Bánh tráng Năm Rắc

NGUYỄN BAY 01/02/2004 19:02 GMT+7

TTCN - Phú Hòa Đông, Củ Chi là một lò bánh tráng khổng lồ với gần 2.000 hộ chuyên làm bánh cung cấp cho cả thị trường TP.HCM, các tỉnh và xuất khẩu. Chị Năm Rắc - “nhà thầu bánh” hàng đầu của Củ Chi - đang thống lĩnh phần lớn mạng lưới thu mua và cung cấp bánh tráng ở đây.

Phóng to
Bánh tráng trải trên mọi nẻo đường ở Phú Hòa Đông, Củ Chi
TTCN - Phú Hòa Đông, Củ Chi là một lò bánh tráng khổng lồ với gần 2.000 hộ chuyên làm bánh cung cấp cho cả thị trường TP.HCM, các tỉnh và xuất khẩu. Chị Năm Rắc - “nhà thầu bánh” hàng đầu của Củ Chi - đang thống lĩnh phần lớn mạng lưới thu mua và cung cấp bánh tráng ở đây.

Một tay cầm chiếc giỏ lác đựng tiền, một tay cầm chiếc máy tính khổ lớn, chị Năm bảo: “Công việc làm bánh đơn giản lắm, chỉ cần ít vốn và chịu khó là được”.

Gia đình nghèo, đông anh em, chị đã ráng học hết lớp 12, thi đậu Trường cao đẳng Sư phạm nhưng vì không có tiền đành bỏ ngang ở nhà làm bánh tráng. Xưa kia những ngày gần tết, mỗi gia đình đổ vài trăm bánh để ăn và làm quà. Làm bánh tráng, rất dễ nhưng làm sao ủ bột để bánh dai, thơm, không bị mặn là bí quyết của người làng nghề Củ Chi.

Trải qua nhiều thăng trầm, bánh Phú Hòa Đông vẫn đứng vững giữa các làng bánh tên tuổi: Hóc Môn, Long An, Bình Dương, Tây Ninh. Vào mùa, bánh ở đây thường mắc hơn các loại bánh khác 5-10 phân (một phân tương đương 100 đồng) nhưng vẫn hút hàng.

Phóng to
Chị Năm Rắc (áo trắng) cùng thợ làm việc trong xưởng bánh tráng
Ban đầu, chị em Năm Rắc kiếm sống nhờ hai lò bánh, mỗi ngày đổ 40kg gạo được bốn thiên bánh, tự làm và mang đi bỏ mối cho các chợ, Tân Bình, Bình Tây, Sài Gòn. Làm bánh phải tối thiểu có hai người (một người tráng, một người gỡ bánh) nên khi chị em có gia đình riêng, Năm Rắc chuyển qua thu mua bánh cho Hợp tác xã (HTX) mua bán, Liên hiệp HTX Củ Chi. Ngày đó chị đâu có vốn mạnh, cứ buổi sáng đi bỏ bánh mối, chiều về thu mua tiếp. Tiền lời tính bằng vài trăm đồng trên một trăm bánh, gặp rủi trời mưa không kịp che chắn, vốn liếng tiêu tan.

Sau mười năm làm quần quật, Năm Rắc tích lũy được gần mười cây vàng, bao nhiêu dự định toan tính bỗng lại mất trắng vì khách hàng phá sản. Nhiều phen lao đao, nản chí, tính bỏ ngang. Nhìn người dân quê nghèo sống nhờ vào tráng bánh, tin tưởng giao bánh cho mình, chị lại quyết tâm xoay xở, chạy vạy tìm đầu ra. Lấy ưu điểm của bánh Phú Hòa Đông thuần túy bột gạo, không pha trộn, chị cùng nhà lò chiến đấu từng ngày, ai ít nhiều gì cũng làm, và làm theo mẫu hàng của khách.

Phóng to
Gia đình chị Phạm Thị Lệ (khóm 2, ấp Phú Mỹ, Phú Hòa Đông, Củ Chi) từ một hộ diện xóa đói giảm nghèo nay đã sống ổn định nhờ lò bánh
Khi nguồn vốn ổn định, chị từng bước đầu tư cho các nhà lò, ai không có vốn chị cho mượn vốn, không có gạo, cho mượn gạo. Đến nay chị có 120 lò mối cung cấp bánh thường xuyên, đủ sức cạnh tranh với các làng bánh tên tuổi và cạnh tranh với cả bánh ngoại từ Thái Lan.

Chị tính nhẩm: ngày ế ẩm xuất 2 tấn bánh, cao điểm như vào dịp lễ tết phải chạy 3-4 tấn/ngày, vốn lưu động xoay vòng mỗi tháng từ 350-400 triệu đồng, vốn để nằm trong các nhà lò 200-300 triệu đồng. Lúc nào cái giỏ lác của chị cũng có 30-40 triệu đồng thanh toán tiền nhà lò mỗi ngày. Nói về tài sản, chị cười thật thà bảo: “Mình không có gia đình riêng, không cần nhiều, chủ yếu lo cho các em. Nhưng muốn cạnh tranh được phải có trong tay vài tỉ đồng”.

Theo ông Trần Văn Sĩ (chủ tịch UBND xã Phú Hòa Đông, Củ Chi), Phú Hòa Đông có 4.300 hộ với 1.700 hộ làm nghề bánh tráng. Tháng 9-2003 Phú Hòa Đông đã chính thức được công nhận xóa hết hộ nghèo. Làng nghề bánh tráng thay đổi từng ngày, và không ít tỉ phú đi lên từ lò bánh tráng.

Nói về “nhà thầu Năm Rắc”, nhiều chủ lò bánh tráng Phú Hòa Đông nhận xét: “Chị ấy làm ăn lớn nhưng hiền lành và thương người”. Cách giúp đỡ của chị Năm cũng khác, chị giúp vốn nhưng không cấn trừ vào tiền bánh mỗi ngày. Theo chị Năm: “Nhà lò làm việc quần quật ngày đêm, cấn trừ như thế khác gì bắt người ta làm thuê. Mình làm ăn được cũng nhờ nhà lò nên dựa vào nhau mà sống”. Cụ Bảy Hoa (85 tuổi) vừa bảo: “Dân ở đây sống được nhờ lò bánh. Năm Rắc còn mần ăn được thì nhà lò đỡ khổ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận