Bầu Thắng & bầu Đức vẫn còn mê bóng đá

NGUYÊN KHÔI THỰC HIỆN 14/09/2009 03:09 GMT+7

TTCT - Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Đồng Tâm Long An (ĐTLA) là hai đội bóng doanh nghiệp có những bước đi chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá VN. Tuy nhiên, sau bốn mùa chia nhau hai chức vô địch V-League, cả ĐTLA lẫn HAGL đã có bước thụt lùi đáng thất vọng ở mùa giải 2009.

Phóng to
Bầu Thắng - Ảnh: Sĩ Huyên
TTCT - Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Đồng Tâm Long An (ĐTLA) là hai đội bóng doanh nghiệp có những bước đi chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá VN. Tuy nhiên, sau bốn mùa chia nhau hai chức vô địch V-League, cả ĐTLA lẫn HAGL đã có bước thụt lùi đáng thất vọng ở mùa giải 2009.

Mạnh miệng tuyên bố 98% khả năng vô địch hồi đầu mùa trong lễ ra mắt ngôi sao đẳng cấp châu Âu Lee Nguyễn, nhưng HAGL chỉ đứng hạng 6 khi V-League kết thúc. Còn ĐTLA lần đầu tiên văng ra khỏi tốp 3, rơi xuống tận hạng 10! Không ít lời đồn đoán cho rằng hai ông bầu này đã ngán bóng đá, đặc biệt là bầu Thắng...

Chủ tịch CLB ĐTLA Võ Quốc Thắng: “Tôi chưa chán bóng đá”

* Ông có bất ngờ với thành tích của CLB ở mùa giải 2009?

- Tôi có hơi bất ngờ. Nhưng trong bóng đá thì không nói trước được điều gì. Chúng tôi đã chuẩn bị lực lượng không được như mong muốn. Nếu như đầu mùa Issawa, Lâm Huy, Tuấn Phong phải nghỉ dài hạn vì chấn thương thì đến giữa mùa lại mất thêm Hoàng Thương, Tài Em vì lý do tương tự. Với phân nửa đội hình vắng mặt vì chấn thương như thế, trục trặc là điều đương nhiên và thành tích bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi. Kỷ lục 13 trận hòa, trong đó nhiều trận mất 2 điểm vào phút chót, cho thấy rõ sự bất ổn đó.

* Không có các trụ cột, ĐTLA lập tức gặp khó khăn vì lực lượng dự bị không tốt. Đó cũng là lý do người ta cho rằng ĐTLA hết tiền để đầu tư vào bóng đá?

- Mỗi đội bóng có một cách làm riêng. Chúng tôi có thể chi hàng tỉ đồng để làm công tác xã hội chứ không bỏ tiền ồ ạt để mua cầu thủ nội giá châu Âu. Bởi cầu thủ Thái Lan đẳng cấp có thua gì VN, nhưng cũng không có giá cao khủng khiếp như cầu thủ VN. Làm gì cũng mang tính hiệu quả của nó, chúng ta có cần thiết phải đầu tư nhiều tiền để mua cầu thủ nội như các đội đang làm hiện nay không? Với ĐTLA, chúng tôi không bao giờ bỏ ra quá 2 tỉ đồng để mua cầu thủ.

* Nhưng cách làm đó khiến nhiều người nghĩ rằng bầu Thắng không còn “máu” với bóng đá?

- Tôi vẫn vậy. Hồi xưa tôi đầu tư cho đội bóng thế nào thì bây giờ vẫn như thế, không có gì khác biệt. Nếu chán bóng đá, tôi đã không bỏ hàng tỉ đồng để mua cầu thủ tăng cường cho V-League 2010 như hiện tại. Đó là tiền đạo Phan Thanh Bình (HAGL), hậu vệ Chí Hùng (Đồng Tháp), Anh Duy (Tiền Giang)...

* Ông thấy V-League hiện nay so với thời mà ĐTLA đăng quang có khác nhiều không?

- Khác nhiều chứ. Các đội ở V-League giờ trình độ nâng lên cao hơn hẳn và tính khốc liệt cả trên sân và ngoài sân cũng dữ dội hơn khi nhiều doanh nghiệp có tiền tham gia bóng đá rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều đội có tiền đã có cách làm thiếu chuyên nghiệp. Cụ thể là họ tiếp xúc trái luật với cầu thủ đang còn hợp đồng với các CLB, hứa hẹn mức lương cao ngất và phí chuyển nhượng hàng tỉ đồng ở mùa sau khiến tinh thần cầu thủ bị lung lay ngay. Bởi cầu thủ khi nghe sẽ có được nhiều tiền thì lập tức đá giữ chân nhằm tránh chấn thương, thậm chí không thể đá đúng sức mình vì đầu óc cứ mải nghĩ đến viễn cảnh màu hồng sắp tới!

Như khi mùa giải 2009 đang diễn ra, Antonio từng báo với chúng tôi là anh ta được một đội bóng hạng nhất phía Bắc sẵn sàng trả 800.000 USD phí chuyển nhượng cùng mức lương 10.000 USD/tháng. Đây thật sự chỉ là giá ảo mà người ta đưa ra nhưng khiến Antonio phải suy nghĩ. Đó là lý do có thời điểm chân sút ngoại này chơi không tốt khiến chúng tôi buộc phải nói rằng “anh còn hợp đồng đến ba năm nữa, muốn ra đi ngay cũng không được. Còn nếu muốn, anh phải thi đấu cho tốt”. Hay trường hợp của Việt Thắng, trong khi hợp đồng với ĐTLA vẫn còn hiệu lực, anh ta đã phát biểu đầy trên báo chí về những CLB muốn có anh với giá cao. Song song đó thì trễ nải trong tập luyện và thi đấu khiến chúng tôi phải tuyên bố nếu còn như thế sẽ kỷ luật mới tạm yên.

Cách chi phối như trên rõ ràng làm khó các đội bóng trong việc quản quân. Như chúng tôi muốn có Phan Thanh Bình, tôi gọi điện thoại nói chuyện thẳng với anh Đoàn Nguyên Đức và anh đồng ý ngay, chứ không hề tiếp xúc riêng với Thanh Bình để có những tác động có lợi cho mình.

* Việt Thắng là một cầu thủ giỏi. Ông không hối tiếc đã để Việt Thắng ra đi?

- Chúng tôi không thể trả quá 2 tỉ đồng cho một cầu thủ, trong khi Thắng đòi hỏi cao hơn và các đội khác cũng sẵn sàng mua giá cao. Vậy thì nên chúc mừng cậu ấy. Chỉ có điều tôi vẫn còn giữ những bài báo Việt Thắng từng phát biểu trong thời điểm khó khăn mà chúng tôi dang tay ra với cậu ấy rằng: “Tôi sẽ mãi thuộc về ĐTLA”. Vậy mà khi nhiều đội bóng muốn có cậu ấy, Việt Thắng đã hành xử không chuyên nghiệp là vào sân thi đấu không tích cực.

* Ông thấy bóng đá VN sau bao mùa làm chuyên nghiệp đã chuyên nghiệp đến đâu?

- Tôi thấy vẫn chưa thể lấy bóng đá nuôi bóng đá như cách làm của thế giới. Sân Long An dày đặc bảng quảng cáo là thế nhưng bán vé cũng rất khó. V-League đâu có mấy đội kiếm hàng tỉ đồng từ tiền bán vé vào sân như Hải Phòng, vì lượng khán giả vào sân không nhiều nên nhiều nơi còn phải mở cửa miễn phí. Chừng nào bóng đá VN có thể bán vé vào sân giá cao 30-40 USD như các CLB nước ngoài thì mới tính chuyện chuyên nghiệp được, chứ giờ 1 USD mà người ta còn chưa thèm mua nữa mà.

* ĐTLA đã có một mùa giải 2009 đáng quên. Mục tiêu mùa tới sẽ như thế nào?

- Chơi bóng đá ai cũng nhắm đến chức vô địch. Chúng tôi luôn đặt chỉ tiêu lọt vào tốp 3 nhưng thực chất luôn muốn vô địch. Mùa tới chúng tôi cũng đặt mục tiêu như thế.

Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức: “V-League vẫn vậy, không khác nhiều lắm!”

Phóng to
Bầu Đức (bìa trái) - Ảnh: Sĩ Huyên
* HAGL chỉ đứng hạng 6 dù tăng cường Lee Nguyễn. Ông có bất ngờ với thành tích của đội nhà?

- Không vô địch đã là thất bại. Chúng tôi cứ nghĩ thêm một ngôi sao trong đội hình sẽ giúp đội thi đấu tốt hơn, nhưng không ngờ còn nhiều thứ khác phải tính đến nếu như muốn đăng quang. Đó là phong độ của các cầu thủ còn lại, mối liên kết giữa các cầu thủ ngôi sao hay cá tính với nhau, HLV chỉ đạo trận đấu thế nào...

* Vậy thất bại đó có phải vì HAGL vấp phải sự đầu tư mạnh mẽ từ các đội bóng nhiều tiền khác?

- Không thành vấn đề với tôi. Quan trọng là chúng tôi đã thi đấu không đúng sức mình trong nhiều trận đấu vì nhiều lý do.

* Vậy còn thông tin các cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ Thái Lan lẫn HLV Dusit thường xuyên vi phạm nội quy sinh hoạt của đội? Chính việc đi nhậu về khuya có lần đã dẫn đến đánh nhau khiến Sakda bị thương và phải nghỉ thi đấu vài trận ở V-League?

- Cầu thủ HAGL không có chuyện vi phạm nội quy sinh hoạt. Còn cầu thủ hay HLV ra ngoài đi nhậu sau trận đấu là chuyện bình thường. Chúng tôi không thể buộc họ sống như những nhà tu, chỉ biết ăn và tập mà không đi đâu cả. Họ cũng cần được giải trí và thư giãn, có điều có những hệ quả không thể ngờ tới.

* Ông có nhận thấy đấu trường V-League đang ngày một khốc liệt?

- Tôi thấy vẫn vậy, không khác nhiều lắm. Nếu có thì do các CLB mỗi năm đầu tư mỗi khác mà thôi, đổ tiền vào nhiều hơn và mua sắm cầu thủ rầm rộ hơn.

* Không thành công ở mùa giải vừa qua liệu HAGL sẽ tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ ở V-League 2010 để lấy lại vị thế của mình?

- Chắc chắn là như vậy. Nhưng do chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghỉ ngơi sau một mùa bóng nên chưa thể công bố được gì. Mọi chuyện chỉ bắt đầu trong một tháng nữa, có điều tôi sẽ không tuyên bố sớm vì sợ sẽ hố như câu nói mùa trước: “HAGL có 98% cơ hội vô địch”. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ có những thay đổi mới như cách mà tôi vẫn làm trong những năm qua.

* Cụ thể là gì thưa ông?

- À, đó là chúng tôi sẽ thuê HLV châu Á nhằm cải thiện tình hình thi đấu của đội bóng, đặc biệt là vấn đề thể lực và chiến thuật nhằm có thể đạt thành tích cao ở mùa giải 2010. Thông qua các đối tác của mình, chúng tôi đang nhắm đến thị trường HLV ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận