bị cho trường hợp cuộc đấu tranh phải tiếp tục kéo dài. Cho nên, tôi chờ đến tòa như đi vào một giai đoạn mới của trận chiến trường kỳ.

Bà hình dung phiên tòa này sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt là luận điểm và thái độ của các công ty Mỹ? Bà trông đợi những điều gì khi phiên tòa này kết thúc?

- Như luật sư William Bourdon nói, đây là một vụ kiện mang tính duy nhất, lịch sử, chính trị và giáo dục và vì lý do đó, phải xử công khai trong khi tất cả lập luận và phản biện đều đã thành văn bản nộp tòa. Ngày 25-1-2021, nếu có xử thì phiên tòa cũng chỉ diễn ra trong ngày, bên nguyên có 3 tiếng để luận tội vào buổi sáng và bên bị có 4 tiếng phản biện vào buổi chiều. Sẽ không có tranh tụng và chưa chắc bản thân tôi - nguyên đơn - sẽ được thẩm phán hỏi tới. Những gì diễn biến sau phiên tòa sẽ do tòa quyết định. Sau các cuộc giám định y khoa, tòa án sẽ nghị án và tuyên án, thời gian như thế nào hoàn toàn tùy tòa án, tùy tình hình chính trị và tùy covid.

Tôi mong truyền thông và dư luận xã hội lên tiếng rộng rãi để phán quyết có thể vượt qua mọi trở lực và công lý được thực thi.

Vẫn có một luồng ý kiến cho rằng cuộc đấu tranh của bà chống lại các công ty hóa chất Mỹ là "điều không tưởng" (utopie), rằng sao cứ nhắc đi nhắc lại quá khứ mà không lật sang trang mới. Ý kiến của bà như thế nào trước quan điểm này?

- Có thể xem là không tưởng khi một người phụ nữ một thân một mình kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ mạnh mẽ về tiềm lực, được gọi là khổng lồ trong thế giới hóa chất như Monsanto và Dow Chemical, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để bóp chết các phản kháng. Người ta vẫn ví vụ kiện này như cuộc chiến giữa David với tên khổng lồ Goliath. Trong 10 năm qua, có không ít người cũng đã khuyên tôi ngưng cuộc đấu tranh tưởng chừng như vô vọng này. Nhưng nước Việt Nam chiến thắng Mỹ đối với thế giới cũng có thể có lúc nào đó xem là không tưởng. Và Việt Nam cũng đã thắng đấy thôi.

Không tưởng nhưng đây là lần đầu tiên Monsanto và các công ty hóa chất ra hầu tòa theo đơn kiện của một người, và dù có muốn phá, vẫn đã phải hầu qua 19 phiên tòa và còn bắt buộc phải hầu tiếp cho đến khi vụ kiện kết thúc.

Hơn hết, từ một người đơn độc bắt đầu vụ kiện, đến nay tôi đã có được sự ủng hộ của hàng trăm ngàn người khắp nơi. Đó chẳng phải đã là một câu trả lời hùng hồn rằng trái tim yêu công lý vẫn đang hiện diện trên khắp thế giới mặc cho thời thế đảo điên?

Hiện tại của tội ác chính là sự kéo dài của quá khứ, tội ác chất độc da cam của quá khứ vẫn đang để lại trên hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam và trên thế giới. Vì không bị lên án kịp thời và đúng mức nên tội ác thuốc trừ sâu, OGM, Roundup... mới có cơ hội kéo dài và đang tiếp tục tạo nên hàng triệu nạn nhân mà nỗi đau không khác gì nỗi đau da cam. Không ai muốn sống với quá khứ đau thương, nhưng nếu cần thì quá khứ phải sống lại để cho hiện tại và tương lai không còn thảm họa và tội ác đối với nhân loại. Tôi hoàn toàn không đơn độc.

Tôi nhận ra rằng cuộc tranh đấu và phiên tòa này, đối với bà, là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với công lý, vì nhân loại và một nghĩa vụ lưu giữ hồi ức giữa các thế hệ. Bà có cảm thấy những điều này đè nặng lên vai mình không?

- Khi đã dấn thân thì mình không còn nghĩ đến mình nữa. Tôi tin rằng nếu như tôi được Hồn Thiêng trao cho một sứ mệnh thì tôi sẽ được bảo vệ để đi đến cuối con đường đã chọn. Và tôi đi nhẹ nhàng với niềm tin vào tất cả những gì thiêng liêng nhất của cuộc sống.

Trong hành trình tranh đấu này, bà có những tổ chức của Pháp và của người Pháp gốc Việt, đặc biệt là thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba đồng hành. Ba luật sư người Pháp, trong đó có 2 người dưới 35 tuổi, cũng ủng hộ bà hết mình và hoàn toàn không tính phí. Bà hẳn đã truyền nhiệt huyết của mình đến những thế hệ trẻ này?

- Tất cả những người đang tiếp sức cho tôi có thể không biết Việt Nam, có thể chưa tiếp xúc với nạn nhân nhưng họ một lòng yêu chính nghĩa, yêu công lý, tràn đầy nhiệt tình giúp cho tôi sức mạnh và lòng tin. Nói thật chính xác, tôi là người may mắn và hạnh phúc.

 

 Bà Trần Tố Nga và những người ủng hộ bà tham gia cuộc tuần hành chống Mosanto tại Paris (Pháp) ngày 18-5-2019 (Ảnh: Đức Trương - Hội Collectif Vietnam)

Là một người nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, tôi đã đọc về vai trò, ảnh hưởng của nhiều phụ nữ Việt Nam tiêu biểu lên đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, nhưng đó là những tìm hiểu “tĩnh”, dừng lại trên sách vở. Đây là lần đầu tiên, tôi được chuyện trò với một người phụ nữ từng đi kháng chiến và tiếp tục đấu tranh trong thời bình. Bà có thể chia sẻ những điều gì cho thế hệ hậu sinh như chúng tôi về hành trình đời như “cái gạch nối” giữa các thế hệ, giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt?

- Không được để lịch sử, vì lẽ gì đó, bị vùi sâu dưới lớp bụi thời gian. Tôi luôn nhớ đến những người đã ngã xuống khi chưa được sống, và muốn nhắc cho các thế hệ trẻ rằng ngày hôm nay được lót bằng máu, bằng xương của hàng triệu thanh niên hôm qua. Tôi tự cho mình mang sứ mệnh của lịch sử giao cho, làm mọi cách cùng những người cùng thời còn sống chuyển giao lại những sự kiện lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay. Rất may mắn là trong những năm qua, tôi ngày càng được các thanh niên ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam của tôi cũng như trên đất Pháp chia sẻ, bảo bọc. Trong ngày 25-1-2021, nếu được phép, các bạn trẻ ở Pháp sẽ có mặt làm hàng rào cho tôi. Các luật sư của tôi tiến vào phòng xử án với tất cả sức mạnh ủng hộ của xã hội dành cho tôi.

Chân thành cảm ơn bà.

Ngày 25-1-2021, từ 9-17h, tại Tòa án Evry (một thành phố cách Paris chừng 30km) sẽ diễn ra phiên tranh tụng giữa các luật sư của bà Trần Tố Nga với các luật sư của các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và thương mại hóa chất độc da cam-dioxine trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận