Bản đồ của sự hồi sinh

LÊ MY 20/02/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Cả rừng tin tức tiêu cực về môi trường vẫn thường dễ dàng che khuất những nỗ lực có thực nhằm chữa lành thiên nhiên. Nhưng nay thế giới đã có một “tụ điểm” dành riêng cho những câu chuyện trồng rừng tốt đẹp.

 
 Ảnh: Andres Azpurua

Tại Chiang Mai (Thái Lan), việc phục hồi rừng bản địa đã được nâng lên thành câu chuyện sinh kế. Dân làng nhận tiền thù lao khi tham gia chăm nom vườn ươm và đất đai, đồng thời được hưởng lợi từ nguồn lâm sản ngoài gỗ. Dự án này đã “bám rễ” và phát triển rực rỡ trong hơn 16 năm với sự chung sức đồng lòng của các nhà khoa học, người dân Hmông bản địa và cơ quan quản lý vườn quốc gia.

Giữa thời buổi “tuyệt chủng” và “biến đổi khí hậu”, những nỗ lực phục hồi và bảo tồn rừng có hiệu quả, như ví dụ ở Chiang Mai, có thể giúp chúng ta gieo mầm hy vọng về tương lai của Mẹ Trái đất. Trên bản đồ tương tác trực tuyến Restor (restor.eco/map) có hàng chục ngàn ví dụ như thế.

“Nửa ly nước đầy”

Chúng ta nên cảm thấy tức giận về biến đổi khí hậu và thực trạng tàn phá các hệ sinh thái, theo giáo sư Thomas Crowther của Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ - ETH Zürich và là người ra mắt Restor vào mùa hè năm ngoái. “Nhưng nếu không có sự lạc quan, những phẫn nộ đó chẳng đi đến đâu” - ông nói với trang Vox.

Restor mang đến cơ hội học hỏi từ những dự án thành công. Đặc biệt, những cách làm hiệu quả và bền lâu nhất có thể lan tỏa nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm quý báu cho các dự án non trẻ hơn. Nền tảng này kết hợp tri thức ngoài thực địa với dữ liệu nghiên cứu và hình ảnh vệ tinh, qua đó kết nối tất cả mọi người với nguồn dữ liệu tốt hơn và minh bạch hơn.

Restor nằm trong một loạt các sáng kiến môi trường mới nổi, với điểm chung là hướng về “chiến thắng”, thay vì chỉ ta thán về “mất mát”. Chẳng hạn, cũng vào mùa hè năm ngoái, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) - cơ quan phát hành Sách đỏ về tình trạng của các loài động thực vật trên thế giới - đã đưa ra một bộ tiêu chuẩn mới nhằm đo lường sự phục hồi của các loài, như “chiến thắng” của loài thần ưng California (Gymnogyps californianus) - loài chim lớn nhất Bắc Mỹ.

Theo Barney Long, giám đốc cấp cao của tổ chức quốc tế Re:wild, một tác hại của tin tức tiêu cực về môi trường - như tuyệt chủng, tràn dầu - chính là khiến người ta “bị lờn”. Việc tập trung vào những thành tựu trong cuộc chiến bảo vệ môi trường giúp ta cảm thấy lạc quan hơn. Ngoài ra, cách tiếp cận này có thể giúp nhân loại dễ dàng hình dung ra thế giới mà chúng ta muốn gầy dựng. Long hiện đang tham gia vào các bộ công cụ mới của IUCN để đo lường sự phục hồi.

 
 Danh sách các khu bảo tồn hiện có khi thử vẽ một vùng khảo sát khu vực miền Trung Việt Nam trên Restor. Ảnh chụp màn hình

Restor làm được gì?

Hãy tưởng tượng bạn bước vào một quán cà phê và nhìn thấy một nhãn dán có logo của Restor, bạn rút điện thoại ra và quét mã QR trên nhãn dán. Chỉ trong vài giây, khách hàng sẽ nhận được tất cả thông tin về một dự án phục hồi sinh thái nào đó mà họ đang gián tiếp hỗ trợ thông qua việc mua cà phê.

Trên đây là một trong những tham vọng của Restor cho tương lai gần: mang toàn bộ thế giới bảo tồn và phục hồi rừng đến bất kỳ chiếc điện thoại thông minh nào, Crowther cho biết trong một thông cáo báo chí. Với sự tham gia của Google, Restor giống như một loại Google Earth (hình ảnh 3D của Trái đất) dành riêng cho câu chuyện phục hồi hệ sinh thái. Lần đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy diện mạo và quy mô của phong trào bảo tồn đang diễn ra trên khắp hành tinh.

Restor là một nền tảng mở, vì vậy ai cũng có thể đăng tải dự án của riêng mình miễn là nó liên quan đến việc bảo tồn đất đai, và ta có thể đăng dự án ở chế độ công khai hay riêng tư. Nhưng nếu bạn chỉ muốn dạo quanh các dự án, hoặc tìm hiểu xem nơi bạn đang sống có những kiểu hệ sinh thái nào, thì Restor cũng có thể trở thành một sân chơi lý tưởng và khá dễ sử dụng (xem hướng dẫn trong box).

Nền tảng này còn công khai một kho dữ liệu ấn tượng từ hơn 60.000 nhà khoa học về các thông số môi trường như khí hậu, nhiệt độ, lượng mưa, đặc điểm đất đai... Ngoài ra, nó giúp các nhà bảo tồn xác định những loài thực vật bản địa của một khu vực cụ thể - đây là những hướng dẫn rất hữu ích cho việc thiết kế hoạt động tái trồng rừng.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu ở ETH Zürich còn dự định mở rộng nền tảng này thành một loại “chợ” dịch vụ sinh thái. Điều đó có nghĩa là một nhà nhập khẩu trái cây ở Thụy Sĩ có thể sử dụng Restor để tìm một nông dân ở Ghana - người không chỉ trồng dứa mà còn cam kết bảo vệ sự đa dạng sinh học tại chỗ. Bằng cách nhập khẩu dứa từ Ghana, công ty Thụy Sĩ sẽ đồng thời đóng góp một phần nhỏ cho sự phát triển bền vững.

 
 Ảnh: Getty Images

Trồng rừng thời @

Thomas Crowther thuộc thế hệ các nhà sinh thái học chuyên làm việc với các tập dữ liệu khổng lồ và các thuật toán phức tạp. Công nghệ dữ liệu lớn được ứng dụng trong việc thiết kế các dự án và kêu gọi đầu tư, đồng thời giữ vai trò rất lớn trong việc theo dõi tính hiệu quả và từ đó tiếp tục thu hút đầu tư.

TerraMatch là một nền tảng toàn cầu, đa ngôn ngữ, với mục tiêu kết nối các dự án trồng cây và khôi phục đất đai với các nhà tài trợ. Thuật toán độc đáo của nó sẽ kết hợp các ưu tiên của nhà tài trợ (như vị trí địa lý, loại đất…) với các dự án đã qua sàng lọc (chẳng hạn như phải đảm bảo cây trồng phù hợp với vùng đất đó).

Trong năm nay, Thử thách Bonn - sáng kiến toàn cầu nhằm khôi phục 350 triệu hecta đất bị suy thoái và mất rừng vào năm 2030 - sẽ tung ra bản nâng cấp của công cụ Restoration Barometer. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể sử dụng nó để theo dõi và đánh giá hiệu quả của các giải pháp phục hồi sinh thái trên đất liền. Phiên bản cập nhật, dự kiến ra mắt vào cuối năm sau, sẽ mở rộng phạm vi dữ liệu ra ngoài đất liền, cho phép theo dõi quá trình phục hồi hệ sinh thái ven biển. Ở cấp độ quốc gia, có lẽ Brazil đang sở hữu hệ thống ổn nhất trong việc theo dõi việc phục hồi thiên nhiên.

Kho tàng dữ liệu hiện nay tuy rất lớn nhưng thật ra lại chưa “đầy đủ” ở nhiều khía cạnh. Các dữ liệu xã hội học thường rất ít ỏi và không mang tính đại diện, chẳng hạn như quyền sở hữu đất của các cộng đồng bản địa - một yếu tố rất quan trọng đối với sự thành công của hoạt động khôi phục rừng.

Quay lại với Restor, hạn chế đầu tiên của nền tảng này lại chính là độ chính xác, theo Karen Holl - chuyên gia phục hồi sinh thái tại ĐH California Santa Cruz (Mỹ) và thuộc hội đồng cố vấn khoa học của Restor. Thông tin trích ra từ các mô hình máy tính ở cấp độ toàn cầu không phải lúc nào cũng chính xác ở cấp địa phương.

Về điểm này, Crowther cho biết: “Người ta nhập càng nhiều dữ liệu vào nền tảng của chúng tôi, hệ thống càng trở nên chính xác hơn”. Không chỉ phục vụ các nhà nghiên cứu, nền tảng này còn nhắm đến các nhà quản lý dự án sinh thái cũng như nông dân và người làm rừng bởi họ “biết rõ nhất tình hình ngoài thực địa”.

Tuy nhiên, hiện nay Restor chưa có quy trình xác minh nào để đảm bảo các dự án được đăng lên phản ánh chính xác những gì đang diễn ra trên mặt đất. Thay vào đó, họ “hạ” điều kiện để thu thập được nhiều dữ liệu nhất có thể.

An toàn thông tin là một vấn đề đáng lưu ý khác. Có một giải pháp sử dụng công nghệ blockchain để tối đa tính bảo mật: veritree. Bộ công cụ này cho phép dự án phục hồi rừng thu thập và quản lý dữ liệu, sau đó gửi trực tiếp đến tất cả các bên liên quan từ người trồng rừng đến người tiêu dùng. Còn người phát triển Restor thì cam đoan rằng “chúng tôi không bán dữ liệu - thậm chí không bán cho Google”.

 
 Độ phân giải rất cao của Restor

Cách dùng Restor

1. Truy cập restor.eco/map. Người dùng hiện có thể tùy chọn ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha.

2. Nhấp vào các biểu tượng “ghim” trên bản đồ để đi đến các dự án phục hồi cảnh quan khác nhau trên khắp thế giới.

3. Khi cuộn trang thông tin của mỗi dự án, bạn sẽ thấy nhiều loại dữ liệu như đơn vị điều hành dự án, những hoạt động đang diễn ra trên khu đất…

4. Ở bất kỳ khu vực nào, khi nhấp vào nút "global predictions" (dự đoán toàn cầu), bạn sẽ tìm thấy các số liệu ước tính như mật độ cây che phủ, sự đa dạng của động vật hoang dã và lượng carbon được lưu trữ trong đất… (lưu ý: dữ liệu không phải lúc nào cũng chính xác ở cấp địa phương).

5. Bạn có thể quan sát diện mạo thay đổi của một khu vực theo thời gian, nhờ các hình ảnh vệ tinh với độ phân giải siêu cao.

6. Bạn cũng có thể vẽ một hình ngũ giác tùy ý trên bản đồ để ước tính, ví dụ như có bao nhiêu loài động vật sống trong khoảnh rừng gần nhà hoặc bao nhiêu CO2 có thể bị thu hồi nếu chúng ta bảo vệ một vùng đất ngập nước sau làng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận