TTCT - Đã sáu bảy năm nay, gia đình chị Phạm Thị Hồng không về Việt Nam ăn tết nữa. Năm nay gia đình chồng có việc nên chỉ thu xếp cho chồng chị về tết, còn lại hai mẹ con trên đất Đức. Mùa đông vừa rồi thật quá khắc nghiệt, tuyết và băng phủ trắng lạnh cả tháng và qua đợt gió tuyết, ấm lên thì cứ mưa sùi sụt suốt đêm. Tết lại sắp tới rồi! Phóng to Những người Việt ở thị trấn Tettow, Potsdam (bang Brandenburg, Đức) tập gói bánh chưng trước, chuẩn bị cho buổi gói bánh đêm giao thừa Tân Mão - Ảnh: N.V.T. Ngày xưa, khi Mai Ni, con gái chị, chưa đi học thì tết nào cả nhà chị, con cái vợ chồng lại khăn gói về Hà Nội ăn tết với bố mẹ. Song bắt đầu từ khi con gái cắp sách tới trường thì cái tết với quê hương chỉ còn là kỷ niệm. Cũng nhiều gia đình phải chịu cảnh ăn tết tha hương như chị bởi trăm ngàn lý do, song phần lớn cũng vì sự học tập, tương lai của trẻ nhỏ mà cha mẹ đành phải hi sinh cái tết sum họp ở Việt Nam. Dù có ăn tết ở xứ người thì thời buổi bây giờ việc sắm sửa một cái tết cho đủ lệ bộ cũng chẳng khó khăn như những thập niên trước nữa. Nơi chị ở, làng Werder của bang Brandenburg, cách Berlin gần 100km nên cứ việc sắp xếp thời gian sát tết một buổi, vào ngày thứ bảy hay chủ nhật, là ai cũng có thể tha hồ sắm sửa rất thịnh soạn một mâm cúng tổ tiên. Và cho dù làm ăn năm ấy có thất bát thế nào, thời gian có eo hẹp tới mấy thì gia đình nào vẫn hòm hòm một cái tết, một mâm ngũ quả, một mâm cơm cúng giao thừa hay mồng 1, đủ lệ bộ, măng miến, giò chả, ninh mọc..., cả con gà ngậm bông hoa với đầy đủ chân mỏ cũng như những thẻ hương, vòng trầm thơm nức. Tất nhiên điều chưa khi nào thiếu trên mâm cơm tết là đôi bánh chưng xanh rờn, thường bán quanh năm ê hề trên chợ Đồng Xuân ở Berlin. Gọi là vật chất đấy, song thật ra sự chuẩn bị cho tết thật quan trọng khi chị và chồng đều muốn đứa con của họ sinh ra ở Đức thấm hiểu cái phong tục đặc biệt của ông bà. Cái tết cận kề thì thời gian bỗng nhanh như cơn lốc của mùa đông. Nhiều gia đình quanh thành phố nhỏ này đã sắm tết mà chị cứ đắn đo mãi, chẳng biết năm nay có mua bánh như mọi năm không. Sau cái buổi chiều tới nhà bạn, đứa con gái 12 tuổi bất ngờ hỏi vậy ngày xưa người ta làm bánh chưng như thế nào để dâng lên vua Hùng. Người ta gói bánh chứ không phải là làm bánh con ạ. Chị nói... Hóa ra cái chuyện cổ tích bao nhiêu năm nay chị kể vẫn lưu lại một câu hỏi của đứa trẻ mà bao nhiêu dịp về nhà ông bà ở Hà Nội nó chẳng còn được chứng kiến cảnh đêm ba mươi bên nồi bánh như tuổi thơ của chị. Đêm xuống, không hiểu sao chị cứ chập chờn tưởng thấy rõ cái nồi bánh và cả tiếng sôi lục bục lẫn mùi lá dong thơm man mát quanh bếp lửa... Chúng ta sẽ gói bánh chưng chứ không mua bánh trên chợ Đồng Xuân - Berlin nữa, chị quyết định. Tối hôm sau hai mẹ con hì hụi đóng hai cái khung gỗ nhỏ từ mấy thanh gỗ mua ở Baumarkt. Lại nhờ người bạn bán quán ăn nhân đi Berlin lấy hàng mua cho một xấp lá dong còn xanh mướt. Cuối tuần, ngâm gạo và đãi đỗ xong, gọi điện tứ tán mới có cặp vợ chồng bạn nhận lời tới cùng gói. Nhưng thật ra người bạn gái tới giúp cũng chỉ nhớ mang máng cách bắt góc gói bánh của cha cô. Họ kiên trì làm mãi và cuối cùng những chiếc lá màu xanh cũng ngoan ngoãn nằm yên có góc cạnh trong chiếc khuôn gỗ của chị. Chiếc thứ nhất rồi chiếc thứ hai lóng ngóng được hình thành trước sự hồi hộp chứng kiến của cả hai gia đình. Rồi ba bốn giờ sau thì hơn hai chục chiếc bánh cũng hoàn tất và những chiếc cuối cùng cũng vuông thành sắc cạnh... Bọn trẻ con cũng hồ hởi không kém khi cha mẹ chúng gói tới hơn chục chiếc bánh nhỏ xíu và xâu xấp bánh nhỏ lại xếp vào nồi luộc. Tất nhiên, trong căn hộ thì không thể đặt một cái nồi to tướng với đống củi cháy đượm hồng và tiếng kêu lép bép. Song chị hùng hồn hứa với lũ trẻ nếu năm sau không lạnh, chị sẽ tổ chức một buổi luộc bánh chưng ở nhà vườn. Nồi bánh ở bếp bắt đầu thả hương lá dong thơm ngan ngát lùa ra khắp mấy gian phòng. Những tấm bánh chưng này sẽ được dọn trong mâm cúng gia tiên. Chị và con sẽ bày những chiếc bánh tự tay mẹ con chị gói lên bàn thờ. Đốt hương và trầm. Những chiếc bánh lặng lẽ trên bàn thờ thoang thoảng mùi bánh, mùi lá trong mùi hoa và mùi hương quen thuộc. Những chiếc bánh chưng xa xứ vẫn lặng yên. Chúng không biết nói, song lòng chị cởi ra bao điều muốn nói và gửi gắm, gói nén lại của một gia đình xa xứ vào những ngày thiêng liêng này...
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Gói XL1 Vành đai 3 dời tiến độ, cầu Nhơn Trạch đã hoàn thiện có thể phải nằm chờ kết nối LÊ PHAN 04/07/2025 Trên cùng một tuyến kết nối, một bên đã thảm nhựa phần lớn, trong khi bên còn lại vẫn là công trường bề bộn. Tuyến nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với vành đai 3 và đường dẫn cầu Nhơn Trạch đang có hình ảnh trái ngược nhau.
Hoàng Anh Gia Lai chậm trả lãi trái phiếu, sắp có hơn 1.000 tỉ thu nhập bất thường HỒNG PHÚC 04/07/2025 Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) tiếp tục chậm trả lãi trái phiếu. Chủ tịch công ty tiết lộ trong quý 3 có thể ghi nhận khoản thu nhập bất thường hơn 1.000 tỉ đồng.
Báo Tuổi Trẻ tặng danh hiệu 'Bạn đồng hành quanh tôi' cho người lái drone cứu 2 trẻ kẹt lũ TẤN LỰC 04/07/2025 Ban biên tập báo Tuổi Trẻ quyết định tặng anh Trần Văn Nghĩa, người đã lái drone cứu 2 trẻ mắc kẹt trên sông Ba ngày 3-7, danh hiệu 'Bạn đồng hành quanh tôi'. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng quyết định tặng anh Nghĩa bằng khen.
Campuchia sắp sửa đổi hiến pháp, cho phép tước quốc tịch HÀ ĐÀO 04/07/2025 Chính phủ Campuchia đề xuất sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép tước quốc tịch đối với những công dân bị cáo buộc cấu kết với nước ngoài để chống lại lợi ích quốc gia.