Bầu cử ở Thái Lan: Đến hẹn lại… thôi?

DANH ĐỨC 22/01/2019 23:01 GMT+7

TTCT - Nhật báo Thái The Nation sáng thứ hai 14-1 không giấu giếm nỗi thất vọng khi chạy tít: “Cánh quân sự tiếp tục khiến đất nước thấp thỏm về cuộc bầu cử chính trị sắp tới”.

Tướng Prayuth đang dần củng cố vị thế của chính quyền quân sự trong mắt cộng đồng quốc tế. Ảnh: thaienews.blogspot.com
Tướng Prayuth đang dần củng cố vị thế của chính quyền quân sự trong mắt cộng đồng quốc tế. Ảnh: thaienews.blogspot.com

 

Tác giả bài báo có lý do để bức xúc: “Sau khi nắm quyền từ một chính phủ dân cử vào tháng 5-2014, chính quyền do tướng Prayuth Chan-o-cha lãnh đạo đã đưa ra một lộ trình chính trị hứa hẹn tổng tuyển cử vào tháng 2-2016. Cuộc tổng tuyển cử đó đã không bao giờ xảy ra, cả 5 lần hứa sẽ tổ chức bầu cử trong 3 năm qua đều không được thực hiện.

Sự trì hoãn lặp đi lặp lại của Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) cầm quyền khiến giới quan sát và các đảng chính trị mất hết kiên nhẫn sau nhiều năm chờ đợi. Các nhà phê bình và hoạt động… nhất định tổ chức biểu tình phản đối bất kỳ việc trì hoãn bầu cử nào từ ngày 24-2-2019 - ngày tổ chức bầu cử mới nhất được hứa hẹn.

Một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24-2 giờ thật khó diễn ra, sau khi chính quyền nói cần hoãn bầu cử để tránh trùng với lễ đăng quang của Đức Kim thượng, dự kiến vào đầu tháng 5”.

Lý do kỹ thuật

Câu chuyện hoãn bầu cử ở Thái Lan được khơi lên tuần rồi, khi Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam nói nên tổ chức bầu cử vào ngày 24-3 hoặc 31-3 để kết quả bỏ phiếu có thể được công bố vào cuối tháng 5, sau lễ đăng quang chính thức của quốc vương Maha Vajiralongkorn - người kế vị hồi tháng 12-2016 sau khi quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà.

Việc loan tin về lễ đăng quang vào ngày đầu năm dương lịch 1-1-2019 cho thấy sự trân trọng cần thiết với nghi lễ tối thượng sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 6-5 tới đây. Thông cáo của hoàng cung nhấn mạnh: “Hoàng thượng cho rằng thời điểm đó phù hợp để tổ chức lễ đăng quang theo truyền thống hoàng gia, vì phước phần của quốc gia và vương quốc mà người dân hi vọng được tận hưởng” - Reuters ngày 1-1 dẫn lại.

Trước đó nữa, hôm 11-12-2018, Ủy ban bầu cử quốc gia loan báo sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 24-2-2019. Vấn đề ở chỗ, theo The Nation, căn cứ luật cơ bản về bầu cử quốc hội, bầu cử phải được tổ chức trong vòng 150 ngày tính từ ngày thông qua luật bầu cử mới - vốn đã thông qua từ giữa tháng 12-2018.

Điều đó đồng nghĩa 24-2-2019 là ngày bầu cử sớm nhất khả dĩ, và trễ nhất là ngày 9-5-2019. Nhà chức trách vì thế cho rằng có trục trặc kỹ thuật bởi sự chồng chéo với lịch lễ đăng quang: “Sau khi kiểm phiếu, xác nhận, giải quyết khiếu nại từ các khu vực tranh chấp, quốc vương sẽ triệu tập quốc hội và quốc hội tiến hành tổ chức một chính phủ. Chính phủ có thể sẽ bị hụt nhân viên cho cuộc bầu cử do phải tổ chức lễ đăng quang… Đó là một cách giải thích không chính thức”.

Trong góc nhìn đó, tổ chức bầu cử đúng hạn sẽ quá cận với lễ đăng quang. Chính vì thế mà Ủy ban bầu cử đề nghị tổ chức bầu cử vào ngày 10-3 cho rõ xa lễ đăng quang.

Tất nhiên đó mới là gợi ý của Ủy ban bầu cử, còn chính thức như thế nào sẽ phải đợi một chiếu dụ của hoàng gia, theo The Nation cho biết. Thành ra, lý thuyết mà nói, việc hoãn bầu cử lần này không do chính quyền quân sự, mà do nguyên nhân “kỹ thuật”, những ràng buộc của hiến pháp cùng những luật cơ bản như luật bầu cử.

Dẫu sao thì xã hội Thái cũng đã phải quen với những thay đổi hiến pháp này rồi: từ khi nền quân chủ chuyên chế cáo chung vào năm 1932, Thái Lan đã 20 lần thay hiến pháp và lần nào cũng hầu như “may đo” theo “ni tấc” của nhà cầm quyền đang tại vị.

Câu giờ để được chính danh

Tuy nhiên, việc Thủ tướng Prayuth chọn London vào tháng 6-2018 làm nơi và lúc loan báo sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 2-2019 không khỏi khiến giới quan sát nghĩ ngợi. “Có phải ông muốn đối phó với áp lực quốc tế qua mỗi chuyến đi?” - The Nation đặt câu hỏi và tự trả lời: Tháng 2-2015, sau cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Prayuth lần đầu tiên nói sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm đó hoặc đầu năm sau.

Tháng 9-2015, khi đi họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông nói với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là Ban Ki Moon rằng giữa năm 2017 nhất định sẽ bầu cử. Song do Ủy ban soạn thảo hiến pháp chưa soạn xong các luật cơ bản nên hoãn tới cuối năm 2017.

Sau đó lại hoãn tới tháng 11-2018. Đến cuối tháng 10-2018, World Politics Review viết: “Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi đầu tháng này, thủ tướng Thái Lan và các lãnh đạo quân sự cầm quyền từ năm 2014, Prayuth Chan-o-cha, đã xác nhận cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào đầu năm tới, muộn nhất là vào tháng 5-2019… (và) sớm nhất là vào tháng 2”.

Chiến thuật “câu giờ” khá là lộ liễu đó của ông Prayuth xem ra rất hữu hiệu. Áp lực hiện giờ từ bên ngoài không còn lớn và dồn dập như lúc ông mới lên nắm quyền vào năm 2014 nữa.

World Politics Review 25-6-2018 ghi nhận: “Từ châu Âu đến Úc và Hoa Kỳ, các nước (phương Tây) đều đã buông bỏ phần lớn nỗ lực gây sức ép lên Chính phủ Thái Lan, ngay cả khi cuộc khủng hoảng chính trị ở đó có kéo dài vô tận…

Trong sự suy giảm trên toàn cầu của những hoạt động hỗ trợ dân chủ, chắc chắn một số người ở một số quốc gia đã xem xét lại cách nhìn về việc giới quân sự cầm quyền: Thái Lan vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới được cai trị bởi các lực lượng vũ trang - một ngoại lệ ngay cả trong một thế giới mà dân chủ đang chùn bước”.

Có thể lấy ví dụ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân đã ra tận cửa tiếp Thủ tướng Prayuth và phu nhân ở Nhà Trắng vào tháng 10-2017 và hồ hởi ca ngợi quan hệ Mỹ - Thái. Rồi cuối năm 2017, EU loan báo thiết lập lại tất cả các kênh liên kết chính trị với Thái Lan và hiện vẫn bỏ ngỏ khả năng về một thỏa thuận chính trị - kinh tế chặt chẽ hơn với vương quốc, trong đó có việc nới lỏng các lệnh trừng phạt với Thái Lan.

Điều này dẫn đến chuyến đi đầu tiên tới châu Âu của tướng Prayuth vào tháng 6-2018. Ông đã gặp Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng một loạt lãnh đạo doanh nghiệp. Tại London, ông Prayuth và bà May đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do.

Trước đó, tháng 3-2018, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tiếp chính thức tướng Prayuth. Đáp lại, ông Prayuth mời ông Turnbull đến thăm Thái Lan… Còn Nhật Bản thì chưa bao giờ rời bỏ chính sách đối ngoại thực dụng: ông Abe gặp ông Prayuth ngay từ năm 2015, rồi một lần nữa vào năm 2018.

Vẫn còn tranh luận sòng phẳng

Tất nhiên, dù có trì hoãn bầu cử một lần nữa hay không thì tối thiểu các quân nhân cầm quyền cũng đã khôi phục bước thứ nhất của lộ trình qua việc tháo bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị, nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử dự trù trong năm 2019 này, theo Công Báo Hoàng Gia hôm 11-12-2018.

Trong khi chờ đợi, cuối tuần rồi đã lại có những vụ xuống đường ở Bangkok và khoảng nửa tá tỉnh thị gồm Chiang Mai, Chiang Rai, Nakhon Pathom, Khon Kaen và Ubon Ratchathani đòi không hoãn bầu cử nữa, theo Bangkok Post ngày 13-1. Cảnh sát đã không ngăn chặn các cuộc biểu tình, song không cho phép sử dụng các phương tiện phát thanh.

Tờ Bangkok Post cùng ngày cũng công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy 63,75% số người được hỏi cho rằng việc hoãn cuộc bầu cử ngày 24-2 sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào sự ổn định kinh tế và chính trị của đất nước, làm hoen ố hình ảnh đất nước và gây xung đột chính trị, trong khi 36,25% tin rằng hoãn bầu cử sẽ cho phép có thêm thời gian chuẩn bị.

Cuộc thăm dò dư luận này do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện trong thời gian từ ngày 8 đến 12-1, với một mẫu thăm dò 1.029 người trong độ tuổi bỏ phiếu trên toàn quốc.

Những bài báo như của The NationBangkok Post, hay việc công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy dẫu sao, trong khung cảnh của một nền pháp trị - dù còn thô sơ - và một cơ sở dân chủ đã tương đối lâu dài, truyền thông Thái Lan vẫn có một biên độ hoạt động không quá chật chội.

Bài xã luận của Bangkok Post ngày 14-1 có đoạn: “Lệnh của thủ tướng cho các lực lượng vũ trang và giờ đây là các cơ quan nhà nước tiếp cận các cử tri và theo dõi các phát biểu chính trị gây rất nhiều bối rối… Giáo dục cử tri và vạch trần sự thật về những lời hứa mị dân không phải là việc của quân nhân hay công chức. Mệnh lệnh này cần được rút lại…

Quân đội không có gì để dạy công chúng về bầu cử, về chính phủ… Ngược lại, đây là lúc Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự và quân đội mà họ chỉ huy cần lắng nghe và tôn trọng các công dân về những chủ đề này”.■

Được yêu cầu mô tả các khía cạnh “bất lợi” của việc hoãn bầu cử, 49,17% số người được hỏi cho rằng điều đó sẽ dẫn đến bất ổn chính trị và kinh tế; 30,7% cho rằng sẽ dẫn đến xung đột chính trị và đàn áp nhiều hơn.

Khi được hỏi về lợi ích có thể có của việc hoãn bầu cử, 48% cho biết quyết định đó cho phép các ứng viên và đảng chính trị có thêm thời gian cho chiến dịch tranh cử; 29,19% nói sẵn lòng cho Ủy ban bầu cử đủ thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử và 27,95% cho biết sẽ giúp cử tri có thêm thời gian để quyết định bầu chọn cho ai. (Nguồn: Bangkok Post)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận