Bạo lực với trẻ em và lời tự vấn của xã hội

THỦY TIÊN 11/01/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Một xã hội mạnh là một xã hội thường xuyên có sự tự vấn lương tâm của mọi công dân và lòng can đảm hành động theo đòi hỏi của trách nhiệm và lương tri. Không ai vô can trong cái chết thương tâm của một đứa trẻ.

 
 

 Nhiều năm trước, cha con một cậu bé chừng 7-8 tuổi dọn tới căn nhà cho thuê bên cạnh nhà tôi. Từ cửa sổ lầu 1, tôi có thể nhìn thấy phòng khách của họ. Cứ 8h tối là người cha kèm con học. Thằng bé đọc vất vả và rất chậm, người cha ngồi sát bên, tay cầm một cây roi. Ông lặp đi lặp lại các chữ, quát lớn mỗi khi thằng bé không đọc đúng. Cây roi lâu lâu lại vụt xuống mặt đất. 

Tôi chứng kiến cảnh tượng căng thẳng ấy, ruột gan nóng bỏng, nhưng nhận thấy ông không đánh nó, ông chỉ quát và vụt roi xuống mặt đất sát chân thằng bé để dọa. Tôi tự nhủ, thôi thì ông ấy không đánh nó là được, nếu ông ấy đánh con, tôi sẽ sang nói chuyện can gián.

Bạn tôi ở Pháp kể câu chuyện về con gái chị. Cô bé có vết bớt đỏ bẩm sinh ở cổ tay, trông như vết máu bầm. Có những ngày vết đó chỉ mờ mờ, nhưng có những ngày nó hiện lên mồn một. Một hôm, cô giáo ở nhà trẻ giơ tay con bé ra hỏi mẹ cháu: “Sao tôi thường xuyên thấy vết này ở tay cháu? Ở nhà có ai làm cháu đau không?”. Người mẹ đã phải giải thích rất cẩn thận với cô giáo về vết bớt và cách giáo dục trong gia đình. Cô giáo gật đầu nhưng bạn tôi nói, chắc chắn cô vẫn ngầm theo dõi con gái chị. Nếu chẳng may có vết bầm chỗ khác, chắc chắn cô giáo sẽ gọi báo cơ quan bảo trợ xã hội.

Hai câu chuyện này phản chiếu hai tâm lý và thái độ khác nhau trong việc bảo vệ trẻ nhỏ. Tôi sống trong một xã hội Á Đông không xa lạ với kiểu dạy trẻ “thương cho roi cho vọt”, cha mẹ có quát mắng con “cũng là vì thương”, cô giáo bên Pháp sống trong một xã hội mà các nguyên tắc bất di bất dịch về việc không được đánh trẻ đã phổ cập và trở thành một trách nhiệm không được lơ là.

Tôi đã tự hỏi, nếu cha cháu bé đánh cháu, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ qua nói chuyện phải quấy với ông ấy để can gián? Tôi sẽ gọi đường dây nóng bảo vệ trẻ em? Báo tổ trưởng dân phố? Báo công an? Khi nào thì tôi nên làm thế? Hóa ra, đấy không hề là những câu hỏi dễ trả lời. Tôi đã nghĩ mình có thể chuốc vạ vào thân nếu cha cháu bé là một người hung hăng. Tôi có thể bị cho là làm lố, làm quá vấn đề. 

Tôi lựa chọn rút vào trong cái vỏ an toàn “thôi thì ông ấy chưa đánh, thôi đấy là việc nhà người ta, thôi đừng dây vào phiền phức nữa”. Họ sống cạnh nhà tôi chừng 2 tháng rồi dọn đi. Tôi đã không qua nói chuyện với cha cháu. Tôi đã sai. Tuy cây roi không quất vào thằng bé, nhưng đó là một dạng bạo lực tinh thần với cháu.

 
 

Những số liệu phũ phàng

Có tới khoảng 1 tỉ trẻ em, nghĩa là một nửa số trẻ em trên toàn thế giới, bị một số hình thức bạo lực mỗi năm, cả về thể xác lẫn tinh thần, bị xâm hại tình dục. 

Và dẫu Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được ký kết từ năm 1989 với 196 quốc gia tham gia, thì Báo cáo hiện trạng toàn cầu về phòng chống bạo lực đối với trẻ em năm 2020 (do WHO, UNICEF, UNESCO, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về bạo lực đối với trẻ em và đối tác toàn cầu về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em công bố) vừa khẳng định: khi họ tập hợp ý kiến từ hơn 1.000 người có thẩm quyền ra quyết định ở 155 quốc gia, các quan chức chính phủ của những nước này đã thừa nhận nỗ lực của họ là không đủ để đạt được các mục tiêu phòng chống và chấm dứt bạo lực với trẻ em.

Trên toàn cầu, người ta ước tính rằng cứ 2 trẻ từ 2–17 tuổi thì có 1 em từng phải trải qua một số hình thức bạo lực. Bạo lực tình cảm ảnh hưởng đến 1/3 trẻ em và ¼ số trẻ chịu bạo lực từ bạn tình hoặc người chung sống với bố/mẹ các em. 

Ngoài những tác hại tức thời của bạo lực đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng, bạo lực đối với trẻ em gây ảnh hưởng suốt đời, làm suy yếu tiềm năng của các em và khi tổng hợp trên hàng tỉ trẻ em như vậy, nó khiến xã hội loài người suy yếu nghiêm trọng qua nhiều thế hệ.

Đại dịch COVID-19 và các biện pháp lockdown trong hơn 2 năm qua đã tăng nguy cơ bạo lực trong gia đình lên rất lớn. Khi đóng cửa trường học, hơn 1,5 tỉ trẻ em và trẻ vị thành niên bị hạn chế di chuyển, sống trong tình trạng kinh tế gia đình suy giảm, trong sự cô lập và căng thẳng tâm lý của cha mẹ hoặc người chăm sóc các em.

Báo cáo nói trên cho biết tình trạng xâm hại và bạo lực với trẻ em tăng lên rõ rệt. Các cuộc gọi đến đường dây trợ giúp về xâm hại trẻ em tăng đột biến. Chỉ riêng ở Trung Quốc trong tháng 2-2020 khi mới bắt đầu lockdown, số cuộc gọi tới cầu cứu đã tăng gấp đôi (theo tờ Axios). Ở Pháp, số cuộc gọi tới số 119 tăng 60% trong 3 tuần đầu lockdown và số cuộc gọi tới đường dây nóng "Xin chào, trẻ em đang gặp nguy hiểm" đã tăng lên 20% (theo L’Union). 

Chỉ trong 11 ngày đầu tiên lockdown trên toàn quốc, số điện thoại trợ giúp trẻ em ở Ấn Độ (Childline) 1098 đã nhận được tới 92.000 cuộc gọi đau khổ yêu cầu bảo vệ các em chống lại bạo lực gia đình. 

Ở Vương quốc Anh, các cuộc gọi cho Hiệp hội quốc gia phòng chống hành vi đối xử tàn ác với trẻ em đã tăng 20% trong khi cơ hội giúp trẻ em tiếp cận các dịch vụ bảo vệ giảm 50% tính từ khi đóng cửa trường học ngày 20-3 tới tháng 4-2020. Tình hình tại Philippines cũng tương tự.

Tại Mỹ, trong tháng 3-2020, số vụ báo cáo về bạo lực và xâm hại trẻ em sụt giảm. Tại các bang như Wisconsin, Oregon, Pennsylvania và Illinois, các báo cáo về xâm hại trẻ em giảm từ 20 - 70%. 

Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là khi gần như tất cả các bang đóng cửa trường học của họ đến hết tháng 4 (và nhiều tiểu bang trong thời gian còn lại của năm học), cũng như đóng cửa các cơ sở giữ trẻ ban ngày, các chương trình và hoạt động sau giờ học, cả một mạng lưới những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em và thanh thiếu niên, chẳng hạn giáo viên, bác sĩ nhi khoa, nhà giữ trẻ, luật sư và cảnh sát, nhân viên xã hội - những người trong trường hợp bình thường sẽ nhận ra các dấu hiệu bạo lực và xâm hại trẻ - không còn tiếp xúc trực tiếp với trẻ em, và do đó không phát hiện được và báo cáo kịp thời các hành vi ngược đãi trẻ em. 

Những đứa trẻ không may sẽ phải cô độc chịu đựng sự hành hạ, đối phó tuyệt vọng với những người thân cận nhất trong gia đình nó. Nghĩa là trẻ em đã trở nên “vô hình” trong con mắt giám sát của xã hội và trở thành những nạn nhân âm thầm như bé N.T.V.A..

Trong hầu khắp các trường hợp, sự can thiệp là không kịp thời. Các vụ bạo lực, xâm hại trẻ được phát hiện quá muộn, nhiều đứa trẻ được đưa vào bệnh viện với những vết thương nghiêm trọng hoặc đã chết.

 
 

 Một sự tự vấn cho toàn xã hội

Khi chúng ta kết thúc năm 2021 với một cái chết đau đớn của một em bé 8 tuổi, hàng triệu trái tim người Việt nhức nhối xót thương. Và khi chúng ta bước vào năm 2022 với một vụ án xét xử những kẻ độc ác đã xuống tay tàn độc với một đứa trẻ yếu ớt, chúng ta nóng lòng chờ đợi công lý được thực thi thích đáng. Nhưng bài học nào, đấu tranh nào, nhắc nhở nào cho chúng ta ngày mai?

Chúng ta cần ít nhất hai sự sẵn sàng. Quan trọng hàng đầu là một hệ thống pháp luật và các thiết chế hỗ trợ hữu hiệu (đường dây nóng, trung tâm bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành gia đình để nạn nhân của các vụ bạo hành có thể tiếp cận tất cả các nguồn lực như cảnh sát, bác sĩ, luật sư...) để được hỗ trợ ngay lập tức. 

Những nơi này phải là nơi tiếp nhận các tố giác, yêu cầu bảo vệ trẻ ở dạng one-stop (một điểm tiếp nhận giải quyết đầy đủ, không chuyển máy lòng vòng) - điều mà tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chưa làm được. 

Các chi phí xã hội và kinh tế của bạo lực đối với trẻ em là rất lớn. Tại Hoa Kỳ, ước tính tổn thất suốt đời vì ngược đãi trẻ em xảy ra trong một năm là 428 tỉ USD. Ở Đông Á và Thái Bình Dương, chi phí kinh tế của hậu quả của việc ngược đãi trẻ em tương đương từ 1,4 - 2,5% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm của khu vực.

Và sự sẵn sàng thứ hai về nhận thức của chúng ta: Nhận thức về các hình thức khác nhau của bạo lực (hãy nhớ tới sai lầm của tôi khi cho rằng người cha kia không đánh con thì không sao, hãy nhớ rằng bạo lực tinh thần cũng chính là bạo lực), nhận thức về bổn phận phải hành động thích đáng và tức thì của mình để bảo vệ một đứa trẻ yếu ớt, nhận thức về sự sẵn sàng chấp nhận mọi phiền toái và rủi ro khi thực hiện hành động bảo vệ trẻ vì đấy là trách nhiệm đương nhiên của mình – một người lớn.

Một xã hội mạnh là một xã hội thường xuyên có sự tự vấn lương tâm của mọi công dân và lòng can đảm hành động theo đòi hỏi của trách nhiệm và lương tri. Không ai vô can trong cái chết thương tâm của một đứa trẻ. Cha mẹ, ông bà em, hàng xóm, thầy cô giáo của em, người quản trị chung cư, công an, hội phụ nữ, những chức trách của phường của quận… tất cả đều liên quan. Vì họ có trách nhiệm trong việc đảm bảo một môi trường sống an lành cho mọi đứa trẻ.

Một báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) liên quan tới bạo lực đối với trẻ em công bố tháng 1-2019 nhắc các quốc gia rằng cần đo đếm chi tiết “thông số về môi trường sống”, bao gồm sự bảo vệ của xã hội, thái độ của xã hội, quan niệm và cảm nhận của xã hội về bạo lực. 

Báo cáo này xếp Việt Nam gần cuối bảng xếp hạng về hiệu quả chống xâm hại trẻ em: 37/40 (Việt Nam có 42,9 điểm, so với điểm trung bình cho tất cả các nước là 55,4 điểm, và 47,3 điểm cho các nước thu nhập thấp). 

88% quốc gia có luật để ngăn chặn bạo lực với trẻ em, nhưng chỉ 47% chính phủ cảm thấy những luật này được thực thi đủ mạnh để đảm bảo những người vi phạm sẽ bị trừng phạt.

Trong khi khoảng 56% các quốc gia có chính sách hỗ trợ cấp quốc gia để ngăn chặn bạo lực với trẻ em, chỉ có 25% trong đó cảm thấy những chính sách đó là đủ và có ích cho những người cần đến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận