Bảo hiểm y tế: Đẩy khó cho dân?

LAN ANH - QUỐC THANH 22/05/2013 23:05 GMT+7

TTCT - Nếu đề nghị mới nhất của TP.HCM về sửa đổi các quy định bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành được thông qua thì tất cả những người không may bị tai nạn giao thông (TNGT) sẽ không được BHYT chi trả một đồng tiền thuốc men nào...


Cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm thì quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng - Ảnh: Minh Đức

Cơ sở để đưa ra đề xuất này là những người đi đường đã có bảo hiểm TNGT và khó chứng minh người bị TNGT có vi phạm luật hay không...

Ai cũng chọn nhẹ nhàng

Trước đây người bị TNGT muốn được BHYT chi trả phải chứng minh mình không vi phạm pháp luật về giao thông. Nhưng trách nhiệm này trên thực tế là quá nặng nề đối với người bị TNGT nên rất nhiều trường hợp không thể có được tờ xác nhận hoặc “được vạ thì má đã sưng”. Điều đó làm người có BHYT ta thán, dư luận bức xúc suốt thời gian dài. 

Kể từ ngày 26-12-2011 (thời điểm có hiệu lực của thông tư liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thanh toán tiền khám, chữa bệnh BHYT đối với người bị TNGT), mắc mứu nói trên được tháo gỡ theo hướng: người có BHYT bị TNGT khi điều trị được hưởng BHYT dù chưa có đủ căn cứ để xác định nguyên nhân xảy ra TNGT.

Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phối hợp với công an xác minh người bị TNGT có vi phạm pháp luật về giao thông hay không. Trường hợp người có BHYT bị TNGT vi phạm pháp luật về giao thông thì phải hoàn trả cho quỹ BHYT số tiền đã được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả chi phí điều trị.

Tuy nhiên, ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết từ khi có quy định như vậy, cơ quan này đã gửi rất nhiều đề nghị xác minh nhưng chưa ai trả lời (ước đến vài chục nghìn lượt). Ngành công an nói rằng Bộ Công an chưa có chỉ đạo vấn đề này. Do vậy, từ đó đến nay gần như ai bị TNGT cũng đều được trả BHYT vì không chứng minh được họ có vi phạm pháp luật giao thông hay không (ngoại trừ những trường hợp đo độ cồn xác định được vượt ngưỡng cho phép khi lái xe).

Theo ông Sang, từ thực tế trên, để có thể minh định được trường hợp nào bị TNGT có vi phạm pháp luật giao thông và trường hợp nào không vi phạm để chi trả BHYT là gần như không thể.

“Quan điểm của chúng tôi là đề nghị không thanh toán BHYT cho người bị TNGT vì cái gốc đã có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người tham gia giao thông, bây giờ BHYT chi trả lần nữa là trùng lắp. Hoặc là thanh toán cho tất cả trường hợp bị TNGT chứ đừng bắt thực hiện thủ tục thẩm tra, xác minh nữa và làm theo kiểu nước đôi như hiện nay” - ông Sang nói.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (tháng 4-2013), trong số trên 155 tỉ đồng BHYT đã chi trả cho bệnh nhân TNGT từ cuối năm 2011-2013 có trên 126 tỉ đồng thuộc diện không xác định được có vi phạm luật hay không. 691 lượt bệnh nhân bị TNGT có vi phạm luật, đã được BHYT chi trả trên 2 tỉ đồng nhưng không thu hồi được.

 Gian khổ phần ai?

Phản ứng của người dân về vấn đề này là dễ hiểu. Ông Nguyễn Việt Hùng (P.12, Q.4, TP.HCM) cho rằng nếu đề nghị này được chấp thuận sẽ xâm phạm đến quyền lợi của đông đảo người có thẻ BHYT hiện nay.

Theo ông Hùng, cách hành xử hợp lý nhất là cơ quan có trách nhiệm phải chứng minh việc người bị TNGT có vi phạm pháp luật hay không. Không thể vì không làm được mà đẩy cái khó, cái thiệt thòi về phía người dân. 

Chưa kể nhiều người, nhiều gia đình bị TNGT rất nghèo khó, chi phí chữa trị cao, một lần gặp nạn đủ kéo cả gia đình vào cảnh khốn khó, nợ nần cả đời… chắc chắn sẽ không công bằng nếu đánh đồng và không chi trả BHYT cho mọi trường hợp bị TNGT.

Tại cuộc họp của tổ biên tập Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế tổ chức ngày 7-5 ở Hà Nội, ông Nghiêm Trần Dũng, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết: “Có hai quan điểm khi bàn thảo luật này: hoặc không tiếp tục chi trả, còn nếu chi trả thì không cần thủ tục giấy tờ xác nhận họ có vi phạm luật giao thông hay không mà chi trả như bệnh nhân có BHYT thông thường”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng đề nghị như Bảo hiểm xã hội TP.HCM mang tính “đánh đồng” và “đẩy cái khó, cái thiệt thòi cho dân”. 

“Khi người dân đã đóng BHYT, thực hiện đúng quy định của pháp luật thì khi có yêu cầu điều trị bệnh, họ phải được BHYT chi trả đầy đủ. Trách nhiệm xác minh họ có vi phạm pháp luật hay không thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước” - ông nói.

Trả lời TTCT, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo cho biết sau năm 2020, khi bệnh viện thực hiện tính đúng tính đủ viện phí sẽ thực hiện sửa đổi toàn diện Luật BHYT. 

Với nhóm bệnh nhân bị TNGT, nếu công an không thẩm định, quỹ không chi trả thì bệnh nhân sẽ phải bỏ tiền túi, nên hướng sẽ thực hiện như hiện hành là tiếp tục chi trả phí khám chữa bệnh cho họ từ quỹ BHYT.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận