Bạn bè cũ và đối tác mới

HỮU NGHỊ 25/08/2021 08:08 GMT+7

TTCT - Trùng hợp trong tháng 8 này, Hải quân Việt Nam tham gia ba cuộc diễn tập khác nhau với những đối tác khác nhau trong những khoa mục khác nhau...

Sáng 25-7-2021, biên đội tàu 015-Trần Hưng Đạo và 016-Quang Trung thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân Việt Nam, tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày hải quân Liên bang Nga diễn ra tại Vladivostok. 

Tổng cộng có 7 tàu tham gia cuộc duyệt binh gồm soái hạm - tuần dương hạm mang tên lửa Varyag, tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Tributs, tàu hộ tống Sovershenny, tàu chống ngầm cỡ nhỏ Sovetskaya Gavan, tàu ngầm diesel-điện Ust-Bolsheretsk của Hạm đội Thái Bình Dương Nga, cùng hai chiến hạm Việt Nam.

Đường xưa lối cũ...

Đây là lần thứ hai Hải quân Việt Nam cử tàu tham dự lễ duyệt binh nhân Ngày hải quân Liên bang Nga. Năm 2019, tàu 016-Quang Trung lần đầu tiên tới thăm thành phố Vladivostok và tham dự lễ duyệt binh. 

Hoa tiêu của Hải quân Nga hướng dẫn biên đội tàu Việt Nam vào neo tại vị trí duyệt binh ở cảng Vladivostok. -Ảnh: baohaiquanvietnam.vn

 

Lần đó, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Sergei Avakyants đã bày tỏ mong muốn Hải quân Việt Nam hằng năm cử tàu sang thăm và giao lưu.

Năm nay, biên đội tàu 015-Trần Hưng Đạo và 016-Quang Trung còn tham gia thi đấu “Cúp biển” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) khai diễn hôm 22-8 tại quân cảng Vladivostok. 

Chuẩn đô đốc Koroliov Olec Alexandrovic khẳng định mục tiêu chính của Army Games tổ chức hằng năm là để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa quân đội các nước tham gia.

“Cúp biển” được cho là sự kiện bổ ích với lực lượng hải quân các nước, để ngoài việc cùng nhau tranh tài, thể hiện năng lực làm chủ vũ khí, trang bị và khả năng sẵn sàng chiến đấu, còn chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau thông qua các nội dung thi đấu. 

“Cúp biển” tổ chức tại hai địa điểm là ngoài khơi Vladivostok (Nga) và biển Caspian, do Iran đăng cai.

Tại Vladivostok, sẽ diễn ra cuộc thi giữa đội tuyển chủ nhà Liên bang Nga, Việt Nam và Trung Quốc, với các nội dung bắn mục tiêu trên biển bằng pháo AK-176, và bắn maket mìn trôi bằng súng 14,5mm. 

Cùng trong bảng này còn có Hải quân Myanmar với tư cách quan sát viên. Theo kế hoạch, các nội dung thi đấu diễn ra từ ngày 23 đến 27-8.

Bên cạnh “Cúp biển”, Army Games 2021 còn có các nội dung: tại Korla, Tân Cương (Trung Quốc) khai diễn trưa 22-8, bao gồm “Môi trường an toàn”, “Bầu trời xanh” và “Suvorov đột kích”. 

Tại đây, đội tuyển binh chủng hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tranh tài nội dung “Môi trường an toàn” dành cho các lực lượng phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn (gồm vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí hạt nhân).

Cũng thuộc khuôn khổ Army Games còn có sự kiện ở bảng 1 vòng loại nội dung đua xe tăng Tank Biathlon 2021 ở thao trường Alabino, ngoại ô Matxcơva với sự góp mặt của 4 kíp xe Việt Nam 1 (xe đỏ), Syria 1 (xanh dương), Venezuela 1 (xanh lá) và Mông Cổ 1 (vàng). Mỗi nước cử ra một kíp xe thi đấu tính giờ, các xe xuất phát lần lượt cách nhau vài phút.

“Tank Biathlon 2021” là một trong những nội dung hấp dẫn nhất của Army Games, đã khởi tranh từ ngày 22-8. Các khoa mục then chốt gồm bắn mục tiêu mô phỏng xe tăng địch ở khoảng cách 1.600 - 1.800m, bắn súng máy 12,7mm hạ mục tiêu mô phỏng trực thăng địch, và bắn hạ mục tiêu mô phỏng lính chống tăng địch.

Cuộc thi được chia thành 2 hạng theo trình độ chung của các đội tuyển. Hạng 1 gồm 11 đội: Azerbaijan, Belarus, Venezuela, Việt Nam, Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, Serbia, Syria và Uzbekistan. Hạng 2 gồm: Abkhazia, Qatar, Kyrgyzstan, Lào, Mali, Myanmar, Tajikistan và Nam Ossetia. (Abkhazia và Nam Ossetia trước thuộc Gruzia. 

