Bài thi khó và dân chủ trực tiếp

CHIÊU VĂN 16/05/2018 22:05 GMT+7

TTCT - Tuần trước, nhất loạt học trò các trường cấp III ở bang Baden-Wuerttemberg (Đức) đã ký vào một thỉnh nguyện thư trực tuyến than phiền về một bài kiểm tra tiếng Anh cuối khóa “quá khó” và “bất công”.

Dân chủ trực tiếp là một cơ chế đã rất lâu đời trong sự phát triển của xã hội loài người. Ảnh: Huffington Post
Dân chủ trực tiếp là một cơ chế đã rất lâu đời trong sự phát triển của xã hội loài người. Ảnh: Huffington Post

 

Trong khi chuyện học trò kêu ca bài thi khó đã là muôn thuở, việc xã hội tạo ra cơ chế để những người trẻ tuổi như thế lên tiếng đồng loạt như thế - trong hệ thống dân chủ trực tiếp - bất cứ khi nào họ muốn như thế là điều không phải ở đâu cũng có.

Tới chủ nhật, 29-4, lá thư của các học trò bang Baden-Wuerttemberg đã thu thập được gần 36.000 chữ ký, dù chỉ có 33.500 người tham gia kỳ thi toàn bang với bài thi được nói tới. Những học sinh cấp III này than phiền các đoạn trích từ tiểu thuyết in năm 1934 Call it Sleep của tác giả người Mỹ Henry Roth mà các em phải phân tích quá khó và mơ hồ.

Kỳ thi tốt nghiệp cấp III ở Đức, Abitur, là một cửa ải bắt buộc với mọi học trò muốn vào đại học. Như ở nhiều nước, học trò, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo trải qua nhiều tháng trời căng thẳng trước kỳ thi. Các trường thường tạm hoãn mọi lớp thông thường khác của các em nhỏ hơn trong kỳ thi để các cô cậu tú tương lai không bị phân tâm.

Tầm quan trọng đó đã khiến các đề thi luôn là chủ đề tranh luận ưa thích. Năm nay, cả thống đốc bang Winfried Kretschmann đã lên tiếng, dù ông không hẳn ủng hộ các học trò. “Không ai có quyền có một kỳ Abitur đơn giản - ông nói với DPA - Ai cũng mong điểm tốt, nhưng ta không có quyền đòi điểm tốt”. Nhưng Kretschmann nói thêm trình độ tiếng Anh của ông chưa đủ để nhận xét xem đề thi gây tranh cãi có phải là quá khó hay không.

Đoạn văn được trích dẫn của Roth là một mô tả tượng nữ thần Tự do bằng phép ẩn dụ với “từ vựng chẳng ai biết cả”, theo bức thư của các học trò. Gần như ngay sau khi bức thư được công khai trên mạng, bộ trưởng giáo dục bang đã yêu cầu các chuyên gia độc lập đánh giá lại bài thi và những người này kết luận đó là độ khó “hợp lý”.

Tất cả diễn ra trong vòng chưa tới một tuần. Đánh giá của các chuyên gia cũng nhắc nhở tại bang miền đông Đức Mecklenburg-West, các học sinh cũng đã phải phân tích cùng đoạn văn đó nhưng họ không than phiền gì.

Nhưng những học sinh đã phản pháo ngay sau đó. Số chữ ký của họ tăng lên và một số người lên tiếng trên truyền thông. “Tôi đã học một năm ở Mỹ mà vẫn thấy bài quá khó! - Aimee Schaefer viết trong phần bình luận của thư kiến nghị - ... Ai soạn đề thi này chắc phải ghét các học trò Abitur lắm”.

Trong khi cuộc tranh cãi sẽ còn kéo dài, điều đáng chú ý là cơ chế tạo ra nó. Kiến nghị công dân là cơ chế trực tiếp nhất để rất nhiều người Đức đòi hỏi sự thay đổi trên chính trường. Quốc hội Đức Bundestag có một ủy ban riêng về kiến nghị công dân, Petitionsausschuss, nơi tiếp nhận hơn 10.000 kiến nghị trực tiếp từ người dân mỗi năm (lấy ví dụ năm 2016 là 11.236 thư kiến nghị).

Điều đáng nói là mỗi kiến nghị, dù chỉ có chữ ký của một người hay hàng chục nghìn người - như vụ đề thi tiếng Anh, đều được đọc và xử lý bởi một nhóm 12-15 chuyên viên. Họ sẽ từ chối hay chấp thuận một đề nghị, chuyển cho cơ quan hữu quan hay hướng dẫn người kiến nghị các bước tiếp theo.

Chỉ 6% các thư kiến nghị là thành công, nhưng ủy ban nói họ cung cấp hỗ trợ hữu ích đủ loại cho gần một nửa những người kiến nghị. Công nghệ cũng đã làm thay đổi cách thức kiến nghị: Ngày nay, 1/3 các thư kiến nghị được gửi trực tuyến, giống bức thư của các học trò Baden-Wuerttemberg.

75% các thư kiến nghị liên quan tới cuộc sống hằng ngày của người dân, có những chuyện có vẻ vụn vặt như quy ước giờ mùa hè, việc đi xe đạp trên vỉa hè, khóa tự động của taxi... nhưng các chính trị gia Đức rất coi trọng hình thức liên lạc này.

“Đó là đường dây nóng giữa người dân và chính quyền - Michael Vietz, nghị sĩ CDU-CSU, nói - Nhiều chuyện nghe có vẻ vặt vãnh nhưng không phải thế. Người dân rất nhiều nước không có quyền này”. Và có cả những chuyện trọng đại. Chủ tịch Petitionsausschuss giai đoạn 2005-2017 Kersten Steinke kể đạo luật quy định trẻ em mất một cha hoặc mẹ không bị tước quyền bảo hiểm y tế “ăn theo” người cha hoặc mẹ đó chỉ được thông qua sau một kiến nghị công dân vào năm 2014.

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Đức vẫn thấy chưa đủ. Kerstin Kassner của Đảng Cánh tả, nói lẽ ra phải có nhiều kiến nghị hơn được thảo luận trước Quốc hội. Hiện giờ, một kiến nghị cần hơn 50.000 chữ ký mới được đưa ra Quốc hội. Có thể chính quy định đó sẽ nhận một thư kiến nghị trong thời gian sắp tới, giống như đề thi tiếng Anh quá khó kia!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận