TTCT - Vừa hô hào phủ định Tòa trọng tài thường trực (PCA), vừa giơ ra củ cà rốt và cây gậy với không chỉ tân tổng thống Philippines, vừa chuyển động quân sự, đó là những động thái của Bắc Kinh trước ngày PCA ra phán quyết vụ kiện của Philippines về Biển Đông. Khung cảnh ở PCA trong một phiên hỏi đáp tháng 7-2015, ghế bị cáo bỏ trống ở bên phải -pcacases.com Thứ sáu 1-7-2016, ở Manila, tân Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên thệ nhậm chức. Bài diễn văn của ông không một chữ nhắc đến vụ kiện mà PCA trước đó hai ngày vừa ra thông cáo báo chí cho biết sẽ tuyên định vào ngày 12-7. Cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng ngày 1-7, trong khi đó bắt đầu bằng một câu hỏi “mớm”: “Mới đây, luật sư trưởng của phía Philippines trong vụ kiện ở Tòa trọng tài tuyên bố rằng bằng cách từ chối chấp nhận vụ kiện trọng tài Biển Đông khởi xướng bởi chính quyền Aquino của Philippines, Trung Quốc đang phá hoại các quy tắc quốc tế của pháp luật. Quý bộ phản ứng thế nào với một cáo buộc như vậy?”. “Nã pháo” phủ định tòa trọng tài Câu trả lời của người phát ngôn Hồng Lỗi vẫn là một sự rủ rê cùng nhau phủ định tuyệt đối vai trò của PCA: “Người công chính sẽ nhận được hậu thuẫn dồi dào. Trung Quốc ngày càng được hậu thuẫn từ các nước về vấn đề Biển Đông, một bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang hành động đúng pháp luật và kiên quyết duy trì luật pháp quốc tế, các quy tắc quốc tế của pháp luật, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), và quyền của các quốc gia có chủ quyền độc lập để lựa chọn các biện pháp giải quyết tranh chấp. Điều này cũng chứng tỏ một thực tế rằng Trung Quốc đang tôn trọng những cam kết với các nước ASEAN và hoàn thành nhiệm vụ của mình như một nước lớn có trách nhiệm. Điều này dẫn đến câu hỏi: Ai trên trái đất này đang phá hoại các quy tắc quốc tế của pháp luật?”. Nay là lúc mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc, qua người phát ngôn Hồng Lỗi, thôi tập trung mũi dùi tấn công đả kích vào nguyên đơn là Chính phủ Philippines, để tập trung “nã pháo miệng” vào chính PCA bằng câu hỏi tu từ: “Ai phá hoại luật pháp quốc tế?”. Vừa hỏi xong, người phát ngôn này trả lời ngay, như một khẩu súng liên thanh: “Đó là Tòa trọng tài khi cứ cố tình làm ngơ việc Trung Quốc và Philippines từng đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn, và rằng Trung Quốc từng đưa ra tuyên bố về các trường hợp ngoại lệ (tức không tham gia quá trình tố tụng) theo đúng UNCLOS. Chính Tòa trọng tài đã chống lại UNCLOS khi lao vào vụ trọng tài này, mở rộng thẩm quyền và vượt quá thẩm quyền của tòa này một cách tùy tiện”. Một cáo buộc cứ như thể Trung Quốc mới là nạn nhân ở Biển Đông vậy, và rằng Tòa trọng tài không chỉ xử ép Trung Quốc mà còn đang chà đạp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đây là phản ứng của Bắc Kinh đối với thông cáo báo chí của PCA hôm thứ tư 29-6. Đọc thông cáo này, không thể không cảm nhận đằng sau những câu chữ của nó là đối đáp rõ ràng của PCA với Trung Quốc. Đầu tiên, PCA nhắc lại thẩm quyền hợp pháp của tòa: “Tòa được thành lập ngày 21-6-2013 phù hợp với các thủ tục quy định tại phụ lục VII của UNCLOS để phân xử vụ tranh chấp được đưa ra bởi Philippines”. Tại sao Tòa trọng tài lại cất công nhắc lại và nhắc lại cho ai? Quá rõ để hiểu ngụ ý của tòa: Nếu “ai (hay những ai)” còn chưa chịu “nghe/hiểu”, “vui lòng” đọc lại phụ lục VII này. Đây là phúc đáp bắt buộc của tòa trước (1) việc Trung Quốc nhất định phủ định thẩm quyền của tòa đối với vụ kiện; và (2) việc Trung Quốc “chiêu mộ” một số nước, mà theo Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative, AMTI) tính đến ngày 15-6-2016, chỉ có 8 nước chính thức công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc, theo đó PCA là “không hợp pháp” để tài phán vụ này. Các nước này bao gồm Afghanistan, Gambia, Kenya, Lesotho, Niger, Sudan, Togo và Vanuatu, số còn lại của cái mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho là “khoảng 60 nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc”, trừ đi 8 nước vừa nêu, theo AMTI, thật ra không hề chính thức tỏ rõ lập trường như thế. Tuy nhiên, cho dù con số “khoảng 60 nước” đó có là “mông lung” hay chỉ có 8 nước nêu trên theo đuôi Trung Quốc mà phủ định tính hợp pháp của tòa thì đây cũng là một thách đố vào chính thẩm quyền cũng như lý lẽ tồn tại của PCA, một âm mưu “lật đổ” Tòa trọng tài vốn thoát thai từ Liên Hiệp Quốc. Bắt buộc, tòa phải “trả lời” các nước ấy qua thông cáo ngày 29-6 đã nêu, trước khi tòa tuyên định rằng tòa đâu có xử vụ này là vụ thứ nhất, càng không là vụ kiện độc nhất về tranh chấp trên biển: “Tòa trọng tài thường trực đã thụ lý 12 vụ kiện do các nước khởi động chiếu phụ lục VII của UNCLOS”. Tòa cũng nhắc đến một thực tế rất phi - UNCLOS: “Trung Quốc liên tục nhắc lại lập trường của họ là không chấp nhận thủ tục tố tụng trọng tài và không tham gia”. Và câu trả lời của tòa là: “Phụ lục VII của công ước có quy định việc thành lập một tòa án cho dù thiếu sự tham gia của một bên” và trước đó đã tuyên cáo rằng “sự vắng mặt của một bên hay việc một bên không tự biện hộ không hề ngăn trở thủ tục tố tụng”. Chiến dịch chiêu dụ các nước phủ định thẩm quyền của PCA không đơn giản chỉ để ngăn cản tòa thụ lý vụ kiện, mà còn để chuẩn bị sẵn dư luận cho khả năng động thủ quân sự của Trung Quốc sau phán quyết, như một kiểu răn đe và trả đũa “PCA xử ép Trung Quốc, nên Trung Quốc có bất chấp mà ra tay cũng là đúng thôi”! Động thủ quân sự là “kế hoạch B” của sách lược giải quyết cùng một lúc vấn đề Biển Đông cùng vụ kiện. Kế hoạch A là ép các nước trong cuộc vào bàn đàm phán song phương, không có bất cứ một bên thứ ba nào. Chiến dịch bác bỏ thẩm quyền của PCA được tiến hành cùng lúc với chiến dịch lôi kéo một số nước khác kêu gọi nên đàm phán và đàm phán song phương, đừng quốc tế hóa, trong khi giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông là điều nhiều nước, trong đó có cả những nước lớn, hướng đến. Sang đến thứ hai 4-7, Bắc Kinh tiếp tục cuộc tấn công PCA bằng một bài báo trên China Daily mang tựa đề “Bắc Kinh đang bảo vệ trật tự trên biển toàn cầu”, theo đó “đối với Bắc Kinh, vụ kiện trọng tài này không chỉ là một vấn đề pháp lý đang được thụ lý bởi một tòa án, mà là tác động tiêu cực của sự lạm dụng thủ tục trọng tài bởi Philippines”. Điều mà tờ báo này gọi là “tác động tiêu cực” được giải thích như sau: “Nếu đa số các nước chấp nhận cách mà Philippines xử lý vụ tranh chấp trên biển với Trung Quốc thì điều đó có thể trở thành quy chuẩn cho việc giải quyết mọi tranh chấp trên biển giữa các nước, và điều đó sẽ cực kỳ phương hại đến trật tự quốc tế trên biển”. Chiêu dụ và lôi kéo Từ thứ sáu, ngày 1-7, Bắc Kinh bớt tấn kích “bằng mồm” nhắm vào Manila, thay vào đó tập trung vào PCA, do lẽ ở Manila, dinh Malacañang đã đổi chủ: tân Tổng thống Rodrigo Duterte thay thế tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino. Trước đó, ông Duterte cho thấy sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông (mà Philippines gọi là biển Tây) một cách khác, “nhẹ nhàng” hơn, chứ không cứng rắn như ông Aquino. Có phải do ông này “thân Bắc Kinh”? Câu chuyện sau đây được thông tấn xã Mỹ AP ngày 3-7-2016 thuật lại có thể được coi là một câu trả lời dễ hiểu cho câu hỏi đó: “Ông Duterte nói ông đã hỏi đại sứ Mỹ Philip Goldberg liệu Washington sẽ hỗ trợ Philippines ra sao trong trường hợp một cuộc đối đầu có thể xảy đến với Trung Quốc. Ông Duterte cho rằng Hiệp ước phòng thủ hỗ tương năm 1951 giữa các đồng minh không tự động buộc Washington giúp đỡ Philippines ngay lập tức. Và ông Duterte thuật lại rằng ông hỏi đại sứ Goldberg: “(Lúc đó), quý vị có đi cùng chúng tôi hay không?”, và câu trả lời của đại sứ Goldberg là: “Chỉ khi nào quý vị bị tấn công””. Câu chuyện của AP phần nào phản ánh tâm trạng của ông Duterte, một người sinh năm 1945, tức thuộc thế hệ đã ít nhiều “biết đến” chiến tranh Việt Nam, tuy ông không nhập ngũ và sang Việt Nam đến đóng ở Tây Ninh như cựu tổng thống Fidel Ramos, song cũng thừa biết “câu chuyện dang dở” giữa hai đồng minh Việt Nam cộng hòa và Mỹ, đặc biệt là vụ Hoàng Sa năm 1974. Số phận bi thảm của các chiến hạm HQ-05 Trần Bình Trọng hoặc HQ-16 Lý Thường Kiệt của hải quân Việt Nam cộng hòa ngày nào ở Hoàng Sa: đến năm 1975 di tản đến vịnh Manila, rồi năm 1976 được biên chế vào hải quân Philippines dưới tên gọi và số hiệu RPS Francisco Dagohoy (PF-10) và RPS Andrés Bonifacio (PF-7) không chỉ là một “hoài niệm” khó quên mà còn là bằng chứng sờ sờ về sự khó lường trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Tất nhiên, AP không quên nhắc lại rằng “ở Washington, Bộ Ngoại giao tuyên bố liên minh Mỹ - Philippines là bằng thép và Mỹ sẽ giữ vững các cam kết”. Không khó hiểu tại sao chính quyền mới ở Manila nay thủ thế, cả với Trung Quốc lẫn với đồng minh Hoa Kỳ. Hôm 1-7, nếu như trong diễn văn nhậm chức tân Tổng thống Duterte không nhắc một lời đến vụ kiện thì tân Ngoại trưởng Perfecto Yasay Jr. đã nói khá nhiều, đủ để hiểu tâm trạng thủ thế kép này. Ngay từ ngày 5-6, ông Yasay đã nói ông muốn “đảm bảo rằng chúng ta có thể nối lại thương lượng song phương vì điều đó là cần thiết. Tôi không nghĩ có cách nào để giải quyết (vấn đề Biển Đông) ngoại trừ việc nói chuyện với nhau”, theo Manila Times. Và đó chính là những gì Trung Quốc muốn. Thế rồi, trong cuộc họp báo chính phủ đầu tiên, khi bàn về vụ kiện, ông Yasay đã không ngả theo ý định phát đi một thông điệp mạnh mẽ nếu tòa tuyên định thuận lợi cho Philippines. Ông giải thích tại sao lại tỏ ra “mềm” trong trường hợp đó: “Trung Quốc sẽ đào sâu vào đó và tung ra một màn thử thách chúng ta. Nếu điều đó xảy ra, ta sẽ chẳng biết bám vào đâu”. Một khi tân chính phủ ở Manila thiếu tin tưởng rằng Hiệp định phòng thủ hỗ tương Philippines - Mỹ sẽ bảo vệ được mình, và nói lên điều đó, coi như đã bị Bắc Kinh “nắm tẩy”! Quả thật, sáng thứ ba 5-7, China Daily lên giọng: “Sau khi tuyên xử của vụ kiện trọng tài về Nam Hải (tức Biển Đông) được công bố, phản ứng của Trung Quốc sẽ hoàn toàn (nhấn mạnh của China Daily) tùy thuộc vào những hành động của Philippines và của các nước khác”. Cảnh cáo đó được đưa ra cùng lúc với loan báo cấm tàu bè để tập trận trên Biển Đông từ ngày 5 đến 11-7 của Bắc Kinh, để “nghênh đón” phán quyết của PCA.■ Tags: Trung QuốcPhilippinesTòa trọng tài thường trựcPCATrước ngày phán quyết
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).