Năm 2008, tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ này sau cuộc chiến ngắn ngủi giữa Nga và Gruzia. Hiện có Nga, Venezuela, Nicaragua, Nauru và Syria công nhận Nam Ossetia và Abkhazia).

Army Games là cơ hội để quân đội Syria, Venezuela, Abkhazia, Nam Ossetia và Myanmar xuất đầu lộ diện trong tiếng hò reo của bạn bè quốc tế, nhất là khi đội Nga và Myanmar đã lần lượt vượt qua các đối thủ trong trận đầu vòng loại giải xe tăng hành tiến tác xạ.

Đối tác mới

Trước đó, hôm 10-8, một lực lượng hải quân thuộc 21 quốc gia đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương (Ấn Độ, Anh, Úc, Bangladesh, Brunei, Canada, Đức, Indonesia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Maldives, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam) đã bắt đầu cuộc thao diễn Hợp tác và đào tạo Đông Nam Á (SEACAT) lần thứ 20 tại Singapore, cả trên biển và dưới hình thức trực tuyến.

Diễn tập SEACAT cố gắng tái hiện các tình huống thực tế trung thực nhất có thể. -Ảnh: Defense News

 

Website Naval Technology của Hải quân Mỹ nêu rõ: “SEACAT nhằm mục đích cải thiện hợp tác khu vực để đối phó với các thách thức an ninh hàng hải chung, chẳng hạn như cướp biển, buôn lậu và các hoạt động bất hợp pháp khác trên biển”. 

Naval Technology nhấn mạnh SEACAT liên quan đến việc sử dụng các chiến lược, phương pháp và thủ tục hàng hải thông thường, nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường hoạt động của lực lượng hàng hải, thúc đẩy năng lực triển khai hoạt động hỗ trợ nhân đạo. 

Tức đây là một diễn tập nghiêng về an ninh hàng hải hơn là tác chiến quân sự.

An ninh hàng hải là một trong những quan tâm hàng đầu ở Đông Nam Á, nơi có eo biển Malacca. Theo Thỏa thuận hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang với tàu bè tại châu Á, eo biển này vẫn rất bất trắc, năm 2019 đã xảy ra 30 vụ cướp biển. 

Trong báo cáo hằng tuần mới nhất từ ngày 10 tới 16-8, tổ chức này ghi nhận hai vụ tấn công, một nhắm vào tàu chở container đang neo đậu gần Manila (Philippines), một là vào tàu chở hàng rời đang đậu tại cảng Haldia (Ấn Độ). 

Cũng theo báo cáo này, khu vực biển Sulu-Celebes và ngoài khơi Đông Sabah, nguy cơ cướp biển vẫn rất cao, do vẫn còn giao tranh giữa quân đội chính phủ nước này với phe nổi dậy Hồi giáo Abu Sayyaf.

Năm 2019, tức trước đại dịch COVID-19, 39 hãng tàu du lịch hoạt động tại châu Á đã phục vụ hơn 13 triệu lượt hành khách ở 306 điểm đến khác nhau tại châu Á. 

Các số liệu cho thấy an ninh hàng hải là một nhu cầu lớn ra sao, cho cả vận chuyển hàng hóa, hành khách và du lịch. Tuy eo biển Malacca đã thôi “lúc nhúc” cướp biển như đầu những năm 2000, các diễn tập như SEACAT là không bao giờ thừa. Việt Nam đã tham gia sự kiện này từ năm 2017.

Cũng phải nhắc thêm các mối đe dọa hàng hải xuyên quốc gia, những vụ mất lái “tự nhiên” trên biển hay nạn khói cháy rừng kéo dài từ Indonesia. 

Một ví dụ là ngày 20-8-2017, khi khu trục hạm USS John S. McCain của Hải quân Mỹ mất 10 thủy thủ trong vụ tai nạn hàng hải với tàu hàng Alnic MC lúc đó hoàn toàn “mất lái” ở eo biển này.

Vụ đâm sầm vào nhau diễn ra lúc 7h24 sáng (giờ Singapore), khi chiếc USS John McCain đang sửa soạn ghé thăm Singapore. 

Tham gia cứu hộ, ngoài các tàu kéo, còn có tàu hải quân RSS Gallant, tàu cảnh sát biển Basking Shark cùng các trực thăng của Hải quân Cộng hòa Singapore, vốn đã thuần thục qua các diễn tập như SEACAT.

Eo biển Malacca còn là hải lộ huyết mạch nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mỗi ngày có tới hơn 300 tàu dầu siêu lớn, tức dài hơn 350m, rộng hơn 60m, chở đến 1/3 lượng dầu thô thế giới, qua eo biển này. Thành ra, vẫn cứ luôn cần những diễn tập SEACAT.

SEACAT tập gì năm nay?

Bộ Quốc phòng Singapore, nước chủ nhà tổ chức diễn tập, cho biết SEACAT năm nay bao gồm một hội thảo trên web về an ninh hàng hải kéo dài ba ngày, sau đó là một giai đoạn trên biển. 

Hội thảo trên web quy tụ các chuyên gia về chủ đề này để thảo luận và trao đổi các phương pháp tốt nhất nhằm đối phó những mối đe dọa an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, dựa trên dữ liệu cập nhật về tình hình an ninh hàng hải khu vực do Trung tâm Tổng hợp thông tin (IFC) của Hải quân Singapore cung cấp.

Không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng vật lực, nhân lực có sẵn hay được chia sẻ các thông tin thời gian thực về những gì diễn ra trên không, trên biển và dưới biển. Singapore là một trong những quốc gia có thực lực đó ở Đông Nam Á. 

Đối với một vài quốc gia không có nguồn lực tương tự, thì ba ngày làm việc trên máy tính kết nối với IFC Singapore rất quý giá.

Tính thực tế của diễn tập càng rõ khi đề bài là: (1) nhận biết bản chất các mối đe dọa trên biển xuyên quốc gia, (2) chia sẻ thông tin trong thời gian thực, và (3) xây dựng ý thức nhằm phối hợp hành động đưa máy bay, tàu bè ra hiện trường.

IFC Singapore, trong vai trò trung tâm điều phối khủng hoảng và chia sẻ thông tin tập trung, đã ký hợp đồng với một số tàu buôn đóng vai “tàu khả nghi” ở các vùng biển Đông Nam Á, để giúp hải quân các nước tham gia SEACAT thực hiện những bài tập nói trên. 

Các nước tham dự sẽ hợp tác với nhau để tính toán cách sử dụng máy bay trinh sát hay tàu tuần tra nhắm vào các tàu “đối tượng” này.

Tất nhiên, bên cạnh đó còn rèn luyện cách thực thi quy tắc, luật pháp và chuẩn mực quốc tế trong hoạt động theo dõi, tuần tra. Tư lệnh hải đoàn tàu khu trục số 7 của Mỹ, đại tá Tom Ogden, nhấn mạnh rằng các kịch bản đưa ra nhằm giúp các nước hợp tác, tăng sự cảnh giác trong đánh giá tình hình, tăng hiểu biết về cách thức hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, và thực hành các hoạt động ngăn chặn đa phương, đa nền tảng, giúp Đông Nam Á sẵn sàng hơn cho những gì có thể xảy ra trên thực tế trong tương lai.

Ba ngày tập trên mạng này còn rất “thực” khi có sự tham gia của một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Cơ quan CRIMARIO (Những tuyến hàng hải quan trọng) của EU, Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC)...

Tiếp theo ba ngày làm việc trên web sẽ là giai đoạn hai gồm một loạt diễn tập giả định tình huống, tỉ như áp sát leo lên tàu, được tổ chức ở eo biển Malacca, Singapore và Biển Đông. Sở chỉ huy cuộc diễn tập đặt tại Trung tâm Chỉ huy và kiểm soát (CC2C) Changi RSS Singapura ở căn cứ hải quân Changi.

“Diễn tập” hay “tập trận”, tùy mục đích, có những khoa mục tưởng chừng như “trói gà không chặt”, không “cơ bắp” nã pháo, đua xe, song lại thiết thực trong hành xử thực thi chủ quyền trên biển sao cho đúng luật lệ, đảm bảo hòa bình. 

Đường xưa lối cũ cũng tốt, mà đối tác mới cũng hay. Thời nào, lợi ích nấy, bởi có câu “tứ hải giai huynh đệ”!

Một bạn cũ khác

Trong một góc độ khác, hải quân Ấn Độ và Việt Nam là bạn bè đã lâu năm và sâu sắc. Được biết, Ấn Độ từng huấn luyện cho thủy thủ các tàu ngầm Kilo của Việt Nam. Năm nay, hải quân hai nước cùng diễn tập vào chiều 18-8 tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa.

Tàu 012-Lý Thái Tổ thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 hải quân tham gia luyện tập chung trên biển cùng biên đội tàu của Hải quân Ấn Độ, gồm khu trục hạm INS Ranvijay (D55) và khinh hạm INS Kora (P61). 

Nội dung huấn luyện là vận động đội hình và thông tin liên lạc bằng cờ hiệu và mạng vô tuyến điện theo “Bộ quy ước ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển của hải quân Tây Thái Bình Dương (CUES)”. 

Rời vùng biển Việt Nam, hai tàu này trực chỉ biển Tây Philippines để diễn tập với khinh hạm BRP Antonio Luna (FF 151) của Hải quân Philippines. Diễn đàn Quân lực Philippines cho biết hai tàu của Hải quân Ấn Độ chủ yếu đang trên đường tới đảo Guam để tham gia cuộc tập trận hải quân hằng năm lớn Malabar.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận